Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

KHOẢNH KHẮC YÊN LẶNG

 Chiến tranh cũng có những khoảnh khắc yên lặng đầy chất thơ, nó làm cõi lòng những người lính chiến lắng dịu trong nỗi đau day dứt của sự mất mát, và nó cũng chính là những kỷ niệm sống động còn đọng lại trong ký ức của những người lính trở về sau cuộc chiến. Năm tháng trôi như thác đổ, cuốn cuộc đời con người lao nhanh về cõi hư vô, đôi lúc mỏi mệt, dừng lại một chút nghĩ về quá khứ để suy ngẫm, để đắn đo, để áy náy và cũng để mỉm cười, đó cũng là lúc ta thấy cõi lòng mình lắng dịu.
   Trời cao nguyên mùa này cao vời vợi, những ngày mưa dầm dề đã qua và màu xanh đã trở lại trên những ngọn đồi xám xịt, lở lói vì những hố bom sâu hoắm, nếu không có tiếng ì ầm của mấy chiếc máy bay trinh sát thì khung cảnh thật hữu tình. Phía những dãy núi bao quanh lòng chảo, màu xanh lam ngút mắt chạy dài về phía chân trời, ở đó có những áng mây thanh bình đang lững lờ trôi về phía mặt trời lặn.
    Tôi được lệnh đến một đơn vị công binh nhận quân, thiết kế và xây dựng một số trận địa phòng thủ pháo mặt đất. Tưởng là công binh nhưng khi đến nơi hoá ra là một đơn vị dân công, một đại đội, toàn nữ với mấy ông già, hai ba ông choai choai. Gọi là đại đội nhưng thực ra chỉ có khoảng bốn chục người. Tôi phải đưa họ đến một số khu vực định sẵn để đào các công sự pháo phòng ngự. Toàn quyền quyết định, lúc nào hoàn thành công việc thì về. Bỗng nhiên thấy mình giống hệt ông bộ đội trong phim Lửa trung tuyến, nhưng cũng giật mình đánh thót cái như dẫm phải lửa. Đã đành họ cũng có tổ chức riêng, tiểu đội, trung đội, đại đội đàng hoàng, thậm chí có cả chi bộ nhưng kiểu gì cũng là dân, khó bảo lắm. Hôm đầu tiên đến nhận quân, mấy chục cô vừa xấu vừa đẹp, vừa đen vừa trắng, vừa cao vừa thấp thấy mình lò dò ngó ngiêng thì ào ra bao vây ông bộ đội còi, cười như tây đen, líu la líu lô thứ tiếng nghe phát hoảng, nửa tiếng Kinh, nửa tiếng…. Mường nói giọng Thanh hoá, thôi rồi, điệu này xong đời thằng mục, ông nói gà bà nói vịt bao giờ mới xong nhiệm vụ? Hoá ra tôi lo hão, sau này mới biết, các nàng nói tiếng Kinh còn sõi hơn mình!
   Về hậu cứ sắp đặt chỗ ăn ở xong xuôi thở đánh phào cái, có phải chuyện đùa đâu! Xin lỗi chứ cái chỗ đi ngoài của chị em cũng phải lo chứ không như mấy ông đực rựa vác cái xẻng hoặc cứ quận công là xong, lại còn chỗ tắm rửa, vệ sinh chị em, khói lửa nấu cơm .. vv.. trăm thứ bà dằn. Hơn hai chục tuổi đầu, phải làm những cái việc ấy nên mặt mũi chóng cũ, nhăn như cái mo cau!
    Lần ấy dẫn bốn cô cán bộ trung, tiểu đội đi thực địa, đi chừng nửa ngày thì tới trận địa, chỉ trỏ làm cái gì, làm thế nào, phác hoạ công sự, phân công xong thì trời tối, về hậu cứ không kịp, bàn nhau thôi ở lại mai về. Tìm được hai cái hầm là yên tâm không sợ bom toạ độ, nấu nướng cơm nước xong xuôi đến đoạn đi ngủ mới giật mình có hai hầm bé tẹo mà năm tên một trai bốn gái. Điệu này chắc phải ngủ chung là cái chắc, lo toát mồ hôi hột mà trời thì sương giá, lạnh như cắt, đánh liều bảo bốn em chịu khó nằm một hầm to, anh nằm hầm nhỏ nhé. Nói thế chứ làm gì có hầm nào to nhỏ hơn nhau, nói rồi bỏ chạy một mình về hầm rồi rải tăng rải võng chuẩn bị khò.
Đêm cao nguyên lạnh lẽo trong sương giá. Khi bóng tối bao phủ không gian thì cảnh vật bắt đầu trở nên huyền bí, màn đêm đen đặc như có thể cắt ra từng miếng . Những phút giây yên tĩnh ở chiến trường luôn ẩn náu một sự đe doạ đáng sợ, những mối hiểm nguy vô hình. Tôi nằm im lắng nghe hơi thở của đất, tiếng thì thầm của rừng, tiếng côn trùng thổn thức, tiếng lao xao của những giọt sương rơi trên tán lá, tiếng thở than của dòng suối nhỏ đang thong thả chảy qua khe đá, điệu nhạc của thiên nhiên hài hoà như một khúc tình ca bất hủ. Tôi dỏng tai nghe ngóng động tĩnh từ phía đối tác, luôn trong tư thế đề phòng các quý cô nương lấy cớ sợ rắn để lấn chiếm lãnh thổ, có vẻ yên tĩnh lắm và tôi yên tâm khép đôi hàng mi nặng trĩu bước vào giấc ngủ.
Yên tĩnh như chưa bao giờ yên tĩnh hơn, nửa đêm về sáng, tôi giật mình chợt tỉnh khi cảm nhận được hơi sương lạnh buốt thấm qua gò má, cái lạnh tê buốt không ngăn được cảm giác ấm nồng hai bên sườn, trong bóng đêm, có vẻ cái gì đó như mùi hương con gái nhè nhẹ lan toả trong hai cánh mũi đang nhấp nhổm hà hít. Phía bụng dưới tôi cảm nhận rõ ràng có cái gì đó nặng chịch đang gác qua ,một sức nóng dữ dội từ đó đang âm thầm đốt cháy chiếc quần quân phục dày cộp, bỏ mẹ, tôi nghĩ, con trăn, chỉ có con trăn mới to thế này và không khéo nó quấn chặt tý nữa thì gãy xương, nhưng nghe nói trăn máu lạnh, làm gì ấm nóng đến vậy. Để kiểm tra, tôi nhẹ nhàng đưa tay xuống phía dưới xoa xoa và bắt gặp một cái bắp đùi mềm mại trong một lớp vải mịn màng khác hẳn kaki tô châu của lính. Nó đang gác lên đúng cái chỗ không đáng gác nhất. Lúc này, phía đũng chiếc quần lính của tôi đã bốc cháy dữ dội, thủng một lỗ to tướng. Để chắc ăn, tôi lần tay lên phía trên và chạm phải một cái gì đó giống như mo cau cứng quèo hình chóp nón xộc xệch, phía bên kia cũng hình thù như vậy nhưng mềm mại hơn nhiều. Nó đang dỏng lên mà không có mo cau đi kèm, tròn trịa, ấm nóng, vừa cứng vừa mềm, nhất là cái gì đó ở chính giữa, thôi chết rồi, đúng là tôi đã nghi ngờ không lầm, thảng thốt, tôi vội hét thật to trong bụng: Ối chính trị viên ơi! cứu em với! Chả có ông lãnh đạo Đảng nào  ở đó mà nghe được tiếng tôi hét cả, vì vậy, mặc cho lửa đang cháy phừng phừng, tôi nhỏm dậy bật đèn pin tóm hai cô đang nằm hai bên lôi dậy hét nhỏ: ối trời đất ơi! Các em làm cái gì thế này, sao lai sang đây hả trời! Hai cô gái mắt nhắm mắt mở đưa tay ngang mắt che ánh sáng từ chiếc đèn pin rồi nói: anh làm gì mà ầm lên thế! để yên cho bọn em ngủ. Rồi tính nằm xuống ngủ tiếp nhưng lại ngồi dậy bảo : Bên kia bốn đứa chật lắm, không có chỗ nằm, anh định cho tụi em ra ngủ rừng à? Mà sao anh lại đốt cháy cả quần thế kia! cởi ra mai bọn em vá lại cho, thôi bây giờ cứ ngủ đi, bọn em mệt lắm rồi. Lại còn thế nữa! chưa cởi đã chết rồi, cởi ra thì chết luôn chứ sống làm sao? Trong ánh đèn pin le lói, tôi nhận ra ánh phản chiếu lấp lánh của chiếc răng vàng, đích thị cô này là cô gái tên Chanh, một cô gái to béo và trắng như cục bột, cô có cặp má bánh đúc và cái mũi tý hin, con gái nhưng chơi một chiếc răng vàng và lúc này, nó đang chiếu toả một thứ ánh sang nhấp nháy từ chiếc đèn trên tay tôi, cô bé lại nằm vật xuống ngủ, vô tư thở phì phào. Cô gái thứ hai đã e thẹn quay mặt vào vách đất, kín đáo chỉnh đốn trang phục, có vẻ như em đang giả bộ ngủ. Có một cô gái trong đoàn, là trung đội trưởng và có một cái tên khá lạ, nàng bảo cha mẹ đặt cho là Giâm, trong nghĩa giâm cành, ươm giống chứ không phải là dâm trong dâm dật hay dâm bụt, một loài hoa hàng rào. Em có vóc người nhỏ nhắn ,khuôn mặt phúc hậu, thật là trắng và đôi mắt biết nói long lanh dưới hàng mi cong vút, nhìn nàng đôi lúc tôi tự bảo, cô này về thành phố, tỉa tót tý nữa thì gái phố còn xách dép!
   Lúc này, trong tâm tưởng của mình, tôi lạy trời lạy phật để cô gái đó chính là cái thân thể cong vút đang toả hơi ấm bên tôi, rất nhẹ nhàng, tôi xoay ánh sáng chiếc đèn về phía em, chỉ vừa đủ để nhận ra lời cầu khấn của tôi đã hiệu nghiệm, đó chính là em, tôi hí hửng nhận ra mấy cái quờ quạng của tôi lúc trước là từ phía em, có thể lúc này, tôi lại nằm xuống, giả vờ ngáy và lại quờ quạng tiếp, lửa cháy lâu quá nên đã bắt đầu nguội lạnh, tôi tỉnh táo hơn và cho rằng không nên, vì tư cách của mình có thể vì việc đó mà hư tổn nghiêm trọng. Thật là dại dột và đáng tiếc vì sau đó, tôi được biết rằng không biết có phải là tập quán hay không nhưng hành vi trai gái nằm úp thìa vào nhau vào một thời điểm nào đó là khá phổ biến đối với họ, điều đó cắt nghĩa vì sao, hai cô gái tự nhiên chui hầm nằm với tôi như không có chuyện gì sẽ xẩy ra, họ không tin điều đó có thể làm mình mất đứt một năm quân trang!
Thời gian còn lại ,tôi không thể ngủ được nữa, ngồi bó gối lắng nghe cơ thể mình từ từ lắng dịu. Tiếng chính trị viên dặn dò trước lúc lên đường cứ véo von bên tai. Lúc này mới cảm thấy thấm thía làm sao, công nhận ông giỏi, đã cảm nhận được cái khí thế hừng hực của tuổi trẻ trong những tình huống quân dân tương phùng, tuy nhiên vì chủ quan , ông chỉ muốn ngăn chặn tình huống từ một phía, trong khi hiểm nguy lại xuất phát từ phía ngược lại. Về sau, mấy anh máu me trong đơn vị cứ bảo mày ngu, phải tay tao thì… Chẳng biết thì làm sao?
*
   Tôi với em ngày càng thân thiết hơn. Em kể tôi nghe chuyện gia đình, chuyện đi học, nỗi sợ hãi đạn bom, chuyện nhớ nhung quê nhà. Tôi bày đặt an ủi em bằng lời lẽ của kẻ từng trải, mặc dù chính mình, tận sâu trong đáy lòng, tôi vẫn là kẻ đa mang nỗi niềm thương nhớ quê nhà, bởi đã gần năm năm, tôi vẫn là kẻ tha hương, chưa một lần được bước chân qua biên giới! Em lo lắng, chăm sóc tôi những điều nhỏ nhặt như cơm nước, giặt dũ, Tôi tưởng bở nghĩ chắc mẻng này yêu mình chăng, chờ đấy rồi biết!
Chúng tôi cố gắng hoàn thành trận địa thứ nhất sớm được vài ngày theo kế hoạch. Tôi cho đơn vị hành quân về hậu cứ nghỉ ngơi lấy sức chuẩn bị đợt tiếp theo. Có thời gian rỗi rãi cũng chẳng hay ho lắm, nhàn cư vi bất thiện, chả có việc gì làm các nàng quay ra ôm nhau khóc ty tỷ, mình phải làm công tác động viên tư tưởng, nêu cao phong trào văn hoá văn nghệ. Chả ai ngu như thằng tôi, chiều về vác cây đàn ghita gẩy pừng pừng, chỉ độc có ba giây trầm là còn trụ lại được. Hết làng tôi quay ra nhạc sến, cứ rống “ Ai đến xứ hoa đào…”  "Làng tôi có cây đa cao vút tầng mây, có sông sâu lờ lững vờn quanh, làng quê êm đềm..." rồi đến nhạc Ngoại “ Từ trên đỉnh núi Chi ta xa vời, mùa tuyết vẫn rơi phủ đầy trời….không may gẫy tay rồi….” v…v. Cứ ba dây mà chơi, hết pựng pừng pứng lại pứng pừng pựng. Âý thế mà các em khoái, bá vai bá cổ, đeo cứng sau lưng, thằng bé tưởng bở cứ ra sức gào, một lúc sau quay lại nhìn chả còn em nào, quái đi đâu hết cả, quẳng đàn đi tìm hiểu thực hư. Nhìn vào trong hầm cứ há hốc cả mồm, cả trai cả gái lẫn lộn nằm úp thìa vào nhau khóc như cha chết, lạ cái mấy thằng ôn con nằm trong đó không bị cháy đũng quần như mình, đã định bảo dịch ra cho tao nằm với xem cảm giác kiểu bầy đàn ấy nó ra làm sao nhưng nghĩ lại lời chính trị viên dặn dò nên tặc lưỡi hét, các bạn làm cái gì thế này, dậy dậy, dậy ra nấu cơm ăn. Nó lại càng khóc tợn, thôi kệ  cho chúng mày khóc, làm sao được, nó khóc mãi phải chán mà ngủ cho yên chuyện.
Cái cảm giác ngày nào trong căn hầm nhỏ thấy nó hay hay mà không biết làm cách nào tái diễn, một hôm phát hiện ra các em nghe tiếng bom nổ ở đâu đó là sợ rúm vó, ôm cứng lấy nhau, thế là tôi ranh mãnh làm một phép thử. Một hôm lờ vờ làm gì đó, chờ xem máy bay địch chuẩn bị oanh tạc một nơi gần gần, khi chiếc ép bốn bổ nhào thì lò dò ra đứng cạnh em, mình thông minh thật, oàng một cái là bị ôm cứng, gỡ mãi không ra, quen rồi, tiếng bom nổ từ xa coi như chẳng có, cứ thế mà thưởng thức hương vị nồng ấm, mềm mại, chỉ tiếc lần nào cũng vậy, chỉ cảm nhận được từ phía sau lưng, mấy lần xoay đằng trước ra đều hỏng cả!
Nghỉ ngơi mấy hôm rồi đưa cả đoàn đi làm tiếp. Lần này ở gần hậu cứ chứ không phải đi xa, đã dặn đi dặn lại phải nguỵ trang cẩn thận, Dân công mà ,cực kì lộn xộn, đi lại ,cười nói oang oang, đào cái hầm pháo to tướng, đất đỏ hắt tung toé, bảo chặt cây nguỵ trang thì chặt cây to đổ ầm ầm, thằng trinh sát L19 vè vè bay đến, nó quay hai vòng thì bắt đầu bổ nhào bắn pháo khói. Tôi vội vàng hét gọi tất cả chạy theo mình xuống con suối phía dưới, chạy được chừng hơn năm chục mét thì trận địa bị hai thằng T28 lao xuống ném bom dữ dội. Rúc đầu vào bìa đất tôi hốt hoảng nghĩ bụng, còn đưa nào ngu không chịu chạy thì chết là cái chắc, điệu này dễ bị kỉ luật lắm đây. Vậy là lò dò đi dọc theo dòng suối kiểm tra quân số. Phía trên trận địa, bom vẫn nổ, khói lửa mù mịt, cú yên tâm khom lưng mà đi, khói thế làm sao nó nhìn thấy mình mà sợ.
Khi đợt oanh tạc chấm dứt thì tôi gào thu quân, đám người nhếch nhác, đầu tóc bơ phờ, mặt mũi tái xám lục tục chui ra từ đủ mọi ngóc ngách. Tôi lắc đầu ngán ngẩm, vừa thương vừa giận, họ đã có một bài học đáng sợ về kỉ luật chiến trường. Sau trận này, chắc chẳng đứa nào dám không nghe lời.
Về hậu cứ, các trung tiểu đội kiểm tra quân số lần nữa thấy thiếu mất ba người, tôi vội vàng quay lại trận địa kiểm tra, cùng một vài cô gan dạ nhất, chúng tôi bới từng lá cây ngọn cỏ tìm mà không thấy ai cả, suy đoán đúng nhất lúc này là họ đã bỏ chạy xa quá và bị lạc. Tôi bảo mọi người, lấy tinh thần xung phong, hai người đi theo tôi để đi tìm. Bé Giâm lấy cớ cán bộ gương mẫu,giơ tay xung phong, em chỉ định một người nữa rồi chúng tôi lên đường.
Sự sợ hãi đôi lúc làm cho con người ta có những hành động mà khi bình thường không ai làm được. Ba người kia đã tuông gai góc bui bờ, chạy ngược dòng suối đúng như tôi dự đoán, tìm mãi đến gần nửa đêm mới thấy các con giời đang rúc vào một khe đá, sợ đến nỗi không dám thở mạnh, thở to quá sợ máy bay nghe thấy!
Đúng lúc đưa quân trở về thì trời mưa như thác, trong phút chốc, con suối ngập nước, dòng lũ quét ào ào đổ xuống như vỡ đê. Vậy là đêm nay không thể trở về được nữa, chúng tôi tìm tạm một cái hang nhỏ ẩn náu, chờ nước rút.
Ngoài trời vẫn mưa, không gian ảm đạm trong cái lạnh tê tái. Tôi và em lại ngồi bên nhau trong một đêm không ngủ, nói đủ thứ chuyện. Lần này không có chỗ để nằm và cũng không còn thời cơ tù mù ngái ngủ như lần trước, chúng tôi trở về là một đôi quân dân tình nghĩa. Tôi hỏi em hôm đó, tôi có hành động gì trong sự mơ ngủ làm tổn thương đến em không, nếu có thì anh cực kì xin lỗi. Em thủ thỉ những lời ngọt như mật ong Sơn tây rằng nếu có gì thì cũng không phải lỗi tại anh, rằng em mới là người có lỗi vì chính em mới là người chủ động, em rất quý tôi và một trăm những lời có cánh khác mà thằng tôi trong một lúc phổng mũi đã không còn nhớ được nữa. Tôi tưởng bở mới ngiêng đầu qua hỏi, thế em yêu anh à, rồi hí hửng chờ một lời xác nhận. Em nhìn tôi như nhìn thấy thằng dở hơi rồi bảo, em có chồng rồi, chưa cưới nhưng bố mẹ đã nhận trầu cau, đợt này về thì cưới, anh ấy làm trên huyện, không phải đi bộ đội, em mới gặp anh ấy vài lần. Em chỉ quý anh thôi không yêu theo kiểu trên phim đâu, tôi hỏi vậy chứ sau đợt này, anh trở về đơn vị, em có nhớ anh không. Không cần rào đón gì em bảo có chứ, nói rồi em bảo em sẽ ôm anh một lần cuối, về sau chắc không còn cơ hội nào nữa, khi nào hoà bình, anh nhớ về thăm vợ chồng em, quê em ở Ngọc lặc anh đi đường ấy đường ấy, hỏi thăm nhà ấy nhà ấy là tới, nói rồi em vòng tay qua ôm, tôi cũng vòng tay ôm em thật chặt như hai anh em vậy.
Chúng tôi ngồi như vậy cho đến khi trời sáng, nước đã rút bớt và chúng tôi lên đường trở lại trước khi chết đói, tôi sực nhớ là cả ngày chưa được ăn gì và đã đói meo. Trận địa đã không còn sử dụng được. Tôi về đơn vị báo cáo và nhận lệnh trả quân. Tôi đưa đội quân láo nháo ấy trả lại cho đơn vị công binh chủ quản. Cuộc chia tay khá cảm động, họ bày tỏ tình cảm theo kiểu cách khá mộc mạc nhưng vì thế mà thật đáng quý. Tôi trở về đơn vị, mang theo những cảm xúc tốt đẹp về họ, những cô gái dân công hoả tuyến, họ chỉ là những người dân, là những cô gái chân yếu tay mềm vậy mà trong lửa đạn chiến tranh, họ đã dũng cảm vượt qua được, điều đó thật đáng quý. Trong những tình huống của cuộc chiến, mọi điều đều có thể xảy ra, nhưng đó chỉ là dư vị cho chiến tranh thêm phần lãng mạn, nó góp phần làm chúng tôi đứng vững và trở thành những kỷ niệm, góp thêm giấm ớt cho món lẩu thập cẩm của cuộc đời. Năm một chín bảy ba, hiệp định hoà bình tại Lào được kí kết, trên đường ra Bắc có việc, tôi có dịp gặp em lần nữa. Em đã vá cái chỗ cháy trên chiếc quần quân phục của tôi bằng một miếng vải cắt ra từ ống quần con gái và nói, anh hãy cầm lấy nó, mặc được thì mặc, nếu không thì giữ lấy làm kỉ niệm. Ối giời ơi!!!

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

Chuyện nhỏ (tiếp theo)

*
* *


Không biết sao cha mẹ lại đặt tên mình như vậy nhỉ- Minh Tinh- tên gì mà cứ như một ngôi sao màn bạc ấy! mà mình có đẹp đẽ gì cho cam. Nhiều khi tự săm soi trong gương, Tinh thấy mình không được xinh gái, hay có thể nói là không sắc nước hương trời lắm, tuy nhiên khi xoay qua xoay lại vài vòng thì cô cũng gật gù tự khen, ừ , mặt mũi cũng tàm tạm, thân thể hơi tầm thước tý nhưng cái nào cũng đầy đủ. Phải cái là con gái mà lông nhiều quá, cái đôi lông mày này, sao quá tệ! cứ như hai con sâu róm chứ không phải hai cái râu con ngài cong cong cho dễ nhìn như người ta. Tinh đã nhiều lần muốn nhìn cái nách trên nách dưới của mình xem nó ra làm sao nhưng chịu, không vạch ra được. Cô hoảng hồn khi nhớ lại các bà cao tuổi thường bảo rậm râu thì đa dâm. Nhưng mình rậm lông thì có đa dâm không nhỉ? Mà đa dâm thì đã làm sao? Thời nay nam nữ bình quyền, tại sao cái điều đàn ông làm thì không thấy ỉ ôi gì mà hễ phụ nữ trải lòng mình ra một chút thì lắm chuyện. Cái quyền được sung sướng mà tạo hoá ban cho là của chung chứ! cứ riêng gì của mấy anh đực rựa. Hay là mình mang gien trội của bố nhỉ? Ông già ấy ghê thật đấy! Sắp về hưu mà gái vẫn nối đuôi nhau như xếp hàng mua gạo phiếu ấy! Cô gái mang cái tâm tư bùng nổ ấy vào một cuộc tình mà thằng đàn ông của cô đến với cô chỉ vì mẹ cô là một cán bộ có cỡ của cơ quan. Con đường hoạn lộ mà anh chàng cho là bắt đầu từ đó. Yêu con gái, và mẹ vợ tương lai sẽ ưu ái, trước tiên là như vậy, muốn leo lên nữa thì tính sau. Minh Tinh biết thừa toan tính của thằng này. Tuy nhiên cô cho đó là chuyện vặt, cứ trói nó lại đã rồi cũng sẽ tính sau!
Chuyện tình có tính toán cả ở hai phía thì phải kết thúc trong một đám cưới là chuyện đương nhiên. Chồng Minh Tinh được sắp xếp tham gia mọi khoá học từ bổ túc cho đến cử tuyển để hoàn thành học vấn cần thiết cho một cán bộ tương lai. Thực ra, trong một đơn vị như công ty này thì nếu không có trình độ chuyên ngành chỉ có nước làm bảo vệ. Vậy là chú chàng xoay qua học nghề công đoàn. Sản phẩm đầu tay của mối tình thực dụng là một bé gái èo uột nặng gần cân rưỡi. Cái làm cho họ lo lắng thực sự không phải cân nặng mà lại là cách ứng xử của con bé. Càng lớn nó càng có biểu hiện trầm cảm. Tinh bắt đầu thấy chồng có những biểu hiện đáng ngờ, đi đêm về hôm rồi cuối cùng là công khai quan hệ với một cô gái cùng cơ quan. Cô này chưa chồng, và có lẽ cũng khó lấy chồng, tuổi tứ tuần đến với một cô gái cũng giống như lửa đốt phía dưới, chạy cuống cà kê. Tinh không thèm chấp, mày dại cho mày chết. Khốn nỗi là đàn bà, Tinh vẫn có nhu cầu tình cảm như ai, chồng đi suốt ngày, về là chui đầu vào chăn ngủ, cô đã chọc, ngoáy. Kéo chăn, đuổi chuột v. .v.. đủ thứ mà nó cứ ngáy o..o . Thì còn gì nữa đâu mà chẳng ngáy! Tức lắm, thôi được, ta sẽ có cách. Cô nghĩ và tiến hành luôn. Cùng cơ quan, có một chàng vợ ốm đã lâu, nghe chừng cùng cảnh. Những tín hiệu được đưa ra, sự kết hợp mau chóng được tiến hành. Từ đó Minh Tinh thực sự hạnh phúc, cô trẻ hẳn ra, mặt mũi sáng ngời, các cụ ngày xưa bảo: “gái phải hơi trai…” . nhưng với cô đổi thành : “ nạ dòng vớ được hơi trai…” cấm có sai. Cũng hẹn hò, cũng caphê, nhưng điều mà mọi người thấy lạ là cô ta không thèm che dấu hành vi của mình, chắc là anh chồng kia sẽ gen chăng? Không hề, sáng nào anh ta cũng dậy sớm, chạy ra công viên Lênin ”tập thể dục”. Thế cũng chưa có gì lạ, lạ hơn là cả buổi chiều, đi làm về là vứt xe máy vào một góc rồi phi ra vườn hoa, ở đó đang có một bóng hồng héo đang chờ đợi. Xuân hạ thu đông bốn mùa không ngày nào nghỉ, ở nhà Minh Tinh cũng tự do hò hẹn, bà mẹ chồng ngẩn ngơ nhìn cuộc tình của con cái như của những kẻ xa lạ.
Chuyện tình của hai thế hệ, sự khác biệt nhận thức hay do sự thay đổi của thời thế, hay đó là khoảng cách thế hệ mà người ta hay nói tới, cứ đà này, thế hệ tiếp theo của các nhân vật có thật trong câu chuyện này rất dễ bỏ nhà đi hoang, sống kiểu bầy đàn, tình yêu chung chạ mà ta vẫn thấy đâu đó trên báo chí. Điều đó chẳng có gì lạ.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

Một số hiểu biết thông thường về rượu Tây

*
* *

Xin gửi đến các bạn một số kiến thức về rượu(Tây)mà tôi sưu tầm được. Hy vọng các bạn, dù được biếu hay đi biếu, hay tự móc tiền túi ra trả, biết thêm rằng mình đang dùng loại gì. Các bạn nào có thêm các hiểu biết khác xin góp ý.
1.Dòng rượu Cognac (các nhãn hiệu : Bisquit Dubouche, Camus, Courvoisier, Delamain, Hennessy, Martell, Otard, Polignac-Unioop,Remi Martin, Armagnac)
-3 Stars (3 sao, tương đương với V.S): loại rượu tương đối trẻ tuổi, từ 3 đến 5 năm. Giá rẻ, được tiêu thụ nhiều.
-V.S.O.P (Very Special Old Pale): Tuổi từ 7 đến 10 năm. Màu vàng nhạt. Đắt vừa phải nên khá phổ dụng trong cả giới bình dân và quý tộc.
-Napoleon: Tuổi trên 10 năm. Napoleon không liên quan gì đến hoàng đế Napoleon của Pháp, mà chỉ mang nghĩa là "Hoàng đế của các lò rượu".
-Cordon Blue, Anniversary, Reserve Prince Hubert: tương tự Napoleon.
-Extra, Extra Veille hay Grande Reserve: loại đặc biệt hiếm quý. Tuổi từ 45 năm trở lên.
2. Dòng rượu Whisky
a. Phân loại theo loại ngũ cốc
Whisky được bán trên thị trường dưới nhiều tên khác nhau, trong đó một phần là tên loại ngũ cốc được dùng để sản xuất Whisky:
-Malt là loại Whisky được làm từ mạch nha.
-Grain là tên loại Whisky được sản xuất từ lúa mạch mà thông thường là sử dụng thiết bị chưng cất cột được gọi là "kiểu Coffey".
-Rye là tên gọi loại Whisky chủ yếu được sản xuất từ lúa mạch đen, ít nhất là 51%.
-Bourbon là tên gọi loại Whisky chủ yếu được sản xuất từ bắp (ít nhất là 51%) và được chưng cất với tối đa là 81 phần trăm thể tích rượu, đổ vào thùng chứa với tối đa là 63 phần trăm thể tích rượu.
b.Phân loại theo quy trình sản xuất
Mặt khác tên gọi một phần cũng thể hiện rõ quy trình sản xuất của từng loại Whisky:
-Single là loại Whisky có nguồn gốc chỉ từ một lò nấu rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whisky của Scotland: Single-Malt-Whisky).
-Straight cũng là loại Whisky có nguồn gốc chỉ từ một lò nấu rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whiskey của Mỹ)
-Blend là một loại Whisky đã được pha trộn. Trong lúc sản xuất (blending) nhiều loại Whisky khác nhau từ nhiều lò nấu rượu khác nhau được pha vào với nhau. Trong một số sản phẩm có đến 70 loại Whisky khác nhau.
-Pot Still là loại Whisky được sản xuất chỉ dùng loại bình nấu cổ điển (thường dùng cho một số loại Whiskey của Ireland).
-Pure Pot Still là loại Whisky được sản xuất chỉ dùng mạch nha trong các bình nấu rượu cổ điển (thường dùng cho một số loại Whiskey riêng lẻ của Ireland).
c.Các tên khác
-Cask strength (độ mạnh thùng): Sau khi được trữ trong thùng người ta không cho thêm nước vào Whisky nữa để đạt đến một nồng độ rượu nhất định. Nồng độ rượu của những loại Whisky này khác nhau vì thay đổi tùy theo thời gian trữ, điều kiện môi trường, chất lượng của thùng chứa và nồng độ rượu của phần cất nguyên thủy.
-Vintage (năm sản xuất): Loại Whisky được sử dụng có nguồn gốc từ năm được ghi chú.
-Single cask (thùng riêng lẻ): Loại Whisky này có nguồn gốc từ một thùng rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whisky của Scotland).
-Single barel (thùng riêng lẻ): Loại Whisky này có nguồn gốc từ một thùng rượu riêng lẻ (thường dùng cho Whisky của Mỹ).
3. Dòng rượu vang pháp
-Trên một chai rượu vang thường có 2 chiếc nhãn: 1 chiếc nhãn rượu chính ở phía trước và một chiếc nhãn rượu phụ thường dán ở phía sau chai rượu. Mục đích của nhãn rượu là để cung cấp các thông tin chính xác cho mục đích thương mại nhưng bên cạnh đó thì một chiếc nhãn đẹp cũng sẽ thu hút được khách hang nhiều hơn. Trên nhãn rượu có những thông tin thuộc loại bắt buộc và những thông tin khác tùy theo người sản xuất. Tất cả các nhãn rượu vang lưu hành trên thị trường đều được Phòng chống hàng giả của Pháp kiểm soát chặt chẽ.
-ở châu Âu người ta xếp rượu vang thành 2 chủng loại: Les vins de table và Les vins de Qualité Produits dans des Régions Déterminées (VQPRD). Trong khi đó nước Pháp chia thành 4 chủng loại khác nhau từ thấp đến cao (hay nói một cách khác là trong mỗi chủng loại châu Âu còn có hai chủng loại nhỏ nữa) :
- Les vins de table
- Les vins de pays
- Les Vins d’Appellation d’Origine -Vins Délimités de Qualité Supérieure (AO-VDQS)
- Les Vins d’Appellation d’Origine Contrôlée (AOC)
a. Loại thứ nhất : « Vin de table » là loại rượu vang trên nhãn không có xác nhận rượu được làm ra từ một vùng đất nhất định với một loại nho xác định, cũng không có loại cây nho nào bị cấm dùng trong khi làm rượu cả, đồng thời cũng không có cả năm sản xuất.
b. Loại thứ hai: « Vin de pays » là một loại « Vin de table » mà trên nhãn rượu có ghi rõ vùng làm rượu. Loại rượu vang này có thể có năm SX nhưng nó phải tuân thủ theo rất nhiều điều kiện khắt khe mà ta sẽ nói tới khi có dịp. “Vin du pays” có nhiều gu rượu khác nhau, chia thành các loại: « des appellations régionales ; des appellations départementales ; des appellations locales ».
c. Loại thứ ba: «Vins d’Appellation d’Origine -Vins Délimités de Qualité Supérieure (AO-VDQS) » được xếp hạng từ năm 1949 bởi INAO ( Institut National des Appellations d'Origine), nó cho phép tiếp nhận các loại rượu vang có chất lượng cao mà không nhất thiết phải nằm trong hạng A.O.C. Để có thể đứng vào hàng AO-VDQS thì rượu vang làm ra phải tuân theo các quy định về vùng làm rượu, loại nho; phương pháp trồng nho, phương pháp làm rượu, sản lượng tính trên hectare, độ lên men tối thiểu của rượu. Cuối cùng là phải được nếm thử.
d.Loại thứ tư: « Vins d’Appellation d’Origine Contrôlée (AOC) » tiêu chuẩn cao nhất của rượu vang Pháp này được xác lập vào năm 1935 và đến năm 1947 thì INAO chính thức kiểm soát A.O.C. Bắt buộc phải tuân thủ theo các điều kiện vô cùng khắt khe và sau đó còn bị kiểm tra một lần nữa trước khi đưa ra bán trên thị trường. Các loại rượu vang A.O.C thật sự là đỉnh cao của nghệ thuật làm rượu của nước Pháp. Trên nhãn rượu bạn cần lưu ý phân biệt các thông tin sau đây: A.O.C, Milésime, Premier Cru, Réserve, Cuvée, Grand Vin… Tất cả các loại rượu A.O.C đều có chữ “d’Appellation Contrôlée” trừ loại nhãn của rượu Champagne.
Trên đây là các thông tin có thể thấy trên chiếc nhãn rượu chính ở phía trước, còn chiếc nhãn phụ ở phía sau lại thường là nơi nhà sản xuất cung cấp thêm thông tin cho bạn cùng những lời khuyên bổ ích khi thưởng thức rượu. Một dạng quảng cáo tế nhị mà thú vị.

CHUYỆN " TÌNH" CỦA TÔI

*
* *



Tôi đang kể cho các bạn nghe một câu chuyện, một câu chuyện “tình” hẳn hoi và có thật đến một trăm phần trăm bởi vì nó chính là câu chuyện của tôi. Nhưng có điều cần nói trước, phần chuyện có thật từng ấy phần trăm nhưng phần “tình” thì e rằng chỉ có một nửa - Người ta nói là “tình đơn phương” ấy mà- Nghe đau quá nên tôi bày đặt ra thế để trí trá cho khỏi xấu hổ. Nhưng tại sao đã biết xấu hổ mà lại còn viết? Bởi vì đó là một kỉ niệm đẹp-chứ sao- Một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời mỗi con người đều xứng đáng có một chỗ đứng để từ đó ta đi tới nữa, hay chạy tới nữa. Nó góp phần làm cuộc đời ta vui thêm, đẹp thêm ra. Để rồi một lúc nào đó nhìn lại,bằng một tiếng cười bật ra vui vẻ và khoan dung, ta thấy cuộc sống này quá đẹp so với những gì ta nhận thấy được. Và phải chăng, con người ta sống chỉ cần có vậy. Một cuộc sống đáng sống với những niềm vui nho nhỏ và bình dị ấy.
Thuở đó, tôi còn là một cậu trai lên chín lên mười. Lần đầu tiên tôi gặp ”nàng” là vào một buổi trưa nắng xế. Trời thành phố oi ả tiếng ve và chói đỏ hoa phượng. Vừa bước chân ra khỏi ngôi nhà mà tôi mới chuyển đến ở cùng gia đình. Tôi bắt gặp mấy cô cậu tầm trạc tuổi mình đang ngồi ngay trên thềm mà chơi bài. Rõ ràng là chúng đang cãi nhau. Cô bé ngồi gần tôi nhất có vẻ núng thế. Cái bộ mặt đỏ gay với đôi mắt ngân ngấn lệ ngước lên nhìn quanh. Khi trông thấy một cậu bé quá lạ là tôi đang đứng ngẩn ngơ, cô bé liền túm ngay lấy:
-Chính là chúng nó ăn gian phải không cậu?
Nào tôi đã biết nếp tẻ gì đâu.Nếu tôi nói không phải, hay chí ít là không biết, thì tôi chắc rằng những ngấn lệ kia sẽ trào ra ngoài đôi mắt xinh đẹp của cô bé. Mà tôi lại không muốn điều đó xảy ra nên ngay lập tức, tôi quyết định là sẽ bênh nàng:
-Ừ! Chúng nó ăn gian bỏ xừ.
Bé ấy liền hét to:
-Đấy, thấy chưa, mọi người đều trông thấy chúng mày ăn gian nhé!
Mọi người đây là chỉ tôi và mặc dầu chưa thuộc hết tên quân bài, tôi cũng ra sức bênh vực cô bé. Tuy vậy đôi lúc cũng cảm thấy áy náy vì mình không công bằng. Biết đâu chính cô nàng ăn gian thì sao? Nhưng rồi vì chiến lược tôi cho điều đó không quan trọng. Vì chắc chắn ở nơi mơí lạ này tôi sẽ có một đồng minh. Điều đó cần thiết cho một thằng bé như tôi, mới chân ướt chân ráo trở lại thành phố, mọi việc còn bỡ ngỡ, tìm một người bạn mới là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên ý định nóng bỏng đó của tôi bị dội ngay một gáo nước lạnh. Chúng không tiếp tục chơi nữa và bỏ đi hết, cả cô bé nữa, mà không thèm nói với tôi một lời. “Nàng” trả ơn tôi bằng một cái lườm dài dài rồi bỏ đi về phía tiếng ve trên những cành phượng hồng đầu xóm-Ra thế, hoá ra chính tôi là người có lỗi. Tôi buồn suốt cả một buổi chiều hôm đó vì nhận ra rằng chính mình đã làm gián đoạn cuộc chơi vui vẻ của các bạn. Nếu không có tôi can thiệp vào, chúng sẽ nhường nhịn nhau như mọi khi chứ sao.
Khi tiếng trống thùng thình của đêm trung thu tạm lắng thì tôi hăng hái đến trường. Hơi muộn một chút vì bố tôi còn làm thủ tục nhập học. Khi sự e ngại ban đầu lúc mới vào lớp qua đi, tôi nhận ra mình đang ngồi cùng bàn học với “nàng”. Thế là chúng tôi lại gặp nhau. Nhưng cô bé lạnh lắm. Chẳng nói câu nào cả, làm như chưa gặp nhau bao giờ nên tôi đành ngồi im re và cũng làm như chưa hề biết nhau vậy. Chiến tranh lạnh nổ ra kéo dài trong nhiều ngày, cho đến khi cái ngòi bút độc nhất của người rơi toạch xuống sàn xi măng rồi toẻ làm đôi, cong lên như cái lưỡi câu chùm. Và lần này, ngấn lệ lai dâng lên sóng sánh trong mi mắt “người lạ “. Đang giờ kiểm tra, bút hỏng rồi thì làm sao đây. Điểm kém là cái chắc. Tôi liếc nhìn sang bên ấy. Giọt lệ đã đầy và đang tràn ra, lăn dài trên gò má “nàng”. Tôi liền ra tay nghĩa hiệp, xuống giọng thì thào:
-Bạn lấy bút của mình mà dùng, đưa bút của bạn đây mình sửa cho.
Cô bé không đợi mời đến lần thứ hai, nàng vớ lấy bút của tôi rồi cắm đầu viết lia lịa một lèo xong bài kiểm tra. Còn tôi, tuy là khá khéo tay, tôi cũng chỉ nắn sửa cái ngòi bút ấy trong chừng mực có thể. Phần còn lại trong bài kiểm tra của mình, chữ tôi viết trông như đám giun đất sau cơn mưa. Kết quả điểm giảm đáng kể. Nhưng bù lại, tôi đã kết nối được tình bạn với “nàng”.
Thuở thơ ấu của chúng tôi êm đềm trôi trong những kỉ niệm vui buồn lẫn lộn. Nàng dạy tôi chơi bài và cười như nắc nẻ khi biết rằng, cái hôm chúng tôi gặp nhau lần đầu ấy, tôi đã bênh nàng mà chẳng biết ai đúng ai sai. Thậm chí còn chưa biết rô, cơ, bích, tép là cái gì. Nàng thầm thì thú nhận mình đã chơi gian và chúng tôi cùng cười như điên.
Tôi tự cho nàng là của riêng mình và phải trả giá đắt về điều đó. Một cậu bạn cùng lớp, một hôm đề nghị tôi giúp đỡ để làm quen với nàng. Hắn đã chạm đến lòng tự ái của tôi nên tôi đề nghị một trận chiến đấu tay đôi, kiểu như”Ba chàng ngự lâm” của A.Duma ấy. Hắn biết rõ tôi là một tay uýnh nhau cự phách nên đành rút lui. Một ngày nọ, trong giờ ra chơi hắn lại gần tôi và nói:
-Tao vừa học được một thế võ mới. Mày có muốn xem không? Bố tao vừa mới dạy đấy!
Vì là bố nó dạy nên tôi cũng muốn xem cho biết bèn bảo nó:
-Ừ! mày đi một đường tao xem nào!
Thằng bạn quý liền chắp hai tay lại với nhau, tạo thành một nắm đấm chĩa thẳng ra phía trước. Nhân lúc tôi không đề phòng, hắn lấy đà lao cả người với nắm đấm được tăng gấp đôi tống thẳng vào ngực tôi. Qủa đấm phục thù của nó đánh trúng vào trái tim ngờ ngệch đang bình thản đập làm nó nhảy ngược lên, mắt trợn tròn, cái cảm giác bị khó thở làm tôi đổ vật xuống nền đất. Nó làm ra vẻ vội vàng nâng tôi dậy và xin lỗi rối rít. Tôi biết là nó đang sướng lắm vì đã chơi tôi một vố. Kể ra tôi có thể tẩn lại nó một trận lắm nhưng tôi đã bỏ qua. Vậy là để bảo vệ “tình yêu “của mình, tôi đã phải trả giá. Và đó cũng chính là một bài học mà tôi nhận được bằng sự đau đớn của cơ thể để bảo vệ cho giá trị tinh thần mà tôi tự đặt ra.
Sự thâm thù của thằng bạn quý không chỉ dừng lại ở đó. Nó còn nhiều phen làm tôi điêu đứng. Chiêu độc nhất nó sử dụng là kế li gián. Nó khắc tên tôi và tên nàng lên một chiếc thước kẻ, khắc ngược- dĩ nhiên và không có dấu. Chờ khi có nàng và các bạn đông đông. Nó đưa tôi và bảo bôi mực in ra rồi sẽ có cái lạ. Tôi ngờ nghệch làm theo, trên trang giấy trắng hiện lên tên hai đứa rõ mồn một. Vậy là chiến tranh lạnh lại nổ ra. Bị các bạn gái chế giễu. Nàng cho rằng tôi đã cố tình làm điều đó. Còn tôi thì không thể giải thích được và đành ngậm đắng nuốt cay. Âm thầm nằm gai nếm mật chờ dịp may để làm lành với nàng.
Tuy vậy, sóng gió cũng nhiều phen nổ ra từ phía tôi. Có một lần tôi đã thề sẽ không bao giờ thèm nói chuyện với nàng nữa. Chuyện là thế này: Một buổi tối nọ, thằng tôi quá mệt sau những trò nghịch ngợm ban ngày bèn lên giường ngủ sớm. Đang say sưa thì bị bố gọi dậy. Có khách, vâng đó chính là nàng. Cô bé sang mượn sách. Tôi nhìn đồng hồ, gần mười giờ rồi chứ ít ỏi gì đâu. Trời đất ơi! Mượn về là còn học nữa. Sao mà nàng chăm học không đúng lúc vậy hả trời. Khi nàng ra về thì tôi bắt đầu bị đét đít. Bố tôi hét:
- Con nhà người ta giờ này còn đi mượn sách về học, còn mày thì đã lên giường đi ngủ. Học hành thế hả đồ quỷ sứ!
Tôi cho rằng vì nàng mà mình bị đòn oan. Ấm ức lắm. Mãi mấy tuần sau mới nhận ra sự vô lí của mình. Dĩ nhiên là chuyện bị đòn tôi dấu biệt, không ai hay biết gì. Từ đó, rút kinh nghiệm ,trước khi thần Mặt trời Heliox đánh cỗ xe của mình rời khỏi bầu trời là tôi hỏi nàng có mượn gì không, tôi cho mượn. Khỏi phải đi đêm hôm tăm tối. Đỡ cho tôi khỏi ăn mấy con lươn, còn nàng cũng đỡ mất công đi lại .
Kỉ niệm của chúng tôi thì còn dài dài. Nó đột ngột chấm dứt vào một ngày trời thành phố nặng trĩu những cơn mưa. Con sông mang mầu phù sa đưa nước ngập chìm khu gia binh bên bãi sông. Bố tôi quyết định chuyển nhà để tránh cảnh lụt lội. Đường sá xa xôi quá cho bước chân con trẻ. Chuyển nhà là chuyển cả trường. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau. Mỗi người đi con đường riêng của mình. Cho đến một ngày kia. Có một cái gì đó thôi thúc trong lòng. Tôi trở về thăm lại chốn xưa. Trước cửa nhà nàng, tôi thấy đèn hoa rực rỡ. Xác pháo thay cho hoa phượng rắc đầy ngõ nhỏ. Nàng không nhận ra tôi ngay. Còn tôi lại nhận ra rất rõ là dưới tấm khăn voan kết vòng hoa trinh trắng, mi mắt nàng lại đang ngân ngấn nước. Lần này nàng không cãi nhau với ai để tôi có thể bênh vực. Trước đây tôi không thể cầm lòng khi thấy mắt nàng rơi lệ. Còn bây giờ, hạnh phúc đang làm nàng vui ứa nước mắt. Từ tận đáy lòng mình, tôi lại mong muốn cho dòng lệ đó của nàng cứ rơi, rơi hoài, rơi mãi cho đến ngày cạn khô vì năm tháng chất chồng tuổi tác. Bởi vì, hạnh phúc, đó cũng chính là điều mà tôi hằng mong muốn đem lại cho Nàng- và cả các bạn nữa, thưa quý bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này.

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

Chuyện cũ viết lại

*
* *



Khi làn sương cuối cùng bay lên cũng là lúc thung lũng được chiếu sáng bởi những tia nắng đầu tiên. Chúng tôi đã thức cả đêm và lúc này, khi trời đã bắt đầu sáng, tôi mệt mỏi ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan khu vực. Con đường đèo hiểm trở vẫn mềm mại men theo sườn núi leo mãi lên phía trên. Phía dưới nó là con suối khá rộng, lổn nhổn những tảng đá lớn. Khi vượt qua con ngầm để tiến sang đoạn đường phía bên kia. Đoàn xe pháo của chúng tôi đã bị ngừng lại vì con đường tạm đã bị đoàn xe tăng đi trước làm sạt lở dưới sức nặng của hàng chục tấn sắt thép. Chỉ huy mặt trận lệnh cho các đơn vị công binh dùng ngay mấy xe gạo phía sau lấp chỗ sạt lở. Sau những nỗ lực cuả công binh, đoạn đường được vá tạm thời. Điều đó cũng chỉ đưa được thêm đoàn xe bọc thép vượt ngầm an toàn. Con đường tiếp tục sạt lở rộng và Đại đội pháo mặt đất của tôi đành nằm chết dí tại chỗ, nơi mà tôi đang ngao ngán đứng thở dài vì đã biết chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu trời sáng mà đơn vị không thoát ra được thì cầm chắc sẽ bị máy bay Mỹ oanh kích và đó chính là sự kết thúc.
Chúng tôi khẩn trương chặt lá ngụy trang lấp đầy xe pháo, điều đó là cần thiết nhưng xem ra chỉ để an tâm là đã cố gắng hết mức mà thôi. Trên con đường trống trải, lù lù cả một đoàn xe pháo to lớn như vậy thì không thể qua mắt được những tấm không ảnh hiện đại của không quân Mỹ. Hóa ra ,cuối cùng thì điều tôi lo lắng không chỉ có vậy. Nguy hiểm không chỉ đến từ trên không mà còn ngay trên đầu chúng tôi, những đỉnh núi lở loét đất đỏ và rải đầy dù pháo sáng.
Năm 1969 ,sau khi củng cố lại đơn vị tại Thạch thành ,Thanh Hóa. Trung đoàn 16 pháo binh mặt đất nhận lệnh hành quân tham gia chiến dịch giải phóng Cánh đồng chum, Xiêng khoảng trên đất Lào. Khác vói hồi 1968 hành quân vào B2 với pháo 85 ly nòng dài được kéo bằng xe zin 157. Chúng tôi được trang bị lựu pháo 122 ly kéo bằng xe bánh xích ATZ. Đây là một chiến dịch lớn và lần đầu tiên được thực hiện có sự tham gia của các quân binh chủng với hai sư đoàn 312 và 316. Chúng tôi ra trận mà lòng nhẹ tựa lông hồng. Từ cái loa của chiếc đài Orionton mà ông chính trị viên đeo bên người liên tục phát ra những nốt nhạc hào hùng của bài “ Việt nam trên đường chúng ta đi “ mà ca sỹ Doãn Tần trong một phút ngẫu hứng đã thể hiện khá thành công, và tiếng hát đó đã thúc giục không biết bao nhiêu chàng thanh niên miền Bắc trong đó có tôi đã quên mình quăng thân vào bom đạn mà không hề hối tiếc. Ngồi trên buồng lái chiếc xe xích đã từng tham gia công phá Berlin. Tôi vừa lẩm nhẩm hát theo bài hát vừa nôn nao nghĩ đến lúc cùng đơn vị xung trận. Cái thân bé nhỏ tả xung hữu đột giữa vòng vây quân thù cho thỏa chí nam nhi. Những cú xóc nâỷ người của chiếc xe bánh xích cứ như được ngồi trên lưng ngựa Xích thố phi ra giữa trận tiền. Thật là oai hùng!
Chúng tôi vượt biên giới trong một đêm mù sương. Bắt đầu từ đây, đơn vị hành quân theo từng trung đội hai khẩu một để đến vị trí tập kết. Trong đêm tối, tiếng xích sắt nghiến xuống mặt đường không át được thỉnh thoảng những loạt súng bắn ra từ hai bên sườn núi. Chúng tôi nằm rạp mình trên xe và bắt đầu thấy lạ kì cho một cuộc chiến mà kẻ thù là những cái bóng lẩn quất trong bụi rậm, thỉnh thoảng nhảy ra lia một loạt đạn rồi lập tức biến mất vào bóng tối. Chúng được gọi là phỉ Vàng Pao mà tôi thì bắt đầu ngờ ngợ cho cái háo hức bồng bột của mình. Nhất là khi tận mắt nhìn thấy lần đầu tiên vết thương đang tóe máu của đồng đội. Một quả lựu đạn US ở đâu đó trong bóng tối ném vào thùng xe và anh chàng trinh sát thiếu may mắn ngồi phía bên ngoài nhận một mảnh đạn vào cánh tay, tôi cũng không chắc là anh ta thiếu may mắn hay quá may mắn, vì với vết thương đầu tiên trong đơn vị, anh này được đưa ngay ra Bắc điểu trị , nhận một cái thẻ thương binh và về quê lấy vợ, thật là tự hào cho một đời lính đã đổ máu vì tổ quốc!
Vào đến vị trí tập kết thì tiểu đoàn bị thiệt hại tương đối nhẹ. Mất một khẩu pháo và hai chiếc xe xích của đại đội bạn. Đại đội của tôi may mắn còn nguyên vẹn và được đưa lên lĩnh ấn tiên phong trong mũi xung kích mà mặt trận tổ chức tấn công vào trung tâm Cánh đồng chum. Khi chiến dịch mở màn, mũi tiến công gồm một lực lượng tổng hợp gồm xe tăng T54, xe bọc thép AM, đoàn xe pháo mặt đẩt rầm rộ vượt đèo Bưởi, đèo Phỉ tiến vào trung tâm cao nguyên. Lực lượng đó taọ thành một mũi thọc sâu mà xem ra tính chất dọa dẫm nhiều hơn là một cú đánh thực sự, chỉ có điều người ta không tính hết được tính chất phức tạp của địa hình. Đoạn đường đèo này có cao độ gần năm trăm mét và trên các đỉnh núi phía trên đèo là các căn cứ của lực lượng đặc biệt Vàng Pao đang trấn giữ, vượt qua chúng mà không đánh thì là một quyết định hết sức táo bạo hoặc là một quyết định liều lĩnh chỉ có ở những anh chàng bạt mạng. Nói gì thì nói, thực tế là lúc này chúng tôi đang đối mặt với một tình huống phức tạp, mũi tiến công bị cắt làm hai và chúng tôi, đoàn xe pháo cồng kềnh đang chờ đợi một sự tàn sát hiển nhiên như đã nói ở đoạn đầu.
Khi tiếng động cơ ầm ào của chiếc máy bay trinh sát L19 vọng xuống thung lũng cũng là lúc chúng tôi nháo nhác tìm vị trí ẩn nấp. Dọc tuyến đường có những chiếc hầm cá nhân được khoét vào vách núi. Loạt bom đầu tiên từ những chiếc F4 lao thẳng xuống đội hình xe pháo của chúng tôi. Không biết vì sức ép hay vì đôi chân bỗng nhiên biến thành lò xo mà tôi thấy mình đang ngồi thọt lỏm trong góc tối của chiếc hầm tăng xê ẩm mốc, đôi tai ù đặc còn mũi mồm nghiến chặt chống chọi với làn khói đen khét lẹt mùi thuốc nổ đang xộc vào chiếc hầm bé nhỏ. Đã nhiều lần xem những bộ phim chiến tranh, bom đạn. Những tiếng nổ uỳnh oàng, những cột khói bom trên màn ảnh và những đoàn chiến xa ầm ầm đang xốc tới làm người ta liên tưởng rằng chiến tranh thật thi vị. Lần đầu tiên trong đời, tôi đang đứng giữa một trận oanh kích thực sự . Cũng không còn biết là mình đang cảm nhận được gì, chỉ biết giữa lúc những tiếng nổ chat chúa của những loạt bom tiếp theo đang xé nát không gian thì bỗng nhiên tôi nghe được âm thanh loạt soạt của những vật gì đó đang cắm sâu vào lòng đất chỗ tôi đang ngồi. Có cái gì đó cắm phập vào vách đất của cửa ra vào, tôi ngờ nghệch thò tay mó vào cái vật mà sau này mới biết là mảnh bom. Sức nóng của nó làm đầu ngón tay bỏng rộp, cái ngu đầu tiên thật ngớ ngẩn. Tôi tự mắng mình: Không cái ngu nào giống cái ngu nào!
Đến quá trưa thì trận oanh kích chấm dứt. Chúng tôi lần lượt chui đầu ra khỏi chỗ ẩn nấp. Cảnh tượng thật hoang tàn. Xe pháo của chúng tôi lúc này chỉ còn là những đống sắt đang âm ỉ bốc khói. Cái xe xích mà tôi vẫn cưõi và hình dung như con ngựa Xích thố của Quan Vân Trường giờ này đang tỏa ra những làn khói cuối cùng. Kéo theo nó toàn bộ quân tư trang của khẩu đội. Cái ba lô đời lính thì có gì quý giá mà phải luyến tiếc. Có điều sau này cũng đôi lúc dằn vặt tiếc nuối đôi chút vì đã không còn giữ được chiếc áo bông có cổ lông được phát từ hồi còn là học sinh trường Trỗi, cái hộp thuốc lá kèm bật lửa mua từ hồi ở Quế lâm bên Tầu và còn rất nhiều ảnh của những đám lâu la bồ Tây bồ Ta của một thời hoang dại. Con người thật kỳ lạ thân mình nhiều khi không tiếc mà lại đi tiếc nhớ những kỷ niệm, âu đó cũng là thuộc chất của con người vậy .
Sau khi kiểm tra xem xét thì khẩu lựu pháo 122 ly của khẩu đội tôi vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị cháy mất một mảng của chiếc bánh đặc bằng cao su nhân tạo. Khẩu đội bên cạnh còn nguyên chiếc xe xích nhưng nó cũng bị thủng két nước. Chúng tôi hồ hởi móc lương khô ra chén bởi vì đã nhịn đói từ đêm qua. Ăn xong đẫy bụng rồi mới bắt đầu tá hỏa vì khát nước, Anh em nhìn nhau rồi cắm đầu xuống suối mà nốc cái thứ nước còn sặc mùi thuốc bom và biết đâu, phía trên thượng nguồn còn có mấy cái xác chết đang thối rữa đang nằm chờ thời gian để được đưa trở lại lòng đất.
Hất khẩu AK ra sau lưng, tôi ngước nhìn trời đất và đột nhiên chợt thấy bầu trời hôm nay sao trong xanh đến vậy. Mây trắng bay như những dải lụa mềm quấn quanh sườn núi. Hoa ban nở trắng rừng. Trong nắng chiều đang nhạt dần tạo nên vẻ tinh khiết như vẻ trắng trong của thiếu nữ. Vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng thật là cảm hoài, một sự nhung nhớ vu vơ có vẻ như không hợp với khung cảnh đạn bom mà chúng tôi vừa trải qua. Trong bối cảnh như vậy, bỗng tôi thấy những bóng người mặc quân phục khác lạ đang nhảy nhót qua rừng cây đổ dốc về phía chúng tôi. Chúng ngày càng đông hơn và đang hò hét với một thứ ngôn ngữ nghe như tiếng cãi nhau ở một phiên chợ vùng cao. Tôi vội hét : “ Có bộ binh địch”. Mọi người cùng ngước lên nhìn theo hướng tay tôi chỉ, tình huống đã rõ. Đám quân địch chốt giữ trên đỉnh núi đang tấn công xuống. Chúng cho rằng chúng tôi phần lớn đã bị tiêu diệt sau trận bom vừa qua. Chúng nhao xuống để tịch thu chiến lợi phẩm và đếm xác mấy tay Cộng sản Bắc Việt lấy thành tích để còn lên cấp lên chức. Hóa ra ở đâu cũng vậy, bệnh ấy ăn vào máu rồi. Tây ,Ta hay phỉ cũng thế mà thôi.
Lúc này, chúng tôi chỉ còn chừng hơn mười tay súng. Chỉ huy cao nhất là một anh Trung đội trưởng, vốn dĩ là dân sơn tràng từng nổi tiếng với khẩu lệnh “ hướng tăng… tầm sang phải”. Trong pháo binh, điều đó tương đương với một sự ngớ ngẩn. Tuy vậy lúc này anh cũng xứng đáng là một sỹ quan được đào tạo chính quy. Anh ra lệnh : “Chúng mày bình tĩnh, mấy thằng kia lên xe vác khẩu mười hai ly bảy xuống đây, tất cả nấp vào sau các tảng đá, chuẩn bị chiến đấu, lúc nào tao hô bắn mới được bắn, lúc nào tao bảo chạy mới đựơc chạy. Thằng nào chạy trước chết đừng có trách, nhớ kéo khóa an toàn đấy”. Toàn lính chưa đánh nhau bao giờ, líu ríu làm theo lời anh mà mắt cứ lấm lét nhìn về hướng quân địch. Tôi vừa giúp anh kéo cái càng khẩu đại liên vừa lẩm bẩm “ Chết rồi thì còn trách ai được nữa mà bảo chạy trước thì chết đừng có trách”. Anh nhìn cái bản mặt dân thành phố của tôi rồi bảo :”Mày có sợ không”. Tôi lúng túng gãi đầu gãi tai:” - Ơ ơ ..em.. em ”. Nói sợ, ông ấy đi mach lại với chính trị viên thì toi mà nói không sợ thì chỉ có trên sách vở của mấy ông cán bộ chính trị, tuyên huấn. May mà ông ấy quay đi bảo:” Thằng nào mót đái thì cứ tè ra quần như tao đây này, tý nữa chúng nó xuống đến nơi thì liệu mà bắn không chết cả nút, hiểu chưa!”. Thằng nào sợ mà chẳng mót đái!
Tôi nín thở rê nòng súng theo đám mũ sắt nhấp nhổm đang rón rén tiến về phía đoàn xe pháo. Bọn này vẫn chưa phát hiện ra chúng tôi, may thế! Nhìn đám người đông như mối sau mưa đang nhảy nhót. Tôi tự nhủ mình đừng sợ nhưng cái cảm giác rờn rợn, kiến bò vẫn râm ran phía dưới xương cụt, thỉnh thoảng một luồng khí lạnh ở đâu đó trong tiềm thức nhảy ra len lỏi chạy dọc sống lưng lên đến tận đỉnh đầu. Không lạnh mà răng cứ đánh lập cập như mùa đông năm nào được hưởng cảnh tuyết rơi trên đất người. Cảm giác đó bỗng thay đổi khi những bộ mặt đen đúa, nhăn nhở nhét dưới những cái mũ sắt to hùm hụp đang ngày càng rõ nét hơn. Trên đầu tôi, ông Bê trưởng cũng đang rê nòng khẩu mười hai ly bảy về hướng đám lính đông nhất, rồi vừa kéo cò vừa hét “Bắn”. Tôi tưởng anh phải hét lên câu gì đó đại loại như “Các đồng chí, hãy trả thù cho đồng bào miền .. gì đó thân yêu “ hoặc “ hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn” chẳng hạn chứ. Hay cha này lo trong bối cảnh như vậy không có thằng nào nghe được mà hưởng ứng. Độc có từ “Bắn” ai mà chẳng hét được. Vậy thôi chứ nghe tiếng khẩu đại liên toang toác trên đầu thì tôi cũng mắm môi mắm lợi nhè vào giữa cái đám láo nháo bên kia mà kéo cò thật lực. Tiếng súng nổ rát rạt làm cái tính hiếu kỳ trẻ con của mình nổi lên, rồi cũng nhảy nhót hòn đá này sang hòn đá kia, nhằm vào cái đầu này cái bóng kia mà kéo cò, lúc đó thì còn ngắm nghía gì nữa. Tiếng la hét oai oái từ phía bên kia cùng với đủ lọai tiếng nổ tạo thành một mớ âm thanh hỗn loạn thật khó diễn tả. Tiếng súng bắn trả từ bên kia thưa dần rồi mất hẳn. Đám lính láo nháo không chịu nổi hỏa lực quá mạnh của chúng tôi bèn kéo nhau chạy, mà thực ra chắc gì chúng đã muốn đánh nhau thật, bao nhiêu súng ống vứt lại ngổn ngang trên mặt đất. Một trận đánh nhau gọi là ác liệt rốt cuộc cũng chỉ có vậy. Thằng này nhằm thằng kia mà kéo cò, bên kia có chết hay không thì cũng bất biết. Mà biết làm gì. Mình đẩy lui được nó, thoát khỏi tử thần vừa ghé thăm thì mừng còn hơn đào được vàng ấy chứ. Cái bọn lính người Mẹo này có đùa được với nó đâu. Sau này khi nói chuyện với anh em bộ binh sư ba mười sáu, họ nói rằng đánh với bọn này còn khó hơn lính Mỹ và lính Sài gòn, mà quân ba mười saú là quân chuyên đánh núi đấy. Nghe họ nói xong toát hết cả mồ hôi hột.
Hoàng hôn bắt đầu len lỏi sau những tán lá phía chân đèo. Vùng núi màn đêm thường buông rất sớm. Đối với chúng tôi đó là điều may mắn. Đêm che mắt quân thù và đêm cho ta sự tự tin. Trong cái khí thế như vũ bão của cuộc chiến. Kẻ thù dao động và hoảng loạn, chúng bắt đâù tháo chạy trên toàn mặt trận. Chúng tôi được lệnh gom chiếc xe và khẩu pháo còn lại. Chờ công binh sửa nốt đoạn đường bị hỏng rồi tiếp tục vượt đèo tiến vào trung tâm Cánh đồng chum. Ngồi trên chiếc xe cà khổ cứ hai ba cây số lại phải dừng lại đổ nước. Đêm hành quân dài dằng dặc và tôi bắt đầu biến thành một triết gia có cỡ. Trong tâm trí mình, tôi gật gù chép miệng chèm chẹp than thở cho nhân tình thế thái. Cuộc sống thật vô minh,chẳng có gì rõ ràng cả. Cái chết và sự sống cách nhau không quá một bãi nước bọt. Cái đúng và cái sai cũng chỉ do con người ta theo tiêu chuẩn của mình mà đặt ra rồi áp đặt cho người khác. Nay có thể cái này được tôn thờ, tung hô nhưng ngày mai thì có thể biến ngay thành tội đồ. Nay cái kia là đúng nhưng biết đâu ngày mai là sai. Chẳng có gì bất biến. Anh hùng và kẻ hèn nhát có gì khác nhau đâu. Cũng là một câu chuyện. Thêm thắt cho nó có mắm có muối , được bơm lên rồi thì thành này thành kia, đi cho nó đúng quỹ đạo thì thành một bản anh hùng ca được bao nhiêu người ngưỡng mộ.Thực tế trần trụi hơn người ta tưởng. Che đậy nó bằng những từ ngữ mỹ miều thì phải gọi đúng tên là bịp bợm. Đối đầu với cái chết, ai mà chẳng sợ,vãi cả đái ra nhưng ở đâu đó vẫn lên gân lên côt. Cũng nhiều thằng chết vì tin nhưng cũng nhiều thằng tỉnh táo biết sợ mà vượt qua đựoc. Âu đó cũng là “tri” vậy.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

"HÂM"

*
* *


Hâm, là từ viết tắt của từ “Hâm hấp”... ví dụ người ta nói:” cháu ấy, hay ai ấy hâm hấp sốt“ Tức là chỉ người bị nóng trên ba bảy độ. Khi cắt đi một nửa còn có “Hâm”, với một từ tương đương là “dở hơi “. Bà con nông dân nấu cám nuôi lợn lại gọi là “cám hấp” thì là dùng để chỉ người có hành vi không bình thường, khác lạ, chưa điên nhưng cũng sắp điên. Nếu để người ta nhận xét thêm lần thứ hai nữa thì ít nhất cũng phải vào bệnh viện tâm thần Mai hương để gấp rút chữa chạy, đừng để phải mang sang tận Châu quỳ thì khổ thân lại khổ cả vợ con. Âý vậy mà hôm nay mình bị gọi là hâm đến mấy lần, về nhà ngồi gật gù rồi cũng thấy: ừ có khi mình hâm thật. Thời buổi giá trị đạo đức bị lật ngược hết cả thì nó bảo mình “hâm” cũng còn là nhẹ, mà mình tự coi mình là hâm cũng là bình thường, trái khoáy thế!
Không phải khoe nhưng nhà nghèo bỏ mẹ đi vẫn có mấy cái xe máy cởi truồng. Xe không yếm thì gọi là xe cởi truồng chứ không lẽ lại gọi là xe không mặc áo! Buồn ăn bắp ngô luộc của cháu đầu phố cách có mấy bước chân cũng nhảy lên xe máy phi ra mua cho sướng. Thỉnh thoảng dở chứng như hôm nay chẳng hạn lại vác xe đạp ra đi. Đường phố đông nghẹt, leo cả lên vỉa hè mà lách, may về được đến nhà. Có xe máy chẳng đi lại đi xe đạp cho nó mệt, chẳng hâm à!
Đi được một đoạn, có ông đi xe SH chở mấy lẵng hoa rõ đẹp, toàn hoa phong lan nhập khẩu, giữa đường rơi lả tả. Điệu này chắc đi khai trương mở hãng hay được tặng nhân hội nghị xóa đói giảm nghèo nào đó đây, thương quá, tiếc hộ quá, bèn hộc tốc đạp đuổi theo để nhắc buộc lại cho chặt. Đến ngã tư đèn đỏ, may quá đuổi kịp quay sang bảo:” Anh bạn, hoa rụng hết dọc đường rồi kìa”. Cậu cũng trạc tuổi mình rồi đấy, cũng chẳng thèm quay lại nhìn, may còn lịch sự gầm gừ: ”Kệ mẹ nó, cho nó rụng”. Cũng gần hai chục cái xe đỗ chờ đèn đứng xung quanh, cũng có vài người nhìn thấy hoa rụng như mình nhưng không phải việc của họ, lúc này nhất loạt nhìn mình như nhìn thằng ngoài hành tinh! Có mấy cái miệng lẩm bẩm:”Rách việc, đồ hâm “. Đa số thắng thiểu số, vậy ra là mình hâm!
Một đoạn nữa, có cháu gái dắt cái xe máy Tầu tòng tọc, thỉnh thoảng dừng lại mím môi mím lợi đạp cái cần khởi động xòng xọc mà máy vẫn ì ra không chịu nổ. Mắt nó nhìn quanh tìm xem có chàng hiệp sỹ trẻ trung nào “giữa đàng thấy việc bất bình chẳng tha” mà nhảy vào giúp nó chăng, chẳng có ma dại nào. Thời buổi này ,có mấy thằng muốn làm Lục Vân Tiên mà mày mong. Mình ngứa tay quá, không lẽ để cháu nó dắt bộ, vậy là nhảy xuống: Đưa tao xem nào, dựng xe nó lên. đạp khởi động, kiểm tra xăng điện, chẳng sao cả. Điệu này chắc sặc xăng. Bèn chơi trò đẩy nổ, may nó nổ thật, khói đen mù mịt, chỉ khổ thằng già ngồi thở hồng hộc. Nhìn ra xung quanh lại thấy mấy cái mắt nhìn có vẻ thương hại:” rõ là chán, già mà còn hâm” con bé ấy nó nhảy lên xe vù ga đi, may quá nó còn gọi với” chú cầm xe đi không lại mất bây giờ” nó nhắc mình trông cái xe đạp mình dựng trên hè để xem xe cho nó đấy. Tốt thế! nó không nhắc thì có khi quên, không chừng mất cái xe về lại bị vợ mắng, vội nắm lấy tay lái mà đi, mừng quá quên cả cám ơn nó!
Mà sao dạo này báo chí đăng nhiều chuyện giật gân thế không biết. Bên Tây thì hết bom nổ lại đến rán người lấy mỡ làm mỹ phẩm. Bên ta thì toàn chuyện vớ vẩn. Nào là mẹ ném con ba tháng tuổi xuống giếng. Rồi người lớn vì ghen mà đâm kim vào thóp trẻ em.( Cái võ này chắc con mẹ nó học được khi xem phim Bao Công Tầu khựa đấy, tác dụng quá chứ còn gì) Tưởng bên Tây mới có kiểu hoa ông trồng được thì ông xài nhưng ở Việt nam mình cũng có đấy, có phải là cứ đạo đức Á đông thì không có chuyện đó đâu. Tục ngữ xưa có câu : “Đói ăn vụng ,túng làm càn”. Bây giờ, trừ phi thiên tai bão lụt, bất khả kháng mà sinh ra đói kém nhất thời, cục bộ thôi, mấy ai còn đói, Không đói vẫn ăn vụng, có khi lại càng no càng ăn vụng. No quá thì dững mỡ, không ăn vụng nữa mà là ăn cướp, Tham nhũng người ta kêu rầm rầm, người ta đưa chứng cứ mười mươi ra nhưng vẫn cười như Obama đi vận động bầu cử mà kêu còn xem xét. Còn dịch tài liệu ,còn này còn kia đến tết Tây đen.
Cha Trung thụt này chỉ được cái lắm chuyện, đồ thứ dân bày đặt lo này lo kia, cũng là một dạng hâm khó chữa đấy. Cả ngày bị mắng mấy lần hâm , có khi chuẩn bị ba lô đi Châu quỳ là vừa.

Chuyện vặt

*
* *


Mấy hôm nay Hà Nội chuyển mùa, tiếng Việt mình ít dùng hình tượng chỉ mùa, nên gọi là mùa thu mà chẳng biết các cụ có ý gì. Có nơi người ta thấy mùa thu là mùa cây thay lá nên họ gọi là mùa lá rụng. Hẳn là cũng đẹp lắm. Con cháu người Việt thì cứ nghe đến mùa thu là sướng vì từ bao đời nay cứ mùa thu là phải mát mẻ, dễ chịu. Biết bao nhiêu thi nhân đã cảm hoài về một mùa thu đất Việt mà sáng tác nên những áng văn thơ bất hủ còn lưu lại cho hậu thế, để mỗi khi cháu con đọc lại không khỏi cảm phục các cụ đã có những nhận xét thật tinh tế. Có vẻ như mấy năm gần đây, không biết vì lí do gì mà thời tiết cứ lộn tùng phèo lên hết cả. Xuân chẳng ra Xuân, Hạ chẳng ra Hạ, Đông không hẳn là Đông và nhất là mùa thu thì đặc biệt thay đổi. Nóng lạnh, nắng mưa, bão lụt thôi thì thi nhau hành hạ dân Việt. Làm cứ như không có những cái đó thì chưa đủ khổ hay sao ấy. Nói vậy là vì nhiều người kêu ca khó chịu với thời tiết lắm, mấy cái ông có bệnh lý về tim mạch lại càng khốn khổ, như cái thằng tôi lúc nào cũng phải kè kè cái túi đo huyết áp, nhỡ nó có bất ngờ tăng tốc thì cũng biết mà xử lí kịp thời. Thuốc thì dùng như ăn bắp rang bơ, thấy xanh đỏ tím vàng tưởng ngon nhưng không ngon đâu, như kiểu ăn bánh xà phòng, mất tiền mua ăn cho hết khỏi phí ấy. Nói loanh quanh từ nãy đến giờ chưa ra đâu vào đâu chắc mọi người nghĩ mình điên, mà đúng là điên thật, không điên cũng phải điên cho hợp thời. Thời buổi láo nháo, từ nhà ra đến cửa là bắt đầu điên rồi. Người đâu mà lắm thế, xe cộ nối nhau chạy dài như cục mỳ vằn thắn bị khuấy lộn xà ngầu. Chả trách Tây nó sang Việt Nam chỉ một lần là sợ chạy một lèo không dám quay trở lại, là vì nó sợ cái đoạn giao thông hỗn loạn đấy! Hôm nay có việc phải đi. Liếc ra ngoài đường thấy đông người nên nghĩ bụng vác cái xe đạp đi cho nó oách, chắc là an toàn hơn, lại đỡ tốn tiền mua xăng. Đi được một đoạn chợt nghe tiếng ké....et…et rợn cả người. Một cái bánh xe máy dừng cách xe mình hơn một micro met một tý. Hú hồn, tý vào bệnh viện “Mẹ mày, đi thế à.” Không phải mình chửi mà là hai thằng bé, nó chửi xong mới nhìn mình, thấy cái mặt già câng thì nó tắt cái miệng đang há to đang định chửi tiếp. Lại hú hồn vì nó chửi thêm câu nữa chắc mình nổi máu quá. Mà gấu lên với chúng nó thì chắc toi. Hai thằng nó ăn gì to vật vã. Cứ kêu sữa nhiễm Mêlamin rồi này kia. Nhưng chắc hai thằng này bú nhiều quá cái loại sữa mang về từ bên kia biên giới nên tẩu hỏa nhập ma, nó giơ cái đùi lên cái là hơi gió đủ thổi mình bay rồi. Đành nuốt cục nghẹn xuống rồi bảo:” Đi đường va chạm là chuyện thường, chưa cần nói đúng sai nhưng các cháu đừng nên chửi mới phải” Hai thằng giương mắt lên nhìn rồi nổ máy đi. Một thằng còn ngoái lại bảo: "chửi đấy, thì đã làm sao?” Nó cười hê hê rồi vù ga thững thững đi. Đan Mạch nó chứ, tức quá, bọn này láo, mình nghĩ bụng. Lại tự an ủi, ông bắt chước tay AQ người Tầu vậy. Mày chửi ông bằng mày chửi ông cụ tổ mày, tự phong mình lên làm cụ tổ chúng nó thì sướng quá, vừa đi vừa tủm tỉm. Chỉ thiếu "tay nhặt lá, chân đá ống bơ" nữa là người ta cho đi Châu Qùy. Là tự nghĩ trong bụng thôi, thấy nó đi rồi thì cũng vớt vát tý sĩ diện, giơ nắm đấm lên lẩm bẩm : “Đồ có dạy, chúng mày cứ dờ hồn, ông mà gọi bạn Quang xèng của ông về thì, ông ấy cho chúng mày dừ xương “ Cáo mượn oai hùm" tý cho nó oách, Bạn mình có về, rồi có ý định giúp mình thật thì cũng kéo bạn chạy cho nhanh. Ai mà biết chúng nó lận cái gì ở dưới yên xe máy ấy. Hàng nóng hàng lạnh, bây giờ chả thiếu, lên biên giới có mà loạn, người Tầu anh em cung ứng đầy đủ. Mấy cái thân “trẻ đã qua già đã tới “như tụi mình thôi đành dẹp cái vinh quang một thời đã qua lại mà “tránh voi chả xấu mặt nào” vậy. Mình mắng chúng nó là đồ có dạy chứ không phải đồ mất dạy chắc mọi người thấy lạ. Bởi vì nếu mắng chúng là đồ mất dạy không khéo nó đi kiện thì mình thua. Bây giờ thằng nào chả có bằng cấp đầy mình, bằng cấp thì có lỗi gì? Bây giờ người ta đang đòi phổ cập tiến sỹ. Đi mua thịt chó về nhậu gặp ông chân đất đứng cạnh mình cũng đừng có khinh. Có khi là tiến sỹ, giáo sư này kia đủ cả đấy. Ấy chết lại lạc đề, là tại vì cái sự học cả thôi. Học hành nhiều nhưng không chú trọng đến việc giáo dục nhân cách mới sản sinh ra loại người quái đản như vậy.
Bông phèng tý cho vui vậy nhưng thực sự đau lòng lắm. Trong chúng ta không ít thì nhiều chắc cũng có gặp phải những tình huống tương tự. Mà biết đâu lại chính là con cháu chúng ta cũng không biết chừng. Thôi thì việc xã hội chỉ dám cầu mong những người cầm cân nảy mực có phương kế gì mà giải quyết được cái vấn nạn này. Còn tôi, bạn và chúng ta cũng không phải là vô can, ít nhất là trong gia đình, chắc chắn là phải giáo dục, bảo ban con cháu hành xử sao cho phải đạo, mới biết các cụ ngày xưa giỏi lắm thay!

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2010

ĐỒNG HƯƠNG

*
* *


Anh là cán bộ đại đội, còn tôi chỉ là thằng lính trơn. Một lần, khi còn luyện tập ở Thanh hoá, ngồi nghỉ giải lao, nghe giọng mô tê răng rứa của anh, tôi hỏi : Anh Đạo quê Quảng Bìn à? Ừ tao dân Quảng Bìn đây. Ông già tôi quê gốc Quảng Bình nên tôi bảo : -Thế anh em mình là đồng hương. – Mày chỉ láo, cái mặt mày mà dân Quảng Bìn, giọng mày thế mà cũng đòi làm dân quê tao a? Tôi gân cổ cãi: Làm như dân xứ Quảng nhà anh vinh dự lắm ấy, nhưng mà ông già em đúng dân Quảng trạch đấy. Thế anh huyện nào. Tao Quảng Ninh. Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện, bà già em Lệ thuỷ. Vậy là tôi với anh thành đồng hương, may anh không hỏi chi tiết chứ hỏi thêm tí nữa thì tôi phải giả vờ đau bụng mà chạy chứ biết sao mà trả lời,đã lâu không về, có biết đất cát cha ông tròn méo ra làm sao?
Anh là người thật thà mộc mạc nhưng bốc phét cũng giỏi. Có hôm nghỉ giải lao, anh khoe tao ngày xưa là lính nhảy dù 305. Tôi bảo người anh được một mẩu thế kia, nhảy dù cái gì, đeo cái ba lô dù tịt cả xuống đất thì đi sao được mà nhảy. Anh bảo, hứ thật đấy, tao còn được học võ nữa kia, rồi đứng ra hoa chân múa tay loạn xạ. Tôi bảo, anh có võ vậy có đỡ được cú đá của em không? Mày thì ăn thua gì! Lên đây coi. Tôi đứng dậy đi ra. Võ vẽ gì tôi, hồi bé học mót dăm ba cú xua gà đuổi chó, đấm đá loạn xà ngầu chứ có mà võ nhái! Nhưng được cái hay xỏ lá, ngồi dưới đã có âm mưu rồi, anh bảo mày vào đi, thằng bé giơ chân đá một cú nhưng chỉ là hư chiêu, anh vội vàng giơ tay đỡ mà không ngờ mình chơi đểu, chân đá qua rồi nhưng giật gót lại, vậy là ông anh dính cú đà đao sưng vù ngón cái. Anh hét mày chơi trò không quân tử. Tôi cười hề hề, chứ anh có võ mà không lường trước được à. Thực ra anh cũng chỉ được học dăm ba đòn đối kháng, bắt tù binh kiểu bất ngờ nhảy ra chẹn họng mà lính trinh sát quân đội hay học để sử dụng trong tình huống cấp bách thôi, sau này anh bảo vậy.
Đời lính có nhiều chuyện buồn cười. Hồi còn ngoài Bắc, có lần đi Lạng sơn lấy đạn, qua Phủ lý anh em kéo nhau vào hợp tác xã mua bán định bụng làm mấy bát phở không người lái chống đói. Vào quán thấy một đôi nam nữ trông chải chuốt lắm, thời chiến mà quần này áo kia, nước hoa Ỷ Lan, đầu chải sáp thơm bóng lộn, trông đã ngứa mắt nhưng kệ nó thôi. Đến đoạn chàng dùng đũa gắp từng khẩu mía bón cho nàng thì ông anh ngứa mắt không chịu nổi, vác bát phở còn nóng hổi đến ngồi bên cạnh, giả vờ dùng đũa khều phở nhưng đều bị trượt, quẳng đũa cái cạch rồi cho năm ngón vào khoắng, mồm kêu nóng quá, nóng quá, hai tay dính mỡ với nước phở vẫy loạn xạ, bắn đầy vào người cô cậu. Đám lính được mẻ cười no bụng.
Mấy anh cao tuổi hơn chút thường hay khua môi múa mép truyền đạt cho lũ đàn em kiến thức tán gái. Đặt ra bài vở, bài một thế nào, bài hai thế nào. Tôi hỏi anh thế anh chị quen nhau thế nào. Anh bảo, à tao đi cùng chuyến xe, nửa đường bụng tao muốn xì hơi, cô ấy ngồi bên cạnh nên không biết làm thế nào, chẳng lẽ làm cái bùm thì bất lịch sự, bí quá tao bèn cất giọng hát: “Đôi bồ câu đang bay về hướng, anh cùng em đi ra công trường…” rồi nhấc đùi: “chit, chit”. Lúc sau nó còn đòi nữa, tao lại : “đôi bồ câu …” rồi nghiêng mông “chit chit…” Cô ấy liền quay sang tao bảo : “Thì cứ thả đại cả bầy ra đi, thả từng đôi thế thì lúc nào mới hết.” .. hề hề .. thế là chúng tao quen nhau. Anh bịa ấy mà, biết thế nhưng vẫn cười như Liên xô. Thế mà có thời tôi tin đó là cách tán gái hay số một đấy! Trước đó, tôi biết là đơn vị cho anh về phép đột xuất giải quyết việc gia đình. Nói việc gia đình cho oai chứ thực ra là chị ấy ở quê, xa chồng lâu ngày không chịu được nên trót ăn vụng. Gia đình báo lên, trung đoàn cho anh về giải quyết. Mấy hôm sau về đơn vị anh em bỗ bã hỏi vụ việc xong chưa, anh bảo xong rồi, có bỏ không, không bỏ, chỉ doạ thằng kia một trận, nó hứa từ nay xin chừa. Mấy thằng tức khí bảo sao anh không bắn cho nó què chân nó mới sợ chứ cái máu ấy thì làm sao chừa được. Anh bảo thôi đã có chính quyền địa phương. Đúng là anh dễ tin quá, đêm nằm nói chuyện tào phào tôi hỏi : sao chị yêu anh thế mà lại làm chuyện ấy, anh bảo, nhà dột, tao đi vắng, ở nhà vợ tao phải nhờ nó sang lợp giúp, nó mặc quần đùi ống rộng ngồi trên, vợ tao đứng dưới đưa gianh, cái của nó cứ đong đưa trên đầu thì con mẹ nào chịu được cơ chứ, chỉ là tai nạn thôi mà, tao không chấp. Anh đại lượng thật, tôi nghĩ.
Là cán bộ nhưng anh rất xông xáo, chỗ nào cũng có mặt, khắp mặt trận nổi tiếng ông Đạo đen pháo binh. Trên giao nhiệm vụ khó khăn kiểu gì anh cũng quyết không từ nan. Nhưng cán bộ xông xáo kiểu ấy thì khổ mình khổ cả lính, cứ chỗ nào khó nhằn nhất là gọi C5, thành ra chúng tôi bận túi bụi, hết đông sang tây, hết nam về bắc, chẳng mấy khi được thảnh thơi. Chỉ mong sao mùa mưa chóng đến để được giải lao. Vậy chứ đi đánh nhau cũng có cái sướng riêng, địch chạy cái là theo chân anh, trèo chốt hưởng sái của bộ binh. Các ông tướng bộ binh sợ nặng, túm được cái gì ăn được thì xơi luôn rồi chuồn, mấy ông có xe có cộ như bọn tôi tha hồ vác, đồ hộp , bánh kẹo, thuốc lá. Nhưng không khoái bằng dù, các loại dù, dù người dù hàng dù pháo sáng vv.. chất đầy ba lô, chẳng biết để làm gì, sau này cho mấy cô dân công để cưa cẩm cho có chất lượng!
Trận đó diễn ra ác liệt, đấy là cách nói sách vở. Thực ra là căn cứ Buom long cực kì khó nhằn. Nó nằm ngay giữa vùng giải phóng, án ngữ giữa đường 6 nối Xiêng khoảng và Sầm nưa. Địch đã xây dựng thành một căn cứ lớn, có hầm ngầm phòng thủ. Đã nhiều năm, hai sư 316 và 312 có các đơn vị tăng cường, sử dụng cả canon 130, thỉnh thoảng cho AN24 sang ném bom mà chẳng làm được gì, toàn thua. Đơn vị tôi có mấy khẩu trực chiến, thỉnh thoảng làm vài phát gọi là quấy rối, không cho địch ăn ngon ngủ yên. Nó tức lắm nên cũng chơi lại cái kiểu đó, mấy cái máy bay ném bom đặt sẵn toạ độ, bất ngờ roẹt qua. Làm vài quả bom bi, nổ như pháo tết. Một hôm, tôi với ông B trưởng mới bổ sung về đang đứng trên nóc hầm pháo, chưa kịp xuống, không biết sao phởn chí, ông cầm khẩu ak giơ lên, miệng đọc thơ Tố Hữu:” Hãy giương súng lên cao, chào xuân sáu tám! “. Chữ tám chưa ra khỏi miệng thì bốn bề nhoáng lửa, tiếng nổ bom bi rền như sấm bên tai. Cả hai chúng tôi đổ uỵch xuống hầm pháo rồi cùng bắn vào một góc. Có cái gì ướt lạnh bò bò trên má, tôi đưa tay sờ thấy máu chảy toe toét, nhưng sao không thấy đau lắm, lần sờ lên trên thấy có mảnh gì cắm mang tai, may mà cái mảnh bom ấy chỉ đến sọ thì dừng lại, đi sâu tý nữa chắc hy sinh thật. Máu chảy đầy mặt nhưng thôi kệ vì liếc sang thấy anh B trưởng đang ngồi tựa lưng vào vách hầm pháo ngáp ngáp, tay đưa lên bịt miệng, có vẻ như bị thương nhưng không thấy máu chảy ở đâu cả, hoảng quá vừa lay vừa gọi: Anh Dương, anh Dương, anh có làm sao không đấy! chả thấy ông nói gì, mắt cứ trợn lên nhìn trời nhưng sao không thấy con ngươi động đậy, tay thì vẫn bịt miệng, lại tưởng ông ấy bị gẫy răng bèn kéo ra xem, bất ngờ máu từ đó tuôn ra xối xả, sờ khắp người không thấy vết thương mà sao máu vẫn chảy trong miệng ra. Hoảng loạn thật sự, thế mà vẫn kéo được ông ấy vào hầm, trong đó các vị khác đang an toạ, mặt cắt không còn hạt máu. Đành phải để anh ấy nằm xuống chỗ đường đi, tôi lom khom phía trên, bên ngoài, bom bi vẫn toang toác như ngô rang, nhỡ có quả nào nổ ngoài cửa chắc cũng đi rồi. Cái giống bom bi này ở phía đầu nó có một tảng bóng bán dẫn, khoảng tám chín vỉ, có kinh nghiệm định vị là tìm được,lấy vài cái bóng lắp thành cái đài, các kiểu sóng tranh nhau nói loạn xạ. Chịu khó tìm chất một góc ba lô, sau này đem về chợ giời bán, cũng được khá tiền. Mấy thằng Hà Nội khôn ranh mới biết trò này, mấy vị kia cứ bảo mấy thằng hâm, ôm vào cho nặng nợ. Cười hề hề chứ cãi làm gì!
Lại nói khi trận bom chấm dứt, cả bọn hoàn hồn kéo ông B trưởng ra, cởi áo vén quần, tuyệt nhiên không có một vết thương nào, khi nhìn thật kỹ, phía sau lưng có một cái lỗ nhỏ,hơi đo đỏ, sờ tay ra đằng trước thấy có một điểm hơi phồng lên, tím ngắt, đúng vào vị trí quả tim. Hoá ra một viên bi xuyên qua tim anh từ phía sau.
Tôi hớt hải chạy về hậu cứ báo đơn vị ra cấp cứu, máu của tôi, máu của anh dính bê bết từ trên xuống dưới. Về đến nơi, tôi vừa hổn hển thông báo vừa đổ gục xuống vì chạy mệt, hành động đó tạo nên một sự báo động chất lượng cao, mọi người khẩn trương chạy ra trận địa, chắc là còn loan tin cho nhau là thằng Trung vừa về đến nhà là cũng xong rồi, thế mới có đoạn tôi đang còn sống sờ sờ mà lại được nghe đồng đội xót thương mình, số là khi anh Đạo cùng một số anh em đi công tác về, nghe thế nào mà đứng vây quanh cái xác của ông B trưởng,trời tối lại tưởng là tôi, ngó nhìn một hồi rồi anh Đạo chép miệng: Tội nghiệp thằng Trung, chúng mày làm ăn thế nào mà để nó chết. Lính mà , kiệm lời lắm, được một câu như thế cũng là nhiều lắm rồi, tôi đứng ngay đằng sau thấy mọi người tiếc thương mình cũng thấy khoai khoái bèn bảo: Em đây mà anh Đạo. Anh quay lại mừng húm: Thế sao bảo mày chết, mày còn sống nhăn đây mà. Tôi bảo chỉ có anh Dương thôi anh ạ, chắc chúng nó nhìn nhầm. Hai thằng đứng sát cánh nhau, cùng đứng giữa một trận bom, mà là bom bi. Thằng Mỹ nó tính giỏi lắm, mấy trăm quả bom con mà nổ thì trong phạm vi sát thương không chết cũng hy sinh, vậy mà chỉ một ra người thiên cổ, không lý giải nổi, từ đó tôi thành người mê tín!
Mấy tuần sau, vết thương của tôi đóng vẩy rồi bong, tóc vẫn mọc ra bình thường. Không ảnh hưởng đến việc vác mặt đi cưa gái, lại còn được nhận một cái giấy chứng thương, trong đó ông văn thư ghi: vết thương phần mềm tai phải. Cũng cất đi làm kỷ niệm nhưng không dám khoe với ai, bị thương vào tai thì thua rồi, ghẻ cắn có khi còn đau hơn. Gần đây khi gặp lại ,nhắc chuyện cũ, anh bạn bảo làm gì có chuyện ấy, đưa chứng thương cho xem cười hề hề chắc hồi đó cà cuống nên tao nhầm. Cũng được một trận cười.
Chuyện về ông đồng hương kể cả ngày không hết. Năm một chín bảy một, anh lên chức Đại đội trưởng, địch lại lấn chiếm gần như hết khu lòng chảo đồng Chum. Mặt trận lại tổ chức phản công,chiến dịch lớn, phen này định đánh luôn cả Long chẹng. Đại đội được lệnh bắn chế áp sân bay Bản Ang, bắn thử mấy quả chẳng thấy đạn đâu( tức là có trục trặc trong khâu chuẩn bị phần tử mục tiêu nên bắn chưa trúng) ở vùng núi, bắn trượt phát là đạn chui xuống thung lũng, sâu hàng cây số, nguy cơ không bắn trúng rất lớn. Ông đồng hương ngày thường lất phất thế nhưng cũng giỏi, dùng pháo đội kính bội số bốn mươi, anh phát hiện cách xa gần chục cây số có một toán lính địch lúp xúp chạy về phía phải, anh cho rằng đạn nổ ở phía trái toán lính cho nên nó sợ mới bỏ chạy về phía bên phải, anh sửa lại phần tủ bắn thì chỉ sau hai quả đã có đạn trúng mục tiêu, cú đó toàn đơn vị đều phục là giỏi.
Thừa thắng xốc tới. Mặt trận quyết định đánh tiếp sâu vào sào huyệt địch. Khi chuẩn bị chiến trường.Tổ chức một đoàn trinh sát thực địa, gồm cán bộ từ Đại đội trở lên của các đơn vị tăng, pháo,công binh vv..Bộ binh từ cấp trung đoàn, nói chung toàn cán bộ cấp bự. Anh Đạo có mặt trong đoàn, hành quân bộ, đến đúng một khu rừng tre gai mọc dày đặc hàng cây số thì bắt đầu trận bom, không ai biết vì sao địch lại có thể phát hiện đoàn người hành quân bộ dưới một rừng tre như vậy. Bom chặn đầu, chặn đuôi. Rất ít người chạy thoát, hai bên đường tre gai mọc kín. Các đơn vị cử người đưa xác thủ trưởng đơn vị về, họ bắt gặp nhiều tư cách chết khác nhau. Anh Đạo của chúng tôi ngồi dưới một gốc cây, hai tay chống vào chiếc gậy, đỡ chiếc đầu gục xuống, thanh thản như đang ngủ. Anh không chạy vì biết là không chạy đi đâu được, ngồi xuống đó, chấp nhận cái chết như một sự giải thoát, ấy là tôi nghĩ vậy, nhưng tôi tin là anh đã không sợ và đến với cái chết trong một tư thế khác người. Điều chắc chắn là khi anh mất đi đã để lại trong lòng anh em một sự tiếc thương sâu sắc, khó nói lên được bằng lời. Người ta đã định cơ cấu để phong anh hùng cho anh nhưng rồi mãi chẳng thấy gì, tuy vậy sâu trong tâm tưởng của anh em cùng đơn vị, anh còn hơn là một anh hùng.

CON LƯƠN

*
* *



Thằng Trình bó gối ngồi thu lu bên bờ ao. Nó đang mải suy nghĩ, để mặc cho đám cỏ may đang đung đưa trong gió cào những chiếc gai nhòn nhọn vào cái cẳng chân khẳng khiu. Nó chẳng để ý đến đám đông những người hôi cá đang huyên náo dưới mặt ao đầy những cây năn và cỏ lác. Nó còn quá nhỏ để tham gia vào việc tranh giành những con cá hiếm hoi còn lại trong đám bùn nước lầy nhầy. Mắt nhìn xuống ao nhưng tâm tưởng nó đang hướng về mẹ.
Cuộc đời mẹ nó là một chuỗi dài những mất mát và đau buồn được nối lại bằng từng khoảng thời gian tính bằng năm tháng. Số me nó khổ. Nó nghe lỏm các bà bảo thế. Nó nghiệm ra số mẹ nó khổ thật và lây cả sang nó nữa. Nó biết chắc việc bố không về với mẹ không phải vì họ không yêu nhau nữa. Còn vì cái gì thì lúc này, đầu óc non nớt của nó làm sao mà hiểu nổi. Từ ngày mẹ nó bảo chỉ còn mình mẹ nuôi nó, tự nhiên nó cũng nhận thức được việc đó như là điều không thể tránh khỏi.
Nó còn bé, chẳng giúp được gì nhiều cho mẹ. Hàng ngày, vào buổi sáng, nó đứng trước ngõ nhìn theo bóng mẹ quẩy gánh tạp hoá xuống thuyền đi chợ. Chiều tối mịt, nó cũng đứng ở đó đón mẹ trở về trong dáng điệu mệt mỏi và phờ phạc. Đôi lúc, nó cũng được theo mẹ ra chợ và đó là chính những ngày cu Trình cho là vui vẻ và hạnh phúc nhất. Nó nhớ như in cái ngày mẹ nó cất về một lô hàng có những chiếc mũ Hải quân với một quả bồng và những dải nơ xinh xinh. Lấy một chiêc đội lên đầu, nó có cảm giác như đã trở thành một thuỷ thủ oai hùng đang đứng trên boong chiến hạm rẽ sóng ra khơi. Nó dẫm cái cẳng chân thình thịch làm sạp hàng của mẹ nó cũng rung rinh như đang muốn vượt lên muôn trùng sóng gió để đi đến những bến bờ xa tít tắp. Ở đó nó sẽ gặp bố và mẹ đang chờ đón nó trở về sau một chuyến hải hành đầy gian khổ và vinh quang. Trí tưởng tượng của nó còn bay bổng nữa nếu mẹ nó không lột chiếc mũ xuống mà bảo:
-Khéo làm bẩn, mẹ không bán được.
Con cái nhà ai sẽ được đội những chiếc mũ này nhỉ? Nó thất vọng ngồi vào một góc rồi tự hỏi. Cũng là trẻ con cả mà, sao lại có đứa sẽ được bố mẹ mua cho cái mũ ấy, còn nó thì chỉ đội thử cũng còn khó. Chao ôi! Giá mà bố mẹ nó đừng bỏ nhau thì hay biết mấy, chắc gì nó đã phải buồn bã ngồi ôm lấy mối hận này. Cái điều cay đắng ấy cứ nhoi nhói phía sau lỗ rốn thằng bé làm khuôn mặt nó méo xẹo. Mọi người cứ tưởng nó đói nhưng mẹ nó thì biết rõ lắm. Mẹ nó cũng đau như nó nhưng có điều bà là người lớn nên biết cách che dấu, hay đúng hơn là nhịn nhục chịu đựng. Bà muốn thằng bé cũng làm được như bà, nghĩa là cố quên đi hình ảnh người chồng phụ bạc, gồng mình lên để sống qua cái thời gian khổ, khó khăn ấy. Mỗi lần như vậy, mẹ thằng Trình thường móc túi nhặt ra vài trăm đồng lẻ cho nó mua kem. Với bản chất trẻ con, cầm cái que đá lạnh ngòn ngọt, thơm thơm ấy, nỗi buồn của nó cũng nguôi ngoai dần theo mỗi vết liếm, mà nó chỉ dám liếm thôi, không dám ăn, ăn thì chóng hết, mà hết thì lại buồn, vì vậy nó cố kéo dài cái niềm vui nhỏ nhoi ấy càng nhiều càng tốt bằng cách của con mèo.
Nó thương mẹ nó lắm. Đôi lúc nó muốn làm cái gì đó cho mẹ vui lòng. Khổ nỗi nó là con trai và nghịch ngợm thì không ai bằng. Mới từng ấy tuổi mà nó biết bơi như một con rái cá. Suốt ngày dầm mình dưới sông hoặc lông nhông ngoài nắng, da dẻ đen nhẻm đen nhèm. Mỗi chiều về nhà, nhìn cái đầu tóc cháy nắng đỏ quạch của nó, mẹ nó la như đánh mất cái gì đó quý lắm. Nó biết chắc mẹ nó la vì thương nó quá đấy thôi, bà xót con mà. Những lúc như vậy nó hối hận lắm, thầm hứa là sẽ không làm mẹ buồn nữa. Nó cứ ấp ủ ý nghĩ làm sao cho mẹ vui lòng.
Chiều nay. Trước mắt nó người ta đang bắt được những con cá. Giá mà lớn một chút, nó cũng sẽ kiếm một cái nơm và nhảy xuống. Nó sẽ kiếm được nhiều cá về để cho mẹ ăn, mà cứ gì cá, lươn cũng được -Một con lươn. Về nhà nhờ mấy bà gì nấu cho mẹ nồi cháo lươn, nghe nói là ăn cháo lươn rất bổ. Mẹ nó gầy lắm, có bát cháo lươn chắc mẹ sẽ chóng khoẻ, nó nghĩ vậy.
Cái ý nghĩ về con lươn làm mắt nó hướng về những vòng lượn sóng ngoằn nghèo từ đám lau lách. Một con vật gì đó bám đầy bùn đất đang trườn về phía nó. Bất giác thằng Trình đứng nhỏm dậy- con lươn- phải rồi, nó đã phát hiện ra một con lươn thực sự chứ không phải trong trí tưởng tượng. Con vật mà nó cho là con lươn đang ở rất gần. Cái ước mơ có một bát cháo lươn cho mẹ chỉ nằm trong một tầm tay với. Thằng bé không nghĩ ngợi gì nữa, nó lao xuống, bàn tay nhỏ xíu nhanh nhẹn chộp ngay vào cổ con vật rồi đưa lên cao. Nó để mặc “ con lươn” vùng vẫy, quấn cái thân hình mốc meo bùn đất quanh cánh tay bé nhỏ. Nó đạp bùn bước lên bờ rồi ba chân bốn cẳng chạy thẳng về nhà.
Nghe thấy tiếng hét của cu Trình từ phía ngoài cổng, bà dì nó tất tả chạy ra. Thằng bé trong bộ dạng tức cười đang vênh váo giơ cao “ con lươn “ của nó mà nói:
-Cháu bắt đựơc con lươn đây này, dì nấu cho mẹ nồi cháo, chiều nay mẹ cháu về ăn!
“ Con lươn” của nó đang há cái miệng đỏ hỏn phun phè phè, chiếc lưỡi đen xì đang nhô lên thụt xuống một cách ghê rợn nhưng bất lực. Bà dì đứng sững lại, miệng há hốc trong nỗi sợ hãi tột độ. Thằng bé đang chết trước mắt bà. Bởi vì đó không phải là con lươn như nó tưởng mà là một con rắn độc. Chỉ cần nó lơi tay chút đỉnh, đầu con rắn ngóc ra được một tí teo là thằng bé đi tong. Bộ dạng của bà dì làm cu Trình chột dạ, linh tính mách bảo nó điều gì đó. Thằng bé dùng hết sức bình sinh quật mạnh con rắn xuống sân gạch. Con vật quằn quại rồi lao đầu biến mất phía sau vườn chuối.
Dì nó lúc này mới hoàn hồn, bà ôm lấy thằng bé, vừa phủi bùn đất cho nó vừa mắng:
-Sao mày dại thế hả cháu? Nó là con rắn đấy chứ có phải con lươn đâu. Nó mà cắn cho một cái thì chết toi chứ còn gì?
Thằng Trình phụng phịu đứng giữa sân. Chết à? Nó sợ cóc gì chết. Đã mấy lần nó thấy người ta chết, họ nằm như ngủ, có gì lạ đâu? Nó chỉ thấy tiếc con lươn hùi hụi. Thế là mong ước cho mẹ một bát cháo lươn đã tan thành mây khói. Nó đã hình dung ra cảnh mẹ nó đi chợ về, sung sướng húp bát cháo lươn của nó, tuy nóng nhưng mẹ nó lấy làm mát lòng mát dạ vì thằng con biết thương mẹ. Còn nó , nó vừa nhè nhẹ quạt mát cho mẹ vừa sung sướng nhìn bà, nó sẽ thấy mẹ nó béo, đẹp ra như một bà tiên trong chuyện cổ tích.
Giờ đây, con lươn đã biến mất, nó lại là một con rắn. Trong lòng cu Trình không cảm thấy sợ mà chỉ thấy tiếc. Hơn lúc nào hết nó lại ước mong bắt được một con lươn thực sự. Nó đã hứa và nó sẽ quyết tìm cho ra được con lươn ấy, dù là phải dành ra cả cuộc đời. Và rồi mẹ nó sẽ vui lắm. Nó tin chắc là như vây.

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

LỜI NGUYỆN CẦU

(Truyện ngắn)

*
* *


Câu chuyện mà tôi kể cho các bạn nghe có vẻ na ná như một lời sám hối. Bạn có thể tin hoặc không tin, nhưng đôi mắt nhìn ấy, hai hàng lệ ấy của nàng đã bao năm nay luôn đau đáu, day dứt và ám ảnh trong tâm trí tôi. Nó là câu hỏi lớn trong đời này mà tôi muốn tìm cách lý giải. Điều đó có vẻ nghịch lý trong thời hiện đại, nhưng quả thật có điều gì đó trong câu chuyện tình ngày ấy của tôi có nhu cầu cần thể hiện để tìm kiếm sự cảm thông. Hay biết đâu lại thành kinh nghiệm đối nhân xử thế của ai đó. Nhưng tôi có thể đoan chắc với các bạn rằng, không vì thế mà lòng tôi phần nào bớt nặng nề hơn.
Ngày ấy, tôi còn là chiến sĩ trong một đơn vị pháo binh chiến đấu trên đất bạn. Hậu cứ của đơn vị đóng tại một thị trấn nhỏ đầu nguồn con sông Lam. Từ đây chúng tôi vào chiến trường hay lại trở về khi bị thương tật, ốm đau. Nhưng lần này tôi được cử đi học. Tuyến giao liên đưa tôi về hậu cứ, về cái thị trấn nhỏ xinh ấy. Từ đây sẽ có xe khách ra Vinh và trở về Hà Nội. Có một khoảng thời gian rỗi rãi. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn thị trấn và chợt nhận ra vẻ đẹp đơn sơ, hoang dã của nó. Chiều tà, đứng bên bờ sông nhìn những tia nắng cuối cùng từ phía biên giới chiếu toả lấp loá trên những ngọn sóng lăn tăn, hay trên những mái tranh hiền hoà đang nép mình bên các vách núi. Tất cả như được dát một lớp vàng lóng lánh. Cũng một cảnh vật này, tuỳ theo tâm trạng mà con người ta có những cảm nhận khác nhau. Lúc ra đi, lòng bộn bề bao lo toan trăn trở thì cảm nhận chỉ như cái gì đó hời hợt, thoáng qua. Lúc trở về, với nỗi lòng thanh thản, người ta thường nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời của bất cứ cái bình thường nào của đất Mẹ. Đó đúng là cảm giác của những người lính sau bao năm vào sinh ra tử. Nếu bạn đã từng đối mặt với cái chết rồi được trở về, hẳn nhiên bạn cũng sẽ có một cảm giác giống như tôi lúc đó.
Chúng tôi có một ngày để làm thủ tục giấy tờ ở cơ quan mặt trận. Sau đó nôn nóng với ba ngày tranh thủ thăm nhà nếu nhanh chân. Chúng tôi ào ra bến xe với hy vọng còn chuyến cuối cùng, nhưng đã quá muộn. Có một nhóm thiếu nữ đang đứng gần đó. Họ che miệng cười khúc khích khi nhìn thấy dáng vẻ thất vọng của mấy anh bộ đội. Những chiếc ba lô tự động rơi xuống đất, những khuôn mặt thiểu não. Tất cả đều có dáng vẻ đáng cười quá chứ còn gì. Vậy mà tôi thầm mắng họ: ”Vui lắm đấy mà cười”. Khi tôi nhận ra sự vô lý của mình thì chợt tôi trông thấy nàng. Giữa cái nhóm xanh, trắng, đỏ vui tươi ấy, ánh mắt nàng như nhìn thẳng vào tôi, hay ít ra tôi cũng có cảm giác như vậy. “Hình như mình đã gặp cô gái này ở đâu đó”. Tôi tự nhủ. Nhưng rồi cũng không quá bận lòng về chuyện đó, với quyết tâm đi chuyến sớm nhất. Chúng tôi căng võng, dọn ổ ngay tại phòng đợi bến xe.
Nếu về hậu cứ thì có thể đàng hoàng hơn một chút nhưng sợ không ra kịp chuyến đầu tiên. Vậy là chúng tôi quyết định ngủ ngay tại bến. Thực ra, có vẻ như chúng tôi không ngủ. Nhìn con đường nhựa duy nhất chạy qua thị trấn. Tôi mường tượng cứ đi mãi theo nó thì sẽ gặp lại con phố cũ có những hàng cây cơm nguội mà từ đó tôi đã lớn lên và đã ra đi. Thế rồi tôi lại nhìn thấy nàng. Lần này họ có hai người. Vẳng đến tai tôi là những tiếng cười nói khúc khích. Nàng và cô bạn làm như vẻ có việc phải đi qua. Nhưng ánh mắt họ thỉnh thoảng lại liếc về phía chúng tôi. Trời ạ! Phải như lúc khác thì chất lính trong tôi chắc sẽ ào lên mạnh mẽ. Thường vẫn vậy mà, quân gặp dân như cá gặp nước. Đời nào chúng tôi bỏ lỡ dịp tán tỉnh đôi chút kia chứ? Nhưng lần này có khác. Sự náo nức của ngày trở về lấn át tất cả. Tôi và mấy anh bạn nằm im re. Chắc họ cũng như tôi, đang mơ về ngôi nhà, nơi cha mẹ , anh em đang đợi họ và cầu mong cho đêm dài chóng qua.
Thế rồi đêm cũng qua và ánh ngày đến cùng tiếng động cơ của chiếc xe khách. Chúng tôi ào lên, hay đúng hơn là bay lên xe. Nhanh chóng nhồi nhét ba lô và thu dọn một chỗ ngồi thoải mái. Hành khách cũng lần lượt lên xe. Tiếng ồn ào, í ới đây đó một cách vui vẻ. Hình như có cái gì đó chạm nhẹ vào người, tôi nhìn lên và trời ạ, tôi lại trông thấy nàng. Lần này thì gần hơn nhiều. Và bên cạnh còn có một mái đầu bạc phơ với khuôn mặt rất phúc hậu - Mẹ nàng chăng? Tôi đoán chắc vậy . “hãy đứng dậy ngay” Tôi tự nhủ và đứng lên nói:
-Chào mẹ, chào em gái, mời mẹ ngồi xuống đây ạ!
Ôi cái chỗ ngồi khá thoải mái mới dọn dẹp được, tạm biệt ngươi thôi. Ai chẳng làm vậy, không nhẽ để một cụ già đứng hàng trăm cây số ư? Tôi không nghĩ là mình đã xử sự rất ga-lăng với nàng và mẹ nàng. Vì tôi nghĩ đó là điều tự nhiên thôi. Nhưng thực sự tôi cũng cảm thấy chí trai của mình được ve vuốt đôi chút bởi ánh mắt mang hàm ý biết ơn cuả nàng.
Nàng ngồi xuống bên mẹ, tức là cũng gần bên tôi. Khi xe chạy thì bỗng nhiên tôi cũng có một chỗ ngồi trên một bao gạo. Không khí oi bức ngột ngạt trong xe được gió xua bớt đi và các câu chuyện cũng bắt đầu râm ran. Tôi hỏi để làm quen một câu muôn thuở:
-Trông em quen lắm, hình như anh đã gặp ở đâu rồi ấy! Em tên là gì?
-Còn hình như gì nữa? Sao anh chóng quên thế. Năm ấy, anh đã đóng quân ở nhà em mà.
Nàng trả lời. Tôi chết ngồi như em của Từ Hải. Hoá ra tôi đã vô tình đến thế. Mà lại còn lầm lẫn một cách thảm hại . Cái chất bã đậu trong đầu tôi được hâm nóng đôi chút để mau chóng nhớ về khoảng thời gian trước khi vào chiến trường. Đúng là chúng tôi đã dừng chân ở xóm nhỏ quê nàng. Tôi mang máng nhớ lại ngày đó. Có hai ba hôm nghỉ ngơi củng cố đội hình để tiếp tục hành quân vào chiến dịch. Chúng tôi chia nhau nghỉ lại một số nhà dân ven đường. Tụi lính chúng tôi thì nghịch ngợm, quậy phá lắm. Hò hát, đàn ca suốt đêm và thu hút sự chú ý của không ít thanh niên nam nữ địa phương. Nhưng còn nàng. Ôi! tôi đã nhớ ra rồi. Hồi đó nàng chỉ là cô bé con mười lăm mười sáu tuổi khá tinh ranh. Cảm giác ban đầu của tôi khi thấy nàng đã không lầm.
-Có phải bé “ không phải sen mà chính là sen” đúng không?
Tôi nói to và nàng thì lại cười khúc khích. Chẳng là hồi đó, khi tôi hỏi tên, cô bé tinh nghịch nói : - Tên em không phải sen mà chính là Sen, đố anh biết tên đúng của em là gì?
Khốn khổ cho cái đầu bã đậu của tôi. Vận hết nội công của mớ kiến thức phổ thông, bập bõm dăm ba từ Hán Việt để luận ra tên nàng.
-Liên, phải không ?
Tôi hỏi và cô bé tủm tỉm gật gật đầu. Cô bé Liên ngày đó nay đã là một thiếu nữ khá xinh đẹp. Một vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc như chính làng quê đã sinh ra nàng, vẻ đẹp của một viên kim cương chưa được gọt giũa. Lúc này, nàng đang ngồi bên tôi. Không biết họ có trách tôi không? Có tha thứ cho sự vô tình của tôi không? rồi tôi tự bào chữa: Đời bộ đội nay đây mai đó. Làm sao tôi có thể nhớ hết ân tình mà những mái nhà với những người cha người mẹ, người em đã dành cho mình và đồng đội. Rồi tự an ủi, cũng may, mình đã là một người lính không tồi. Chúng tôi đã ra đi chiến đấu và trở về một cách xứng đáng. Nghĩ đến đó, tôi thấy lòng mình thanh thản hơn đôi chút và bắt đầu mở máy. Tôi hỏi về chuyến đi của nàng và mẹ. Được biết họ còn phải đi khá xa. Ra tận một vùng quê phía Bắc để thăm người anh trai đang làm việc tại đó. Nàng nói với tôi về nỗi lo đường xa cách trở, mẹ già, thân gái dặm trường. Tôi nhanh chóng tìm ra cách sửa chữa sai lầm:
-Mẹ và em đừng lo, đã có chúng con thì rất an toàn, ra Hà nội, mời mẹ và em ở lại nhà con. Từ đó ra bến xe cũng rất gần.
Tôi nói rất chân thành và bà mẹ cũng đồng ý một cách rất tự nhiên như việc nó phải vậy. Đã là người quen biết cũ nên chúng tôi đối xử với nhau rất thân mật. Nàng kể cho tôi nghe chuyện gia đình, bạn bè, về sự lo lắng của nàng đối với kì thi đại học sắp tới. Còn tôi thì khác, để cho đoạn đường dài chóng qua. Tôi ba hoa về trăm thứ chuyện đùa tếu của lính. Tôi bịa ra câu chuyện về anh chàng Quang nào đó, anh ta đã bịt vào hàm răng còn tốt nguyên của mình một chiếc răng vàng để làm duyên. Anh em trêu đặt cho cái tên gọi là Quang ‘’cạp”. Đi đâu cũng thấy gọi‘’cạp, cạp‘’. Anh ta tức mình dùng dao găm bí mật cạy cái răng vàng đó ra. Có người phát hiện ra bèn nói: - Thằng Quang bị tụt mất răng vàng rồi. Vậy là mọi người lại gọi là Quang‘’t ụt’’. Đi đâu cũng thấy gọi’’tụt tụt’’. Rồi đến khi tôi kể cho nàng nghe về những cuộc tranh luận bất tận của mấy anh bộ đội ở các vùng quê khác nhau về chủ đề’’cào cào, châu chấu’. Chỉ có cào cào bằng đầu hay châu chấu bằng đầu mà cuộc tranh luận đến nay vẫn chưa chấm dứt thì mọi người trong xe đều phá lên cười một cách vui vẻ. Miệng thì liến láu nhưng tôi vẫn để ý thấy nàng luôn nhìn tôi. Cái nhìn tuy ngượng nghịu nhưng không che dấu được tình cảm của một cô gái mới lớn. Làm như không biết gì. Tôi nghĩ chắc nàng đang hàm ơn tôi vì lời mời lúc nãy. Tôi bèn xoay câu chuyện sang hướng để cho nàng hiểu về cách đối xử mang nặng ân tình của những tấm lòng nhân hậu. Người lính chúng tôi còn mang ơn họ nhiều lắm. Những ông bố, những bà mẹ đã cưu mang, đùm bọc chúng tôi trong những tháng ngày xa nhà đi chiến đấu. Dù chúng tôi có làm được điều gì đó cũng không thể đền đáp nổi. Cuối cùng tôi nhận ra cái mớ triết lý lằng nhằng của mình cũng không làm cho nàng bận tâm được bao nhiêu. Nàng đang nghĩ đến điều gì đó xa xôi hơn chăng?
Từ Vinh ra Hà Nội, chúng tôi đi bằng tầu hoả. Hồi đó tầu chạy chậm lắm. Toa chỉ có hai hàng ghế gỗ hai bên nên người ta chen chúc nhau ngồi cả ra sàn. Tôi thu xếp cho hai mẹ con một chỗ ngồi trên ghế, còn mình thì ngồi trên ba lô. Đêm trên tàu đầy rẫy sự bất an. Chỉ có một chiếc đèn bão treo giữa toa đang lắc lư toả ra một thứ ánh sang nhờ nhờ , đùng đục, không đủ soi rõ cả chính nó. Tôi nghe thấy tiếng nàng thì thầm bên tai:
-Anh cho Liên ngồi với anh nhé!
Tôi chưa kịp trả lời đã thấy nàng chen vào ngồi giữa tôi và một đống hành lý. Tôi hỏi nhỏ:
-Có chuyện gì vậy?
- Dành chỗ cho mẹ ngủ một chút.
Nàng nói rồi ghé sát tai tôi nói thêm:
-Liên muốn an toàn hơn, trong đêm có những bàn tay đi lạc địa chỉ anh ạ!
Ra là vậy, nàng tin tưởng tôi đến thế kia ư? Lần đầu tiên trong đời, tôi ngồi gần một cô gái đến vậy. Thân thể tôi cảm nhận được sự mềm mại của thân thể nàng. Khứu giác của tôi cảm nhận được hương thơm hoa bưởi trên mái tóc nàng. Thứ hương hoa mộc mạc đó hoà quyện với mùi hương con gái bao bọc tôi trong một cảm giác kỳ lạ đến khó tả mà tôi chưa từng bao giờ trải qua. Tôi ngồi im như một bức tượng, để mặc cho những sợi tóc mây của nàng theo gió bay bay trên mặt mình. Tôi nhìn xuống mái đầu người con gái đang ngả trên vai tôi mà ngủ một cách ngon lành. Nàng trong trắng và ngây thơ quá. Tôi tự hỏi mình, tại sao nàng lại dành cho tôi một tình cảm đặc biệt như vậy? Còn tình cảm của tôi đối với nàng thì sao? Lúc này đây, nếu muốn tôi chỉ cần xoay nửa vòng, thân thể nàng sẽ nằm gọn trong lòng tôi. Đêm tối, sẽ không ai thấy gì. Và tôi chắc nàng sẽ không phản đối. Thằng đàn ông trong tôi hối thúc mãnh liệt lắm, nhưng tôi lấy quyền gì để làm như vậy? Hoá ra, tôi còn tồi tệ hơn một gã lợi dụng trong đêm ư? Nói thật là tôi đấu tranh căng thẳng lắm, căng thẳng đến độ ngủ quên lúc nào không biết và chính vì vậy mà mọi việc đều đâu vào đấy cả.
Đến Hà Nội, tôi đưa hai mẹ con về nhà. Cả nhà vui mừng vì tôi đã trở về. Hẳn nhiên là như vậy, và cũng vui vẻ tiếp đón mẹ con nàng. Luôn miệng cám ơn bố mẹ nàng đã đón nhận, gúp đỡ tôi và đồng đội trong những ngày xa nhà. Tôi thực sự cảm kích vì sự đồng cảm của ba mẹ tôi vì đã đón tiếp họ như những người thân trong gia đình.
Sau một chuyến đi dài, bà cụ có vẻ mệt, để bà nghỉ ngơi ở nhà. Tôi đưa nàng đi thăm phố phường Hà Nội. Ghé chợ Đồng Xuân, với một chút tiền còm. Tôi mua tặng mẹ nàng một chiếc khăn vuông và tặng nàng một tấm vải khá đẹp. Buổi trưa hôm đó hai mẹ con định ra bến xe đi ngay nhưng vì bà cụ còn yếu nên gia đình tôi khuyên họ nên nghỉ lại, sáng hôm sau đi cũng chưa muộn. Vậy là chúng tôi có thêm một khoảng thời gian nữa bên nhau.
Tối hôm đó tôi đưa nàng đi chơi lòng vòng. Trời xui đất khiến thế nào mà chúng tôi lại đưa nhau vào công viên Thống Nhất. Nơi mà ban đêm chỉ dành cho những đôi lứa yêu đương hẹn hò. Nàng ngập ngừng bước đi bên tôi trong đêm Hà Nội yên bình. Tôi đưa nàng dạo bước qua những bồn hoa dài. Chỉ cho nàng xem những giò phong lan . những cây vạn tuế và vô số cây cảnh được tạo hình thú vật, chim muông. Chúng tôi dừng bước nhìn ánh điện từ phía Đại học Bách khoa hắt bóng xuống mặt hồ lung linh. Cảnh vật có một vẻ đẹp huyền diệu. Nàng nói vậy. đối với nàng cái gì cũng đẹp, bởi vì đây là lần đầu tiên nàng được nhìn thấy. Tôi làm ra vẻ rộng lượng. Không để ý đến những khiếm khuyết cỏn con ấy. Tiếp tục đưa nàng bước đi trong thế giới hữu tình. Những mê lộ đầy rẫy tiếng thì thào. Những cái bóng ngả đầu vào nhau và vô vàn tiếng kêu gào của côn trùng mùa hạ. Một lúc nào đó, chúng tôi dừng chân rồi bỗng nhiên không ai nói với ai một lời nào nữa. Không gian im lặng len lỏi giữa những tán lá thấp. Sương xuống dày. Sợ nàng lạnh, tôi kéo nàng đứng sát vào mình. Nhưng tôi lại thấy hai cánh tay nàng vươn ra ôm lấy cổ tôi. Ngay lập tức tôi cảm nhận được từng đường cong cơ thể mềm mại của nàng trong từng tế bào da thịt mình. Tôi thở hắt ra một cách yếu ớt rồi vụng về đặt tay lên eo lưng nàng. Dưới bàn tay mình, tôi nhận thấy toàn thân nàng đang run lên nhè nhẹ. Nàng ngước lên nhìn tôi. Trong ánh trăng bàng bạc chiếu qua kẽ lá. Tôi thấy đôi mắt nàng long lánh nước. Miệng nàng mím lại một cách kiên quyết mà tôi không hiểu vì lý do gì. Im lặng, tôi nhẹ nhàng cúi xuống đặt lên đó một cái hôn rồi nhìn ra mông lung. Im lặng, tất cả đều im lặng và không lý giải được. Nàng đang gục đầu vào ngực tôi. Hai bàn tay nàng đang nhè nhẹ lướt qua mặt tôi. Nàng tìm cái gì trên đó? Nàng thấy điều gì? Và tôi chợt nhận ra một điều là nàng yêu tôi. Có lẽ nàng sợ mất tôi. Nàng muốn giữ mãi hình ảnh của tôi bằng trực cảm, bằng đôi tay nàng. Bởi ví nàng đã không đọc được điều gì trên khuôn mặt vô cảm của tôi. Về phần mình, tôi nghĩ gì? Tôi muốn gì? Và tôi sẽ làm gì trong hoàn cảnh này. Tôi có yêu nàng không? Tôi chưa từng yêu ai trước khi gặp nàng nên cũng không phân định được rõ tình cảm của mình. Duy có một điều tôi biết được chắc chắn là dù tôi có yêu nàng hay không, tôi cũng không có quyền bó buộc nàng trong một tình yêu vô vọng. Tôi sẽ đem đến cho nàng cái gì đây? Một cuộc đời lính bôn ba sương gió hay một đời con gái cô đơn đợi chờ! Dù là có yêu nàng, tôi quyết định là sẽ im lặng. Tôi nhè nhẹ vỗ về nàng rồi chúng tôi ra về trước khi gia đình tỏ ra lo lắng.
Sáng sớm hôm sau, tôi đưa mẹ con nàng ra bến xe đi thăm người anh trai. Vì có công tác đột xuất nên họ chỉ gặp nhau đựơc nửa ngày rồi anh nàng phải ra đi. Không thể chờ anh ấy trở về nên hai mẹ con quay lại Hà Nội để về quê. Tôi cũng chỉ còn bốn tiếng đồng hồ nữa là phải có mặt tại trường. Trong khi thu xếp balô chuẩn bị lên Sơn Tây thì mẹ con nàng quay trở lại. Nàng đang mặc chiếc áo mới may bằng tấm vải hôm trước tôi đã mua tặng nàng. Nàng đã may lúc nào mà nhanh vậy? Chao ơi! Nàng muốn tôi nhìn thấy nàng mặc chiếc áo đó, Nàng nâng niu nó. Nàng muốn làm đẹp lòng ngươì nàng yêu. Trong lòng tôi bỗng trào dâng một tình thương khôn tả. Bằng ánh mắt, tôi tỏ cho nàng biết điều đó. Và từ ánh mắt nàng, tôi cũng cảm nhận được một nỗi buồn mênh mông, nỗi buồn của sự chia xa. Chẳng còn chần chừ được nữa, tôi lao vội ra ga mua vé tầu cho mẹ con nàng về quê. Còn ba tiếng đồng hồ nữa, tôi tự nhủ và hộc tốc quay về nhà đưa mẹ nàng ra ga trước. Còn hai tiếng rưỡi nữa, tôi nhìn đồng hồ rồi quay lại đón nàng.
Nàng ngồi sau xe tôi với vẻ yên lặng, cam chịu. Thời gian ở bên nhau không còn được bao nhiêu. Tôi lặng lẽ nắm lấy tay nàng, tôi muốn động viên, an ủi nàng nhưng giờ phút ấy, bao nhiêu lời lẽ đều là vô nghĩa. Tôi hứa hẹn sẽ viết thư cho nàng và một ngày nào đó, tôi sẽ quay lại thị trấn yên bình ấy.
Đến cửa ga, nàng xuống xe. Tôi xách túi đưa nàng vào phòng đợi. Đã đến giờ tạm biệt. Tôi chào hai mẹ con nàng, dặn dò một vài điều rồi quay lưng đi ra cửa. Cho đến lúc đó nàng vẫn không hé răng nói nửa lời. Tôi dằn lòng bước đi mà đầu óc trống rỗng. Cầm lấy tay lái chiếc xe đạp. Tôi ngoái đầu nhìn lại lần cuối. Nàng vẫn đang đứng kia. Đôi mắt nàng nhìn theo tôi thấm đượm một nỗi buồn. Một nỗi đau không bút nào tả xiết. Từ đôi mắt đó, hai hàng lệ đọng thành hàng trên má nàng như hoá đá. Lúc đó, tôi cảm thấy chiếc xe đạp rời khỏi tay mình đổ xuống mặt đường, còn thân thể tôi thì tan chảy thành muôn vàn hạt nước loang lổ trên mặt sân ga nóng bỏng. Khi đã cảm nhận lại được hình hài thì bóng dáng nàng đã khuất hẳn mà tôi thì đang hối hả bước chân vào trạm tiếp đón.
Thời gian trôi đi. Tôi như cuốn vào dòng đời bất tận. Ra trường, tôi được điều động về một đơn vị Hải quân đánh bộ bảo vệ Trường sa. Bước chân người lính cuốn tôi đi khắp mọi miền đất nước. Cũng có đôi lúc rỗi rãi viết thư về thăm nàng và gia đình. Nhưng rồi vì đường xá xa xôi cách trở. Đời bộ đội khi Nam khi Bắc. Tôi chẳng nhận được hồi âm và cũng chưa khi nào có dịp về thăm thị trấn quê nàng. Rồi thì thời gian chồng chất lên đời người. Cuộc đời tôi trải qua được bao nhiêu là ngọt bùi, cay đắng. Nhưng dù có đi đâu và làm gì. Đôi mắt ấy của nàng, dòng lệ hoá đá của nàng ngày ấy vẫn hiện về trong tâm trí tôi. Cũng có lúc động viên an ủi tôi trong những lúc khó khăn. Nhưng cũng có lúc như trách móc, giận hờn. Những lúc đó tôi chỉ còn biết một việc là thành tâm nguyện cầu. Ở nơi xa nào đó, tôi cầu mong nàng được hạnh phúc, bình yên. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm được cho nàng.
Dòng suy tư của tôi đột ngột đứt quãng. Cậu quý tử con ông hàng xóm đang về nhà với bạn gái của nó. Vừa nghe tiếng mở khoá cổng đã nghe tiếng nhạc ré lên như tiếng dê bị chọc tiết. Âm thanh phát ra từ bộ loa to bằng cái tủ lạnh của nhà nó cứ xập xình như những nhát búa đập vào tường nhà tôi làm bụi vôi rơi lả tả. Khổ thân thằng bé, nó học dốt nhưng bố mẹ nó cứ bắt học đại học. Không biết làm cách nào mà nó cũng đủ điểm vào nhưng sáu ,bảy năm vẫn chưa thấy ra. Suốt ngày nó cưỡi chiếc xì po phân khối lớn phóng bạt mạng. Đằng sau xe nó bao giờ cũng có một đứa con gái. Không đứa nào bảo đứa nào. Hễ cứ lên xe với nó là bụng ưỡn ra, ngực dí sát vào lưng thằng bé còn mông thì chõi ra đằng sau, vểnh lên như đít con bọ ngựa. Chờ lúc nó ra khoá cửa, tôi lại gần bảo:
-Này cháu, cái núm volume nhà mày còn nấc nào nữa vặn lên cho chú nghe nhờ với. Mà này, mấy hôm trước thấy mày đưa về một đứa con gái lạ hoắc, hôm nay lại thấy đưa về một đứa còn lạ hoắc hơn. Làm gì mà mày thay bạn gái như thay cái mớ giẻ nhét trong đôi giầy khủng bố kia thế!
Âý là tôi nói đến đôi tất nó xỏ trong đôi giầy to bự như cái xe ủi đất. Thằng bé cũng vui tính, nó cười hềnh hệch bảo tôi:
-Con bé nó chưa biết sử dụng dàn mới, cháu sẽ bảo nó vặn nhỏ bớt, chú thông cảm, hề, hề thanh niên tụi cháu bây giờ hả, thấy hợp thì ôkê, cà phê, ka rao kê. Còn không hợp thì bái bai, thềnh kiu là xong thôi mà chú!
Nghe nó nói lòng tôi lại dậy lên một nỗi buồn vô hạn. Nhưng lần này, nỗi buồn của tôi không tan chảy. Nỗi buồn hoá đá.

CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

(Tản văn)

*
* *



Xóm nhà tôi đang ở chỉ độ hơn chục hộ, dân trí chẳng được như nơi khác thường quảng cáo gần trường, gần chợ, dân trí cao cho dễ mua dễ bán. Tuy nhiên nhiều chuyện động trời cứ tưởng chỉ có trên báo Công an hoặc An ninh thủ đô lại xẩy ra ngay bên cạnh mình. Mới chân ướt chân ráo dọn nhà về được mấy hôm, đang sửa sang lại tý cho nó tiện dụng, đến đoạn sửa ống nước chẳng may bắn một chút xuống dưới nhà. Chẳng biết có dính tý nào không nhưng bà hàng xóm bên đó la hét ầm ĩ. Nó la cũng phải vì dưới đó là ngõ đi chung nhưng nhà bà ta lấn chiếm làm cái bếp. Cứ bữa cơm là vác củi ra nấu, khói bay mù mịt cứ như cái thời bao cấp. Ma cũ bắt nạt ma mới, cứ la trước đi sau này khói có xộc vào nhà mình chắc phải sợ mà không dám kêu. Dĩ hoà vi quý, tôi nói lời xin lỗi đàng hoàng. Tưởng xong nhưng chưa được, tối đó thằng con làm mấy xị rồi về trước cửa nhà tôi gào như mèo động đực. Bình thường chắc mình chả chấp, nhưng nghĩ còn vợ con đi ra đi vào, nó tìm cách bắt nạt thì khổ, vậy là tôi đi xuống. Sau đó cũng chẳng có gì lớn, kể hết ra người không thích bạo lực chả muốn nghe nhưng từ đó trở đi nhà mình cứ yên tâm mà sống không còn sợ bị bắt nạt. Tuy vậy cũng chẳng tránh được thỉnh thoảng ngửi mùi khói bếp cho đỡ nhớ cái thời bao cấp. Tiếc là cũng chẳng được lâu vì một ngày nọ, trong nhà đó nó tự xử với nhau, thằng anh một hôm nổi cơn Chí Phèo giật đổ tất cả. Vậy là đường thông ngõ thoáng. Chỉ tiếc cái mùi khói bếp nồng nàn toả hương đêm đêm mà bây giờ muốn cũng khó được thưởng thức.
Sân thượng nhà tôi chỉ bằng cái chiếu lính, ngày hành quân vẫn bẻ cong buộc sau ba lô. Bé vậy nhưng cũng bày đặt trồng ba cái cây cảnh thỉnh thoảng lên ngắm nhìn cho đỡ nhức mắt. Sáng đó như thường lệ bò lên bắt sâu tỉa lá. Không gian thật thanh bình, mọi người đã đi làm cả, chỉ có tiếng gõ mõ tụng kinh của cái điện thờ của nhà bên ngõ hàng xóm. Tiếng gõ mõ đều đều làm không gian thấm đượm hương vị nhà Phật. Lẫn trong tiếng niệm phật hiệu namo adi da. Tôi nghe có tiếng “phập” chắc và gọn. Bạn đã bao giờ dùng dao phay chém vào cây chuối chưa? Rồi hả? cái thứ tiếng tôi nghe được ấy cũng giống như vậy. Tôi tò mò nhìn xuống và nghe thấy tiếng“phập”thứ hai. Nhìn vào cửa cái nhà hàng xóm mà tôi đã kể lúc đầu thấy có một cái chân giãy giãy. Cái thứ nước đo đỏ mà người ta gọi là máu, từ đâu đó trong góc nhà phun ra như nước ở vườn hoa Con Cóc. Chỉ khác là một thứ nước chảy ở vòi nước công cộng ra, còn một thứ nước lại phun ra từ một cơ thể sống. Ngày ở chiến trường, cũng đã thấy máu nhiều, thậm chí là quá nhiêù, nhưng cũng đã lâu, kí ức đã phôi pha nhiều. Nay nhìn lại bất giác thấy lạnh cả người, suýt nữa thì không thấy thằng em –cái thằng thỉnh thoảng mượn rựơu gào như mèo – lao ra với bộ mặt xanh như đít chão chàng. Nó phi như ngựa ra đầu ngõ hớt hải nói với anh hàng nước: “Em chém chết thằng X.. rồi, anh gọi cấp cứu hộ em với” Nói rồi nó gọi xe ôm phóng thẳng. Thằng X… là ai vậy, là anh cùng chui ra từ cùng một lỗ với nó đấy. Tôi chép miệng than hộ cho con vợ thằng đang nằm thẳng cẳng trong nhà, chúng mới có một thằng con trai. Kiểu này hai mẹ con nó chắc phải bán xới ra đê ở là điều chắc chắn, chẳng cần phải đánh đề làm gì cho tốn tiền.
Tôi xuống nhà khi có tiếng còi réo của xe cấp cứu, vừa đi vừa lẩm bẩm: Đồ điên, chết mẹ nó từ bao giờ rồi ấy mà còn rú rít làm gì cho khổ tai thiên hạ. Chẳng biết họ điên hay mình điên, việc người ta người ta làm, cấp cứu là phải rú rít chứ sao! Chợt nhớ hôm bà già bị gãy chỏm xương đùi. Gọi xe cấp cứu mà hết cả một cái sim khuyến mại chẳng thấy thằng nào ò e cho mình nhờ. Bức xúc mười phút vì không biết nó làm ăn theo tiêu chí gì! Lại tự an ủi, mình đang sống ở Việt nam mà, chấp nhận không lại tăng đường huyết!
Thôi kể tiếp vậy, mở cửa ra đường gặp hai ông blu trắng xách cáng đi vào, mấy chú công an phường cũng nhanh nhẩu có mặt. Tò mò nên mình cũng vào theo. Chú chàng nằm ngửa trên giường, trong người có năm lít máu thì chảy ra nhà năm lít rưỡi, người xanh như vừa đổ bộ xuống từ sao Hoả, cẳng chân bên phải có một vết chém lớn đang ri rỉ chút nước vàng vàng. Bắp thịt săn chắc của thằng bé nứt ra làm hai míêng đỏ hon hỏn, trông như cái miệng quái dị đang há to khoe với mọi người rằng đấy là tác phẩm của thằng em ruột tao đấy! Chưa kinh, nhìn lên trên đầu mới thấy lạnh người, cái sọ của nó bị bửa làm đôi làm cho một thứ trắng nhờ nhờ như đậu phụ chảy ra dính bết vào mấy cọng tóc. Mấy chú blu trắng chỉ còn mỗi việc xách nó lên cáng, trùm lên miếng vải xin xỉn rồi kéo ra xe. Nhìn tiếp sợ về không ăn được cơm nên tôi về nhà đóng cửa, bụng bảo dạ: hết phim, mời mọi người đi ngủ.
Chuyện thì dài mà chưa đến phần chính, bởi vì sau đó mới kịch tính. Công an đến điều tra, hỏi nhà nó thì từ trên xuống dưới khai vanh vách một kiểu: “Thằng anh vác xe máy đặt cầm đồ lấy tiền làm vài con đề, hôm sau mượn con mẹ hộ khẩu đi đặt lấy xe về cho vợ đi làm, mẹ không nghe nên giật đổ quán của mẹ, sáng hôm đó còn đánh cả mẹ nó nữa nên thằng em bênh mẹ cầm kiếm chém thằng anh, chẳng may bị chết“. Mấy chú công an hình sự lắc đầu ngán ngẩm, ghi chép gì đó rồi phắn. Hàng xóm im hơi lặng tiếng, cửa đóng im ỉm. Ihế mới biết các cụ ngày xưa bảo “Đèn nhà ai nhà ấy rạng “ cấm có sai chữ nào.
Vài tháng sau thì tòa xử, thằng con ngồi ghế bị cáo thì con mẹ ngồi ghế bên nguyên. Con vợ thằng chết cầm ít tiền rồi biến không sủi tăm. Tòa nghe con mẹ kể lể nỗi niềm oan ức cứ rớt hết cả nước mắt. Đến cái đoạn thằng chết đập phá nhà cửa, đánh mẹ đánh em thì xem ra thái độ nhà tòa có vẻ phẫn nộ lắm. Đến đó thì mình chợt nhớ lại cái hôm định mệnh ấy, không gian thật thanh bình, tiếng gõ mõ tụng kinh của điện thờ bên cạnh như rót vào không gian những lời ai oán của thế sự. Khi nghe tiếng “phập” đầu tiên, có vẻ như lời kinh “adida phật” vang to hơn bình thường. Hay tai mình điếc, chắc mình điếc thật mới không nghe thấy tiếng cãi vã của mẹ con nhà nó. Nếu thằng ấy đánh mẹ nó thật chắc con mẹ phải gào to hơn tiếng xe tăng. Tặc lưỡi, nhếch mép cho xong chuyện nhưng lại nghĩ thằng này giỏi, nó lừa được bao nhiêu cái đầu sáng suốt. Ngẫm sâu hơn tý nữa thì biết ngay, nó có tính toán cả đấy, hơn cả Khổng Minh ấy chứ. Tiếng “ phập” đầu tiên là nó ra tay chém què chân thằng anh để thằng này khỏi chạy. Quả thứ hai bửa đôi cái đầu mới là cú dứt điểm chẳng tốn mấy sức lực.
Tòa kêu án hai năm tù, mẹ con nhà nó phớn phở nhìn nhau ra chiều đắc ý lắm. Mấy tờ lá cải xúm vào phỏng vấn, đề tài quá hay khai thác triệt để. Hôm sau tôi mua vài tờ, đều đăng cùng một tin với cùng một giọng điệu y như nhau. Mình buồn cười quá lại bụng bảo dạ: Thời buổi gì lạ, mạng người rẻ quá, không bằng cái xe đạp (tự vì có thằng hàng xóm cũ ăn cắp cái xe đạp cũ, bị túm, ngồi tù hai năm thêm năm thứ ba vì tội đánh nhau trong trại).
Mấy tháng trước thằng em ra tù, sớm được vài tháng vì tuy không có nhân thân tốt nhưng có đường đi lối lại rành rẽ. Trông nó béo tốt như đi Liên xô về. Nó nằm ngay trên chính cái bãi máu thằng anh phun ra ngày nào đã được lau chùi sạch sẽ mà ngủ một cách ngon lành và vô tư. Chẳng có con ma nào đêm đêm về dọa nó cả. Cả nhà mấy mạng chen chúc trong khoảng tám mét vuông. Thế mà vẫn có chỗ để nó vác về cái máy tính rách, suốt mấy tháng nay cứ phùng phoàng súng nổ từ cái trò chơi gì đó, thỉnh thoảng lại có tiếng hự hự, ọe ọe của người trúng đạn chết. Qúa phình phường!!!
Đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ không biết có cõi trên không nhỉ? Hôm ông già hi sinh, quân phục quân pheo huy chương huy hiệu đỏ ối trên ngực. Quân nhạc rồi tiêu binh oai hùng quá. Thế mà chẳng tránh được việc phải đi xem ngày xem tháng, rồi cây chuối, đạo bùa, đầy đủ, không có thì lo nhỡ mà thế này nhỡ mà thế kia. Ông thầy phát cho mỗi thành thành viên trong nhà một đạo bùa bảo cất kĩ không được rời, bảo là tránh trùng tang. Chú em nó bảo :” Chỉ bậy, có bố nào lại đi về bắt con, thương còn chả hết nữa là.” Là nó nói vậy nhưng cẩn tắc vô áy náy, cứ cầm một tờ đút ví. Đời chả có gì vui lắm nhưng cứ thích sống lâu, sợ chết là bệnh rồi. Nói dài dòng vậy là vì cái nhà mà tôi đã kể trên ấy, cái ngày thằng này chém chết thằng kia cũng chính là ngày mở cửa mả của bố chúng nó. Làm cơm ba ngày cho bố thì làm đám tang cho con luôn thể. Qúa tiện !!!
Chuyện thật một trăm phần trăm,không bịa, không tin đến nhà tôi mà xem. Nhà nó đang xây trên miếng đất tám mét vuông ấy năm tầng lầu, vừa đủ chỗ cho số người còn lại trong nhà. Hôm qua nghe giàn lý nhà tôi bảo nó khoe với ai đó là có người yêu con ông tướng, giật mình ngã bổ chửng!!!