Trang

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Love Story - Bản tình ca bất tử

*
Chỉ thêm một nốt nhạc thôi… Theo lời kể của chính tác giả tình ca bất tử này, thì ông tìm được khúc nhạc “Love Story” (Chuyện tình) vào lúc nửa khuya. Ban đầu sáng tác trên 4 nốt nhạc căn bản, nhưng làm như vậy thì lại gần giống với cấu trúc của một giai điệu vô cùng ăn khách hai năm về trước là nhạc phẩm chủ đề của bộ phim Romeo & Juliette (A Time For Us của Nino Rota).
Do vậy trong câu mở đầu của mỗi đoạn ông cho thêm một nốt nhạc, biến thành 5 trong khi các câu kế tiếp chỉ có 4, nhưng có lẽ cũng vì thế mà giai điệu trở nên lâm ly hơn. Kết quả hàng thập niên sau, bản nhạc này vẫn không có một vết nhăn, phần lớn cũng vì giai điệu tự nó đã đứng vững, không lời mà vẫn lôi cuốn. Nhìn lại, mỗi bài hát thường có một giai thoại. Trong trường hợp của “Love Story”, bản tình ca này đã đi vào huyền thoại.
Cách đây đúng 40 năm, ngày 20-3-1971, nhạc phẩm chủ đề của bộ phim “Love Story” “Lady”, “Bố già”, “Titanic” hay “Đỉnh gió hú” nhảy vọt lên hạng đầu thị trường nhạc nhẹ Hoa Kỳ, để rồi ngự trị trên đỉnh cao trong vòng 4 tuần liên tục. Nhiều nhà phê bình cho rằng “Love Story” là một bản nhạc xuất sắc, xứng đáng được liệt vào hàng kiệt tác. Theo bình chọn của Viện Phim ảnh Hoa Kỳ (American Film Institute), tác phẩm này nằm trong 100 bản nhạc phim hay nhất mọi thời đại. Nhạc phim “Love Story” đứng hạng thứ 9, chỉ thua các nhạc phim kinh điển như Casablanca, Cuốn theo chiều gió, West Side Story, Bác sĩ Zhivago nhưng lại vượt qua mặt My Fair.
Khởi đầu lận đậnBản nhạc chủ đề gắn liền với bộ phim đến nỗi ít có ai còn nhớ tựa bài hát ban đầu của nó là Where do I begin (tạm dịch là Bắt đầu từ đâu). Khi nghe những nốt nhạc dạo đầu trỗi lên, có lẽ mọi người đều nhận ra ngay và gọi đó là bài Love Story . Một giai điệu nhẹ nhàng lãng mạn, miên man dịu dàng, gieo vào hồn người một chút cảm giác bâng khuâng, một thời xao xuyến rung động. Những nốt nhạc trầm khiến cho tâm hồn thoáng buồn, trong lòng khoảnh khắc tơ vương.
Trước khi nổi tiếng là một bản tình ca ướt đẫm nước mắt, nhạc phẩm Love Story trước hết là giai điệu chủ đề bộ phim của đạo diễn Arthur Hiller. Bộ phim ra mắt khán giả vào cuối năm 1970 (nói cho chính xác là vào ngày 16-12-1970), dựa theo quyển tiểu thuyết vô cùng ăn khách của Erich Segal. Ban đầu được viết như một kịch bản phim, Love Story không được một hãng phim nào mua bản quyền, nên mới được viết lại thành truyện ngắn đăng trên báo, rồi được hoàn chỉnh thành một quyển tiểu thuyết dày 127 trang, phát hành đúng vào Ngày lễ tình yêu Valentine năm 1970.
Tiếng nấc của hàng triệu trái tim
Khi được hãng phim Paramount chuyển thể lên màn ảnh lớn, bộ phim Love Story làm thổn thức rung động hàng triệu con tim trên thế giới với câu chuyện thương tâm của đôi tình nhân trẻ, yêu nhau ở trường đại học, nhưng lại bị gia đình cấm cản ngăn cách. Mối tình dang dở ngang trái giữa Jenny một nữ sinh nhà nghèo với Oliver, chàng trai con nhà giàu trở thành tấn bi kịch đẫm lệ, khi căn bệnh ung thư máu cướp đi sinh mạng của cô gái hiền lành. Một lời thoại ở trong phim “Love means never having to say you're sorry...” trở thành một trong những câu nói bất hủ của lịch sử điện ảnh Mỹ. Cũng như câu ghi chú ở trang bìa quyển tiểu thuyết: “Nàng yêu Mozart, Bach, nhóm Beatles… và tôi” (She loved Mozart, Bach, the Beatles... and I). Có người nói đùa rằng: Nhờ phim này mà tác giả hái ra bạc triệu, các nhà sản xuất khăn mùi xoa cũng vậy!.
Nhạc phẩm Love Story được sáng tác cho bộ phim Mỹ cùng tên với Ali MacGraw và Ryan O'Neal trong vai chính và do đạo diễn Arthur Hiller thực hiện vào năm 1970, nên vẫn được xem là một ca khúc của làng nhạc Anh Mỹ. Thật ra, đây là một bản nhạc Pháp (Une histoire d'amour, Một câu chuyện tình) do nhạc sĩ Francis Lai sáng tác. Ông nổi tiếng trong làng nhạc phim, từng sáng tác cho 70 phim truyện, trong đó có Un homme et une femme (Một người đàn ông và một người đàn bà) và Le passage de la pluie (Lữ khách đêm mưa).
Tác giả Francis Lai quan niệm rằng âm nhạc là một ngôn ngữ không biên giới, chẳng cần đến ca từ mà vẫn có thể ăn sâu vào lòng người. Hầu hết các bản nhạc (kể cả bài Love Story ) do ông sáng tác đều không có lời, ca từ tiếng Pháp hay tiếng Anh chỉ được đặt sau đó. Ảnh hưởng này phần lớn xuất phát từ việc ông rất mê nhạc jazz, thời còn trẻ ông ngưỡng mộ hai cây đại thụ là Charlie Parker và Stan Getz.
5 nốt nhạc thổn thứcBộ phim Love Story có tiết tấu khá nhẹ nhàng trên giai điệu dìu dặt của những bản nhạc nền. Oli yêu Jenny không tuỳ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh nào. Với anh, Jenny là tất cả. Một lần Oli quát Jenny… Jenny chạy ra khỏi nhà. Một lúc sau, Oli hối hận và chạy đi tìm vợ, khắp nơi, cho đến tối mịt. Về nhà, thấy Jenny ngồi co ro trước cửa, nói: “Em quên chìa khóa nhà...”. Oli tiến lại gần vợ và thủ thỉ: “I'm sorry...” (Anh xin lỗi). Với giọng run run, vừa vì lạnh, vừa vì xúc dộng, tràn trề tình yêu vói Oli, cô trả lời: “Love means never having to say you're sorry…”. Họ sống khá vất vả cho đến khi cả hai tốt nghiệp trường luật thì cuộc sống đã có phần sung túc hơn. Lúc này, Oli muốn có con nên đưa Jenny đi khám. Hôm gặp bác sĩ để hỏi kết quả, Oli đi một mình, và câu “Jenny is very sick... She is dying” (Cô ấy bệnh… Cô ấy có thể chết) đã làm cả thế giới của Oli sụp đổ. Từ chỗ thầy thuốc về nhà, lặp đi lặp lại, nhạc chỉ chơi đúng 5 nốt đầu của bài Love Story rồi lại bị tiếng còi ô tô chèn vào…
Ở đây điểm ấn tượng của Love Story còn là ở giai điệu nhạc nền. Hình ảnh đầu phim và hình ảnh lúc bộ phim kết thúc là cùng một hình ảnh: một người đàn ông ngồi quay lưng lại hàng rào thép, trong công viên tuyết phủ trắng. Anh muốn kể với mọi người và với chính mình rằng: “Có một người yêu tôi nhiều hơn ban nhạc Beatles và cả Bach...”. Người đàn ông đó vừa mất đi một người yêu anh nhiều hơn bản thân người đó, và anh cũng yêu người đó hơn chính bản thân mình. Nhưng, anh vẫn nói với mình: “Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói hối tiếc”.
Giai điệu của tình khúc Love Story vang lên cho những hình ảnh khép lại một câu chuyện tình đẹp và đẩm nước mắt người xem; để đâu đó dưới hàng ghế khán giả, không ít khán giả độ tuổi trung niên ở hôm nay bất chợt hát theo lời Việt mà nhạc sĩ Phạm Duy đã viết cho ca khúc bất tử này: Biết dùng lời rất khó – Để mà nói rõ... - ôi biết nói gì – Cuộc tình lớn quá! - Chuyện tình đáng nhớ - tuy cũ nhưng là biển già trắng xóa - Cuộc tình quý giá – như những ngọc ngà người giành cho ta - ôi biết nói gì?...

Bài của tác giả Thùy Minh đăng trên Songnhac


Đọc thêm
Thân thế tác giả bài hát
Nổi danh cùng thời với các tác giả Pháp Maurice Jarre (Bác sĩ Zhivago, Lawrence of Arabia) và Michel Legrand (Thomas Crown – Les moulins de mon coeur), tên tuổi của ông đi vòng quanh thế giới sau khi các bài hát được chuyển lời sang nhiều thứ tiếng. Nhạc phẩm Chuyện tình đoạt cùng lúc hai giải Oscar và Quả cầu vàng dành cho ca khúc nhạc phim hay nhất năm 1971, tức cách đây vừa đúng 40 năm. Phiên bản tiếng Việt là do nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời.

Sinh năm 1932 tại miền nam nước Pháp, nhạc sĩ Francis Lai tốt nghiệp nhạc viện thành phố Nice, trước khi đến Paris để lập nghiệp. Thời thanh niên, ông trao giồi thêm nhạc lý với nhiều bậc đàn anh, trong đó có tác giả Bernard Dimey, người đã hướng dẫn ông trong lãnh vực sáng tác nhạc phim. Nổi tiếng trên khắp thế giới từ những năm 1960 như là một trong những gương mặt tiêu biểu của trường phái lãng mạn, Francis Lai tách ra khỏi xu hướng hiện thực của dòng nhạc Pháp những năm 1950.

Tác giả Francis Lai quan niệm rằng âm nhạc là một ngôn ngữ không biên giới, chẳng cần đến ca từ mà vẫn có thể ăn sâu vào lòng người. Hầu hết các bản nhạc (kể cả bài Love Story) do ông sáng tác đều không có lời, ca từ tiếng Pháp hay tiếng Anh chỉ được đặt sau đó. Ảnh hưởng này phần lớn xuất phát từ việc ông rất mê nhạc jazz, thời còn trẻ ông ngưỡng mộ hai cây đại thụ là Charlie Parker và Stan Getz.

Trái với điều mà nhiều người lầm tưởng, nhạc khí sở trường của Francis Lai là phong cầm chứ không phải dương cầm hay vĩ cầm, cho dù ông dùng khá nhiều bộ đàn dây để phối khí hòa âm các sáng tác của mình. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc ăn khách trong làng nhạc nhẹ. Tính tổng cộng, có trên dưới 60 nghệ sĩ tên tuổi từng hát nhạc của ông, kể cả Edith Piaf, Dalida, Aznavour, Patricia Kaas, phía Pháp, Ella Fitzgerald, Elton John hay Carly Simon phía Anh Mỹ.

Giai thoại sáng tác, huyền thoại tình ca

Tính đến nay, Francis Lai đã soạn hơn 600 bản nhạc, hơn một nửa là nhạc phim không lời. Nhưng trong hoàn cảnh nào ông đã sáng tác giai điệu chủ đề của bộ phim Love Story ? Thật ra, ông đã thành danh trong làng nhạc quốc tế từ năm 1966, nhờ soạn ca khúc chủ đề của bộ phim Un Homme et une Femme của đạo diễn Claude Lelouch. Phim này từng đoạt Cành cọ vàng tại Cannes và 4 giải Oscar. Từ năm đó trở đi, ông rất bận rộn với công việc do được nhiều đạo diễn mời hợp tác.

Chính cũng vì thế mà ông đã hai lần từ chối khi hãng phim Paramount có dự án chuyển thể tiểu thuyết Love Story lên màn bạc, bởi vì vào thời điểm đó ông đang phải soạn nhạc chủ đề cho bốn phim khác nhau. Nhà sản xuất người Mỹ Bob Evans mới gọi điện thoại cho nam tài tử Alain Delon nhờ anh thuyết phục tác giả, vì biết rằng hai người là bạn thân của nhau. Vì nể tình bạn, nên Francis Lai lúc đó mới nhận lời, nhưng loay hoay mãi vẫn không tìm ra được một giai điệu ưng ý.

Theo lời kể của chính tác giả thì ông tìm được khúc nhạc Love Story vào lúc nửa khuya, ban đầu sáng tác trên 4 nốt nhạc căn bản, nhưng làm như vậy thì lại gần giống với cấu trúc của một giai điệu vô cùng ăn khách hai năm về trước là nhạc phẩm chủ đề của bộ phim Romeo & Juliette (A Time For Us của Nino Rota). Do vậy trong câu mở đầu của mỗi đoạn ông cho thêm một nốt nhạc, biến thành 5 trong khi các câu kế tiếp chỉ có 4, nhưng có lẽ cũng vì thế mà giai điệu trở nên lâm ly hơn. Hàng thập niên sau, bản nhạc này vẫn không có một vết nhăn, phần lớn cũng vì giai điệu tự nó đã đứng vững, không lời mà vẫn lôi cuốn. Nhìn lại, mỗi bài hát thường có một giai thoại. Trong trường hợp của Love Story, bản tình ca này đã đi vào huyền thoại.

 

18 nhận xét:

  1. Tác phẩm nghệ thuật nào cũng có nguồn gốc từ chính tình cảm, tâm hồn, trái tim và cuộc sống của tác giả hoặc cảm nhận của họ về cuộc sống quanh mình.
    Người vượt lên và tài năng hơn người khác chính là sự tinh tế, trí huệ và sự toàn tâm hay nói cách khác là lòng đam mê và yêu nghề, yêu việc mình làm bằng cả trái tim và nhiệt huyết của mình...
    Đa số nhưng tác phẩm nổi bật, xuất sắc thường được sáng tác trong một hoàn cảnh khác biệt hoặc ngặt nghèo...hoặc bất chợt sau một gợi ý trong cuộc sống ( quả táo rơi trong đời Accimette...) hoặc sau một đêm ngủ ngon lành...
    Những điều đó vẫn là nhưng bí ẩn trong cuộc sống Loài người bạn ạ...
    Xin chia sẻ vài ý với bạn, cám ơn bạn đã đăng bài hay và cụ thể về một TP làm lay động hàng tỷ trái tim Nhân loại này....!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự tình cờ đóng góp một phần quan trọng trong đời sống nhân loại, chúng ta không thể dẫn chứng hết ví dụ. Trong trường hợp Love Story lại là một may mắn hiếm hoi, tại sao không thêm hai, ba, hay x nốt mà chỉ một, và cấu trúc bài hát đã thay đổi kỳ diệu, chỉ có một cách giải thích, chúng ta đang sống trong sự điều hành của của đấng tối cao nào đó, hy vọng khi hành thiền, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn! cám ơn và chúc HL an lành.

      Xóa
  2. Đúng vậy, càng nghe bản tình ca Love Story càng thấy hay, và tuyệt vời hơn nữa là tự thưởng thức bằng chính tiếng đàn của mình, vào buổi sáng cuối tuần...Cám ơn anh TQtrung đã có một bài thật hay...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ô! bạn thật giỏi, chơi được Love Story bằng cách tự mình trải nghiệm bằng tiếng đàn của chính mình thì thật tuyệt vời.

      Xóa
  3. Có gì đâu, tập theo bản nhạc soạn cho đàn piano, những ai đam mê đều có thể làm được mà...

    Trả lờiXóa
  4. Hồi tôi còn học phổ thông, có bài hát cũng rất nổi tiếng về tình yêu, đó là bài Historia de un Amor (câu chuyện tình yêu)do Carlos eleta Almarán sáng tác, mà chúng tôi toàn gọi là bài Lịch sử tình yêu. Bài hát này cũng được chọn làm nhạc phim cho bộ phim cùng tên của hãng phim Mexico năm 1956.
    Tôi nghĩ có lẽ hầu như tất cả chúng ta đều biết giai điệu bài hát này, vì một thời nó đã làm rung động biết bao trái tim thanh thiếu niên Hà nội..
    Mời các bạn vào mạng tìm và cùng thưởng thức lại bài hát này nhé.
    Nhã Lan

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn Nhã Lan, các bạn có nhã hứng nghe bài hát do NL giới thiệu xin mời nghe ở
    ĐÂY và tự thẩm định.

    Trả lờiXóa
  6. Và, bản nhạc này cũng theo điệu bolero. chứ không phải tango như một số ngươi nhận định...
    Nhã Lan

    Trả lờiXóa
  7. Xin mời NL và các bạn xem Phiên bản đặc biệtNày để có củng cố thêm nhận định của riêng mình!!!

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn anh TQTrung . Thật tuyệt vời. Chỉ biết nói rằng anh là bậc thầy của NL.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhã Lan, cám ơn em vì cung cấp những thông tin thú vị, NL cũng là người có bản lĩnh, mạnh dạn bày tỏ những nhận định riêng, chính kiến riêng tạo nên bản sắc của từng người, đó chính là sự độc đáo !

      Xóa
    2. Đây cũng là dịp đầu tiên em tham gia diễn đàn, nên ban đầu có sự lúng túng trong viêc xưng hô giữa một tập thể đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi..Thật sự em đã bối rối, thậm chí sợ hãi như bị bắt trói lại. Cám ơn các anh đã tạo cho em niềm tin và sự mạnh dạn để nói lên tiếng nói của chính mình...

      Xóa
    3. Trường Thiếu sinh quân Nguyễn văn Trỗi có những học viên từ khóa 1 đến khóa 8, năm sinh từ 1947 đến 1957,tóc bạc hết rồi NL ạ, nhưng vẫn rất trẻ trung trong tính cách và phóng khoáng trong cư xử, vì vậy NL hãy vô tư đi, các trang bạn Trỗi sẵn sàng đón nhận NL giao lưu như người thân, xin dừng lo lắng gì nhé! hãy vào đọc và sẽ biết thông tin về những BT này, họ rất vui tính và thân tình đấy.

      Xóa
  9. Cám ơn ông chủ blog vì đã cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và bổ ích !

    Trả lờiXóa
  10. He he ! Lâu lắm mới vào thăm ngôi nhà của Anh bạn . Cảm ơn nhé , bổ mắt , bổ tai và bổ .....não !
    Với những cái comm Như của NL thì Anh QT có " chết " cũng chơi , nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu quá mới thấy HĐ ghé thăm Blog, xin cám ơn bạn, nhưng mỗi tình cảm được thể hiện qua comment thực sự làm chúng ta vui và thấy cuộc đời đáng sống hơn, a mà có nhiều comment còn đáng yêu đời hơn thế nữa kia, đọc lại các bài thơ cũ mà xem :))

      Xóa

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment