*
* *
Khi làn sương cuối cùng bay lên cũng là lúc thung lũng được chiếu sáng bởi những tia nắng đầu tiên. Chúng tôi đã thức cả đêm và lúc này, khi trời đã bắt đầu sáng, tôi mệt mỏi ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan khu vực. Con đường đèo hiểm trở vẫn mềm mại men theo sườn núi leo mãi lên phía trên. Phía dưới nó là con suối khá rộng, lổn nhổn những tảng đá lớn. Khi vượt qua con ngầm để tiến sang đoạn đường phía bên kia. Đoàn xe pháo của chúng tôi đã bị ngừng lại vì con đường tạm đã bị đoàn xe tăng đi trước làm sạt lở dưới sức nặng của hàng chục tấn sắt thép. Chỉ huy mặt trận lệnh cho các đơn vị công binh dùng ngay mấy xe gạo phía sau lấp chỗ sạt lở. Sau những nỗ lực cuả công binh, đoạn đường được vá tạm thời. Điều đó cũng chỉ đưa được thêm đoàn xe bọc thép vượt ngầm an toàn. Con đường tiếp tục sạt lở rộng và Đại đội pháo mặt đất của tôi đành nằm chết dí tại chỗ, nơi mà tôi đang ngao ngán đứng thở dài vì đã biết chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu trời sáng mà đơn vị không thoát ra được thì cầm chắc sẽ bị máy bay Mỹ oanh kích và đó chính là sự kết thúc.
Chúng tôi khẩn trương chặt lá ngụy trang lấp đầy xe pháo, điều đó là cần thiết nhưng xem ra chỉ để an tâm là đã cố gắng hết mức mà thôi. Trên con đường trống trải, lù lù cả một đoàn xe pháo to lớn như vậy thì không thể qua mắt được những tấm không ảnh hiện đại của không quân Mỹ. Hóa ra ,cuối cùng thì điều tôi lo lắng không chỉ có vậy. Nguy hiểm không chỉ đến từ trên không mà còn ngay trên đầu chúng tôi, những đỉnh núi lở loét đất đỏ và rải đầy dù pháo sáng.
Năm 1969 ,sau khi củng cố lại đơn vị tại Thạch thành ,Thanh Hóa. Trung đoàn 16 pháo binh mặt đất nhận lệnh hành quân tham gia chiến dịch giải phóng Cánh đồng chum, Xiêng khoảng trên đất Lào. Khác vói hồi 1968 hành quân vào B2 với pháo 85 ly nòng dài được kéo bằng xe zin 157. Chúng tôi được trang bị lựu pháo 122 ly kéo bằng xe bánh xích ATZ. Đây là một chiến dịch lớn và lần đầu tiên được thực hiện có sự tham gia của các quân binh chủng với hai sư đoàn 312 và 316. Chúng tôi ra trận mà lòng nhẹ tựa lông hồng. Từ cái loa của chiếc đài Orionton mà ông chính trị viên đeo bên người liên tục phát ra những nốt nhạc hào hùng của bài “ Việt nam trên đường chúng ta đi “ mà ca sỹ Doãn Tần trong một phút ngẫu hứng đã thể hiện khá thành công, và tiếng hát đó đã thúc giục không biết bao nhiêu chàng thanh niên miền Bắc trong đó có tôi đã quên mình quăng thân vào bom đạn mà không hề hối tiếc. Ngồi trên buồng lái chiếc xe xích đã từng tham gia công phá Berlin. Tôi vừa lẩm nhẩm hát theo bài hát vừa nôn nao nghĩ đến lúc cùng đơn vị xung trận. Cái thân bé nhỏ tả xung hữu đột giữa vòng vây quân thù cho thỏa chí nam nhi. Những cú xóc nâỷ người của chiếc xe bánh xích cứ như được ngồi trên lưng ngựa Xích thố phi ra giữa trận tiền. Thật là oai hùng!
Chúng tôi vượt biên giới trong một đêm mù sương. Bắt đầu từ đây, đơn vị hành quân theo từng trung đội hai khẩu một để đến vị trí tập kết. Trong đêm tối, tiếng xích sắt nghiến xuống mặt đường không át được thỉnh thoảng những loạt súng bắn ra từ hai bên sườn núi. Chúng tôi nằm rạp mình trên xe và bắt đầu thấy lạ kì cho một cuộc chiến mà kẻ thù là những cái bóng lẩn quất trong bụi rậm, thỉnh thoảng nhảy ra lia một loạt đạn rồi lập tức biến mất vào bóng tối. Chúng được gọi là phỉ Vàng Pao mà tôi thì bắt đầu ngờ ngợ cho cái háo hức bồng bột của mình. Nhất là khi tận mắt nhìn thấy lần đầu tiên vết thương đang tóe máu của đồng đội. Một quả lựu đạn US ở đâu đó trong bóng tối ném vào thùng xe và anh chàng trinh sát thiếu may mắn ngồi phía bên ngoài nhận một mảnh đạn vào cánh tay, tôi cũng không chắc là anh ta thiếu may mắn hay quá may mắn, vì với vết thương đầu tiên trong đơn vị, anh này được đưa ngay ra Bắc điểu trị , nhận một cái thẻ thương binh và về quê lấy vợ, thật là tự hào cho một đời lính đã đổ máu vì tổ quốc!
Vào đến vị trí tập kết thì tiểu đoàn bị thiệt hại tương đối nhẹ. Mất một khẩu pháo và hai chiếc xe xích của đại đội bạn. Đại đội của tôi may mắn còn nguyên vẹn và được đưa lên lĩnh ấn tiên phong trong mũi xung kích mà mặt trận tổ chức tấn công vào trung tâm Cánh đồng chum. Khi chiến dịch mở màn, mũi tiến công gồm một lực lượng tổng hợp gồm xe tăng T54, xe bọc thép AM, đoàn xe pháo mặt đẩt rầm rộ vượt đèo Bưởi, đèo Phỉ tiến vào trung tâm cao nguyên. Lực lượng đó taọ thành một mũi thọc sâu mà xem ra tính chất dọa dẫm nhiều hơn là một cú đánh thực sự, chỉ có điều người ta không tính hết được tính chất phức tạp của địa hình. Đoạn đường đèo này có cao độ gần năm trăm mét và trên các đỉnh núi phía trên đèo là các căn cứ của lực lượng đặc biệt Vàng Pao đang trấn giữ, vượt qua chúng mà không đánh thì là một quyết định hết sức táo bạo hoặc là một quyết định liều lĩnh chỉ có ở những anh chàng bạt mạng. Nói gì thì nói, thực tế là lúc này chúng tôi đang đối mặt với một tình huống phức tạp, mũi tiến công bị cắt làm hai và chúng tôi, đoàn xe pháo cồng kềnh đang chờ đợi một sự tàn sát hiển nhiên như đã nói ở đoạn đầu.
Khi tiếng động cơ ầm ào của chiếc máy bay trinh sát L19 vọng xuống thung lũng cũng là lúc chúng tôi nháo nhác tìm vị trí ẩn nấp. Dọc tuyến đường có những chiếc hầm cá nhân được khoét vào vách núi. Loạt bom đầu tiên từ những chiếc F4 lao thẳng xuống đội hình xe pháo của chúng tôi. Không biết vì sức ép hay vì đôi chân bỗng nhiên biến thành lò xo mà tôi thấy mình đang ngồi thọt lỏm trong góc tối của chiếc hầm tăng xê ẩm mốc, đôi tai ù đặc còn mũi mồm nghiến chặt chống chọi với làn khói đen khét lẹt mùi thuốc nổ đang xộc vào chiếc hầm bé nhỏ. Đã nhiều lần xem những bộ phim chiến tranh, bom đạn. Những tiếng nổ uỳnh oàng, những cột khói bom trên màn ảnh và những đoàn chiến xa ầm ầm đang xốc tới làm người ta liên tưởng rằng chiến tranh thật thi vị. Lần đầu tiên trong đời, tôi đang đứng giữa một trận oanh kích thực sự . Cũng không còn biết là mình đang cảm nhận được gì, chỉ biết giữa lúc những tiếng nổ chat chúa của những loạt bom tiếp theo đang xé nát không gian thì bỗng nhiên tôi nghe được âm thanh loạt soạt của những vật gì đó đang cắm sâu vào lòng đất chỗ tôi đang ngồi. Có cái gì đó cắm phập vào vách đất của cửa ra vào, tôi ngờ nghệch thò tay mó vào cái vật mà sau này mới biết là mảnh bom. Sức nóng của nó làm đầu ngón tay bỏng rộp, cái ngu đầu tiên thật ngớ ngẩn. Tôi tự mắng mình: Không cái ngu nào giống cái ngu nào!
Đến quá trưa thì trận oanh kích chấm dứt. Chúng tôi lần lượt chui đầu ra khỏi chỗ ẩn nấp. Cảnh tượng thật hoang tàn. Xe pháo của chúng tôi lúc này chỉ còn là những đống sắt đang âm ỉ bốc khói. Cái xe xích mà tôi vẫn cưõi và hình dung như con ngựa Xích thố của Quan Vân Trường giờ này đang tỏa ra những làn khói cuối cùng. Kéo theo nó toàn bộ quân tư trang của khẩu đội. Cái ba lô đời lính thì có gì quý giá mà phải luyến tiếc. Có điều sau này cũng đôi lúc dằn vặt tiếc nuối đôi chút vì đã không còn giữ được chiếc áo bông có cổ lông được phát từ hồi còn là học sinh trường Trỗi, cái hộp thuốc lá kèm bật lửa mua từ hồi ở Quế lâm bên Tầu và còn rất nhiều ảnh của những đám lâu la bồ Tây bồ Ta của một thời hoang dại. Con người thật kỳ lạ thân mình nhiều khi không tiếc mà lại đi tiếc nhớ những kỷ niệm, âu đó cũng là thuộc chất của con người vậy .
Sau khi kiểm tra xem xét thì khẩu lựu pháo 122 ly của khẩu đội tôi vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị cháy mất một mảng của chiếc bánh đặc bằng cao su nhân tạo. Khẩu đội bên cạnh còn nguyên chiếc xe xích nhưng nó cũng bị thủng két nước. Chúng tôi hồ hởi móc lương khô ra chén bởi vì đã nhịn đói từ đêm qua. Ăn xong đẫy bụng rồi mới bắt đầu tá hỏa vì khát nước, Anh em nhìn nhau rồi cắm đầu xuống suối mà nốc cái thứ nước còn sặc mùi thuốc bom và biết đâu, phía trên thượng nguồn còn có mấy cái xác chết đang thối rữa đang nằm chờ thời gian để được đưa trở lại lòng đất.
Hất khẩu AK ra sau lưng, tôi ngước nhìn trời đất và đột nhiên chợt thấy bầu trời hôm nay sao trong xanh đến vậy. Mây trắng bay như những dải lụa mềm quấn quanh sườn núi. Hoa ban nở trắng rừng. Trong nắng chiều đang nhạt dần tạo nên vẻ tinh khiết như vẻ trắng trong của thiếu nữ. Vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng thật là cảm hoài, một sự nhung nhớ vu vơ có vẻ như không hợp với khung cảnh đạn bom mà chúng tôi vừa trải qua. Trong bối cảnh như vậy, bỗng tôi thấy những bóng người mặc quân phục khác lạ đang nhảy nhót qua rừng cây đổ dốc về phía chúng tôi. Chúng ngày càng đông hơn và đang hò hét với một thứ ngôn ngữ nghe như tiếng cãi nhau ở một phiên chợ vùng cao. Tôi vội hét : “ Có bộ binh địch”. Mọi người cùng ngước lên nhìn theo hướng tay tôi chỉ, tình huống đã rõ. Đám quân địch chốt giữ trên đỉnh núi đang tấn công xuống. Chúng cho rằng chúng tôi phần lớn đã bị tiêu diệt sau trận bom vừa qua. Chúng nhao xuống để tịch thu chiến lợi phẩm và đếm xác mấy tay Cộng sản Bắc Việt lấy thành tích để còn lên cấp lên chức. Hóa ra ở đâu cũng vậy, bệnh ấy ăn vào máu rồi. Tây ,Ta hay phỉ cũng thế mà thôi.
Lúc này, chúng tôi chỉ còn chừng hơn mười tay súng. Chỉ huy cao nhất là một anh Trung đội trưởng, vốn dĩ là dân sơn tràng từng nổi tiếng với khẩu lệnh “ hướng tăng… tầm sang phải”. Trong pháo binh, điều đó tương đương với một sự ngớ ngẩn. Tuy vậy lúc này anh cũng xứng đáng là một sỹ quan được đào tạo chính quy. Anh ra lệnh : “Chúng mày bình tĩnh, mấy thằng kia lên xe vác khẩu mười hai ly bảy xuống đây, tất cả nấp vào sau các tảng đá, chuẩn bị chiến đấu, lúc nào tao hô bắn mới được bắn, lúc nào tao bảo chạy mới đựơc chạy. Thằng nào chạy trước chết đừng có trách, nhớ kéo khóa an toàn đấy”. Toàn lính chưa đánh nhau bao giờ, líu ríu làm theo lời anh mà mắt cứ lấm lét nhìn về hướng quân địch. Tôi vừa giúp anh kéo cái càng khẩu đại liên vừa lẩm bẩm “ Chết rồi thì còn trách ai được nữa mà bảo chạy trước thì chết đừng có trách”. Anh nhìn cái bản mặt dân thành phố của tôi rồi bảo :”Mày có sợ không”. Tôi lúng túng gãi đầu gãi tai:” - Ơ ơ ..em.. em ”. Nói sợ, ông ấy đi mach lại với chính trị viên thì toi mà nói không sợ thì chỉ có trên sách vở của mấy ông cán bộ chính trị, tuyên huấn. May mà ông ấy quay đi bảo:” Thằng nào mót đái thì cứ tè ra quần như tao đây này, tý nữa chúng nó xuống đến nơi thì liệu mà bắn không chết cả nút, hiểu chưa!”. Thằng nào sợ mà chẳng mót đái!
Tôi nín thở rê nòng súng theo đám mũ sắt nhấp nhổm đang rón rén tiến về phía đoàn xe pháo. Bọn này vẫn chưa phát hiện ra chúng tôi, may thế! Nhìn đám người đông như mối sau mưa đang nhảy nhót. Tôi tự nhủ mình đừng sợ nhưng cái cảm giác rờn rợn, kiến bò vẫn râm ran phía dưới xương cụt, thỉnh thoảng một luồng khí lạnh ở đâu đó trong tiềm thức nhảy ra len lỏi chạy dọc sống lưng lên đến tận đỉnh đầu. Không lạnh mà răng cứ đánh lập cập như mùa đông năm nào được hưởng cảnh tuyết rơi trên đất người. Cảm giác đó bỗng thay đổi khi những bộ mặt đen đúa, nhăn nhở nhét dưới những cái mũ sắt to hùm hụp đang ngày càng rõ nét hơn. Trên đầu tôi, ông Bê trưởng cũng đang rê nòng khẩu mười hai ly bảy về hướng đám lính đông nhất, rồi vừa kéo cò vừa hét “Bắn”. Tôi tưởng anh phải hét lên câu gì đó đại loại như “Các đồng chí, hãy trả thù cho đồng bào miền .. gì đó thân yêu “ hoặc “ hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn” chẳng hạn chứ. Hay cha này lo trong bối cảnh như vậy không có thằng nào nghe được mà hưởng ứng. Độc có từ “Bắn” ai mà chẳng hét được. Vậy thôi chứ nghe tiếng khẩu đại liên toang toác trên đầu thì tôi cũng mắm môi mắm lợi nhè vào giữa cái đám láo nháo bên kia mà kéo cò thật lực. Tiếng súng nổ rát rạt làm cái tính hiếu kỳ trẻ con của mình nổi lên, rồi cũng nhảy nhót hòn đá này sang hòn đá kia, nhằm vào cái đầu này cái bóng kia mà kéo cò, lúc đó thì còn ngắm nghía gì nữa. Tiếng la hét oai oái từ phía bên kia cùng với đủ lọai tiếng nổ tạo thành một mớ âm thanh hỗn loạn thật khó diễn tả. Tiếng súng bắn trả từ bên kia thưa dần rồi mất hẳn. Đám lính láo nháo không chịu nổi hỏa lực quá mạnh của chúng tôi bèn kéo nhau chạy, mà thực ra chắc gì chúng đã muốn đánh nhau thật, bao nhiêu súng ống vứt lại ngổn ngang trên mặt đất. Một trận đánh nhau gọi là ác liệt rốt cuộc cũng chỉ có vậy. Thằng này nhằm thằng kia mà kéo cò, bên kia có chết hay không thì cũng bất biết. Mà biết làm gì. Mình đẩy lui được nó, thoát khỏi tử thần vừa ghé thăm thì mừng còn hơn đào được vàng ấy chứ. Cái bọn lính người Mẹo này có đùa được với nó đâu. Sau này khi nói chuyện với anh em bộ binh sư ba mười sáu, họ nói rằng đánh với bọn này còn khó hơn lính Mỹ và lính Sài gòn, mà quân ba mười saú là quân chuyên đánh núi đấy. Nghe họ nói xong toát hết cả mồ hôi hột.
Hoàng hôn bắt đầu len lỏi sau những tán lá phía chân đèo. Vùng núi màn đêm thường buông rất sớm. Đối với chúng tôi đó là điều may mắn. Đêm che mắt quân thù và đêm cho ta sự tự tin. Trong cái khí thế như vũ bão của cuộc chiến. Kẻ thù dao động và hoảng loạn, chúng bắt đâù tháo chạy trên toàn mặt trận. Chúng tôi được lệnh gom chiếc xe và khẩu pháo còn lại. Chờ công binh sửa nốt đoạn đường bị hỏng rồi tiếp tục vượt đèo tiến vào trung tâm Cánh đồng chum. Ngồi trên chiếc xe cà khổ cứ hai ba cây số lại phải dừng lại đổ nước. Đêm hành quân dài dằng dặc và tôi bắt đầu biến thành một triết gia có cỡ. Trong tâm trí mình, tôi gật gù chép miệng chèm chẹp than thở cho nhân tình thế thái. Cuộc sống thật vô minh,chẳng có gì rõ ràng cả. Cái chết và sự sống cách nhau không quá một bãi nước bọt. Cái đúng và cái sai cũng chỉ do con người ta theo tiêu chuẩn của mình mà đặt ra rồi áp đặt cho người khác. Nay có thể cái này được tôn thờ, tung hô nhưng ngày mai thì có thể biến ngay thành tội đồ. Nay cái kia là đúng nhưng biết đâu ngày mai là sai. Chẳng có gì bất biến. Anh hùng và kẻ hèn nhát có gì khác nhau đâu. Cũng là một câu chuyện. Thêm thắt cho nó có mắm có muối , được bơm lên rồi thì thành này thành kia, đi cho nó đúng quỹ đạo thì thành một bản anh hùng ca được bao nhiêu người ngưỡng mộ.Thực tế trần trụi hơn người ta tưởng. Che đậy nó bằng những từ ngữ mỹ miều thì phải gọi đúng tên là bịp bợm. Đối đầu với cái chết, ai mà chẳng sợ,vãi cả đái ra nhưng ở đâu đó vẫn lên gân lên côt. Cũng nhiều thằng chết vì tin nhưng cũng nhiều thằng tỉnh táo biết sợ mà vượt qua đựoc. Âu đó cũng là “tri” vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment