Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2010

ĐỒNG HƯƠNG

*
* *


Anh là cán bộ đại đội, còn tôi chỉ là thằng lính trơn. Một lần, khi còn luyện tập ở Thanh hoá, ngồi nghỉ giải lao, nghe giọng mô tê răng rứa của anh, tôi hỏi : Anh Đạo quê Quảng Bìn à? Ừ tao dân Quảng Bìn đây. Ông già tôi quê gốc Quảng Bình nên tôi bảo : -Thế anh em mình là đồng hương. – Mày chỉ láo, cái mặt mày mà dân Quảng Bìn, giọng mày thế mà cũng đòi làm dân quê tao a? Tôi gân cổ cãi: Làm như dân xứ Quảng nhà anh vinh dự lắm ấy, nhưng mà ông già em đúng dân Quảng trạch đấy. Thế anh huyện nào. Tao Quảng Ninh. Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện, bà già em Lệ thuỷ. Vậy là tôi với anh thành đồng hương, may anh không hỏi chi tiết chứ hỏi thêm tí nữa thì tôi phải giả vờ đau bụng mà chạy chứ biết sao mà trả lời,đã lâu không về, có biết đất cát cha ông tròn méo ra làm sao?
Anh là người thật thà mộc mạc nhưng bốc phét cũng giỏi. Có hôm nghỉ giải lao, anh khoe tao ngày xưa là lính nhảy dù 305. Tôi bảo người anh được một mẩu thế kia, nhảy dù cái gì, đeo cái ba lô dù tịt cả xuống đất thì đi sao được mà nhảy. Anh bảo, hứ thật đấy, tao còn được học võ nữa kia, rồi đứng ra hoa chân múa tay loạn xạ. Tôi bảo, anh có võ vậy có đỡ được cú đá của em không? Mày thì ăn thua gì! Lên đây coi. Tôi đứng dậy đi ra. Võ vẽ gì tôi, hồi bé học mót dăm ba cú xua gà đuổi chó, đấm đá loạn xà ngầu chứ có mà võ nhái! Nhưng được cái hay xỏ lá, ngồi dưới đã có âm mưu rồi, anh bảo mày vào đi, thằng bé giơ chân đá một cú nhưng chỉ là hư chiêu, anh vội vàng giơ tay đỡ mà không ngờ mình chơi đểu, chân đá qua rồi nhưng giật gót lại, vậy là ông anh dính cú đà đao sưng vù ngón cái. Anh hét mày chơi trò không quân tử. Tôi cười hề hề, chứ anh có võ mà không lường trước được à. Thực ra anh cũng chỉ được học dăm ba đòn đối kháng, bắt tù binh kiểu bất ngờ nhảy ra chẹn họng mà lính trinh sát quân đội hay học để sử dụng trong tình huống cấp bách thôi, sau này anh bảo vậy.
Đời lính có nhiều chuyện buồn cười. Hồi còn ngoài Bắc, có lần đi Lạng sơn lấy đạn, qua Phủ lý anh em kéo nhau vào hợp tác xã mua bán định bụng làm mấy bát phở không người lái chống đói. Vào quán thấy một đôi nam nữ trông chải chuốt lắm, thời chiến mà quần này áo kia, nước hoa Ỷ Lan, đầu chải sáp thơm bóng lộn, trông đã ngứa mắt nhưng kệ nó thôi. Đến đoạn chàng dùng đũa gắp từng khẩu mía bón cho nàng thì ông anh ngứa mắt không chịu nổi, vác bát phở còn nóng hổi đến ngồi bên cạnh, giả vờ dùng đũa khều phở nhưng đều bị trượt, quẳng đũa cái cạch rồi cho năm ngón vào khoắng, mồm kêu nóng quá, nóng quá, hai tay dính mỡ với nước phở vẫy loạn xạ, bắn đầy vào người cô cậu. Đám lính được mẻ cười no bụng.
Mấy anh cao tuổi hơn chút thường hay khua môi múa mép truyền đạt cho lũ đàn em kiến thức tán gái. Đặt ra bài vở, bài một thế nào, bài hai thế nào. Tôi hỏi anh thế anh chị quen nhau thế nào. Anh bảo, à tao đi cùng chuyến xe, nửa đường bụng tao muốn xì hơi, cô ấy ngồi bên cạnh nên không biết làm thế nào, chẳng lẽ làm cái bùm thì bất lịch sự, bí quá tao bèn cất giọng hát: “Đôi bồ câu đang bay về hướng, anh cùng em đi ra công trường…” rồi nhấc đùi: “chit, chit”. Lúc sau nó còn đòi nữa, tao lại : “đôi bồ câu …” rồi nghiêng mông “chit chit…” Cô ấy liền quay sang tao bảo : “Thì cứ thả đại cả bầy ra đi, thả từng đôi thế thì lúc nào mới hết.” .. hề hề .. thế là chúng tao quen nhau. Anh bịa ấy mà, biết thế nhưng vẫn cười như Liên xô. Thế mà có thời tôi tin đó là cách tán gái hay số một đấy! Trước đó, tôi biết là đơn vị cho anh về phép đột xuất giải quyết việc gia đình. Nói việc gia đình cho oai chứ thực ra là chị ấy ở quê, xa chồng lâu ngày không chịu được nên trót ăn vụng. Gia đình báo lên, trung đoàn cho anh về giải quyết. Mấy hôm sau về đơn vị anh em bỗ bã hỏi vụ việc xong chưa, anh bảo xong rồi, có bỏ không, không bỏ, chỉ doạ thằng kia một trận, nó hứa từ nay xin chừa. Mấy thằng tức khí bảo sao anh không bắn cho nó què chân nó mới sợ chứ cái máu ấy thì làm sao chừa được. Anh bảo thôi đã có chính quyền địa phương. Đúng là anh dễ tin quá, đêm nằm nói chuyện tào phào tôi hỏi : sao chị yêu anh thế mà lại làm chuyện ấy, anh bảo, nhà dột, tao đi vắng, ở nhà vợ tao phải nhờ nó sang lợp giúp, nó mặc quần đùi ống rộng ngồi trên, vợ tao đứng dưới đưa gianh, cái của nó cứ đong đưa trên đầu thì con mẹ nào chịu được cơ chứ, chỉ là tai nạn thôi mà, tao không chấp. Anh đại lượng thật, tôi nghĩ.
Là cán bộ nhưng anh rất xông xáo, chỗ nào cũng có mặt, khắp mặt trận nổi tiếng ông Đạo đen pháo binh. Trên giao nhiệm vụ khó khăn kiểu gì anh cũng quyết không từ nan. Nhưng cán bộ xông xáo kiểu ấy thì khổ mình khổ cả lính, cứ chỗ nào khó nhằn nhất là gọi C5, thành ra chúng tôi bận túi bụi, hết đông sang tây, hết nam về bắc, chẳng mấy khi được thảnh thơi. Chỉ mong sao mùa mưa chóng đến để được giải lao. Vậy chứ đi đánh nhau cũng có cái sướng riêng, địch chạy cái là theo chân anh, trèo chốt hưởng sái của bộ binh. Các ông tướng bộ binh sợ nặng, túm được cái gì ăn được thì xơi luôn rồi chuồn, mấy ông có xe có cộ như bọn tôi tha hồ vác, đồ hộp , bánh kẹo, thuốc lá. Nhưng không khoái bằng dù, các loại dù, dù người dù hàng dù pháo sáng vv.. chất đầy ba lô, chẳng biết để làm gì, sau này cho mấy cô dân công để cưa cẩm cho có chất lượng!
Trận đó diễn ra ác liệt, đấy là cách nói sách vở. Thực ra là căn cứ Buom long cực kì khó nhằn. Nó nằm ngay giữa vùng giải phóng, án ngữ giữa đường 6 nối Xiêng khoảng và Sầm nưa. Địch đã xây dựng thành một căn cứ lớn, có hầm ngầm phòng thủ. Đã nhiều năm, hai sư 316 và 312 có các đơn vị tăng cường, sử dụng cả canon 130, thỉnh thoảng cho AN24 sang ném bom mà chẳng làm được gì, toàn thua. Đơn vị tôi có mấy khẩu trực chiến, thỉnh thoảng làm vài phát gọi là quấy rối, không cho địch ăn ngon ngủ yên. Nó tức lắm nên cũng chơi lại cái kiểu đó, mấy cái máy bay ném bom đặt sẵn toạ độ, bất ngờ roẹt qua. Làm vài quả bom bi, nổ như pháo tết. Một hôm, tôi với ông B trưởng mới bổ sung về đang đứng trên nóc hầm pháo, chưa kịp xuống, không biết sao phởn chí, ông cầm khẩu ak giơ lên, miệng đọc thơ Tố Hữu:” Hãy giương súng lên cao, chào xuân sáu tám! “. Chữ tám chưa ra khỏi miệng thì bốn bề nhoáng lửa, tiếng nổ bom bi rền như sấm bên tai. Cả hai chúng tôi đổ uỵch xuống hầm pháo rồi cùng bắn vào một góc. Có cái gì ướt lạnh bò bò trên má, tôi đưa tay sờ thấy máu chảy toe toét, nhưng sao không thấy đau lắm, lần sờ lên trên thấy có mảnh gì cắm mang tai, may mà cái mảnh bom ấy chỉ đến sọ thì dừng lại, đi sâu tý nữa chắc hy sinh thật. Máu chảy đầy mặt nhưng thôi kệ vì liếc sang thấy anh B trưởng đang ngồi tựa lưng vào vách hầm pháo ngáp ngáp, tay đưa lên bịt miệng, có vẻ như bị thương nhưng không thấy máu chảy ở đâu cả, hoảng quá vừa lay vừa gọi: Anh Dương, anh Dương, anh có làm sao không đấy! chả thấy ông nói gì, mắt cứ trợn lên nhìn trời nhưng sao không thấy con ngươi động đậy, tay thì vẫn bịt miệng, lại tưởng ông ấy bị gẫy răng bèn kéo ra xem, bất ngờ máu từ đó tuôn ra xối xả, sờ khắp người không thấy vết thương mà sao máu vẫn chảy trong miệng ra. Hoảng loạn thật sự, thế mà vẫn kéo được ông ấy vào hầm, trong đó các vị khác đang an toạ, mặt cắt không còn hạt máu. Đành phải để anh ấy nằm xuống chỗ đường đi, tôi lom khom phía trên, bên ngoài, bom bi vẫn toang toác như ngô rang, nhỡ có quả nào nổ ngoài cửa chắc cũng đi rồi. Cái giống bom bi này ở phía đầu nó có một tảng bóng bán dẫn, khoảng tám chín vỉ, có kinh nghiệm định vị là tìm được,lấy vài cái bóng lắp thành cái đài, các kiểu sóng tranh nhau nói loạn xạ. Chịu khó tìm chất một góc ba lô, sau này đem về chợ giời bán, cũng được khá tiền. Mấy thằng Hà Nội khôn ranh mới biết trò này, mấy vị kia cứ bảo mấy thằng hâm, ôm vào cho nặng nợ. Cười hề hề chứ cãi làm gì!
Lại nói khi trận bom chấm dứt, cả bọn hoàn hồn kéo ông B trưởng ra, cởi áo vén quần, tuyệt nhiên không có một vết thương nào, khi nhìn thật kỹ, phía sau lưng có một cái lỗ nhỏ,hơi đo đỏ, sờ tay ra đằng trước thấy có một điểm hơi phồng lên, tím ngắt, đúng vào vị trí quả tim. Hoá ra một viên bi xuyên qua tim anh từ phía sau.
Tôi hớt hải chạy về hậu cứ báo đơn vị ra cấp cứu, máu của tôi, máu của anh dính bê bết từ trên xuống dưới. Về đến nơi, tôi vừa hổn hển thông báo vừa đổ gục xuống vì chạy mệt, hành động đó tạo nên một sự báo động chất lượng cao, mọi người khẩn trương chạy ra trận địa, chắc là còn loan tin cho nhau là thằng Trung vừa về đến nhà là cũng xong rồi, thế mới có đoạn tôi đang còn sống sờ sờ mà lại được nghe đồng đội xót thương mình, số là khi anh Đạo cùng một số anh em đi công tác về, nghe thế nào mà đứng vây quanh cái xác của ông B trưởng,trời tối lại tưởng là tôi, ngó nhìn một hồi rồi anh Đạo chép miệng: Tội nghiệp thằng Trung, chúng mày làm ăn thế nào mà để nó chết. Lính mà , kiệm lời lắm, được một câu như thế cũng là nhiều lắm rồi, tôi đứng ngay đằng sau thấy mọi người tiếc thương mình cũng thấy khoai khoái bèn bảo: Em đây mà anh Đạo. Anh quay lại mừng húm: Thế sao bảo mày chết, mày còn sống nhăn đây mà. Tôi bảo chỉ có anh Dương thôi anh ạ, chắc chúng nó nhìn nhầm. Hai thằng đứng sát cánh nhau, cùng đứng giữa một trận bom, mà là bom bi. Thằng Mỹ nó tính giỏi lắm, mấy trăm quả bom con mà nổ thì trong phạm vi sát thương không chết cũng hy sinh, vậy mà chỉ một ra người thiên cổ, không lý giải nổi, từ đó tôi thành người mê tín!
Mấy tuần sau, vết thương của tôi đóng vẩy rồi bong, tóc vẫn mọc ra bình thường. Không ảnh hưởng đến việc vác mặt đi cưa gái, lại còn được nhận một cái giấy chứng thương, trong đó ông văn thư ghi: vết thương phần mềm tai phải. Cũng cất đi làm kỷ niệm nhưng không dám khoe với ai, bị thương vào tai thì thua rồi, ghẻ cắn có khi còn đau hơn. Gần đây khi gặp lại ,nhắc chuyện cũ, anh bạn bảo làm gì có chuyện ấy, đưa chứng thương cho xem cười hề hề chắc hồi đó cà cuống nên tao nhầm. Cũng được một trận cười.
Chuyện về ông đồng hương kể cả ngày không hết. Năm một chín bảy một, anh lên chức Đại đội trưởng, địch lại lấn chiếm gần như hết khu lòng chảo đồng Chum. Mặt trận lại tổ chức phản công,chiến dịch lớn, phen này định đánh luôn cả Long chẹng. Đại đội được lệnh bắn chế áp sân bay Bản Ang, bắn thử mấy quả chẳng thấy đạn đâu( tức là có trục trặc trong khâu chuẩn bị phần tử mục tiêu nên bắn chưa trúng) ở vùng núi, bắn trượt phát là đạn chui xuống thung lũng, sâu hàng cây số, nguy cơ không bắn trúng rất lớn. Ông đồng hương ngày thường lất phất thế nhưng cũng giỏi, dùng pháo đội kính bội số bốn mươi, anh phát hiện cách xa gần chục cây số có một toán lính địch lúp xúp chạy về phía phải, anh cho rằng đạn nổ ở phía trái toán lính cho nên nó sợ mới bỏ chạy về phía bên phải, anh sửa lại phần tủ bắn thì chỉ sau hai quả đã có đạn trúng mục tiêu, cú đó toàn đơn vị đều phục là giỏi.
Thừa thắng xốc tới. Mặt trận quyết định đánh tiếp sâu vào sào huyệt địch. Khi chuẩn bị chiến trường.Tổ chức một đoàn trinh sát thực địa, gồm cán bộ từ Đại đội trở lên của các đơn vị tăng, pháo,công binh vv..Bộ binh từ cấp trung đoàn, nói chung toàn cán bộ cấp bự. Anh Đạo có mặt trong đoàn, hành quân bộ, đến đúng một khu rừng tre gai mọc dày đặc hàng cây số thì bắt đầu trận bom, không ai biết vì sao địch lại có thể phát hiện đoàn người hành quân bộ dưới một rừng tre như vậy. Bom chặn đầu, chặn đuôi. Rất ít người chạy thoát, hai bên đường tre gai mọc kín. Các đơn vị cử người đưa xác thủ trưởng đơn vị về, họ bắt gặp nhiều tư cách chết khác nhau. Anh Đạo của chúng tôi ngồi dưới một gốc cây, hai tay chống vào chiếc gậy, đỡ chiếc đầu gục xuống, thanh thản như đang ngủ. Anh không chạy vì biết là không chạy đi đâu được, ngồi xuống đó, chấp nhận cái chết như một sự giải thoát, ấy là tôi nghĩ vậy, nhưng tôi tin là anh đã không sợ và đến với cái chết trong một tư thế khác người. Điều chắc chắn là khi anh mất đi đã để lại trong lòng anh em một sự tiếc thương sâu sắc, khó nói lên được bằng lời. Người ta đã định cơ cấu để phong anh hùng cho anh nhưng rồi mãi chẳng thấy gì, tuy vậy sâu trong tâm tưởng của anh em cùng đơn vị, anh còn hơn là một anh hùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment