Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Những năm tháng xa xưa

Khỏe như trâu cũng khó mà trụ lại với bệnh tật, mà ở chiến trường, ai chẳng biết điều kiện sống thật khó khăn, đói no là chuyện thường tình, riêng chuyện ăn uống cực khổ cũng đủ làm con người ta sinh bệnh. Thế hệ sau này nghe nói đến những lúc thiếu đói, thực đơn chỉ có rau tàu bay mọc dại hoặc một thứ cây gì đó mọc ở những ruộng rau tận đồng bằng Hoa hạ nước Tầu được đem phơi khô đóng bánh, khá hơn tý nữa có thêm tý ruốc cá, một thứ bột cá biển tán nhỏ cũng đóng bánh mà khi nhớ lại, tôi vẫn nghĩ rằng không biết tại sao lúc đó, mình lại có thể nuốt trôi được thứ bột người ta làm ra chắc để nuôi súc vật, khô khốc ,vàng khè, tanh tưởi, và không biết trong đó có được pha chế thêm chất phụ gia bảo quản nào không, có điều chắc chắn là thứ bột ấy để hàng năm không mốc, thế mới tài. Về những loại thực phẩm khô được ông "bạn lớn" viện trợ, chắc các cựu chiến binh còn có nhiều điều tâm đắc để kể lại hơn tôi, ở đây tôi chỉ muốn nói trong điều kiện sống cam khổ như vậy, bom đạn triền miên, tâm lý ức chế, sốt rét , thương hàn hành hạ lính ta không lúc nào ngưng nghỉ , vậy là nếu không bị thương vì bom đạn do máy bay giặc hay do đạn bắn thẳng lúc công đồn thì thế nào cũng có lúc phải đi nằm viện. Xung quanh chuyện đi viện cũng thật nhiều những kỉ niệm, những điều vui cũng có mà buồn cũng có, là lính mà , muôn vàn những chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt và cũng không ít những bi kịch đậm chất hài hước.
Lần mò gần hết ngày giời tôi mới mò đến được bệnh viên, nó được mang tên chiến dịch, gọi là bệnh viện 139. Để đến được bệnh viện này phải vượt qua những dốc đèo kinh khủng lắm. Ai đã tìm được mấy cái hang đá này cũng thật giỏi, âm u và kín đáo, đảm bảo an toàn nhưng cũng là thử thách lớn cho đơn vị chuyển thương cũng như các ông bệnh binh như tôi, cuốc bộ đến được bệnh viện là đã khỏi năm mươi phần trăm bệnh rồi.
Lần đó tôi bị đau dạ dày, mấy ông bác sỹ đè ra tống vào cổ một ca thuốc cản quang và tìm ra mấy vết loét, vậy là tôi được ở lại điều trị. Cùng một hang nhưng khác khoa có mấy ông lính thường hay đi qua chỗ tôi nằm, ở lâu thành quen, đã quen rồi thì bỗ bã kể chuyện. Một hôm ra trời nắng sưởi cho có vi tamin D, tôi thấy ông bạn mới quen mặt mũi tái dại, da nó bợt lắm, tưởng nó cớm nắng mới hỏi, ông nhát bỏ mẹ, sao không ra ngoài cho có không khí, ở mãi trong hang trông như thằng chết trôi. Nó ầm ừ một lúc mới bảo, ông thông cảm, không phải tôi sợ bom không dám ra ngoài đâu, và nó kể cho tôi nghe một chuyện mà nói ra nghe vừa tức vừa buồn cười, anh chàng này vào chiến trường đã vài năm, chưa chết vì chiến đấu và bom đạn nhưng nghe ra oải lắm rồi, cu cậu vò tóc bóp trán nghĩ cách để khỏi trốn mà vẫn được ra Bắc,nó nghĩ chỉ có bị bệnh nan y, trong điều kiện chiến trường không chữa khỏi để về nước một cách hợp pháp, bệnh gì bây giờ, làm sao qua mắt được bác sỹ , đau đầu đau bụng tự thương đều không đạt yêu cầu, vậy là hắn nghĩ ra một loại bệnh quái chiêu ít ai nghĩ tới , nó khai bệnh với bác sỹ là bị di tinh, không biết làm sao mà đũng quần lúc nào cũng ướt nhè, khi làm xét nghiệm tinh trùng của nó, bác sỹ phán cụt đuôi hết cả, lần nào lấy mãu xét nghiệm cũng vậy ,của nó loãng toẹt ,không con tinh trùng nào ngo ngoe được vài giây. Không biết nó có hối lộ thêm cái gì cho bác sỹ không nhưng được kết luận bệnh nặng, bệnh viện không có khả năng chữa, phải đưa về tuyến sau, vậy là nó cười phe phé, Có anh cao thủ hơn, đi chữa bệnh vừa câm vừa điếc, bệnh này khó qua mặt bác sỹ, người thường chỉ cần đoàng một cái là giật mình , lộ ra là giả điếc ngay, anh chàng này định lực khá cao, bom nổ cũng coi như không biết chứ nói gì đến tiếng nổ viên đạn bé tý, vài tháng nằm viện cương quyết không nói với ai một lời, nói chung là như thật, sắp được ra Bắc điều trị rồi. Trước khi cho chuyển viện. Mấy ông bác sỹ chưa chịu thua bèn quyết định thử lại một lần cuối cùng , họ viết vào giấy cho anh ta đọc, bệnh viện cho đồng chí ăn bồi dưỡng cho khoẻ ,chuẩn bị vượt Trường sơn ra Bắc điều trị. Cu cậu hí hửng lắm, mặt tươi hơn hớn. Xuất ăn hàng ngày thường có thêm chục trứng luộc, vậy là anh ta gói nó lại để dành, kiếm một góc núi kín đáo và hoang vắng mới giở ra, bình tâm thưởng thức chục trứng chấm muối mà không lo bị đồng đội nhòm ngó.
Suất ăn thêm cứ đều đặn vài ngày không hôm nào thiếu, anh chàng yên tâm thưởng thức, phong cảnh thật đẹp, núi rừng xanh tươi, hoa cỏ đua sắc, chim hót véo von, không ai quấy rầy, bóc từng quả trứng nhẩn nha thưởng thức cũng là một thú vui hiếm có nơi lửa đạn.
Hôm đó như thường lệ, ăn cơm xong anh chàng câm điếc yên tâm trút đĩa trứng vào túi xách về, khi chiều buông sớm ,thấy bụng ngót rồi bèn theo lệ cũ, đem theo suất bồi dưỡng ra bờ suối ngồi ngắm chim cá, nhẫn nha bóc quả trứng để xơi , đập quả trứng ra thấy không bình thường, đưa lên mũi ngửi thấy có mùi, chắc trứng ung, nó nghĩ: chuyện bình thường, vứt đi đập quả khác, bị thối, bực mình quá nhưng lại vứt đi đập quả khác, quả này có vẻ thối hơn, đập hết mười quả mà quả sau thối hơn quả trước thì anh chàng tức quá chửi đổng: đ... mẹ chúng nó chứ, toàn thối thế này mà cũng cho bố mày ăn à.
Mấy ông bác sỹ nấp đâu đó liền nhảy ra: câm mà chửi được à, vậy là cu cậu lộ tẩy, chung quy lại chỉ vì cái tính nóng nẩy, bao nhiêu công lao dàn dựng, chịu đựng mấy tháng trời đi toi cả, sau vụ đó còn bị kỉ luật nặng.
Bị ốm cùng đi với tôi có ông cùng đơn vị, người Sơn tây, làm cấp dưỡng cho trạm xá tiểu đoàn,nấu ăn giỏi và hát nhạc ưỡn ẹo( tức là nhạc vàng ấy ) khá hay, mỗi khi anh ta cất giọng hát: "người mà tôi yêu, có đôi bàn tay diễm kiều, người mà tôi yêu, lấy chồng để phụ lòng tôi, vì tôi say thuốc lào..." biết là anh ta bịa nhưng nghe cái chất giọng đặc biệt của anh thì ai nấy đều cười lăn lóc, lần ấy ra bệnh viện, ở đó có một đoàn dân công Nghệ an phục vụ việc vận tải, chị em phần lớn người Hưng nguyên, anh ta mê mệt một cô gái trong đoàn dân công đó và đêm nào cũng mò sang tán tỉnh nàng, anh hát cho họ nghe và chị em rất cảm động, anh không được đẹp "chai" lắm nên chừng đó vẫn chưa đủ cho cô gái bằng lòng.
Anh chàng đã cố gắng rất lớn mà kết quả không được khả quan lắm, mặc dù anh cũng là người khá tài hoa. Nàng cũng khá xinh ,(dĩ nhiên theo tiêu chuẩn thời đó) bởi vậy có quyền kiêu kì một chút, anh thường tâm sự với tôi chi tiết cuộc tấn công không có tiếng nổ đó, và cũng như khi vượt hàng rào thép gai gặp vật cản khó khắc phục, anh cũng bi quan, chán nản và định rút lui. Những lúc như vậy, vai trò thầy dùi của tôi hết sức quan trọng. Tôi thường phải động viên an ủi và khuyến khích anh tiếp tục, đừng chán nản là hỏng việc, điều đó làm anh chàng này phấn khích trở lại nhưng có kèm theo điều kiện là tôi phải giúp hắn. Ối trời ơi! làm phúc phải tội, tự nhiên rước vạ vào thân. Nhưng đã giúp thì giúp cho trót. Từ đó trở đi, hễ cứ chiều đến là tôi phải vác cái bụng đau theo anh, khập khiễng vượt đá tai mèo đi "dân vận".
Nói thật, có thêm tôi làm bình phong cho anh cũng không có tác dụng mấy, có khi còn bất lợi vì người phụ nữ thường hay so sánh, có thêm đối tác là thêm khó khăn, cô nàng lại tưởng có thêm tôi vào danh sách người hâm mộ, và cách hành xử của nàng nhiều khi làm tôi lúng túng, vì vậy tôi khuyên anh thay đổi phương pháp tác chiến, sau nhiều ngày suy nghĩ anh gặp tôi bảo: tao nghĩ ra cách khác rồi. Cách gì vậy, nói đi tôi góp ý cho, hắn bảo : làm thơ, làm thơ tặng nàng, con gái thích tặng thơ, lãng mạn lắm!. Tôi bảo thế hả! ừ đúng đấy. Anh biết làm thơ thì tốt quá còn gì, con gái chúa là thích anh nào làm thơ lãng mạn đấy nhé. Là tôi a dua theo vậy thôi, đã biết quái gì về tâm lý đàn bà con gái đâu, hắn liền bảo, nói như mày thì còn nói làm gì, tao có biết làm thơ đâu, thế mới là vấn đề chứ, à thế mày có biết làm thơ không?
Thơ hả? là điều tôi sợ nhất đấy! tôi vội vàng chối đây đẩy, đụng đến vấn đề thơ ca hò vè là mệt lắm, tôi chối trước đi cho lành, hắn liền bảo , mày dân Hà nội, thế nào mày cũng biết làm thơ, hê hê, hắn làm như dân Hà nội sinh ra là thành bác Nguyễn Du rồi ấy, mà bác Nguyễn Du cũng không biết làm thơ tán gái, nhất là thơ tán gái hộ nữa thì càng bó tay. Anh quyết không đầu hàng, cố gắng kỳ kèo thêm, mày làm cho tao một bài thơ thôi cũng được, tao tặng nàng cho oai, sau này về đơn vị, khi nào mày về trạm xá nằm tao sẽ ưu tiên nấu riêng món ngon cho mày ăn, đồng ý chưa? Nói đến cái ăn là tôi khoái nhất rồi, ăn ngon chẳng ai chê, anh ta đưa ra cái điều trao đổi hấp dẫn quá nên tôi đành phải xiêu lòng, nhưng vẫn còn làm cao bảo, được rồi , để tôi thử xem sao , ông tưởng làm thơ mà dễ à, làm thơ là phải có hứng, có ông ngắm nhìn cảnh đẹp mà xuất khẩu thành thơ, có ông nổi hùng tâm tráng khí mà vung bút cũng thành thơ, có ông trằn trọc năm canh chỉ vì một bóng hồng ngoài khe cửa mà cũng có thơ, làm thơ tặng người tình thì phải yêu người ta lắm mới nặn ra thơ được, đây tôi có yêu đâu mà có thơ hay được, hay là tôi yêu thử lấy hứng làm thơ cho ông nhé! Cha nội sợ quá bèn bảo , thôi đi mày, đừng đùa nữa, cứ cố đi rồi tao rán thêm mấy quả trứng cho mà ăn. Được lời như cởi tấm lòng, tối đó tôi trằn trọc trên chiếc giường bệnh viện, thử đặt mình vào tâm trạng của hắn, đưa vào ngữ cảnh bom đạn chiến trường, có tý lãng mạn sách báo rồi bịa thêm tý gì đó cũng được một bài văn vần, không dám nói là thơ vì sợ các nhà thơ đích thực chê mình học đòi, hôm sau chép ra tờ giấy đưa cho hắn.
Cũng như vùng Tây Bắc Việt Nam, núi rừng Lào cứ mỗi độ xuân về lại ngập trong sắc trắng hoa ban, những cánh rừng xanh biếc trong lãng bãng mây chiều có một vẻ đẹp khó tả, lúc đó cảnh vật như một cô gái đang tuổi xuân thì hừng hực sức sống, man dại, hoang dã và khiêu khích nhưng lại thật trong trắng thơ ngây, bỗng dưng nổi cơn hứng chí đột xuất, tôi viết bài tạm gọi là thơ này để tặng chung cho những người con gái Việt Nam đã dũng cảm lên đường ra tiềntuyến, tôi ví họ như những đoá hoa ban trinh trắng, tinh khiết , những đoá hoa vẫn kiên cường nở giữa những trận mưa bê năm hai, hình ảnh bông hoa ban trắng tinh vừa nở bên cạnh một hố bom vẫn còn khét lẹt mùi thuốc súng được tôi ví với họ , và khi đọc xong tôi gật gù tự công nhận rằng thực ra bài thơ không hay lắm nhưng khi phân tích thì thấy cũng có chút ý nghĩa và cũng hơi lãng mạn, cũng phù hợp với việc đưa tặng cho cô gái, nịnh một chút, biết đâu anh chàng sẽ thành công!!!
Bài thơ viết trong tình huống ấy, đã lâu quá nên chỉ còn nhớ lõm bõm hay nói đúng hơn là quên tịt, những năm tháng gần đây, qua một người bạn thân vừa có dịp gặp lại anh này, tôi nhận được một lá thư của anh, trong đó bài thơ đã được anh nhắc lại một cách trân trọng, tôi chợt cảm thấy phổng mũi đôi chút vì ít ra, bài thơ đã giúp anh được điều gì đó và hẳn cũng để để lại những kỷ niệm thật sâu sắc trong lòng anh nên người lính đó vẫn đọc vanh vách bài thơ mặc dù hơn bốn mươi năm đã trôi qua.

Mầu trắng hoa ban

đất này lạ lắm,em biết không?
Giữa đất đỏ hố bom, khói lửa khét nồng.
Vẫn có đấy, trong hoang tàn xơ xác,
Khi con én gọi xuân về, hoa ban đơm bông!

Hoa ban trắng, tình hoa sáng trong.
Lính nâng niu, cài hoa trên vành mũ
Nhành hoa rung rinh như một lời nhắn nhủ
Trong thắm biếc núi rừng có mầu trắng hoa ban

Muôn dặm hành quân, hoa nở r ực chiều vàng
Mùa xuân đến nên nhiều hoa cũng phải
Ôi diệu kỳ là sắc hoa anh muốn hái
Mầu trắng ban rừng, nở giữa đạn bom!

Mưa gió phũ phàng vẫn trong trắng sắt son!



Bài viết được trao tận tay cho khổ chủ, tuy rằng là do tôi viết nhưng nó là biểu hiện tấm l òng của người con trai đó với người mình yêu, kết quả cuộc tình đó đến đâu thì tôi không biết nhưng sau đó gặp nhau ở đơn vị thấy anh có vẻ phấn khởi lắm, từ đó mà tôi đoán rằng có lẽ, họ đã đạt được một mức độ tình cảm nào đó, tuy không thể đi đến hôn nhân nhưng hẳn đã để lại trong lòng họ những ký ức khó phai mờ, đánh dấu một thời trai trẻ hào hùng nhưng thật lãng mạn cho cả hai người, chàng trai và cô gái, họ đã đi qua chiến tranh với những tình cảm đẹp dành cho nhau, ít nhất là như vậy.
Quên chưa nói là phần tôi, sau lần nằm viện về, đơn vị lại hành quân vào trận đánh mới, mối người một hướng và chưa bao giờ tôi nhận được phần trả công của mình. Tôi vẫn mài răng chờ có dịp gặp lại để đòi nợ. Thế nào cũng có lúc,chỉ sợ lúc đó răng rụng hết rồi. :-)

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Tiếng Leng keng


Bỗng dưng, không biết vì sao trong tâm trí tôi cứ vang lên âm hưởng của một ca khúc từ xa xưa lắm rồi. Thực ra nói cho đúng giai điệu và ca từ của bài hát đó là sản phẩm của một thời bao cấp, người viết theo hợp đồng, mục đích để đáp ứng mục tiêu động viên lao động sản xuất thời đó. Nó là sản phẩm của kiểu thông tin tuyên truyền có định hướng. Vậy mà nay không biết làm sao một đoạn của bài hát cứ lặp đi lặp lại trong tôi không sao dứt đi được: " Leng keng lạch cạch... Leng keng lạch cạch đường ray xe goòng, có cô thiếu nữ ứ ứ, tay đẩy xe goòng, hò dô hò ... hò dô tay đẩy xe gòong......".

Và hôm nay, tôi bước ra đường trong một chiều Hà nội loáng nhoáng người đi, loáng nhoáng mưa, loáng nhoáng nắng, hối hả và bát nháo, đường phố vẫn còn chút náo động của những ngày vui mừng chiến thắng cách đây 35 năm mà ý nghĩa của nó không chắc là còn nhiều người thực sự biết đến. Bước chân tôi đi qua nơi mà trước kia có hai vệt đường ray chạy thẳng về Bờ Hồ, và cái tiếng leng keng lạch cạch kia lại vang lên, nhưng lần này không phải tiếng lạch cạch của chiếc xe chở than vùng mỏ mà là âm hưởng quen thuộc: Leng keng! Leng keng của chiếc xe điện, chiếc xe của một thời tuổi thơ đã đi vào dĩ vãng xa xưa, không bao giờ còn gặp lại được nữa.
Rồi chợt nhận ra một điều buồn cười là trong ngôn ngữ Việt, cái từ leng keng rất ít gặp, người ta dùng nó để chỉ tiếng kêu của chuông xe điện nhưng không hiểu vì sao xe gòong không có chuông mà cũng kêu leng keng( hay có chuông mà mình không biết). Trong tiếng Việt hiện đại, người ta không bằng lòng với việc chỉ dùng từ đó trong phạm vi hạn hẹp như vậy, thế là người ta chế thêm cho nó một ám chỉ nữa, khi ai đó có hiện tượng bất bình thường, ngoài việc nói người đó hâm, hấp, chập, mát, điên, khùng, dở hơi, hây hấy, tay nhặt lá chân đá ống bơ v.v...người ta còn gọi thằng ấy, con ấy Leng keng, ở mức độ leng keng chắc chưa đến nỗi nặng phải sang Châu quỳ, âu đấy cũng là cách gọi nhân đạo, người đó chưa điên lắm, còn cứu vãn được!
Cái xe điện của tuổi thơ vẫn chạy trong một miền ký ức của những con người hoài cổ, mà có đúng là hoài cổ không? hay là chỉ nuối tiếc một giá trị đẹp đã đánh mất dưới những toà cao ốc chọc trời. Cái tiếng leng keng ngày xưa ấy nó mang giá trị nhân văn nhiều lắm, con người có tình nhiều lắm, hàng xóm láng giềng ăn ở như bát nước đầy, người đi ngoài phố cũng hình như hiền lành hơn, mấy khi nghe thấy nói đến hối lộ, tham nhũng, thành phố chỉ gói gọn trong gần chục km vuông, chưa đi đã hết, cán bộ đích thực là công bộc của dân, hễ làm việc gì cũng lo nghĩ sao cho vì dân vì nước, cái tư lợi dẫu ai đó có trót làm thì xấu hổ lắm, nói gì đến chuyện phần trăm này nọ.
Hà nội mới đang có nhiều quy hoạch, dự án rồi đề án, nghe nói nhiều lắm. Thủ đô còn sắp phi về chân núi Ba vì. Hà nội mở rộng to đùng ngã ngửa, ừ mà có gì lạ, phát triển là chiều hướng chung, thế mới oai, mới tầm cỡ với thế giới, đâu đó trên các phương tiện thông tin báo chí có bài ì xèo, cái tốt ít nói đến, cái không tốt cứ ầm ĩ. Khu phố mới, to, đẹp ,hiện đại, chưa xong đã ngập, tắc đường vẫn hoàn tắc đường. Những điều đó người ta kêu đâu có sai!



Vừa rồi nghe quy hoạch giao thông, vẽ ra đẹp lắm, các đường vành đai, các đường trục ra vào thành phố, nào tầu trên cao nào tầu dưới đất, bao nhiêu cầu vượt sông bao nhiêu đường cao tốc nghe sướng, nhưng sướng chưa được bao nhiêu lại chợt giật mình, không biết vì sao kế hoạch làm hầm, làm cầu qua Hồ Tây, đã được đưa ra, dư luận phản đối, tưởng yên rồi lại được âm mưu đưa ra tiếp, cái sự hứng thú đào khoét Hồ Tây làm sao lại đem đến sự hào hứng cho người ta vậy nhỉ, chắc không phải là chuyện bìnhthường, chợt nghe tiếng leng keng, leng keng nhưng lần này không phải từ tầu điện.

Những chuyến tầu điện ngày xưa ấy gắn với bao ký ức tuổi thơ của tôi và chắc là của nhiều bạn nữa. Còn nhớ ngày xưa đó, tuyến đường Yên phụ, Đồng xuân, Bờ hồ có lẽ là tuyến gần gũi hơn cả, trẻ con mà , đi lậu được vé thì thích lắm, ngồi lên hàng ghế gỗ cứng quèo mà cái sung sướng lâng lâng cứ âm ỉ mãi, tầu chạy chậm lắm so với tốc độ bây giờ, chắc nó cũng đại diện cho nhịp sống thư thả của Hà nội xưa, sao hồi đó không thấy ai sốt ruột như bây giờ, tầu điện cứ thong thả đi qua những con phố yên bình, cứ đi mãi rồi cũng đến, Bưởi, chợ Mơ, Yên phụ, Hà đông hay Cầu Giấy, tất cả rồi sẽ quy về Bờ Hồ, cứ trung tâm là Bờ Hồ, không bao giờ lạc.
Mấy ông thực dân Pháp qua nước Nam đô hộ, cướp bóc cũng lắm( các cụ ta bảo thế) nhưng họ cũng làm được khối điều mà dân còn nhớ mãi, có lần tôi được nghe các bậc cao tuổi hứng chí đọc mấy câu thơ, lõm bõm thế này:
““Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn điện thắp hoài năm canh
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường

La ga thì ở Thụy Chương
Dây đồng, cột sắt thì đường cái quan
Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền ký cược đi làm sơ vơ (người bán và soát vé)

Xưa nay có thế bao giờ
Có chiếc tàu điện đứng chờ ngã ba
Đàn ông cho chí đàn bà
Hễ tàu vừa đến lấy đà nhảy lên

Ba xu ghế gỗ rẻ tiền
Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng
Năm xu ngồi ghế đệm bông
Hỏi mình có sướng hay không hỡi mình.”

Gì thì gì nhưng phải nói quy hoạch của họ thì rất tuyệt, nhìn Hà nội cũ, nhất là khu phố Tây mới thấy các kiến trúc sư người Pháp rất giỏi, có bao giờ thấy bị ngập nước, ngay cái nhà về mùa Nồm nam cũng không bị ẩm ướt như những ngôi nhà thiết kế, xây dựng hiện đại bây giờ. Hồi đó mà nghe đến tắc đường, chắc không ai hình dung ra nó thế nào, có phải cũng một phẩn là do lợi ích từ chiếc tầu điện mang lại?