Trang

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010

Bàn về Tâm linh

(Ghi chép và bàn luận)

*
* *


Loài người từ bao đời nay đều luôn đặt ra câu hỏi: có hay không có sự sống sau cái chết? Từ thời thượng cổ, đã có nhiều nhà triết học quan tâm đến đề tài này và đặt ra nhiều giả thiết khác nhau để tìm cách lý giải về các hiện tượng mà ngày nay ta gọi là sự đầu thai hay còn gọi là sự luân hồi. Khoa học cũng đã tốn rất nhiều giấy mực để xem xét vấn đề linh hồn. Hay nói chung là vấn đề tâm linh, ngày nay khi khoa học đã phát triển vượt bậc. Người ta đã phải đặt ra việc xem xét lại những quan niệm cũ mà xem ra đã không còn phù hợp nữa. Trong đó có cả vấn đề về tâm linh.
Những nhận thức của con người về thế giới xung quanh (vũ trụ, xã hội, v..v..) có thể phân thành hai loại: một loại có thể kiểm nghiệm, chứng minh bằng thực nghiệm, bằng lý trí, bằng lô gích, đó là loại gọi là thuộc lĩnh vực khoa học. Loại thứ hai chỉ có thể nhận thức được bằng trực giác của từng người chứ không thể chứng minh hai năm rõ mười được bằng thực nghiệm hoặc bằng lý trí các vấn đề tâm linh thuộc lĩnh vực này. Các tín ngưỡng, tôn giáo, các phép thuật, bói toán, tử vi, phong thuỷ, ngoại cảm, vv... đều thuộc loại thứ hai này. Cần thấy rõ rằng các vấn đề tâm linh hoàn toàn không phải là những vấn đề sai, những ngộ nhận của con người. Chẳng qua đó chỉ là những vấn đề không có cách nào (hay là chưa có cách nào) chứng minh là đúng hay sai mà thôi.
Về giả thuyết cho rằng, sau khi con người đã chết, "linh hồn" sẽ rời bỏ "thể xác" và tiếp tục tồn tại ở một thế giới khác. Giả thuyết đó đã có nhiều người tìm cách chứng minh. Thực ra, từ xưa, con người đã ghi chép rất tỉ mỉ các quan niệm về "hồn" và "xác"...
Nhà triết học Planton, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại, sống tại Aten từ năm 428 đến năm 343 trước Công nguyên cho rằng, thân thể vật lý của con người chỉ là cái vỏ bọc tạm thời của linh hồn. Tác phẩm của ông chứa đầy những điều mô tả cái chết. Platon định nghĩa cái chết như là sự phân lập phần nội tâm của vật sống (tức là linh hồn) khỏi phần vật lý của nó (tức là thể xác). Ông cũng cho rằng, thời gian chỉ là một yếu tố của thế giới vật lý, còn các hiện tượng khác là vĩnh cửu.
Trên nhiều trang sách, Platon bàn luận các vấn đề sau đây: linh hồn sau khi tách khỏi thể xác có thể gặp gỡ và trò chuyện với các linh hồn khác như thế nào, linh hồn chuyển từ cuộc sống vật lý sang giai đoạn tồn tại tiếp theo ra sao, cách "bảo trợ" của các linh hồn cũ đối với linh hồn mới. Platon còn cho rằng, thể xác là nhà tù của linh hồn và cái chết chính là cuộc giải phóng linh hồn khỏi nhà tù đó. Ông nhận xét: linh hồn sau khi tách khỏi thể xác có thể suy nghĩ và phân biệt các sự vật rõ ràng hơn trước đó, có một "toà án" sẽ xét xử linh hồn sau khi chết, chỉ rõ và bắt linh hồn xem lại các sự việc tốt cũng như xấu mà nó đã làm trong cả cuộc đời. Platon đã đưa ra một số huyền thoại mà qua đó, ông muốn mô tả cuộc sống của thế giới bên kia.
Các quan niệm về "hồn" và "xác" cũng được thể hiện rõ trong cuốn Sách Tây Tạng dành cho người chết (gọi tắt là Sách Tây Tạng). Đó là một tài liệu nổi tiếng, được tạo thành nhờ công sức nghiên cứu của nhiều nhà hiền triết trong nhiều thế kỷ, được in vào thế kỷ VIII.
Các nhà thông thái Tây Tạng xem xét sự hấp hối trước khi chết như là một nghệ thuật. Nếu con người được chuẩn bị để chết dễ chịu thì sự hấp hối sẽ nhận được trạng thái thoã mãn. Vì vậy, người ta đã đọc Sách Tây Tạng cho những người hấp hối ở các giây phút cuối cùng của cuộc đời. Những người làm nên Sách Tây Tạng mong muốn đạt được hai mục đích sau đây:
- Giúp đỡ những người sắp chết vượt qua một cách nhẹ nhàng hiện tượng không bình thường vào thời điểm hấp hối.
- Giúp đỡ những người thân suy nghĩ đúng về cái chết và không cản trở người sắp bước sang thế giới khác.
Trong Sách Tây Tạng có nhiều điều mô tả các thời kỳ mà linh hồn trải qua sau khi chết, đầu tiên là khoảnh khắc khi linh hồn vừa rời khỏi xác. Nó rời vào trạng thái lãng quên và ở trong sự trống rỗng phi vật lý, cho dù ý thức vẫn còn. Linh hồn người hấp hối có thể nghe thấy các âm thanh náo động và kinh hãi, cảm thấy mình bị bao bọc bởi một bầu không khí xám xịt và vẩn đục. Nó kinh ngạc vì đang ở ngoài thân thể vật lý của mình và nhìn thấy những người thân, bạn bè đang nức nở, chuẩn bị chôn cất thể xác mình. Nhưng khi linh hồn thử đáp lại thì chẳng ai nghe và nhìn thấy nó cả. Linh hồn rất lo lắng khi ý thức được là thể xác mình đã chết. Khi đó, nó tự hỏi là cần đi đâu và làm gì. Nó nhận thấy rằng, mình có một thân thể hình thành từ các thực thể phi vật chất. Nó có thể bay lên cao, đi xuyên tường mà không gặp bất kỳ lực cản nhỏ bé nào. Chuyển động của linh hồn hoàn toàn tự do. Nó muốn tới đâu thì lập tức sẽ ở đó. Nó có thể gặp các sinh vật khác ở cùng trạng thái. Sách Tây Tạng đã mô tả một thế giới trong sạch, sáng sủa, nơi chỉ có tình yêu thương và sự đồng cảm. :-(
Ngoài ra, trong Sách Tây Tạng cũng nói đến một cái gì đó tự hồ cái gương, có thể phản chiếu cuộc đời con người đã qua. Một toà án sẽ xét xử người chết, căn cứ vào các hành động mà người đó đã thực hiện. Gần đây hơn, có thể nói đến EmanuelSvedenborg (1688-1772), sinh ở Stockholm (Thụy Điển), nổi tiếng vì nhiều công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên. Hiện nay, các tác phẩm của ông về giải phẫu, sinh lý và tâm lý con người vẫn được giới khoa học chú ý. Trong thời gian cuối đời, Svedenborg trải qua cơn khủng hoảng tinh thần và bắt đầu kể về sự tiếp xúc của ông với các hiện tượng linh hồn.
Các tác phẩm cuối cùng của Svedenborg đã mô tả sinh động "cuộc sống" sau khi chết. Những điều ông viết trùng hợp kỳ lạ với những gì mà người trải qua cái chết lâm sàng kể lại. Ông cho rằng, con người không chết mà được giải phóng khỏi thân thể vật lý, cái vỏ bọc cần thiết khi ở thế giới trần gian. Cái chết chỉ là sự chuyển tiếp từ trạng thái này qua trạng thái khác. Svedenborg khẳng định, chính ông đã trải qua các thời kỳ đầu của cái chết và bản thân đã ở ngoài thể xác.
Svedenborg viết: "Các linh hồn trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ vạn năng. Mỗi người sau khi chết lập tức có được khả năng trao đổi đó. Lời của linh hồn trao đổi với con người có âm thanh cũng rõ ràng như lời bình thường, nhưng chỉ người được trao đổi nghe thấy, còn những người khác thì không, cho dù họ ở cùng một nơi".(Cái này giống với Bích Hằng).
Theo Svedenborg, người hấp hối có thể gặp linh hồn của những người khác mà người đó thân quen trong cả cuộc đời, các linh hồn có mặt để giúp đỡ người sắp chuyển sang thế giới bên kia. Ông cũng nói đến "một sinh vật ánh sáng", có khả năng soi rõ toàn bộ con người. Ông gọi đó là ánh sáng chân lý, ánh sáng của sự hiểu biết trọn vẹn.
Nhiều sách, báo nước ngoài xuất hiện gần đây đã đề cập đến quan niệm về "hồn" và "xác" có phần cụ thể hơn. Các tác giả cũng cho rằng, con người vật lý (thể xác) là một cái vỏ bọc mà trong đó con người thực sự (linh hồn) hành động. Linh hồn bao gồm bảy lớp, với những chức năng xác định. Sau khi con người đã chết, linh hồn rời bỏ thể xác, tiếp tục sống trong một thế giới khác không nhìn thấy, tồn tại song song với thế giới chúng ta, ở đó có cuộc sống tư duy và các định luật riêng. Linh hồn cũng có trí nhớ và trí lực, có các cảm giác nhưng với chất lượng cao hơn. Khi sang thế giới khác, linh hồn vẫn có "duyên nợ" với những gì "gặt hái" được trong cuộc sống mà mình đã trải qua... Quan niệm về "hồn" và "xác" tuy đã xuất hiện từ thời cổ xưa, nhưng hiện nay vẫn được bàn luận sôi nổi. Có rất nhiều hiện tượng về sự sống và cái chết làm cho nhiều người tin vào khả năng tồn tại linh hồn và các thế giới khác không nhìn thấy. Tuy vậy, việc chứng mình sự tồn tại ấy có thể vượt quá khả năng của con người hiện tại. Chưa thể chứng minh, cũng chưa thể bác bỏ giả thuyết về "hồn" và "xác", nếu chỉ dựa vào các hiện tượng được nghe kể lại hoặc từ các công trình nghiên cứu lý thuyết. Một số nhà ngoại cảm nước ngoài đã đưa ra dự đoán rằng, trong tương lai không xa, bản thân con người sẽ trải qua một bước ngoặc tiến hoá kỳ diệu về chất, cho phép dễ dàng nhận thức được các hiện tượng xung quanh chúng ta mà hiện nay vẫn được coi là hoàn toàn bí ẩn. Vấn đề đã bắt dầu le lói khi cơ học lượng tử phát hiện ra phản vật chất, đồng nghĩa với việc thừa nhận về mặt khoa học sự tồn tại của thế giới phi vật chất. Thực ra, thế giới ấy đã được người Ấn Độ nói đến từ thời cổ đại.
Vấn đề có phải chết là hết hay không là một vấn đề lớn của nhân loại, thế nên mới có sự tranh luận chưa bao giờ dứt, người tin có linh hồn thì khẳng định, cái chết chỉ là chấm dứt sự tồn tại của bản chất vật lý của thân xác thôi, linh hồn sẽ tồn tại vĩnh viễn, và từ quan niệm đó , họ cho rằng cái chết chẳng có gì đáng sợ, rồi ra họ sẽ quay lại thế giới trong một hình hài khác, lại tiếp tục ăn, ngủ, làm tình, bài tiết vv...Nhưng họ cũng nói thêm rằng, muốn mau chóng đạt được điều đó thì phải tu nhân tích đức, nếu không thì còn lâu (các quan niệm về đầu thai, luân hồi vv...)
Người không tin có linh hồn, không có sự đầu thai thì cho rằng chết là hết, chẳng còn gì nữa mà mong, họ thừa nhận vịêc họ sinh ra trên đời này là vô nghĩa, có phải vì suy nghĩ này mà tội phạm tràn lan, có sợ gì đâu? làm điều ác hay điều tốt thì chết đi cũng như nhau mà thôi, khi hấp hối, họ luyến tiếc cuộc sống nên đến với cái chết một cách đau khổ.
Tóm lại, có hay không có linh hồn, có hay không có sự "sống" sau cái chết là tuỳ ở quan niệm của mỗi cá nhân. Chúng ta không nên áp đặt nó cho bản thân mình hoặc người khác một cách cực đoan, hãy phân tích và chọn lấy một quan niệm của riêng mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment