Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Câu chuyện thần Shiva - Ấn độ


Cái lẽ của Vũ trụ, đất trời và con người qua câu chuyện thần thoại Ấn độ

Shiva - Vị thần của năng lượng dục, sinh-tử-tái sinh
Ngày nọ Indra, Vua của các vị Thần (nhưng lại là đệ tử của Phật trong hệ thống biểu tượng Phật Giáo), gặp một người đàn bà khóc lóc thảm thiết. Hỏi : « có chuyện chi ? » Bà nọ dắt Indra lên Hy Mã Lạp Sơn. Nơi đây Indra thấy một người trẻ tuổi, trông có vẻ giang hồ lãng tử, ngồi chơi súc sắc giữa chốn hoang vu. Thấy lạ, Indra gọi chàng trai trẻ. Không trả lời. Indra tuyên bố : «Ta là Vua các vị Thần». Chàng trai tiếp tục chơi. Lập lại : « Ta là Indra, Vua của chư Thần, Chúa Tể Vũ Trụ !». Tỉnh bơ. Indra lập lại vài lần nữa, có vẻ nạt nộ. Chàng trai quay lại, nở một nụ cười : nụ cười của Shiva. Không ổn ! Thoáng một cái, Indra bị thộp cổ quẳng vào một hang động. Nơi đó đã có sẵn bốn Indra khác, cũng bị Shiva trừng trị vì tội ngạo mạn …
Shiva, ngôi thứ ba của Chúa Ba Ngôi trong huyền thoại Ấn Độ là một vị Thần rất đặc biệt. Trong khi Brahma mang phong thái Quân Vương, Vishnu tác phong Đạo Sĩ, thì Shiva, với thân mình phủ tro tàn của giàn hỏa thiêu, với rắn hổ hay chuỗi sọ người quấn quanh cổ, da cọp quấn quanh người hoặc phủ trên tòa ngồi, chưa kể con mắt thứ ba giữa trán và nước da màu xanh dương, có một vẻ gì bí hiểm, đe dọa.
Shiva thường được biết đến qua hình ảnh một vị khổ tu, một Yogi sống trong rừng núi, một người ăn mày (vô sản !), một kẻ lãng tử … Thật ra, hình ảnh nổi tiếng nhất của Shiva là ảnh tượng Ngài nhảy múa giữa một vòng tròn lửa, mái tóc rậm rạp tung ra hai bên, chân trái giơ lên bên phải, một trong bốn bàn tay cầm trống nhỏ (damaru) đánh nhịp sanh thành và hoại diệt của vũ trụ, bàn tay khác cầm lửa hoại diệt samhara, bàn tay thứ ba bắt « vô úy ấn » abhaya mudra (trong Phật Giáo, đó là thủ ấn của Amoghasiddi, Bất Không Thành Tựu Như Lai), bàn tay thứ tư chỉ xuống chân trái, chân phải đạp lên Quỷ Vô Minh. Với sự nhảy múa của Shiva, vũ trụ sự vật bị tiêu diệt để được tái tạo.
Như thế, Shiva là Thần của sự hoại diệt, nhưng cũng là điều kiện của tạo sanh (cách mạng đấy !). Cần nói là một trong những biểu tượng của Ngài là Lingam, dương vật. Sự hoại diệt đem đến bởi Shiva chính là động lực của đổi thay. Mỗi khi có bế tắc cần một sự khai thông tái tạo nền tảng, thì Shiva xuất hiện. Cũng như Thánh Thần trong Tân Ước, hiện xuống mỗi khi có sự thay đổi quan trọng. Thật vậy, Thánh Thần xuất hiện khi Đức Ky Tô chịu phép rửa để từ một người ẩn danh trở thành một Thày Giảng nổi tiếng rồi một Đấng Cứu Thế, và khi các Tông Đồ từ tình trạng thu rút sợ sệt trở thành những con người dũng cảm đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng ấy bằng chính cái chết của mình. Lửa thường được chọn làm biểu tượng của Thánh Thần (ngọn lửa hiện xuống trên đầu các Tông Đồ trước khi họ bắt đầu đi giảng). Lửa cũng là một trong những biểu tượng của Shiva.
Trong các hình tượng của Shiva, mắt Ngài thường nhắm nửa chừng, như người thiền định. Con mắt thứ ba của Ngài thì có năng lực đốt cháy mọi sự vật mà nó chiếu tới. Vì thế sự hủy diệt chủ trì bởi Shiva cũng là ý thức Tính Không, phá tan vọng kiến về tự tánh của mọi sự vật, sau này được hệ thống hóa bởi các trường phái Đại Thừa. Bàn tay Shiva có khi cầm bát ăn xin bằng sọ người, đến từ cái đầu của Brahma mà Ngài đã chặt đứt  như việc bắt nhốt Indra ?).
Trong búi tóc của Shiva có mặt trăng, biểu tượng cho sự tuần hoàn của thời gian, nhắc cho chúng ta nhớ là thời gian cũng chính là hủy diệt … Trên búi tóc ấy có đầu của Nữ Thần Ganga, Nữ Thần sông Hằng (Gange), nhổ ra một vòi nước. Giòng sông chảy, cuốn lôi tất cả, phải chăng cũng là một biểu tượng của thời gian trôi ?
Người ta nói rằng trước khi Vũ Trụ sanh thành, mọi sự còn ở trong trạng thái hỗn nguyên, thì Shiva nhảy múa, đánh cái trống nhỏ, tạo nên tiếng AUM làm rung động cái Nguyên Khí vô phân biệt kia, như hòn sỏi ném xuống mặt hồ. Từ đó nảy sinh một điểm, rồi từ một điểm nổi lên những gợn sóng quanh điểm ấy, và vạn pháp sanh thành. Mỗi sự mỗi vật, mỗi người chúng ta, chẳng qua chỉ là những gợn sóng trên mặt một đại dương duy nhất, khởi sinh từ một niệm, một rung động của phân biệt trí.
Shiva là vị Thần của nội tâm, nơi không có Quân Vương, không có Anh Hùng, không có Đạo Sĩ, không có giai cấp, không có giàu sang hay nghèo hèn, nơi mà sự nhảy múa quay cuồng không ngừng nghỉ tạo nên những gợn sóng cấu thành vũ trụ, vũ trụ nội tâm, cái vũ trụ duy nhất mà chúng ta có thể biết được. Con mắt thứ ba của Shiva chiếu vào vũ trụ ấy, tiêu diệt tất cả, đem tất cả vào tĩnh lặng, trong sự giác ngộ Tính Không của vạn pháp. Năng lực hoại diệt của Shiva cũng là khả năng diệt Ngã, phá chấp, loại trừ vô minh. 

SHIVA CƯỚI VỢ : 
Rồi Shiva cưới vợ. Cô dâu tên là Sati, con của một vị Thần nảy sanh từ mồ hôi của Brahma khi vị Thần Vương Giả này thèm muốn Sarasvati, con gái Ngài. Ông Thần « mồ hôi » tự cho mình là giòng dõi quân vương nên không chịu cho con gái lấy Shiva, một kẻ ăn mày. Tuy thế Sati và Shiva vẫn kết hợp trong hạnh phúc lứa đôi. Cho đến một hôm, ông thần cha vợ tổ chức một bữa tiệc mời mọi vị Thần, nhưng không thèm mời chàng rể Shiva. Sati phẫn uất, ngồi tập trung thần khí rồi vận dụng công phu tự phát hỏa thiêu cháy mình ! Đây chẳng qua là một chuyện thường thấy trong đời sống hàng ngày : con gái lấy chồng Tây, Mỹ, thay vì người Việt, lấy kẻ thất nghiệp, nghệ sĩ, thay vì bác sĩ, kỹ sư … có khi đưa đến thảm kịch. Trong bối cảnh xã hội Ấn, việc này gắn liền với việc những người phụ nữ tự thiêu khi chồng qua đời. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong huyền thoại Ramayana.
Shiva đau khổ điên cuồng, ôm xác Sati nhảy múa dẫm nát thế giới, làm vũ trụ rung chuyển, Trời Đất náo động. Vishnu thấy thế bèn ném đĩa Giác Luân chặt thân thể Sati ra thành 108 khúc rơi xuống 108 nơi trên đất Ấn (mỗi nơi hiện vẫn còn điện thờ). Con số 108 khiến ta liên tưởng đến 36 vì sao Thiên Cang, 72 vì sao Địa Sát của khoa Tử Vi Trung Quốc, có lúc nhập thế sanh ra 108 vị anh hùng Lưong Sơn Bạc !
Nhục thân Sati không còn, Shiva cũng ngừng nhảy múa, ngồi tĩnh lự, trở thành như thảo mộc. Thế giới lại lâm nguy vì thiếu « năng lực cách mạng » của Shiva. Vishnu tìm cách lôi Shiva ra khỏi cái trạng thái mà nhà Phật gọi « si định » này. Ngài cho em gái mình là Parvati đến chinh phục Shiva. Cũng có thuỵết cho rằng Parvati là con gái Vua Núi Parvata Raja (« raja » là « vua », « rex » trong tiếng la tinh).
Shiva không thèm màng đến Parvati. Nàng buồn khổ lùi vào rừng sâu ẩn tu. Shiva động lòng giả trang làm một Đạo Sĩ đến hỏi Parvati : vì sao một người diễm lệ, giòng dõi quân vương như nàng mà lại tìm theo một tên ăn mày dị hợm, có ba con mắt, chuỗi sọ người quanh cổ, tro phủ đầy người, ngồi trong bãi hỏa thiêu xác chết ? Parvati trả lời rằng chỉ có bậc Đại Giác mới không cần màng đến địa vị giàu sang, vì biết mình đã sẵn có tất cả, chỉ có bậc Đại Lực mới không cần ẩn nấp sau phong thái bên ngoài, và nàng yêu con người thực của Shiva, con người nội tâm cao quý và dũng mãnh của Ngài. 
BẾ TINH, DƯỠNG KHÍ, TỒN THẦN :
Thế là Shiva làm tình với Parvati suốt một ngàn năm Không chịu xuất tinh. Với tính cách một tổ sư Yoga, Shiva cho thấy khả năng siêu quần của mình trong một kỹ thuật cơ bản của các nhà Yogi là phép bế tinh. Lão Giáo cũng coi bế tinh là nền tảng của thuật trường sinh. Tinh thay vì xuất ra, thì được hành giả tập trung ý chí, hình dung là nó được vận chuyển lên đỉnh đầu … Nhà sư Tuệ Tĩnh ở nước ta cũng đặt bế tinh đứng hàng thứ nhất trong bảy nguyên tắc dưỡng sinh của ông, bao gồm : bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình. 
Ngoài mục đích dưỡng sinh, bế tinh cũng có thể giải quyết một nỗi lo sợ thầm kín và rất nền tảng của người đàn ông. Đó là nỗi sợ … đàn bà ! Người nam sợ người nữ vì trong bản chất người nữ không bị giới hạn trong ái tình, trong khi đó người nam bị hạn chế bởi việc xuất tinh. Vì thế người nam sợ ái tình của người nữ, sợ đòi hỏi lạc thú của phái đẹp mà mình có thể không đáp ứng nổi. Họ coi chuyện ái tình lạc thú là tội lỗi, thậm chí coi người nữ như nguồn của tội lỗi, biểu tượng của ô uế, và luôn tìm cách đè nén người nữ trong các khuôn khổ luân lý xã hội khắt khe. Rồi càng sợ sệt mặc cảm, họ lại càng phải biểu dương « sức mạnh » của họ, trở nên hung dữ, bạo động, thậm chí lao vào chiến tranh, tàn phá, vào những cuộc chinh phục đẫm máu, dựng nên những chế độ độc tài tàn ác, những tôn giáo khắc nghiệt, hay những cuộc cách mạng đầy tang tóc. Những « công trình » và « chiến công » ấy giúp họ trốn chạy và rời xa chăn gối của vợ « hiền », tức cái chiến trường nguy hiểm nhất cho bản ngã tự tôn của họ. Bao chết chóc, tàn phá, áp bức có thể sẽ tránh được, nếu nỗi lo sợ thầm kín ấy của người đàn ông được hóa giải. Bộ mặt của thế giới có thể thay đổi hẳn ( ?) khi người nữ không còn bị áp bức, và người nam không còn cảm thấy cần phải chinh phục giá trị của mình qua bạo động, đàn áp. Khác với súc vật, con người không chỉ ham muốn, mà còn ham muốn sự ham muốn của người khác. Trong ái tình người nam không chỉ thèm muốn người nữ (nếu không sẽ như súc vật), mà muốn người nữ muốn mình. Khi yêu, anh ta không chỉ yêu, mà còn muốn được yêu. Khi làm tình, anh ta phải tìm lạc thú qua lạc thú của người tình. Điều đó không dễ, nếu không kiểm soát được việc xuất tinh, một kỹ thuật được « biểu diễn » ở đây bởi … Shiva !
Huyền thoại Hy Lạp cũng có chuyện làm tình « dài hạn » tương tự : Ouranos, là Trời, làm tình với Gaia, là Đất, suốt hàng triệu triệu năm, khiến Trời với Đất cứ dính liền nhau, không có chỗ cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Các con của Ouranos và Gaia bị kẹt trong bụng mẹ không ra ngoài được. Cho đến ngày kia, một người con tên Chronos, có nghĩa là Thời Gian, dùng lưỡi liềm được Gaia trao cho, từ trong bụng mẹ cắt đứt dương vật của Ouranos, thân phụ mình. Ouranos đau đớn rời khỏi thân thể Gaia, tạo khoảng trống giữa Trời và Đất cho các con của Gaia thoát ra khỏi bụng mẹ, để rồi sanh thành vạn vật sống dưới bầu Trời, trên mặt Đất. Phải chăng kiểm soát việc xuất tinh là tốt, nhưng quá đáng thì có lẽ cũng không nên vậy.
Trong câu chuyện của chúng ta, màn ái tình không chấm dứt của Shiva cũng gây trở ngại cho vạn vật vì trong lúc Shiva dính liền với Parvati thế kỷ này qua thế kỷ khác thì Ma Quỷ nổi lên tàn phá thế giới. Shiva có sứ mạng làm cho Parvati sanh ra một vị Anh Hùng có khả năng hàng Ma diệt Quỷ. Nhưng Shiva lại không chịu cho tinh dịch của mình tràn ra trong người Parvati. Vishnu và chư Thần mới nghĩ ra một cách là nổi lửa quấy nhiễu Shiva. Shiva đành buông thả, nhưng lại xuất tinh ở ngoài thân thể Parvati. Thế là không có đấng Anh Hùng hạ sanh (chi tiết này mâu thuẫn với chuyện Skanda và Ganesh sẽ kể ở sau). Người ta gắn liền chuyện này với lý tưởng Vô Sanh. Khi có người sắp chết, ở vùng Benares, thành phố của Shiva, người ta thường thì thầm một thần chú của Shiva vào tai kẻ ấy để mong làm đoạn tuyệt sự tái sanh. Kể cả tái sanh làm Anh Hùng …
CHÚA BA NGÔI 

Thật ra, như đa số các vị Thần Ấn Độ, Shiva mang cả hai tính nam và nữ. Hình tượng tôn quý nhất của Shiva là một vị Thần nửa Nam nửa Nữ, gọi là Ardha Narishvara. Người ta cũng cho rằng tất cả các Nữ Thần (Devi) đều xuất phát từ Nữ Tánh của Shiva.
Nói chung, Shiva là sự hoàn tất của một tiến trình. Tiến trình ấy đi từ Brahma, thế giới vật chất cá thể phân biệt, sang thế giới Tâm Linh tượng trưng bởi Vishnu, để lên đến cảnh giới VÔ NGÃ, TÍNH KHÔNG, của Shiva. Trong chữ AUM, Brahma là âm A, Vishnu âm U và Shiva đóng lại với âm M, khi âm thanh tắt đi đồng thời tan vào vô tận. Tiến trình ba giai đoạn này đem mỗi cá thể vào Đại Thể, như giọt nước tan vào đại dương.
Trong các luân xa (chakra) của Yoga, Brahma tương ứng với Muladhara chakra, ở dưới cột sống, là cội rễ của đời sống vật chất, chỗ khởi đầu của ba kinh mạch Ida, Pingala va Sushuma. Vishnu được gắn liền với Anhata chakra, ở vùng ngực, tượng trưng cho tâm thần. Shiva thì được biểu tượng bằng Ajna chakra, giữa hai chân mày, nơi tâm trí vượt sang bờ Huệ Giác. Qua cửa ải Ajna chakra, thì không còn phân biệt ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, không còn ta, người, cũng như sự vật, để chỉ còn hòa tan vào Chân Như qua Sahasrara chakra, ở đỉnh đầu.
tượng Lingam, tức Dương Vật, của Shiva cũng được mô tả như sự biến chuyển từ hình vuông ở dưới gốc tương trưng cho Brahma (bốn cái đầu nhìn ra bốn phía), cho Đất, cho thế giới vật chất. Lên một chút, là hình bát giác (hoa sen tám cánh), tượng trưng cho đời sống tâm linh luôn tự kích thích, tự nuôi dưỡng mình, để mãi mãi sống động trôi dạt không ngừng nghỉ, chủ trì bởi Vishnu, vị Thần bảo hộ dưỡng nuôi. Và ở trên cao, Lingam kết thúc bằng hình tròn của Trời, của Vô Phân Biệt trí, của Tính Không, của sự hủy diệt tất cả những cái nhìn thiên chấp. Ở đây vị chủ trì là chính Shiva, hay đúng hơn là dạng không phân biệt của Shiva, dạng Nam Nữ hỗn hợp Ardha Narishvara. Rồi vòng tròn nhỏ lại dần dần, và trở thành một điểm, điểm khởi đầu của Vũ Trụ như đã nói ở trên, để rồi, bước thêm một bước, rơi vào HƯ KHÔNG.

Ba ngôi trong huyền thoại Ấn Độ được trình bày dưới dạng một hình tượng duy nhất, gọi là Tri Murti, nhấn mạnh ý niệm không có sự phân biệt giữa Brahma, Vishnu, và Shiva, mà cả ba đều chỉ là những thị hiện khác nhau của một nguyên lý, kiểu như một Chúa, Ba Ngôi. Riêng Vishnu và Shiva cũng có khi được gộp chung trong một vị Thần gọi là Hari Hara. Hari là phần tương ứng với Vishnu, Hara tương ứng với Shiva, hai mặt của một thực thể, « nhât âm nhất dương chi vị Đạo » !

Sưu tầm từ net


2 nhận xét:


  1. Nhiều chị nói với em rằng, các khoa học gia khuyên nam giới không nên bế tinh, vì khi tập trung tinh thần để hình dung sức mạnh của tinh binh chạy ngược lên đầu, thì sau đó sẽ bị loạn óc, tội nghiệp cho các anh lắm.

    Trả lờiXóa
  2. NA@ Hy vọng là các quý ông nghe theo lời khuyên của bạn:))
    Nhưng thực ra, cũng như những câu chuyện khác trong hệ thống truyền thuyết của Ấn độ, người xưa dùng nó để cố gắng giải thích sự cấu thành vũ trụ cũng như lịch sử loài người, giải thích cho những triết lý về sự sinh và sự diệt. Ẩn dấu trong các câu chuyện hoang đường là những quan niệm nhân sinh phức tạp hơn là một quan niệm về dục tầm thường, nó đem lại cho ta những suy nghĩ đa dạng để cố gắng hiểu- chắc là chỉ để thỏa mãn trí tò mò trước cái rối rắm dây mơ rễ má của các câu chuyện li kì này!

    Trả lờiXóa

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment