Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Diabolus in musica” (Ma quỷ trong âm nhạc)

Vua Lê từng hỏi Nguyễn Trãi: “Viết quốc nhạc sao cho phải?”. Nguyễn Trãi thưa: “Tâu bệ hạ! Nguyện xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng lấy dân chúng cho trong xóm ngoài làng không còn tiếng oán hận sầu than. Đừng vì ơn riêng mà thưởng bậy, chớ vì mình giận mà phạt bừa. Đó chính là cái gốc của quốc nhạc vậy"
***


Nguyễn Bách
Diabolus in musica” (Ma quỷ trong âm nhạc) là thuật ngữ tiếng La-tinh dùng để gọi quãng tam cung (tritone), tức các quãng 4 tăng hay 5 giảm, là những quãng có khoảng cách bằng 3 cung. Luật âm nhạc Trung Cổ cấm sử dụng quãng nhạc đặc biệt nghịch âm này vì dựa theo một huyền thoại, quãng nhạc này mang màu sắc tính dục và làm cho ma quỷ xuất hiện.
Như vậy không phải lúc nào âm nhạc cũng được coi là “tiếng nói của các thiên thần” như Thomas Carlyle (1795-1881, nhà văn, nhà viết sử người Scotland) đã nói trong tập luận văn “The Opera” của ông. Tuy nhiên Carlyle không hẳn hoàn toàn vô lý, bởi ma quỷ cũng chính là những thiên thần…đen; cái xấu lại thường là sự biến dạng của vẻ đẹp.

Âm nhạc bắt đầu xấu đi từ khi nào? Đâu là loại âm nhạc xấu? Có cần thiết phải cấm đoán?- Pietro Mascagni (1863 – 1945), nhà soạn nhạc người Ý, nổi tiếng với các opera, đã nói: “Âm nhạc hiện đại nguy hiểm như ma túy”. Khái niệm về âm nhạc xấu hay ma quỷ của âm nhạc đã có từ lâu. Trong bước tiến hóa của âm nhạc, đã có sự phân biệt âm nhạc “hạ cấp” và “cao cấp”. Và sự phân biệt đó cũng biến đổi theo thời đại. Đã có lúc điệu Valse được coi là của giới bình dân, hạ lưu; âm nhạc Tango bắt đầu từ trong giới lao động chứ không phải giới nghệ sĩ, quý tộc. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những loại âm nhạc xấu “thật sự” và chúng có mặt ở khắp nơi. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải (hoặc bị) nghe những loại nhạc này hằng ngày trên các phương tiện truyền thông: radio, TV, internet,….
Đã có quá nhiều ví dụ, nhiều bài báo, nhiều lời chỉ trích về những ca khúc thị trường, “nhạc teen”, “nhạc gây sốc” được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Nhưng dường như những âm nhạc “mang vi khuẩn độc hại” này đã miễn nhiễm và vẫn đang sống, thậm chí còn “sống khỏe” trong xã hội chúng ta. Âm nhạc xấu không có biên giới. Nó tồn tại trong các thể loại và phong cách mà thường gây ra những phản ứng mãnh liệt. Một ví dụ, nếu vào mạng internet, gõ các từ khóa “Cây Nữ tu, Đại-Lâm-Linh”, chúng ta sẽ thấy được những phản ứng khác nhau nhưng khá mãnh liệt về một loại âm nhạc được công chúng gọi là “nhạc từ âm phủ”, chúng ta cũng sẽ thấy được một làn sóng “tẩy chay” loại âm nhạc được coi là xa rời với thẩm mỹ và truyền thống của người Việt Nam này. Thế còn người sản xuất ra nó, nhóm Đại-Lâm-Linh (ĐLL) nói gì về âm nhạc của họ? Ca sĩ Linh Dung, thành viên của nhóm (mà theo quan niệm của họ, còn là người góp phần sắp đặt, làm mới sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Đại trong lúc biểu diễn), cho biết “Nhạc ở đây không chơi theo lối phổ thông mà nó gần như là sắp đặt âm thanh, rất ít dùng hoà thanh,…So với nhạc ấn tượng của Debussy, của Varèse, hay của Gurdjieff thì đây không có gì mới!….”. Nếu bớt “cuồng” hơn so với những gì họ đã giới thiệu trên các sân khấu, có lẽ Linh Dung sẽ nhận ra được:
 Chính việc sự sắp đặt âm thanh (theo một trật tự nào đó) đã tạo nên hòa thanh. Như vậy, hướng đi nghệ thuật của nhóm có tự mâu thuẫn với chính mình?
+ Người khiêm tốn hơn sẽ không bao giờ tự mình so sánh với Debussy, Varèse, v.v…Âm nhạc của Debussy không “quái” và không “cuồng” như thế. Thậm chí, chính ông đã từng phản đối khi người khác coi ông thuộc trường phái Ấn tượng. Và cho dù là nhạc ấn tượng thật sự như của Ravel cũng không đạt đến “đỉnh gây sốc” như của ĐLL. So sánh như vậy là một sự bóp méo âm nhạc Debussy nói riêng và nhạc Ấn tượng nói chung. 
Edgar Varèse

Còn Varèse thì sao? –  (1883-1965) là nhà soạn nhạc cách tân người Pháp nhưng hành nghề phần lớn ở Mỹ. Ảnh hưởng của ông khá mạnh đến nhiều nhà soạn nhạc cuối Tk. XX, và ông được coi là “Cha đẻ của Âm nhạc điện tử”. Ông còn được coi là phát minh ra thuật ngữ “âm thanh được sắp đặt” (với ý nghĩa: sắp đặt âm sắc và tiết tấu) trong âm nhạc khi tự nhận xét về âm nhạc của mình là “những âm thanh được sắp đặt”. Ông viết: “một nhà soạn nhạc, cũng như các nghệ sĩ khác, là người sắp xếp những yếu tố riêng lẻ lại với nhau”. Nhưng vấn đề ở đây là: “những yếu tố riêng lẻ ấy là gì?, từ đâu sinh ra những yếu tố ấy? chúng được tái tạo lại hay sắp xếp lại ra sao? Có gì nổi trội hơn với những hình thức đã có trước đó không?”. Nếu Linh Dung biết rằng âm nhạc của Varèse luôn đề cao âm sắc và tiết tấu thì sẽ không so sánh khiên cưỡng giữa cái âm nhạc “không tiết tấu” và “không màu sắc” như các sản phẩm của ĐLL.
Về chủ đề nội dung cho các sáng tác của nhóm, Linh Dung cho biết: “Câu chuyện của chúng tôi là khai thác các trạng thái tâm lý của những người đàn bà, những phụ nữ, những cô gái, những em bé gái….. bên cạnh đó vẫn có sự “quan sát” của những lễ nghi, những lề lối, những phong tục tập quán đã ăn sâu vào trong mỗi người chúng ta hằng bao đời nay”. Chúng ta hãy đọc qua ca từ của ca khúc “Cây Nữ tu” của nhóm ĐLL: 

“vươn tay chới với 
người đàn bà đợi  
cây khô bứt tiếng gọi 
lá…hừng hực đỏ
 trước nhà em mà
tu viện cây nữ tu 
chỉ nghe gió
thất thanh trong đêm
 trút áo bốn mùa
tiếng khèn quanh quất
  có bước chân nào
 thực lòng yêu 
dừng trước
nhà tu kín
bỗng chiếc váy
trên mình tu nữ bay thốc 
mùa xanh chớp mắt
kìa lá xám liệng bay
 qua mái tu viện
 ố hồ – kìa những cánh chim
 vụt bay về trời”.


Ở các ca khúc khác của ĐLL cũng có những ca từ “mù mờ đến quái” như vậy. Chúng tôi không tin rằng trạng thái tâm lý của những người đàn bà, cô gái, bé gái Việt lại có cưu mang nội dung thuộc loại “hiểu được, chết liền” này. Ấy thế mà chúng vẫn được các nhà sản xuất chương trình “Bài Hát Việt” giới thiệu cho các khán giả Việt như vậy. Về cách trình diễn, để giải thích cho những “gầm, rú”, “lăn, lê”, bò toài” của mình và ca sĩ Thanh Lâm, Linh Dung nói: “Hú hét, hầm hừ, hơi thở, giọng than…là những cách chúng ta từng đối phó và bày tỏ cảm xúc ngoài đời. Chúng tôi mang vào âm nhạc, như John Cage, như Gainsbourg, như Tom Waits đã làm. Chúng tôi không làm gì mới đâu?” Chúng tôi không hiểu người ca sĩ này có kiến thức gì về âm nhạc của những nhà soạn nhạc trên hay chỉ nhắc đến tên họ để làm người nghe phải “choáng”?
John Cage
 Những ai yêu đã từng nghe nhạc của John Cage (1912-1992, nhà soạn nhạc, triết gia, nhà thơ người Mỹ) đều biết rằng, mặc dù được nổi tiếng là nhà cách tân trong âm nhạc (đặc biệt với tác phẩm “4’33” mà trong đó không có một nốt nhạc nào được diễn tấu cả!), tiên phong trong về âm nhạc ngẫu nhiên, âm nhạc điện tử và những cách dùng nhạc cụ không theo tiêu chuẩn truyền thống nhưng trong âm nhạc của ông hoàn toàn toàn không có “hú hét, hầm hừ”.
Ngoài ra, thật thô bạo khi so sánh cách diễn và hát “quái đản” của nhóm ĐLL với giọng hát đặc biệt, kỳ lạ của Tom Waits (1943, ca sĩ, người viết ca khúc người Mỹ) hay những âm thanh lạ lùng nhưng nghệ thuật của Serge Gainsbourg (1928-1991, nhà soạn nhạc người Pháp, nổi tiếng với ca khúc “Je t’aime Moi non plus” thuộc loại erotic song – ca khúc gợi tình. Nó được thu âm song ca với người tình của ông lúc bấy giờ là ca sĩ Jane Birkin. Ca khúc này bị cấm ở một số quốc gia vì có những tiếng thở dài của một cặp tình nhân lúc đang quan hệ chăn gối!). Âm nhạc không gì khác hơn là những âm thanh hoang dã, qua tiến trình trình lịch sử đã được văn minh hóa thành loại nghệ thuật của nhịp và giọng điệu. Vậy mà ngày nay, người ta coi âm nhạc của “hú hét, hầm hừ, lăn lê bò toài một cách man dại” là những thử nghiệm mới!
Còn chính nhạc sĩ Ngọc Đại, người sáng tác loại nhạc “từ âm phủ” này nói gì về âm nhạc của mình? Trả lời một câu hỏi phỏng vấn, tác giả của “Cây Nữ tu” nói: “Con người thật là tàn bạo và quái gở, tại sao cứ ép mình nhẫn nại khi không thích?…Nhạc của Ngọc Đại thì không bao giờ nhân nhuợng được, nó vẫn cứ trúc trắc, gập ghềnh không dễ thỏa mãn cáigu nhạc dễ dãi của người Việt Nam”. Nhạc sĩ Ngọc Đại có quá lời không khi cho rằng gu nhạc của người Việt Nam thì dễ dãi, rằng vì vậy anh không thể khoan nhượng? Đây là mục đích của những sáng tác của anh? Ở một nơi khác, Ngọc Đại nói về hiệu quả âm nhạc của mình là “để làm cho khán giả sợ hãi, thích thú, rởn da gà và sướng như điên”. Khi trả lời phỏng vấn trong một chương trình Bài Hát Việt, Ngọc Đại cho biết anh viết loại nhạc này vì “mình thấy sướng”. Loại âm nhạc “tự sướng” này có phải là âm nhạc chân chính như Gershwin (nhà soạn nhạc người Na-Uy) đã nói “Âm nhạc chân chính phải tái lập được tư duy và nguồn cảm hứng của một dân tộc và thời đại” không? Âm nhạc không chỉ là phương tiện giải trí hay để “tự sướng” mà nó còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội. Các bài ca trong chiến tranh tăng cường thêm tính đoàn kết và mục đích chiến đấu cho người lính. Những bài dân ca ảnh hưởng từ thế hệ này sang thế hệ khác của một dân tộc để xác lập nên lối sống, lối tư duy trong nền văn hóa của dân tộc ấy.

George Jellinek, 1919 – 2010, nhà triết gia gốc Hungary, khách mời trong 3 thập niên liền của đài phát thanh New York City để làm phỏng vấn, nói chuyện với nhiều nhà soạn nhạc, nghệ sĩ, ca sĩ danh tiếng của Mỹ đã nói: “Lịch sử của một dân tộc được tìm thấy qua ca khúc của dân tộc đó”. Vậy thì chúng ta đang đứng ở tình trạng lịch sử nào với những ca từ “hát không ra, nghe hiểu” của ĐLL như ở “Cây Nữ tu” hay Ngơ ngác giữa phố, một thằng nhà quê, nhớ thương mộ tổ, biết bao giờ về?…”, “Đũa tre vót thành ba tầng cây bông cắm lên quả trứng…”
Nhưng dĩ nhiên, âm nhạc xấu đối với người này lại là loại được kẻ khác ưa thích. Mặc cho những phê bình chỉ trích, kỹ nghệ âm nhạc vẫn cứ phát triển mạnh mẽ. Âm nhạc thị trường có xấu, có bị lên án bởi bao nhiêu bài báo đi nữa thì người ta vẫn đổ xô chạy theo nhạc thị trường. Đó là một nghịch lý! Kỹ nghệ âm nhạc luôn luôn bị phê phán bởi nội dung ca từ của nó, tuy nhiên vấn đề không phải ở nội dung của âm nhạc. Chính việc phổ biến, nguyên nhân tạo nên những ca từ và phổ biến chúng mới thực sự là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó, để biện minh cho những loại âm nhạc “xấu”, nguời ta thường giải thích đó là những “thử nghiệm mới” cần được khuyến khích. Một phần chúng tôi cũng đồng ý như vậy.
Để thể nghiệm, chúng ta muốn làm gì cũng được nhưng một khi đã đem ra phổ biến (cách này cách khác) thì phải nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng. Vì một lợi nhuận nào đó, những người có thẩm quyền đã nhắm mắt làm ngơ hoặc “bật đèn xanh” cho những loại âm nhạc quái lạ (đến mức có thể coi là “biến thái”) xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông. Đứng trước phản ứng gay gắt của dư luận về sự kiện những màn biểu diễn của ĐLL ở Bài Hát Việt được phát trên sóng truyền hình quốc gia, khi được hỏi về vai trò định hướng của cơ quan có thẩm quyền, một vị có chức sắc trong Cục Nghệ thuật biểu diễn trả lời “chúng tôi muốn nhưng quyền lực có hạn”. Bạn có tin sự có hạn trong quyền cấp phép biểu diễn của Cục NTBD không? Cứ thử xin tổ chức một chương trình biểu diển nghệ thuật nào đó đi thì sẽ rõ. Ở nhiều đơn vị, tổ chức, hội đoàn nghệ thuật khác người ta cũng thường dùng cách “chuyền bóng” trách nhiệm bằng câu trả lời tương tự như vậy. Hiện tượng ĐLL chỉ là một ví dụ khách quan, về một nhóm nghệ sĩ mà chúng tôi không hề quen biết. Chúng tôi cũng không có thành kiến gì với họ. Còn nhiều ví dụ khác về nhiều loại âm nhạc “miễn nhiễm” với phê bình của công luận để vẫn được tồn tại. Chúng tôi chỉ muốn đặt câu hỏi: “Có phải cái gì không bị đào thải thì luôn luôn tốt?”, “Người nghệ sĩ nên sống như một người có trách nhiệm với xã hội hay chỉ để thỏa mãn những nhu cầu trong cái tôi của mình?”, “Trách nhiệm của những người quản lý văn hóa nghệ thuật đến đâu?”
Vào năm 1992, tiểu bang Washington (Mỹ) đã thông qua một đạo luật về cái gọi là “Âm nhạc Gợi tình” (Erotic Music). Đạo luật này buộc các nhà sản xuất phải dán nhãn “dành cho người trưởng thành” trên các sản phẩm nhạc (CD, cassette,…) mang nội dung cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Và như chúng tôi đã nói ở trên về trường hợp ca khúc “Je t’aime Moi non plus” bị cấm ở một số quốc gia (từ khi nó được thu âm vào năm 1967 đến mãi năm 1986 mới được phát hành). Đó là những điều tốt mà chúng ta cần tham khảo. Và như vậy, những người có thẩm quyền, các nhà chức trách vẫn có thể làm được gì đó chứ không phải hoàn toàn bó tay trước những “ma quỷ trong âm nhạc”.

Theo tạp chí ANVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment