Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Những câu chuyện cũ bới lại

*
Tháng hai năm một ngàn chín trăm sáu tám, tôi về đến Hà nội, cú sốc từ vụ lộn xộn mà từ đó tôi phải rời Quế lâm, Trung quốc về nước không đủ để át đi không khí hầm hập của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân đang đi vào hồi kết ở chiến trường miền Nam. Cuộc đời tôi đang đi vào bước ngoặt, dù muốn dù không, tôi cũng phải bắt đầu một cuộc sống mới- cuộc đời quân ngũ. Đó là quyết định mà tôi không có quyền lựa chọn. Thời gian  đó, tôi nghe phong thanh về một câu chuyện, tưởng như không dính dáng gì đến mình nhưng thực ra nó cũng là một trong những nguyên nhân mà ông già tôi- một cán bộ chính trị trong quân đội quyết định đưa tôi rời xa chốn thị thành, nơi một vụ án đang tiến triển- vụ án Toán xồm.

 Trong câu chuyện của ông để thuyết phục tôi cầm súng ra trận 'vì lý tưởng cách mạng', ông có đề cập tới một cách sống 'đồi trụy' đang phát triển ở Hà nội, rằng nó đang băng hoại đạo đức, nó đang đầu độc cách sống của lớp trẻ thành thị, rằng nó làm suy sụp ý chí chiến đấu của thanh niên, rằng... rất nhiều những tội lỗi tày trời, mà trong những câu chuyện tôi nghe lỏm được bên lề có nói đến những thú chơi' tàn bạo' của nhóm Toán 'xồm' rằng họ uống rượu Tây, hít ba số, uống bia đổ trên chỗ kín trên người phụ nữ ! Hề hề, rất ấn tượng và rất đáng học theo! nhất là với một chàng trai mới nhớn như mình. Nếu đúng sự thật thì những điều đó quả là một 'Mức sống quá cao' với một Hà nội tem phiếu nhiều hơn thịt cá hồi đó.
Câu chuyện của ông già tôi chắc chắn là do ông được truyền đạt lại từ một 'bộ máy' nào đó chứ công việc của một cán bộ quân đội ở đơn vị làm gì có thời gian rảnh rỗi mà biết đến chuyện đó, vậy nhưng ấn tượng xấu về nó đã đẩy ông tới quyết định yêu cầu tôi nhập ngũ, theo ông là như thế mới xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ chí Minh, phải xông lên tuyến đầu diệt Mỹ, giải phóng miền Nam, đem máu xương tô thắm cho lá cờ đỏ Cách mạng, đừng ru rú ở hậu phương, cam tâm làm kẻ hèn nhát, trước sau gì cũng theo bước Toán'xồm' và đồng bọn. Nghe ông nói máu 'cẩu' trong người tôi sôi lên sùng sục, quyết phen này đem tấm thân nặng chưa đầy bốn chục kí lô, hai cẳng chân như hai cái xe điếu cầm gậy tre vượt Trường sơn đánh giặc, à quên đánh Mỹ!
 Đó là lần đầu tiên tôi biết về chuyện Toán 'xồm' và nhóm nhạc của anh, còn lần thứ hai nữa, đó là chưa kịp leo Trường sơn thì mấy tháng sau tôi bị quân cảnh xích tay về an trí tại trại giam quân đội Bất Bạt- Hà Tây chờ ngày ra tòa với nhóm 'lộn xộn' trường Trỗi. Tại đây có một nhóm thanh niên từng là chiến sỹ, họ bị bắt giam và kết tội mà theo họ nói là 'Tuyên truyền nhạc vàng trong quân đội'. Những thanh niên trẻ, khỏe, đẹp trai và đàn hát rất hay, nhóm này tự nhân là đệ tử của Toán 'xồm', và để 'dọa' một thằng lính vừa qua tuổi mười bảy chỉ biết ăn cơm bằng tô và thìa, hát lọng ngọng ba câu hát Tầu khựa về một 'ta hài dang' một' tua sẩu', một 'thai dang' mặt heo nào đó, chúng kể cho tôi nghe rất nhiều những 'huyền thoại' về nhóm Toán 'xồm' mà chủ yếu về thành tích bắn đổ rất nhiều những thiếu nữ Hà nội. Rất háo hức lắng nghe, dù trong thâm tâm vẫn cho rằng chúng đang bịa đặt, kiểu của lính Hà nội! hehe!
 Ngay sau đó thì tôi thực sự 'được' leo Trường sơn và cũng không còn biết gì nhiều về kết quả vụ án 'động trời' này cho đến gần đây. Khi đã có một khoảng lùi xa thời gian nhất định để nhìn lại, cái khoảng tranh tối tranh sáng, cái khoảng nhờ nhờ đang hiện ra rõ nét cho ta biết về một sự thật khác, một sự thật được nói ra để xua đi những tăm tối của một thời cực đoan có thể biện minh hoặc rất khó biện minh nếu sự giả dối, sự bịa đặt ngự trị hay ngụy trang trong những triết lý đẹp đẽ.
 Nhờ có Internet, nhờ có thông tin mở, ta biết được nhiều điều bị thời gian che lấp, xin hãy đọc và suy ngẫm.
Nhát sỹ Tô Hải, tác giả trường ca 'Tiếng hát biên thùy' kể:
"Ngoài những vụ cho đi cải tạo hàng chục năm không xét xử mà cả thế giới đều biết thì có một vụ công khai đưa ra toà, một vụ án "văn nghệ đồi truỵ". Gọi là vụ Toán Xồm (bây giờ chắc được gọi là "nhạc sĩ" Nguyễn Thanh Toán là cái chắc) mà tớ là người được hân hạnh mời dự từ đầu đến cuối, để ... học tập (hay là để răn đe cũng rứa vậy thôi), không phải ai cũng biết.
... “Ngày ... tháng ... năm, tại Thư Viện Trung Ương (?) sẽ có phiên toà "xét xử công khai vụ văn hoá đồi truỵ" do Toán Xồm và Kiên Già chủ mưu. Các cơ quan sắp xếp cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ, nhạc công đến dự đông đủ. Cầm tờ thông báo có chữ phê: "đ/c Tô Hải bố trí toàn thể cán bộ biên tập đi dự đầy đủ" của thủ trưởng Nhà Xuất Bản Âm Nhạc Nguyễn Đình Tính (một người rất tốt nhưng chỉ phải mỗi cái tội chẳng biết âm nhạc nó là cái giống gi mà tớ đã có lần giới thiệu ở một entry trước), tớ giật mình cái thót năm bảy phát. Lý do:
1- Ai chứ cái tên Toán Xồm này tớ và một số nhạc sĩ có thẻ của Hội và ăn lương của nhà nước, thường hay lui tới thăm hỏi vì:
a/. Anh ta là một người tuy bề ngoài hơi ... Hippy một chút, râu chỉ lười cạo nên thường mọc tua tủa, chứ chưa "xồm nhân tạo" như mấy cụ nghệ sĩ trẻ mà làm ra xồm ngày nay đâu! Gọi anh ta là Toán Xồm kể ra cũng hơi oan cho anh ta thiệt! Nhưng Toán là một người tớ có thể khẳng định là có văn hoá âm nhạc, hiền lành, dễ thương và có văn hoá (Dân Lycée Albert Sarrault đàng hoàng chứ đâu phải trung học chuyên khoa tốt nghiệp lớp 10 ở rừng về!).
b/. Do có nhiều quan hệ gia đình hay bạn bè gì đó mà Toán luôn có máy nghe nhạc, có những đĩa hát rất "up to date", thậm chí toàn là dĩa Steréo ngay những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, khi mà cánh nhạc sĩ chuyên nghiệp như tớ đang phải nghe nhạc bằng những chiếc électrophone mono của Liên Xô, chỉ hơn cái máy quay tay Béka chút đỉnh! Nghĩa là đến Toán Xồm để được nghe nhạc cho ra nhạc nhờ, và thỉnh thoảng có cái đĩa nào thích thì ... tán anh ... mua lại!
c/. Nhà Toán ở cách cơ quan tớ không đến 30 mét trên đường Tô Hiến Thành nên tớ vẫn nghe hàng ngày tiếng ghi ta điện (lần đầu tiên có ở miền Bắc XHCN), do Toán tự chế từ một ghi ta thùng, âm thanh được đưa vào một ampli cũng tự chế bằng một hộp bánh bích-quy gồm 2 bóng đèn điện tử to tổ đùng, rồi dẫn tới một thùng loa một chiếc, có đóng bafle bằng gỗ thông, nghe cũng có bass có treffle tạo nên được các "âm thanh lạ" mô phỏng gần đúng các âm thanh ghi trên các đĩa của bọn "xét lại"!
Thế là, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Nhà Toán Xồm càng ngày càng đông người lui tới đặc biệt là đám trẻ mới lớn lên lại càng mê anh Toán Xồm. Nhất là từ ngày anh tập hợp thêm đuợc Lộc Vàng ca sỹ kiêm batteries tự chế từ những cái trống thiếu nhi,một vài cái cymbale còn sót lại từ thời "Đế Quốc Sài Lang" và "Kiên Ha Vai" (guitare hawaienne).Tiết mục chỉ là bắt chước trên các đĩa hát "xét lại" được phép bán công khai và phát oang oang ở ngay cửa hàng Ngoại Văn giữa phố Tràng Tiền! Chẳng cần đến ai "phối khí, hoà âm" gì như thời nay người ta thượng ngộ nhận! Một "dàn nhạc nhẹ tư nhân không chuyên" đã ra đời "tự nhiên như không khí, chẳng cần lý thuyết , lý luận gì" (trích l’aventure Pop của H.Leproux) và được một "đa số tối thiểu" (Jacques Juillard) ưa thích vì đã quá ngán với những bài hát chiến đấu và sản xuất. Tiếng "lành" đồn xa đã đến tai một ông giám đốc Công Ty Ăn Uống và ông đã dám mời ban nhạc Toán Xồm ra biểu diễn live ở khách sạn Phú Gia mỗi tối thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Thế là chuyện bé đã xé ra to. Tiếng "dữ" đã đồn về mấy ông "tham mưu âm nhạc" cho Đảng và nhất là những tay văn nghệ-chính trị-cơ hội đã không bỏ lỡ dịp này để leo lên bằng cách ngăn chặn và dẹp ngay cái thứ âm nhạc "phi chiến đấu tính, phi nhân dân tính, phi đảng tính" này ngay tắp lự ... Và họ đã "ra tay" để cánh cáo những kẻ nào đang manh nha muốn làm cái thứ nghệ thuật ... chỉ vì nghệ thuật ... , chỉ để giải trí!
Toán Xồm là một con vật bị đem tế thần chung với một nhà nhiếp ảnh cùng thời với nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Duy Kiên. Thời ấy, ngoài hai tờ nhật báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân, chẳng còn tờ báo nào mà lên án, xét xử, phân tích tội trạng, kết án trước cả toà án ầm ỹ như bây giờ, nên chỉ những người nào yêu mến nhóm Toán Xồm mới biết tin khi đến thăm anh. Riêng tớ, cả tuần không nghe tiếng éo éo của cây ghi ta điện tự tạo của anh, tưởng anh ốm đau gì, sang hỏi thăm mới hay anh đã bị còng tay giải đi vì tội công khai "tuyên truyền văn hoá đồi truỵ". Tuy nhiên, ở cái thời hậu Nguyễn Hữu Đang-Thuỵ An ... những người biết "Sợ" như tớ vẫn nghĩ tới một kịch bản xấu nhất có thể xảy ra cho Toán là ... "có yếu tố chính trị nước ngoài", thì lần này Toán chỉ có mà đi tù mút mùa. Hơn thế nữa, những người hay ra vào nhà Toán, cũng như ông giám đốc Công Ty Ăn Uống, có khi cũng ít nhiều ... bị liên quan chưa biết chừng nên ... miễn bình luận là thượng sách.
Cho đến cái ngày nhận được "giấy mời" tham dự phiên toà tớ mới hiểu thêm: Đây là một vụ án văn nghệ đầu tiên được mang ra xét xử công khai. Không hề có chuyện chính trị, không có "bàn tay thù địch" nào kích động ... Tất cả chỉ là làm văn nghệ không theo đúng đường lối của Đảng, làm văn nghệ theo tiếng gọi của ... thú tính cá nhân, sa đoạ, truỵ lạc, làm hư khiếu thẩm mỹ của thanh thiếu niên ... vv và vv (trích các lời buộc tội, lời kết án của ông chánh án, lời xác minh của các giám định viên mà tớ vừa nghe vừa muốn cười vừa muốn khóc). Một phiên toà hiếm có mà người buộc tội cũng như bị cáo đều như hai người ... ngoại quốc, người này nói mà người kia chẳng hiểu là nói cái gì!
Tớ xin trích vài câu hỏi và đáp của toà với "can phạm" để các friends cười năm phút:
Chánh án: - Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?
Toán Xồm: - Dạ! Thưa quý toà, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!
Chánh án: - Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?
Toán Xồm: - Dạ! Paloma là của nước bạn Cuba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà Xuất Bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!
Chánh án: - Vậy anh có biết Cha Cha Cha là cái gì không? (chắc có một "thày dùi" nhạc sỹ nào đó mách nước).
Toán Xồm: - Dạ! Có ạ! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cuba ạ!
Chánh án: - Thế còn Tango Bleu chắc anh cũng đổ cho Cuba hết hả?
Toán xồm: - Dạ không! Tango là một điệu nhảy ác–giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước Xã Hội Chủ Nghĩa đều xử dụng cả ạ!
Chánh án: - Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác!!? Đừng có ngụy biện!
Toán Xồm: - Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn, ... chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!
Chánh án: - Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!
Cái cuộc xét xử, toà án thì ở hội trường Thư Viện Trung Ương, quan toà (một ông già tên Vinh hay Vĩnh gì đó) nói gần như hết buổi và khi thấy mình bị "hố" thì luôn xử dụng cái câu "Im miệng! Đồ ngoan cố" để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa (lúc này cái chức danh luật sư đã bị gạt ra khỏi tự điển Việt Nam), ngay thời điểm ấy đối với tớ cũng là một trò hề vô văn hoá. Nó phơi bày sự ngu dốt, kể cả trong biên bản giám định của Vụ Âm Nhạc (được tòa đọc lên chứ không có cá nhân nào đứng ra trình bày trước tòa) đều toát lên cái ý đồ từ đâu đó muốn "dằn mặt những ai muốn xa rời đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh của Đảng mà thôi". Đây chính là ý kiến của anh Văn Cao tâm sự với bọn tớ buổi chiều vào thăm anh trong bệnh viện khi anh được đưa từ Tây Bắc về vì chảy máu dạ dày.
2- Còn cái vụ nhiếp ảnh truỵ lạc của ông già Kiên, cánh tay phải của ông Tổng Thư Ký Hội Nhiếp Ảnh Đinh Đăng Định một thời, cũng kéo dài một ngày. Tuy nhiên, cụ Kiên thì ít lời tự bào chữa vì khó mà cãi được khi mà hoạ sĩ vẽ nude còn phải vẽ "chui" và có trường hợp đã có hoạ sĩ phải gọi lên đồn CA "làm việc" vì bị hàng xóm tố cáo! Đằng này cụ lại dám chụp ảnh nghệ thuật nude bằng cách bố cục một cái tẩu hút thuốc, gác ngang cặp kính râm, zoom vào giữa "cái ấy" của người đàn bà. Làm người xem cứ tưởng là cụ chụp trên một quả đồi cỏ mọc um tùm! Tội to quá đi chứ nhất là khi có giám định viên lại tán "rộng và sâu" đến chết người rằng. Đây là có ý đồ équivoque (hai mặt-hiểu thế nào cũng được) muốn diễn tả pháo binh của ta trên đồi A1! Có một điều lạ là: Tất cả mọi người dự phiên toà chẳng ai được chứng kiến tận mắt những "tấm ảnh đồi truỵ" mà cụ Kiên chụp cả! Tất cả chỉ được xem bằng ... tai, nghĩa là toà tả lại cụ thể từng tấm mà thôi! (Có lẽ toà sợ làm hư hỏng, truỵ lạc hoá cử toạ chăng?).
Và sau 3 ngày làm việc toà tuyên án Toán Xồm, Nguyễn Duy Kiên 7 năm tù giam vì "tuyên truyền văn hoá đồi truỵ". Không có đụng đến một chức danh nhạc sĩ hay nhiếp ảnh gia nào! Vụ án khép lại và cũng chẳng cần đưa lên báo, kênh truyền thanh, truyền hình như ngày nay. Tuy nhiên, trong giới văn nghệ không ai không biết "Đây chỉ là một đòn cảnh cáo cho những ai muốn ôm lấy những tàn dư của văn hóa ... Đế Quốc" hoặc "Những ai muốn theo chân bọn xét lại ... Hãy coi chừng!".
Cho đến hôm nay, trước tình hình âm nhạc loạn cào cào mà còn được bảo kê công khai, nghĩ lại, thấy thương cho Toán Xồm, cho cụ Kiên vô cùng. Trước khi viết bài này, tớ có gọi điện hỏi thăm mấy người thân của Toán còn sống trên đường Tô Hiến Thành-Hà Nội thì được biết: Anh đã qua đời, không vợ con, thân thích cách đây 4 năm ... vì buồn, vì giải sầu bằng ... rượu nên anh đã chết một cách rất thê thảm. "Chết đường chết chợ", ngay khi vừa ra khỏi một quán rượu nhỏ ven đô ... Người ta đưa anh vào nhà xác và ở đấy, không biết báo cho ai, người ta đã chôn anh như một cái xác vô thừa nhận. Nếu tin này là chính xác thì quả là số mệnh anh đúng bị ngôi sao quả tạ chiếu vào thật!
Một nén nhang thắp viếng hương hồn anh.! Nỗi oan của anh hôm nay đã có tôi và nhiều người lôi ra ánh sáng. Mong anh "dưới ấy" thanh thản được phần nào. Riêng nhiếp ảnh gia Nguyễn Duy Kiên, nếu nay còn sống chắc phải đã qua tuổi 100. Điều này không thể có với một "người tù oan sai" vì ngay khi nhận bản án, cụ đã 72 tuổi.

Trích lời kể của Đặng chí Bình, một "đồng tù" với nhóm Toán 'xồm'
"....Nhiều chuyện quá, sáng nay lại nghe bên khu 2, có nhóm nghệ sĩ nhạc vàng đồi trụy của Hà Nội, mới chuyển đến. Rồi còn nghe nói có một tướng phỉ, khỏe như con gấu là Lý Cà Sa cũng mới chuyển về v.v… Từ từ tôi sẽ tìm cách đến thăm hỏi, khi có đìều kiện sau này. Chỉ vài ngày sau, tôi đã mò sang chỗ nhóm “nhạc vàng” ở nhà B khu 2. Có thể vì 2 lý do: Cùng dân 36 phố phường mí nhau. Cùng một quan điểm yêu nhạc tình êm dịu, quê hương; trữ tình pha chút lãng tử, hải hồ cho nên tôi và nhóm “nhạc vàng” dễ thân nhau. Nhóm này gồm có 4 cậu, tên mỗi cậu đều có một đặc danh đi theo: Toán Xồm (Nguyễn Thắng Toán, Guitar kèn), Đắc Sọ (trống),Thành Tai Voi (kèn), Lộc Vàng (Nguyễn Văn Lộc, ca).
Nhóm “nhạc vàng” bị bắt năm 1967 cũng là năm có vụ án “xét lại hiện đại”. Toán Xồm là đầu vụ, một phiên tòa ở Hà Nội đã xử năm 1969, CS gọi là nhóm “nghệ sĩ nhạc vàng đồi trụy”. Kết quả Toán Xồm 15 năm, Đắc Sọ 12 năm, Thành Tai Voi 10 năm và Lộc Vàng 10 năm. Toán người nhỏ tí, có cái mũi như lai Tây, Toán học trường Tây, nhưng vì yêu văn nghệ, thích đàn hát nên học hành chẳng ra sao. Vì vậy, bắt đầu khoảng 57 – 58 một số cậu choai choai không có tiền, đàn đúm, còn đói ăn nữa nên đã tụ tập một nhóm nhỏ yêu nghệ thuật, yêu ca nhạc. Lúc đầu chỉ hát “nhạc xanh” là nhạc của các nước XHCN phương Tây. Ban nhạc của các cậu thường vào chơi trong những buổi tiệc tùng, liên hoan ở các sứ quán Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Sô v.v… Được vài năm, nhưng cũng đói rách. Khoảng 61- 62 lũ choai choai Hà Nội có phong trào bí mật nghe đài Sài Gòn. Bài hát nào mới ở SG, chỉ vài ngày sau chúng đã lén lút, ca cho nhau nghe ở Hà Nội rồi như: Đời là vạn ngày sầu…. biết tìm vui chốn nào… Ta yêu nhau đi thôi!…. Duyên tình ta xé… làm đôi… Hoặc: Tầu Đêm Năm Cũ… Thực ra dạo ấy và cho tới cả bây giờ tôi cũng không biết những bài hát đó tác giả là ai? Nhưng ngay trong trại Phong Quang vào những ngày thứ Bẩy, Chủ nhật một ấm chè rẻ tiền (chè cám) 5, 7 người có chút tâm hồn văn nghệ tụ tập (lén lút) ca hát, với một cây đàn tự chế. Khi thấy “áo vàng” vào khu, các cậu đổi “gam” ngay, thành những bài hát VC.
Như tôi đã nói, do cùng Hà Nội, lại có “gu” giống nhau nên bất cứ có buổi ca nhạc “bỏ túi” ở buồng nào các cậu thường báo trước, tôi là một khán, thính giả nhiệt tình. Tôi đã được nghe nhiều bài hát của Sài Gòn ở trại Thanh Phong. Thời gian ấy, một vài sự việc cho tới bây giờ, vẫn hằn vào lòng tôi.
Toán Xồm có cái tài bắt chước, khi ấy gọi là “bắt vở”. Bất cứ một cán bộ lạ hay quen, từ trên bộ về nói chuyện với toàn trại, những ngày sau khi về trại, có khi đang lao động, có khi ngồi uống trà v.v… Toán Xồm bất ngờ làm một động tác, lột tả lại để ai cũng hiểu, Toán Xồm muốn nói đến cán bộ nào rồi, kể cả giám thị, cho đến ông cục trưởng Cục Lao Cải (giai đoạn ấy). Buồn cười một cách ý nhị, tôi phải thừa nhận là một cái “tài” không phải ai cũng làm được. Chỉ một cái “nháy mắt”, “nhếch môi”, “giọng khạc”, “mắt liếc”, “tay vẫy” mỗi khi nói v,v… Nghĩa là ai có cái tật gì Toán Xồm làm đúng như thế. Không hề nói trước, nhưng những người chung quanh đều hiểu Toán Xồm muốn nói đến ai. Vì thế, mọi người đều cười thoải mái!
Sự việc thứ 2 Toán Xồm kể lại, khi còn ở Hà-Nội, trong thời gian nhạc xanh, nhạc vàng, nhóm cũng “rách” lắm (cả xã hội cùng đói rách, chứ riêng gì ban nhạc), bàn nhau mới nghĩ ra, đành phải sắm thêm vài chiếc kèn đám ma, kiếm gạo cơm trong những người chết, để cứu cuộc sống của nhóm. Nhóm đã hành nghề mấy năm của cái đất Thăng Long dưới cái chế độ “Xếp Hàng Cả Ngày” thời gian ấy, thì cũng thêm cho bát cơm đầy...."

Câu chuyện được kể trên đài RFA:
Từ năm 1954 đến năm 1987, trước khi có chủ trương “cởi trói văn nghệ” của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, những bài nhạc vàng, ý chính quyền Hà Nội nói màu vàng bệnh hoạn, triều đại Mao Trạch Đông gọi là “hoàng sắc âm nhạc”, và nhạc tiền chiến (vốn thịnh hành trước năm 1954), hai loại nhạc bị Hà Nội cho là thứ âm nhạc lãng mạn bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp hèn. Cùng với phong trào bài trừ “hoàng sắc âm nhạc” của Mao Trạch Đông tại Trung Quốc, thời gian đó tại Việt Nam xuất hiện nhiều bài báo chống lại những giai điệu được cho là ủy mị và thiếu tinh thần đấu tranh cách mạng.
Ông Lộc Vàng là một trong những người mê nhạc tiền chiến nổi tiếng tại Hà Nội. Ông Lộc thuộc và hát được hầu như đến 80% các bài nhạc tiền chiến. Cũng vì trót yêu, trót thèm được phiêu du cùng cái cảm xúc thật của mình mà bất chấp lệnh cấm, ông Lộc cùng một nhóm bạn, trong đó có ông Phan Thắng Toán (Toán “Xồm”) và Nguyễn Văn Đắc thường xuyên tụ họp tại nhà, cùng hát với nhau những bài hát của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng...
“Chúng tôi gặp gỡ, đóng cửa hát cho nhau nghe thôi chứ cũng chẳng phản đối chính sách nhà nước gì cả. Chúng tôi chỉ thấy dòng nhạc này hay quá, trữ tình và đầy tình người nên muốn lưu giữ lại và đóng cửa hát cho nhau nghe.”
Có ai ngờ rằng những giai điệu toàn mỹ, kiêu sa và bồng bềnh ấy, vốn được hát trong các buổi hòa nhạc như một cô vũ nữ kiêu kỳ khi thất thời, để những ai yêu cô phải trả một giá quá đắt.
“Người này đồn đãi người kia. Công an bắt bạn tôi và nói rằng vì chúng tôi thích những bài nhạc ấy nên chúng tôi phá hoại nền văn hóa CNXH và tuyên tuyền văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc. Và họ đã xét xử bọn tôi”.
Vụ án “Phan Thắng Toán và đồng bọn về tội tuyên truyền văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc” là một trong những vụ án mà nhiều người Hà Nội vẫn chưa quên. Ngày 27 tháng 3 năm 1968 nhóm nhạc của ông Lộc Vàng bị bắt. Sau đó, ông Toán “Xồm” bị tuyên 15 năm tù giam, ông Đắc bị 12 năm tù giam và ông Lộc Vàng bị 10 năm tù giam, để rồi khi ra trở về cuộc sống tự do họ vẫn không khỏi thắc mắc vì sao.
“Nghĩ đến cuộc đời của mình sao mà cay đắng chua chát quá. Mình có làm cái gì đâu, chỉ yêu thích âm nhạc thôi mà bị tù đày. Sau khi dòng nhạc này được khôi phục lại, những bản nhạc này được hát lên TV. Khi nghe người ta hát mà mình ngồi ứa nước mắt ra”.
Trong nhóm bạn, có lẽ ông Lộc Vàng thương ông Toán "Xồm" nhiều nhất. Tình thương của ông không chỉ là thứ tình cảm thương xót một người nhận bản án nặng nhất mà đó là thứ tình cảm xót xa đến phải nhỏ lệ của một người không nỡ nhìn bạn mình ngửa tay nhận lấy một mẩu thức ăn thừa.
Ra tù, nhà cửa ông Toán "Xồm" cũng tan nát. Ông lang thang trên đường phố sống vào tình thương của người qua lại. Vào quán ông Lộc Vàng, người ta bắt gặp một bức ảnh một người mặc áo sơ mi trắng ngồi châm thuốc cho một người hành khất. Người mặc áo sơ mi trắng là ông Lộc và người hành khất không ai khác chính là ông Toán Xồm. Một đêm năm 1994, người ta nhìn thấy ông Toán nằm gục chết, đói lả, cô đơn, trên hè phố.
“Sau khi ra tù thì anh Toán Xồm cũng chẳng còn nhà cửa gì nữa, anh chán đời và tìm vui bên men rượu trên hè phố. Đêm 30 tháng 4 năm 1994, anh chết bên đường…

Câu chuyện của người bắt giữ nhóm Toán'xồm'
 Đại tá Vũ Thế Bình, con trai Thiếu tướng Nguyễn Thế Tùng, trước lúc chia tay còn bảo: "Gia đình tôi có thời điểm có thể thành lập được một chi bộ gia đình Công an, bởi ngoài ông là Đảng viên lão thành, vợ chồng tôi đến cháu Minh, con trai tôi cũng là đảng viên”.Thế hệ chúng tôi, cách nay gần 40 năm đã biết đến ông - vị tướng đầu tiên của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Hồi ấy, trên cương vị là Cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân, mặc dù bộn bề công việc, nhưng đáp lại lời mời của Ban Giám hiệu nhà trường, thi thoảng ông vẫn dành thời gian tham gia giảng dạy những bài nghiệp vụ cho khóa sinh viên đại học đầu tiên của ngành.
Bao giờ cũng vậy, những lần được nghe ông giảng là cả lớp chúng tôi như bị thôi miên từ đầu đến cuối bởi cách truyền đạt kiến thức hấp dẫn, đa dạng với sự lồng ghép những dẫn chứng thực tế từ những vụ án mà ông chỉ đạo điều tra và những câu chuyện dí dỏm xảy ra trong cuộc sống đời thường; thậm chí là những tri thức về lĩnh vực thơ, nhạc, họa… Qua những lần được nghe ông giảng bài, ai trong số chúng tôi đều có cảm nhận: Ông là một người có kiến thức uyên bác mà ông đã tích tụ được trong quá trình hoạt động cách mạng.
Ở cương vị Cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân, ông dồn trí tuệ và công sức để chỉ đạo lực lượng Cảnh sát các địa phương ngày đêm giữ vững trận địa, đảm bảo giao thông được thông suốt, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân. Nhiều vụ trọng án xảy ra thời kỳ này cũng được ông chỉ đạo và đưa ra xét xử. Trong số đó, nhiều người còn nhớ đến vụ khám phá một tổ chức văn hóa đồi trụy do tên Toán Xồm đứng đầu. Đây là ổ lưu manh lớn, hàng ngày chúng lôi kéo số thanh niên ca hát, nhảy nhót, nghiện hút thuốc phiện và dâm ô trụy lạc… Trong hoàn cảnh thời chiến, nếu không triệt phá "ổ quỷ" này nó sẽ lôi kéo thanh niên vào con đường ăn chơi sa đọa, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Do vậy, sau khi nhận được nguồn tin do quần chúng nhân dân cung cấp, ông đã trực tiếp chỉ huy các trinh sát đột nhập vào băng ổ tội phạm và chỉ sau ít ngày toàn bộ các đối tượng trong vụ án đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử.( Trích từ Báo HB lấy nguồn từ CAND)
Và đây là một ngẫu hứng, do tớ cười đời muốn nhắn với Lộc'vàng' một thành viên cốt cán của Nhóm nhạc Toán'xồm'


Lộc vàng ngồi đó
Mắt Lộc lệ sa
Mũi Vàng đo đỏ
Tóc tai lòa xòa

Hồ Tây nhạt nhòa
Trong chiều mưa qua
Thương Lộc nhớ vợ
Lệ - sương la đà

Ai hay tình cũ
Cũng nặng lòng ta
Hát hát ca ca
Văn văn nghệ nghệ
Tài chi lắm thế
Rồi cũng ra ma!

Vu vơ tình người
ẩm ức tình đời
Nếu không chờ đợi
Sao biết đầy vơi
Chút tình yêu ấy
Cũng như mây trôi!

Ta về với gió
Nhặt lá vàng rơi
Chân vung lên đá
ống bơ người đời

Thế là thảnh thơi!
Hết yêu, hết ghét
Ông Lộc vàng ơi!


7 nhận xét:

  1. Bài viết này của QT rất hay và rất giá trị cho việc 'hiểu' về một sự kiện đau lòng trong quá khứ ở XH ta.

    Trả lờiXóa
  2. Hồi 1968,tôi có nghe nói,có hẳn một cuộc thi hát 'nhạc vàng' các tỉnh phía Bắc (tất nhiên là 'chui',ở Hải Phòng thì phải)do ông Toán 'xồm' chủ khảo. Giải nhất là một xe đạp Pơ-giô (lúc đó là lớn lắm).
    Nếu có như vậy,thì 'qui mô' Nhạc vàng đã vượt ra ngoài khuôn khổ 'giải trí' cá nhân.Việc 'bắt bớ' từ cuộc thi đó. Rất tiếc ko nhớ ra trước máy ngày để HĐT và VNQ hỏi anh 'Lộc Vàng' .
    Thêm thông tin để nhìn nhận 'sự việc' cho khách quan.
    'Khai trí' cho tôi về Nhạc vàng là anh Minh Cường K4, với bài 'Nỗi lòng người đi'. Cường rất rành về vụ 'thi' này lúc đó tôi nghe ra là 'Tám xồm' làm giáo chủ.

    Trả lờiXóa
  3. Nếu nói mấy bài tiền chiến đó là nhạc vàng thì 'khai tâm' cho tôi chính là bà già tôi. Bà là cán bộ Phụ nữ có cỡ của QB khi đó, vậy mà về nhà bà lôi tôi ra dạy:" ... tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi/ mấy mờ buông xuống núi đồi/và trong lòng tôi nhớ mãi bóng người...Hehe! lúc đó khéo mình còn chưa nói sõi!
    Mấy bài hơi hướng nhạc Nga như Đỉnh núi Chi ta, đôi bờ, xan ta lu xi a..vv. cũng chỉ hát chui vì mấy ông quan chức địa phương ghép hết vào nhạc đồi trụy, sang Trỗi ở QL cũng nhiều anh nghêu ngao hát Ai đến xứ hoa đào, chiều biên giới v.v.
    Nói gì thì nói tôi vẫn cho dòng nhạc êm dịu, phản ánh được tâm tư tình cảm con người, sự mất mát, sự xa cách, tình yêu nhẹ nhàng... đi được vào lòng người thì dù cấm đoán, người ta vẫn chấp nhận và nhận chân được sự thật.

    Trả lờiXóa
  4. Nói chung , về vụ án này ta chưa có đủ thông tin vì mới nghe nhiều 1 phía anh Lộc - còn thông tin gốc của chính quyền nhiều khi bị biên tập , thiếu chính xác . Ys kiến của ngài Tô Hải cũng có phần bôi bác , bóp méo ... chả đáng tin .
    Có 1 sự thật là lúc đó , vừa " tả " kiểu Maoist , vừa có cái ấu trĩ , kém hiểu biết .
    Nếu đọc bài viết của Nhật Hoa Khanh ( phỏng vấn Tố Hữu ... ) thì nhà thơ có phần chế diễu Trần Hoàn đã từ bỏ đứa con mình rứt ruột đẻ ra : " Nỗi lòng người ra đi " !!!.

    Nói thật , đã tiếp xúc trò chuyện với anh Lộc vài lần , rất thông cảm với những mất mát , thậm chí cảm phục con người anh ( can trường chiến đấu với hoàn cảnh ...) - nhưng có nhiều cái , giữa tôi & anh " vênh " nhau về nhận thức , he he !!!. Chẳng hạn : các ca sĩ " mậu dịch " ( cách ám chỉ của anh về các ca sĩ đc đào tạo bài bản qua nhạc viện ) ko biết hát nhạc tiền chiến - chỉ có nhóm anh là nhất ...

    Nghe xong .... mất khoái ...he he !!!

    Trả lờiXóa
  5. @ HĐ: tôi vừa viết xong một đoạn ca từ định phổ nhạc rồi định đem tặng LV (bài Nhớ)có thể sẽ nhờ anh HĐ cố vấn đấy nhé!

    Trả lờiXóa
  6. OK , Cậu cứ làm đi , cho ngon vào rùi " sai đâu tui tâu đấy ".

    Mấy hôm mải chiện " cung vua - phủ chúa " nên giờ mới biết bài " Nhớ " - sozi nha !!!!.

    Trả lờiXóa

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment