Trang

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Những ngày nhiều mưa nghĩ về "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa"


Hà nội mùa này nhiều lắm những cơn mưa, điều đó trái với điều mà tác giả Thơ, cũng như tác giả Nhạc muốn nói tới trong bối cảnh thời tiết bài thơ, bài ca của họ, bài hát :”Hà nội mùa vắng những cơn mưa”.
 Dù trái mùa nhưng tôi vẫn muốn đọc và nghe lại bài hát này bởi cá nhân tôi khá thích giai điệu êm đềm, lôi cuốn mà nhẹ nhàng của bài hát, cũng như những vần thơ gần gũi, gắn với nhiều kỷ niệm của người có nhiều ký ức với Hà Nội. Mặt khác, vốn hay so sánh và tìm ra những khác biệt giữa thơ và ca từ của người dùng bài thơ đó để phổ nhạc nên cũng muốn tìm hiểu từ chính bài thơ bài hát này.

Chia tay người Hà Nội
Tác giả Bùi Thanh Tuấn


Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa.

Cái rét đầu đông giật mình bật khóc.
Hoa sữa thôi rơi mỗi chiều tan học.
Cổ Ngư xưa lặng lẽ dấu chân buồn.
Trúc Bạch giận hờn phía cuối hoàng hôn.
Để con nước thả trôi câu lục bát.
Quán cóc vẹo xiêu dăm ba tiếng nhạc.
Phía Hồ Tây vọng lại một câu Kiều.
Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu.
Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm.
Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím.
Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.

Hà Nội mùa này nhớ những cơn mưa…

Và đây là ca từ bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của nhạc sỹ Trương Qúy Hải

Hà Nội mùa này ... vắng những cơn mưa.
Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh.
Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp.
Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về.
Hà Nội mùa này chiều không buông nắng,
phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô,
quán cóc liêu xiêu một câu thơ.
Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ.
Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ.
Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay,
hơi ấm trao em tuổi thơ ngây.
Tưởng như, tưởng như còn đây.

Chúng ta cùng thưởng thức bài hát này qua giọng ca Thu Phương



 Trương Qúy Hải và Bùi Thanh Tuấn trình bày ca khúc chung
(Ảnh FPT)
Đặt ca từ và lời thơ cạnh nhau, có đôi chút thay đổi ở tựa đề, ta thấy cùng một ý thơ về những cảm xúc mang lại từ những kỷ niệm, những hồi ức hay những điều lãng mạn chỉ có từ Hà nội. Giữa hai tác giả quả thật đã có những khác biệt trong cấu trúc câu, cách dùng từ cũng như sự lãng mạn lắng đọng lại từ những kỷ niệm. Có một điều đặc biệt, Bùi Thanh Tuấn không phải người Hà nội mà là người Sài gòn, điều cảm phục từ nhà thơ là chỉ từ những cảm nhận, những thăng hoa cảm xúc từ những lần đến Hà nội, và biết đâu là trước khi viết bài thơ Tuấn chưa hề đến Hà nội. Vậy mà mỗi lời thơ, mỗi ý thơ Tuấn viết đều thấm đẫm tâm hồn người Hà Nội, dường như là người đã sống rất lâu, đã gắn bó khá nhiều với từng địa danh, từng mùa Xuân Hạ Thu Đông qua đi trong ký ức người Hà Nội.
  Tuy nhiên trong bài thơ đôi chỗ BTT để lộ ra những điều người HN không nghĩ thế, ví dụ trong câu "..Cái rét đầu đông giật mình bật khóc" cũng có thể cái bật khóc của BTT ở tình huống khác, bối cảnh khác nhưng ở nghĩa đen thực ra mỗi độ đông về, cảm xúc như Trường Qúy Hải mới đúng là của người HN: "... Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh." hình ảnh rất đẹp và rất thật, ca từ vì thế hát rất hay và đi vào lòng những chàng trai si tình khi ngắm nhìn người yêu trong một khoảnh khắc đợi chờ nào đó đầu đông. Đôi khi, cái khăn em bay đó đi mãi vào tâm tư tình cảm chàng trai mà vì một lý do nào đó đang ở xa HN.
 Đường Cổ Ngư được biết đến nhiều hơn từ thế hệ U60. Mỗi khi nhắc đến địa danh đó đều mang đến cho ta những cảm nhận cổ kính, trầm mặc. Cùng với Trúc Bạch có chung một cách nghĩ khi nói đến, và người HN với những địa danh này đều dành cho nó một tình cảm ưu ái và chỉ dành cho sự lãng mạn, hoài cổ, câu thơ tiếp theo TQH đã bỏ qua cái 'Trúc bạch giận hờn'  để 'Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về." là sáng tạo để làm câu hát mượt mà hơn, tuy nhiên cũng không thể chê điều giận hờn mà BTT nhắc đến, bởi nó cũng rất thật và hợp với các đôi lứa yêu nhau từng trải qua khi đứng dưới trời "Hà Nội mùa này chiều không buông nắng, phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô". Nhưng ở câu :"Quán cóc vẹo xiêu dăm ba tiếng nhạc." quả thực không hay bằng: "quán cóc liêu xiêu một câu thơ." Cá nhân tôi cho rằng đây là câu sáng tạo hay nhất của TQH, vừa hay, vừa dễ hát và thật hơn, từ 'liêu xiêu' đó đắt quá, không mấy ai đặt đúng vào ngữ cảnh ấy được, và vì thế mà thực sự rất quý công sức lao động của TQH. Cảm xúc âm nhạc lay động và biến đổi một câu thơ cho hợp lý như vậy thật giỏi.
 Câu thơ :" Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu" tuy rằng hay nhưng có lẽ  hình như đã bắt gặp ở đâu đó cái nhớ mắt người yêu ấy, à ở trong 'Đất nước' của NĐT "....bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu" câu thơ đã khá nổi tiếng thành ra câu thơ của BTT có Mắt người yêu nữa có vẻ không đắt, ở đây TQH không đưa vào ca từ có vẻ đúng, các câu cuối khác nhau rõ hơn, có lẽ bởi những kỷ niệm với một 'em' nào đó khác nhau, dẫn đến
"...Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm/.Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím./Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa."
Và :"...Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ./Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ./Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay,/hơi ấm trao em tuổi thơ ngây." Sự khác biệt ở đây không chỉ là cảm xúc mà còn là thực tế cuộc sống, địa bàn từng sống của các tác giả, mỗi người một cảm xúc tinh tế khác nhau và mỗi em của họ đều có quyền tự hào vì được nhận những lời thơ - ca từ đẹp đến như vậy.
  Một vài lời cảm nhận cá nhân và chỉ là thoáng qua, có được khi  xem xét  sự liên hệ về tác động nhạc với tác phẩm thơ để có thêm hiểu biết về mối tương quan giữa hai lĩnh vực rất gần nhau này. Mới thấy rằng một bài thơ, cho dù là không đặc sắc lắm nhưng được phổ nhạc bởi một nhạc sỹ tài năng thì giá trị được tôn lên vượt bậc. Cả một đời yêu văn nghệ, làm thơ, làm nhạc, viết văn chỉ cần có một lần thăng hoa, có một bài thơ, bài hát để đời là mãn nguyện lắm. Vinh dự ấy chỉ dành cho những tài năng thực sự và biết lao động nghệ thuật nghiêm túc." Qúy hồ tinh, bất quý hồ đa" chưa bao giờ đúng như trong lĩnh vực Thơ-Phổ Nhạc hiện tại.

1 nhận xét:

  1. Lời thơ và lời ca từ đều là hay!
    Nhưng tối thấy lời thơ hay hơn.

    Trả lờiXóa

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment