Trang

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Kỳ nữ Kim Cương và mối tình với thi nhân điên Bùi Gíáng


 Chuyện đời của nghệ sĩ Kim Cương, lưu lại trong lòng người hâm mộ ở hai điều: Một là duyên số bà lận đận long đong, hai - bà chính là mối tình chung cả đời của thi nhân “điên” Bùi Giáng.
Duyên số long đong
Thời điểm những năm trước 1975, cùng với Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga..., tên tuổi Kim Cương tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu cải lương. Bà đến với sân khấu từ lúc mới sinh được 10 ngày tuổi trong vai con của Quan Âm thị Kính.
Kim Cương thời trẻ
Lớn lên một chút, Kim Cương trở thành cô đào nhí trong đoàn hát Đại Phước Cương, cùng cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Với nhiều biến cố của thời cuộc, gánh hát phải di tản, Kim Cương bị mẹ, các dì, những nghệ sĩ lớn
thời ấy như Bảy Sang, Phùng Há, Thanh Tùng... quyết liệt cấm cản cô bé theo nghề hát. Nhưng, như một định mệnh, Kim Cương cuối cùng cũng từ bỏ sách đèn, đi theo tiếng gọi của nghề hát.
19 tuổi, đóa hồng mang tên Kim Cương tỏa rực trên sân khấu cải lương Sài Gòn. Kim Cương không chỉ có nhan sắc và giọng hát mà còn là một nghệ sĩ tài hoa có khả năng dàn dựng, soạn vở, rồi chỉ huy gánh hát.
Giữa bao đàn ông dập dìu theo đuổi, trong đó có sĩ quan, thương nhân và không ít người giàu có, nhưng mãi mà duyên số vẫn chưa đến với Kim Cương. Có lẽ, những người đàn bà đẹp mang vẻ liễu yếu đào tơ thì dễ tìm thấy bóng tùng quân của đời mình hơn là người phụ nữ mạnh mẽ, tài hoa chèo chống như Kim Cương.
Quá tuổi ba mươi, Kim Cương gặp kí giả Trần Trọng Thức trong một cuộc phỏng vấn. Quen nhau, rồi nhiều chia sẻ, đồng điệu, dần dà họ đến với nhau, dù rằng nhiều người vẫn nói ra nói vào, sao mà Kim Cương dại, vì Trần Trọng Thức hồi ấy là một kí giả nghèo tài sản chẳng có gì ngoài chiếc mô- bi- lét cà tàng.
Đám cưới của Kim Cương cũng diễn ra hết sức đơn sơ, giản dị, chỉ là một buổi lễ ra mắt gia đình, ngược lại hoàn toàn với đám cưới của các diễn viên, minh tinh hồi ấy.
Tưởng như cuộc hôn nhân ấy sẽ bền chặt vì xuất phát từ tình yêu đích thực, không mang nặng vật chất , nhưng rồi lại không nhận cái kết có hậu. Kim Cương vẫn là người đàn bà cứng cáp tự nhận mọi lỗi lầm về mình.
Bà nghĩ rằng chính mình, người nghệ sĩ với danh tiếng và lịch diễn dày đặc đã khiến cuộc sống gia đình “bất bình thường”. Dù rằng, theo lời của nhiều người, thì người chồng của Kim Cương đã tìm cho mình một người đàn bà khác, một niềm vui ngoài hôn nhân.
Thất bại trong hôn nhân, Kim Cương tiếp tục là “kì nữ” một tay lèo lái đoàn hát, viết kịch bản, làm đạo diễn, rồi chuyển sang kịch nói, phim... Và, vừa làm mẹ vừa làm cha, tự tay chèo chống gia đình.
Hai mươi năm trôi qua, mọi buồn giận đã xa, vợ chồng bà giờ đây vẫn là người bạn tốt của nhau như một sự trân trọng về một thời từng yêu thương nhau tha thiết.
Mối tình tuyệt vọng của “dị nhân” Bùi Giáng
Chuyện thi sĩ “điên” Bùi Giáng say đắm nghệ sĩ Kim Cương đã trở thành huyền thoại của giới văn nghệ Sài Gòn. Chung quanh người thi sĩ điên Bùi Giáng cũng đã quá nhiều giai thoại.
Liên quan đến những bóng hồng, nàng thơ của ông cũng chẳng ít. Nhưng hầu như chỉ có Kim Cương là bóng hồng hiện hữu chân thật, say mê và sâu bền nhất. Bùi Giáng gặp Kim Cương khi ông là một giáo sư Văn khoa, chưa phải nhà thơ “nửa điên nửa tỉnh”.
Trong đám cưới một người bạn, lần đầu tiên ông thấy Kim Cương xuất hiện trên sân khấu. Lúc ấy, Kim Cương trẻ trung rờ rỡ, mới 19 tuổi, mà ông ví là “hào quang tỏa lộng lẫy như một tiên nữ”.
Sét đánh trúng tim Bùi Giáng từ ấy. Mối tình theo ông suốt cả cuộc đời. Kể cả trong những ngày tháng điên dại nhất, hầu như chẳng nhận ra người thân, bạn bè, chỉ duy nhất nhận ra và luôn lẩm bẩm gọi tên “tiên nữ Kim Cương”.
Mối tình Kim Cương - Bùi Giáng
Cách yêu của thi sĩ điên cũng cực kì kì lạ, khiến người chung quanh và chính Kim Cương cũng dở cười dở mếu. Người ta kể, hồi trẻ, có lần, khi Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương, bị nàng từ chối, ông rầu rầu nói, thôi thì chắc tôi già quá cô không chịu ưng tôi vậy tôi đành giới thiệu cháu tôi còn trẻ, đẹp trai, học giỏi xem cô có ưng không.
Nói là làm, sau đó Bùi Giáng dẫn đến đứa cháu ông mới... 8 tuổi, khiến Kim Cương vừa tức vừa buồn cười. Rồi những tháng ngày dài, ngôi nhà của Kim Cương luôn là nơi ông tìm đến sau cơn say, bất kể là nửa đêm hay mờ sáng, đêm ba mươi hay sáng Mùng Một Tết.
Một thời gian, ngày nào Bùi Giáng cũng đến tìm Kim Cương, với hình hài kì dị: Tóc đầy rơm rác, vòng hoa, quần áo xộc xệch, vỏ chai vỏ lon xủng xẻng theo sau. Rồi những lần ông gặp nạn, gây hấn, gặp rắc rối ngoài đường, luôn cho địa chỉ Kim Cương để người ta liên hệ.
Kim Cương lần nào cũng tất tả chạy đến lúc thì bảo lãnh đưa về nhà, lúc thì đi bệnh viện. Cái cách mà ông gọi người yêu của lòng mình cũng thật là: Nàng, nương tử, Hằng Nga, tiên nữ, hay... mẫu thân(!).
Nếu là một người đàn bà nào khác, trước một gã si tình kì quặc như thế, hẳn nhiên phải hoảng sợ mà chạy trốn. Cách đối đãi của Kim Cương với Bùi Giáng cũng thật lạ.
Bà không yêu thi sĩ họ Bùi, nhưng trước sau bốn mươi năm trời vẫn tiếp nhận tình cảm của ông với một sự trân trọng, bao dung. Không hắt hủi, không thờ ơ, bà với ông ấm áp, chân thành, độ lượng, vừa như em gái, vừa như người tri kỉ, người mẹ.
Bạn bè còn nhớ mãi những cảnh tượng thú vị khi Bùi Giáng đến nhà Kim Cương chơi, bà ngồi lặng lẽ gọt trái cây cho ông ăn, cười nhẹ nhàng, Bùi Giáng thì liên tu bất tận ứng tác những vẫn thơ tặng “nương tử Kim Cương” trên giấy, tờ lịch, quyển sổ... và cao hứng đọc cho bà nghe. Đến giờ, bà vẫn trân trọng cất giữ rất nhiều di cảo do chính tay ông viết tặng.

Thương yêu có lẽ như là
 Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương
Ta đi đau xiết vui buồn
Một mình ở lại muôn trùng em yêu.
Những ngày bệnh Bùi Giáng trở nặng, ông chẳng còn nhớ ai, chỉ gọi tên mình Kim Cương. Lúc ông gây rối, điên cuồng, chỉ cần nghe tên “Kim Cương” là bỗng nhiên dịu lại. Trong những ngày ít ỏi tỉnh táo, ông luôn nói, trên đời chỉ có Kim Cương nhân hậu mới chịu đựng Bùi Giáng suốt mấy chục năm trời.
Ngày cuối đời, trước lúc chết, ông vẫn luôn miệng gọi tên bà. Niềm may mắn của Bùi Giáng là được chết mà bên cạnh có Kim Cương. Trước mộ người tri kỉ- kẻ si tình suốt 40 năm, Kim Cương đã đọc bài tạ từ rưng rưng nước mắt:
"Tôi xin cảm ơn anh ba điều : Một là cảm ơn anh đã để lại cho đời những tác phẩm văn chương độc đáo. Thứ hai là cảm ơn anh đã dành cho tôi một tình yêu suốt hơn 40 năm không suy suyển, không so đo tính toán. Thứ ba là cảm ơn anh đã cho tôi bài học rằng dù bất cứ ai dẫu điên hay tỉnh, giàu hay nghèo… đều phải có một mối tình để nương tựa...".
Giờ đây, người kì nữ một thời lộng lẫy huy hoàng trên sân khấu đã lui vào sau cánh màn nhung. Niềm hạnh phúc hiện tại của bà thật thanh thản, với kinh kệ, lui tới các chùa và san sẻ cuộc sống mình với những mảnh đời bất hạnh.
Theo Phapluatvn.vn

7 nhận xét:

  1. Quế thấy ông Bùi Giáng rất nhiều lần vì có hồi ở gần nhà . Không thể tin được ông là nhà thơ mà chỉ thấy đó là một người điên thứ thiệt . Thật thất kính nhưng Quế không hiểu có đúng là ông không điên không ? Không điên sao lại có thể như thế được ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ổng điên, nhưng là điên tình, dạng thần kinh phân lập, lúc tỉnh lúc...điên. Và người làm thơ, một trăm ông đến 90 ông tay nhặt lá, chân đá ống bơ, chín ông còn lại lơ ngơ suốt ngày, còn lại mình anh nửa tỉnh nửa say, hehehe!

      Xóa
    2. Quế tham khảo thêm bài NÀY nhé

      Xóa
  2. ơ, nếu một bà nào đó dở hơi làm thơ thì seo nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Giống "Xúy Vân giả dại" ấy à? cũng vậy mà, kém tiên sinh BG một tý :))

    Trả lờiXóa
  4. "Xúy Vân" là nhân vật trong vở chèo cổ "Kim Nham", còn bạn Bùi Giáng là người thật , việc thật- mèo hổng chịu so sánh vậy nhé

    Trả lờiXóa
  5. eo ơi! ai gọi ông già BG là bạn ấy nhỉ :))

    Trả lờiXóa

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment