Vào cái hồi ở tầm tuổi như thằng bé trong ảnh đang treo làm Avatar. Do ham thích văn học và thơ ca mà mình tìm đọc rất nhiều loại báo chí, sách vở. Ham đọc là một thú vui có lẽ bây giờ không còn hợp nữa. Nhưng hồi mình còn nhỏ ham đọc lắm, sống trong môi trường Xã hội chủ nghĩa miền Bắc, văn học nghệ thuật phải có định hướng. Rất khó để tiếp thu những nền văn hóa khác khối Dân chủ, (tên gọi của những người Cộng sản tự đặt cho những nước trong khối Comecon). Thời đó mình cũng khăng khăng là đang được vinh dự sống trong môi trường dân chủ thật, dân chủ trăm phần trăm hehe! Cái thời đó bạn có thể tìm cho mình những tác phẩm văn học của Nga, Trung quốc thật dễ dàng. Không hề, hay chưa bao giờ biết rằng thế giới còn có những giải Nobel Văn học, hay những tác phẩm văn học nổi tiếng mà mãi sau này mới giật mình ngã ngửa rằng sao nó lại tồn tại ngoài tầm hiểu biết của mình nhỉ? Oài!
Phải nói thật là hồi đó chỉ biết đến 'Sông Đông êm đềm' chứ chưa nghe nói đến 'Trăm năm cô đơn'. Biết đến 'Rừng thẳm tuyết dày' chứ chưa biết đến 'Bác sỹ Zivago'. Còn trăm ngàn cái khiếm khuyết khác, và nó là cái vớ vẩn của một nền giáo dục quá chú trọng đến bạn bè giai cấp, đến đấu tranh mà không cần biết đến những giá trị nhân văn khác trong thế giới NGƯỜI cùng tồn tại với mình. Thế nhưng trong chừng mực có thể, những thằng ham đọc như mình có thể lục lọi đâu đó để xem những Otenlo, Marbet, Hăm let của Sechxpia. Thậm chí là "Túp lều của bác Tom" của tác giả Harriet Beecher Stowe -một nhà văn mà tên đọc lên trẹo cả lưỡi ! Nhưng được cái nó tố cáo chế độ xấu xa của anh Tư bản dãy chết Hoa kỳ!!!Hơ hơ hơ! Các bạn trẻ bây giờ có cái may mắn là được tiếp xúc với nhiều nền văn học Thế giới, các anh bạn già chúng tôi lại có cái may mắn hơn là được hào hùng với những tác phẩm văn học, điện ảnh của hai anh bạn lớn. Làm sao các bạn có được cái niềm hứng khởi ta thắng địch thua trong phim ảnh, hay ca nhạc mà chúng tôi có được khi xem 'Dùng mưu chiếm Uy hổ sơn' hay gào tướng lên 'đường qua Tây Tạng'. Hồi đó khi xem xong phim 'Cờ hồng trên núi Thúy' của Tầu khựa, suýt nữa thì tôi nhảy phốc lên đầu một bác bộ đội già cũng đang hứng khởi như mình, hehehe!
Riêng về thơ ca, thú thực là hồi nhỏ mình không mấy thích thơ. Sau này vì có nhu cầu thể hiện với 'chị em' nên tập tành ghép vần, tìm tứ. Khi tuổi đã cao, đôi khi lòng yêu nước bốc lên ngùn ngụt mà vung ngón tay gõ bàn phím ra vài dòng giải tỏa bức xúc, chấm hết, chả có bài nào gửi đăng đài báo. Chẳng bao giờ tìm gặp các vị thi nhân nổi tiếng để thọ giáo, bởi vì nghe đồn phong thanh rằng mấy bố ấy ngoài làm thơ hay còn có tính máu gái, nghe tên con gái mới chịu tiếp. Đại loại Lan Huệ Cúc Trúc gì đó, chứ nghe Hùng Dũng Mạnh Cường thì các bố ấy đuổi cho nhanh. Là nghe đồn thôi, nói ra lại bảo nói xấu người tài. Mình có ông cậu ham làm thơ. Có hôm đòi diện kiến một ông nhà thơ nổi tiếng bằng một lá thư ký tên bằng bút danh nghe đặc con gái, đến khi gặp, nhìn cái mặt đực rựa thì ông nhà thơ chán phè, kêu ốm đánh bài lờ hehe! Nhưng thú thực là ông ta có một bài thơ mình rất thích, chả dám nói tên ra đây, sợ lộ, phạm húy!!!
Có lần, ở đâu đó, hình như là từ một tờ báo cũ rích được ai đó lôi ra làm giấy chùi...đ . à chùi vệ sinh!!! Đã nói là mình ham đọc mà, liếc thấy cái dòng chữ có tên bài thơ gì đó mà Ti gôn ti gôn, thế là mình banh ra để xem, (không dám tả về những cái vệt đen đen vàng vàng) Đó là một bài viết về bài thơ ' Hai sắc hoa Ti gôn' của TTkh- Thâm Tâm. Người ta tranh cãi về việc ai là tác giả bài thơ này- ấn tượng mạnh lắm. Mình thắc mắc theo những bí ẩn về tác giả mà vẫn không có lời giải đáp. Chiến tranh, bom đạn rồi sơ tán, rồi sang Tầu, rồi đi bộ đội, rồi đi đánh nhau- đi đánh Mỹ ấy- Mặc dù chỉ thấy mỗi cái đầu thằng phi công đang ném bom vào đầu mình ngọ nguậy trong buồng lái chứ chưa hề gặp anh Mẽo nào mà chỉ toàn là Mẹo, hehe! ( Mẹo là tộc người còn gọi là Mèo bên Lào, làm phỉ, đánh bộ đội Việt nam giỏi hơn cả Mẽo, chẳng bỡn đâu!!!) À tiếp, là do bận rộn liên miên, tiếp theo là phục viên lại còn phải lấy vợ, đẻ con, cày cục làm việc quên cả thơ ca hò vè. Cái chuyện về Hoa Ti gôn mãi khi đã vào tuổi bạc râu mới tìm hiểu lại. May nhờ bây giờ Internet phát triển. Thông tin tìm kiếm dễ, mới thỏa chí tò mò, biết được người ta tranh luận về tác phẩm, tác giả thế nào. Vấn đề thơ ca hò vè còn lắm nghi án, hay huyền thoại, theo cách nói của giới hâm mộ ngày nay, để từ từ rồi tìm hiểu. Riêng cái vụ Ti gôn mình định thu thập, thêm cả ý kiến của mình về đây, rỗi rãi xem chơi cũng có cái hay!!! Chùm thơ trên đây, được copy về từ http://vietbao.vn/Van-hoa/Nhung-bai-tho-cua-tac-gia-T-T-Kh/45172449/105/. Câu chữ sai đúng thế nào cứ nhè báo ấy mà hỏi, riêng mình thấy có vẻ hợp lý nên sưu tập về xem.
Hai sắc hoa ti gônMột mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ đến với yêu đương.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: “Hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”.
Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy”.
Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời gian khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.
Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.
Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai.
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi.
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
Bài thơ thứ nhất
Thuở trước hồn tôi phơi phới quá
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
Êm ái trao tôi một vết thương.
Tai ác ngờ đâu gió lại qua
Làm kinh giấc mộng những ngày hoa
Thổi tan tâm điệu du dương trước
Và tiễn người đi bến cát xa.
Ở lại vườn Thanh có một mình
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo
Yêu bóng chim xa nắng lướt mành.
Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều.
Từ đấy không mong không dám hẹn
Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm
Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ
Người ấy ghi lòng vẫn nhớ em.
Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.
Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ
Tóc úa giết dần đời thiếu phụ
Thì ai trông ngóng chả nên chờ.
Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá
Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa:
“Cố quên đi nhé câm mà nín
Đừng thở than bằng những giọng thơ”.
Tôi run sợ viết lặng im nghe
Tiếng lá thu khô xiết mặt hè
Như tiếng chân người len lén đến
Song đời nào dám gặp ai về.
Tuy thế tôi tin vẫn có người
Thiết tha theo đuổi nữa than ôi
Biết đâu tôi một tâm hồn héo
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi.
Bài thơ cuối cùng
Anh hỡi, tháng ngày xa quá nhỉ?
Một mùa thu cũ một lòng đau
Ba năm ví biết anh còn nhớ
Em đã câm lời có nói đâu.
Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly
Càng khơi càng thấy lụy từng khi
Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy
Mà viết tình em được ích gì?
Chỉ có ba người đã đọc riêng
Bài thơ đan áo của chồng em
Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem.
Là giết đời nhau đấy biết không?
Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung
Giận anh em viết dòng dư lệ
Là chút dư hương điệu cuối cùng.
Từ đây anh hãy bán thơ anh
Còn để yên tôi với một mình
Những cánh hoa lòng, hừ đã ghét
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.
Ngang trái đời hoa đã úa rồi
Từng mùa gió lạnh sắc hương rơi
Buồng nghiêm thờ thẩn hồn eo hẹp
Đi nhớ người không muốn nhớ lời.
Tôi oán hờn anh mỗi phút giây
Tôi run sợ viết bởi rồi đây
Nếu không yên được thì tôi chết
Đêm hỡi, làm sao tối thế này?
Năm lại năm qua cứ muốn yên
Mà phương ngoài gió chẳng làm quên
Và người vỡ lỡ duyên thầm kín
Lại chính là anh, anh của em.
Tôi biết làm sao được hỡi trời
Giận anh không nỡ nhớ không thôi
Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt
Sợ quá đi anh, có một người …
Bài thơ đan áo
Chị ơi, nếu chị đã yêu
Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương
Đã xa hẳn quãng đời hương
Đã đem lòng gửi gió sương mịt mùng
Hay chăng chị mỗi chiều đông
Đáng thương những kẻ có chồng như em
Vẫn còn giá lạnh trong tim
Đan đi đan lại áo len cho chồng
Con chim ai nhốt trong lồng
Hạt mưa nó rụng bên sông bơ thờ
Lưng trời nổi tiếng tiêu sơ
Hay đâu gió đã sang bờ ly tan
Tháng ngày miễn cưỡng em đan
Kéo dài một chiếc áo lam cho chồng
Như con chim nhốt trong lồng
Tháng ngày than tiếc ánh hồng nơi nao
Ngoài trời hoa nắng xôn xao
Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm
Ai đem lễ giáo giam em
Sống hờ hết kiếp trong duyên trái đời
Lòng em khổ lắm chị ơi
Trong bao ngờ vực với lời mỉa mai
Quang cảnh lạ, tháng năm dài
Đêm đêm nằm tưởng ngày mai giật mình.
T.T.Kh
Riêng bài thơ Hai sắc hoa Ti gon, bây giờ không biết lớp trẻ cảm nhận thế nào, chứ vào cái thời mà nó được đăng báo đã làm không biết bao nhiêu con tim của các quý bà quý cô rơi lệ, thổn thức, và ấm ức!!! Nghe nói, chỉ là nghe nói thôi nhé! Khối cô thất tình hoặc bị ảnh hưởng của bài thơ mà hơi tý đã đòi trẫm mình, đành đoạn hy sinh dưới chân cầu Thê húc. (Không biết có chết không, vì cái đoạn đó nó nông choèn, hồi bé mình vẫn nhảy xuống bơi xì xõm, hihi )
.. tạm ngừng nghe bài hát ăn theo bài thơ này cái đã nhỉ.
Like this entry!
Trả lờiXóa