Trang

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Tin quân sự: Vì sao 'siêu tăng' T-95 bị chết yểu?


Giới quân sự Nga và thế giới từng kỳ vọng chứng kiến sự xuất hiện của “siêu tăng” T-95 tuy nhiên mong muốn này có thể không bao giờ thành hiện thực.

Tháng 12/2010, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Popotkin thông báo: Quân đội Nga sẽ chấm dứt tài trợ cho dự án phát triển loại tăng chiến đấu chủ lực mới được biết đến với tên gọi T-95. Tuyên bố trên làm thất vọng toàn bộ giới quân sự Nga và thế giới.

Rất nhiều câu hỏi và sự hoài nghi, tại sao một dự án được ấp ủ gần hai thập kỷ qua bỗng dưng chấm dứt một cách khó hiểu. Trước đó, từng có những tin đồn loại “siêu tăng” này đã hoàn tất giai đoạn phát triển cuối cùng.


Nguồn gốc và kỳ vọng về T-95

Dự án phát triển T-95 được gọi là Objekt 775, được manh nha phát triển từ thời Liên Xô. Ban đầu, mẫu tăng mới này dự định đưa và sử dụng trong những năm 1995. Tuy nhiên sự sụp đổ của Liên Xô khiến dòng vốn tài trợ cho dự án bị cắt đứt, dự án rơi vào tình trạng không xác định thời hạn.

Vào những năm 2000, Lục quân Nga đối mặt với tình trạng khủng hoảng xe tăng nghiêm trọng. Objekt 775 hay 195 được khởi động trở lại, cùng với đó là sự xuất hiện của giải pháp tạm thời T-90.

Theo dự kiến, sự xuất hiện của T-95 cùng với T-90 và những biến thể nâng cấp của T-80MU2 sẽ là nòng cốt cho lực lượng tăng thiết giáp của Nga. Dự kiến, T-95 sẽ trải qua thử nghiệm và trang bị cho quân đội vào năm 2010.
Theo một số thông tin rò rỉ từ giới quân sự Nga, T-95 là mẫu thiết kế với nhiều tính năng vượt trội so với các loại tăng hiện có.

Tháp pháo được trang bị súng chính với cỡ nòng lên đến 135mm (thậm chí, có thể là 152mm), tích hợp khả năng phóng tên lửa qua nòng pháo, tháp pháo được điều khiển từ xa với cơ chế nạp đạn hoàn toàn tự động.

Được thiết kế theo kiểu phương Tây, tháp pháo có khả năng bảo vệ tổ lái trong trường hợp khối đạn dược bị kích nổ.

Cấu hình xe thấp hơn tiêu chuẩn để tăng khả năng tàng hình, hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại, dựa trên cơ chế tự động hóa cao.

T-95 được trang bị giáp thế hệ mới với khả năng chống chịu các loại đạn chống tăng hiện đại, cùng với đó là hệ thống phòng vệ chủ động tối ưu.

T-95 được cho là  có khối lượng đến 50 tấn, trang bị động cơ 1.800 mã lực, tốc độ tối đa lên đến 75km/giờ, tổ lái 3 người. Bên trong xe được, vị trí của tố lái được chú ý đến tính sự tiện nghi và thoải mái.

Giới quân sự Nga tự hào cho rằng T-95 sẽ là một loại “siêu tăng” không có đối thủ. Tuy nhiên, “siêu tăng” sẽ không bao giờ xuất hiện, hoặc nếu có sẽ là một mẫu thiết kế khác với mong đợi về T-95.

Nguyên nhân hủy bỏ dự án

Lý giải cho sự hủy bỏ của dự án “siêu tăng” T-95 một số nhà phân tích quân sự Nga và các nước cho rằng: T-95 hay Objekt 775/195 là một mẫu thiết kế đã ra đời hơn 2 thập kỷ qua. Dù vào thời điểm xây dựng, phát triển mẫu thiết kế là cực kỳ hiện đại và không có đối thủ nhưng T-95 không còn phù hợp với quan điểm tác chiến của chiến tranh hiện đại.

Theo như trình bày, T-95 là một mẫu thiết kế cực kỳ phức tạp, và có chi phí chế tạo cực kỳ đắt đỏ, tương tự như trường hợp của T-64 trước đây. Nền công nghiệp chế tạo xe tăng của Nga rất khó để đảm đương được điều này. Nếu chế tạo hàng loạt, Nga sẽ không đủ kinh phí để có thể sản xuất T-95 trên quy mô lớn.
Một góc nhìn khác, sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vũ khí chống tăng, đặc biệt là các tên lửa chống tăng được trang bị trên các máy bay chiến đấu khiến cho T-95 hiện đại đến mấy, được bảo vệ tốt đến mức nào, cũng có thể bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ bằng một phát bắn từ trên không.

Trong tác chiến hiện đại, vai trò của xe tăng đang ngày càng giảm dần, cùng với đó là sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vũ khí cho chiến lược chiến tranh phi đối xứng. Ở đó, xe tăng là phương tiện dễ bị tiêu diệt hơn bao giờ hết, đặc biệt trong môi trường tác chiến đô thị, nơi khả năng quan sát của xe tăng rất hạn chế.

Sự xuất hiện của T-95 trong biên chế của quân đội Nga không thay đổi được thực tế này. Khi đó, đầu tư vũ trang T-95 cho quân đội sẽ là sự đầu tư lãng phí và kém hiệu quả so với giải pháp tạm thời T-90.

Mở rộng ra, nếu nhìn vào chiến lược hiện đại hóa quân đội Nga, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa chiến lược được chú trọng đầu tư phát triển hơn. Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của các lực lượng nói trên quyết định thành bại chứ không phải là xe tăng như thời chiến tranh thế giới thứ 2.

Hiện nay, Mỹ và một số quốc gia khác cũng không chú trọng đầu tư nhiều cho việc phát triển những mẫu tăng chiến đấu chủ lực mới, đơn giản là chỉ nâng cấp những mẫu tăng hiện có mà thôi. Do đó, việc hủy bỏ dự án “siêu tăng” T-95 cũng là một phần của xu hướng chung của giới quân sự thế giới.

 Quốc Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment