Trang

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

ANH HÙNG ?



*
    Mỗi năm, đến ngày kỉ niệm thành lập quân đội 22-12, những kỉ niệm xưa lại dào dạt tràn về. Đời lính trăm thứ chuyện buồn vui, mấy anh em lính cũ khi gặp nhau đôi lúc ngâm ngùi và cũng tự hào, thường nhắc lại các câu chuyện chất chứa thật nhiều tâm tư đời lính ( nó khác với tâm tư của anh họ Phùng, tất nhiên rồi ! )
Cũng vào dịp này, cuối năm 1969 đơn vị tôi tham gia chiến dịch mang tên 139 để giải phóng địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng - Lào. Theo đà chiến thắng, đơn vị vượt qua trung tâm Cánh đồng Chum tiến về Mường Xủi, chuẩn bị nếu có lệnh sẽ đánh về ngã ba Xa la - Phu Khun, nơi giao cắt quốc lộ 7 và quốc lộ 13, rẽ phải là đến LuangPrabang, rẽ trái sẽ về Vien chăn.
Quốc lộ 7 khu vực này đèo núi quanh co, dốc cao vực sâu rất nguy hiểm, Đường tiến quân được công binh cảnh báo chưa an toàn do bom mìn địch cài lại để chặn bước tiến của bộ đội ta. Đơn vị dừng lại trên con đường heo hút, phía trước ẩn chứa những nguy hiểm khó lường, không ai biết rõ đường tiến có còn bom mìn hay không, mà lệnh hành quân không thể thay đổi.
Đơn vị quyết định lấy tinh thần xung phong, cần một xe tiến lên phía trước để dò đường. Tập trung gần chục ông lái xe, Chính trị viên dẫn chứng đủ các loại gương từ Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, La Văn Cầu chặt tay, cho đến Phan Đình Giót, Trừ Văn Thố lấy thân mình lấp lỗ châu mai...kêu gọi một bác tài xung phong mở đường. Anh P. lái xe kép pháo, cứng tuổi rồi, nhẹ nhàng bảo tao zà rồi, có chết cũng chả đáng tiếc, thôi để tao đi. Anh lái xe và bình thản tiến lên, thực ra là trước khi nổ máy, cũng có đoạn chia tay, vỗ vai nhưng không lâm li như trên chuyện in báo, anh zà cứ lầm lì vẫy vẫy tay rồi nhấn ga như đi vào công viên vậy. Chúng tôi hồi hộp, lo lắng. Nếu nghe một tiếng nổ, cầm chắc anh ấy hy sinh, nhưng không, 15 phút sau chiếc xe rù rù quay lại. Đơn vị lai lên xe, tiếp tục cuộc hành quân. Câu chuyện xảy ra bình thường như bao hành động khác quả cảm bằng hoặc hơn hành động của người lái xe hôm đó, câu chuyện rồi cũng sẽ bị lãng quên theo năm tháng, nhưng chúng tôi, những người lính cùng đơn vị hết sức cảm phục và biết ơn anh, người đã dám tự nguyện đi vào cái chết để giữ mạng sống cho anh em trong đơn vị. Trong mắt chúng tôi, anh là một anh hùng. Và quả thật, người ta làm hồ sơ báo cáo lên trên đề nghị tặng Huân chương và phong anh hùng cho anh, khi nghe tin, anh em xúm lại chúc mừng. Anh zà thủng thẳng nói, cho tao thùng lương khô còn hơn huân với chả chương. Lính mà, bỗ bã lắm nói chơi vậy thôi. Nhưng câu nói của anh đến tai các bác Chính trị viên, họ cho là anh mất quan điểm chính trị và vụ việc bị lãng quên ngay sau đó. Sau đêm hành quân, những phút nghỉ ngơi hiếm hoi, chúng tôi hỏi anh, sao liều vậy, nhỡ chết lại khổ vợ con, người lính trầm ngâm rồi đưa cho chúng tôi xem lá thư anh nhận được trước khi vào chiến dịch, lá thư của thằng con trai anh, nó viết: Bố ơi ! về đuổi con mẹ ấy đi, nó làm ô danh dòng họ nhà mình, nó hủ hóa với lão Nhè, con bà cả Choét đầu xóm ấy, bố còn nhớ không? cứ sinh hoạt thanh niên Đoàn viên, đêm hôm rồi tằng tịu với nhau, bị dân quân bắt bố ạ, nhục lắm. Hóa ra chị vợ anh ở quê không chung thủy, trót dại với tay Bí thư chi Đoàn địa phương. Anh lái xe buồn bã nói, chúng mày bảo thế thì tao còn mặt mũi nào mà về quê nữa, thà chết cho rồi. Hic! tôi nghĩ, hóa ra động cơ anh đi vào cõi chết chẳng phải điều gì cao siêu lí tưởng này nọ. Hành vi Anh hùng, đôi khi xảy ra từ những lý do lãng nhách !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment