Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Vương Chiêu quân và Huyền Trân công chúa

  Ngày còn nhỏ, thường đi qua khu phố Tầu: Tạ Hiện, Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến v..v.. đọng lại trong ký ức là những khu phố chật chội, tồn tại một cộng đồng đa dạng người Hoa, với bản sắc văn hóa riêng. Có lẽ ấn tượng nhất là những hàng Cao lâu, những quán ăn mang hương vị Chệt, người ta nói rằng đồ ăn Tầu rất ngon, với những cái bụng lép kẹp thời bao cấp!!!
 Ngoài việc ăn ở chật chội, bẩn thỉu thì ở hàng Buồm có một cửa hàng sách Ngoại văn, mình chỉ quan tâm đến loại chuyện tranh khổ vuông, kể các loại chuyện Tầu như Tam quốc, Tây du, Hồng lâu mộng, Tây sương ký... v.v... Đó là một thế giới anh hùng hào kiệt mỹ nhân đầy hấp dẫn, hồi đó mới bảy tám tuổi, túi thường không có tiền, mình thường lẻn vào doanh trại quân đội tháo dây thép gai cũ bán cho đồng nát, được đồng nào là lên nhà sách ngoại văn vừa mua vừa xem gỡ, máu lên tưởng mình là Trương Phi  đại náo cầu Tràng bản, trợn mắt, há mồm hét đến đau điếng mà không thấy thằng nào chết! hehe.
 Điều thứ ba khá hấp dẫn là ở đó có một xeri các nhà hát tuồng Tầu, nhìn Pano quảng cáo tích diễn mấy anh tướng mặc áo giáp, mũ lông chim kiểu Lã Bố là mê lắm, cố tìm hiểu tích tuồng cho bằng được, mà tích Tầu thì bao nhiêu cho đủ mà kể, có hồi xem phim 'nữ tướng họ Dương' thấy oai hùng lắm. Công nhận người Tầu chém gió đặc biệt hấp dẫn, sau này mới biết, đàn ông nhà ấy đi đánh nhau với Hung nô chết gần hết, nghe vua Tống xui dại đàn bà con gái đành ra trận, cuối cùng thì vua quan nhà Tống cũng chạy mất dép, hehe! anh nào còn máu, thích xem bạn Tầu chém gió thì vào ĐÂY mà xem.
 Nhưng thực ra là mình thích xem chuyện đàn bà, chuyện mỹ nhân Tầu. Nghe nói bên đó có Tứ đại mỹ nhân, bèn cố tìm xem tích chuyện thế nào, đẹp đẽ ra làm sao, thế mới có cơ hội biết đến một mỹ nhân tuyệt sắc, ấy là nàng Vương Chiêu Quân. Nhờ đó cũng biết đến một điều trái khoáy, hay như một nhát dao đâm vào trái tim vốn đã ứa máu của người Tầu: họ phải dùng đến đàn bà để chống xâm lược, thay cho các yêng hùng "trảm phong" bằng' chưởng lực', 'khí công hô phong hoán vũ', 'thủy thượng phiêu', 'quỳ hoa bảo điển',' nhất dương chỉ', 'âm hộ thần công' v..v...hehe! Kim Dung trở thành anh hùng trong con mắt người Tầu là vì đã dùng tiểu thuyết 'chưởng' để giải tỏa nỗi nhục, nỗi bức xúc vì lịch sử bị người phương Bắc xâm chiếm, và bây giờ Tập Cận Bình cũng sắp được làm anh hùng vì có công vực dậy nước Trung Hoa, mối thù Liên quân mười sáu nước phương Tây đốt phá thành Bắc kinh, đuổi con trời chạy mất dép không dễ gì quên được, bây giờ đã đến lúc Phương Tây liệu hồn, không sớm thì muộn, cờ năm sao sẽ phất phới bay trên tòa Bạch ốc, nghe hơi xa vời, nhưng muốn đến đó phải bước qua cái gai Đông Nam á, và trước hết là Việt Nam, để rửa hận cái thời cha ông họ phải nuốt nhục đem người con gái đẹp nhất nước cống cho Hung nô, nhục thật! nàng Vương Chiêu quân đúng là một anh thư, mấy lạng của bà đã cứu nước Trung hoa thoát mấy chục năm binh lửa, mấy trăm vạn quân của họ để làm gì? Đem xuống bắt nạt các nước nhỏ như Việt nam, Miến điện. Với họ anh hùng hảo hán là quỵ lụy kẻ mạnh và bắt nạt kẻ yếu, đó là quân tử Tầu đấy.
  "..Chiêu Quân cống Hồ không chỉ là một trong những điển tích nổi tiếng nhất Trung Hoa cổ đại, mà còn được biết đến trên sân khấu kịch nghệ, cải lương miền Nam trước ngày giải phóng.
Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, sinh ra tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nàng được tuyển vào làm cung phi của Hán Nguyên đế (năm 49 trước tây lịch). Năm 33 TCN, thiền vu Hung Nô Hô Hàn Tà đến Trường An với ý định lấy công chúa để tạo mối giao hoà giữa hai triều đình, nhưng thay vì gả công chúa cho vua Hung Nô, Hán Nguyên đế lại ban cho thiền vu năm nàng cung nữ, một trong số này là nàng Vương Chiêu Quân.
Với sắc đẹp được ví là “lạc nhạn” (đẹp đến mức chim sa), câu chuyện về nàng trở thành một đề tài sáng tác phổ biến của thi ca, nghệ thuật Trung Hoa cổ đại. Hình bóng của nàng Vương Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một người đẹp hoà bình, góp phần mang lại yên bình trong 60 năm giữa nhà Hán và Hung Nô. Lịch sử Trung Hoa luôn nhắc đến nàng như đệ nhị mỹ nhân trong “tứ đại mỹ nhân” mà nhan sắc của họ được ca ngợi là “trầm ngư” khi nói về nàng Tây Thi, “lạc nhạn” là nhan sắc của nàng Vương Chiêu Quân, với nàng Điêu Thuyền là “bế nguyệt” và “tu hoa” là hình bóng của nàng Dương Quý Phi…
Chuyện của nàng chỉ có vậy, có thể nói thi ca Trung Hoa luôn nhắc đến sắc đẹp của nàng Vương Chiêu Quân nhiều hơn là công trạng giữ gìn hoà bình của nàng trong 60 năm hữu hảo Hán – Nô, đó là chưa kể “tội” của nàng mà đời nay gọi là “loạn luân” khi Hô Hàn Tà mất, nàng đã lấy con vua làm chồng theo tục nối dây của người Hung Nô…

Nằm ở ngoại ô thành phố Hoi Hot, thủ phủ khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, khu lăng mộ của Vương Chiêu Quân to lớn đồ sộ hơn người ta tưởng. Ngoài bia mộ thờ linh hồn Vương Chiêu Quân nằm trên ngọn núi nhỏ còn có những khu vực như nhà bảo tàng phục dựng lại câu chuyện tình của nàng, ngôi dinh thự mà vua Hung Nô xây tặng nàng, nhà biểu diễn ca nhạc, hai bên quảng trường dẫn vào lăng mộ là những khối kiến trúc biểu tượng của nhà Hán và triều đại Hung Nô phục chế gần như nguyên bản… và không thể thiếu nhà bán đồ lưu niệm theo đúng truyền thống thương mại của người Hoa.
   Vùng đất này được người Mông Cổ gọi là “thanh trủng” – nấm mồ xanh. Và cũng giống như Thành Cát Tư Hãn, mộ của nàng chỉ là mộ gió, không có thi hài, được dựng lên để thờ linh hồn.
Giữa quảng trường lăng mộ là hai bức tượng đá cao lớn thể hiện nàng sánh đôi cùng Hô Hàn Tà trên đôi ngựa Mông Cổ cao to, ngay cổng vào là bức tượng đá trắng đặc tả nét đẹp của nàng Vương Chiêu Quân....."
  Lịch sử Đại Việt cũng ghi nhận một trang tuyệt thế giai nhân phải làm vợ người nước ngoài. Đó Huyền Trân công chúa, người phụ nữ cũng là một cống phẩm, nhưng so với nàng Vương Chiêu quân thì khác hẳn, nàng ra đi để đem lại cho Tổ quốc một vùng đất miền Trung rộng lớn gồm hai tỉnh Quảng Bình, Thừa thiên Huế bây giờ.
Sử sách ghi nhận Huyền Trân công chúa  sinh vào năm 1287 Vào năm 1293, vua Trần Nhân Tông thoái vị, hoàng thái tử Trần Thuyên lên nối ngôi (tức là hoàng đế Trần Anh Tông). Vua Trần Nhân Tông trở thành Thái thượng hoàng, lên tu ở núi Yên Tử. Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào Chiêm Thành, được vua Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Trần Nhân Tông có hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người Java (Nam Dương ngày nay). Sau đó nhiều lần Chế Mân sai sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng triều thần nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành.
Năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) làm hồi môn, vua Trần Anh Tông đồng ý gả Huyền Trân cho Chế Mân. Huyền Trân về Chiêm Thành, được phong làm hoàng hậu Paramecvari . Một năm sau đó, khi hoàng hậu người Đại Việt vừa sinh xong hoàng tử Chế Đa Đa, thì tháng 5 năm 1307, quốc vương Chế Mân băng hà. Thế tử Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang. Theo tục nước Chiêm, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Vua Trần Anh Tông biết tin, sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền, đưa Huyền Trân về Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm và theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Trần Khắc Chung đã tư thông với công chúa. Họ Trần nhà mình, vốn xuất thân từ nghề đánh cá, ấy vậy mà' máu' ra phết, nếu tin vào huyền sử. Nhưng thực ra cụ Trần Chung này là người đức cao vọng trọng, Thiếu gì đàn bà đẹp mà phải tư thông với một bà nạ dòng, mang tiếng chết. :))
Tháng 8 năm Mậu Thân (1308), Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) vào năm (1309), dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng.
Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, bấy giờ đã qui y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự 
Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn. Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.
Các triều đại sau đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần" 
 Tuy nhiên, các nhà viết sử ngày xưa, như cụ Ngô sỹ Liên đã có một nhận định sai lầm về hành vi của hai người đẹp vừa kể trên, ông viết: "...Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung Nô nhiều lần làm khổ biên cương, mới lấy con gái nhà dân làm công chúa gả cho thiền vu. Kết hôn với người không cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, song dụng ý là muốn binh yên, dân nghỉ, thì còn có thể nói được. Nguyên Đế thì vì Hô Hàn sang chầu, xin làm rể nhà Hán, nên lấy nàng Vương Tường mà ban cho, cũng là có cớ. Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu..."
   Không thể trách được cách nhìn hạn hẹp của người xưa, cụ không nhìn thấy sự hèn nhát của vua chúa Trung quốc, cũng không nhìn thấy được hành vi cao quý, vì dân vì nước của Huyền Trân công chúa, ba mớ lý luận sặc mùi Nho giáo củaNgô Sỹ Liên không che khuất được công lao của Bà, chỉ một mình bà đổi lấy một vùng rộng lớn cho giang sơn, tránh được nạn binh lửa có thể dẫn đến cái chết của hàng chục vạn binh sỹ, công đó lớn hơn nhiều lần điều NSL hằn học.
( Bài viết có tham khảo tài liệu từ Sotaydulich và Wikipedia)
Tạo hình nghệ thuật Huyền Trân công chúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment