***
Mời các bạn đọc một số kiến thức về cờ tướng mà tôi sưu tầm được, mong được góp vui trong mấy ngày nghỉ Tết.
“Cờ tướng là loại cờ có từ khoảng thế kỷ 7. Cờ tướng được bắt nguồn từ Saturanga, một loại cờ cổ được phát minh ở Ấn Độ từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 6 (trước cờ tướng khoảng 200 năm). Chính Saturanga được phát minh từ Ấn Độ, sau đó đi về phía Tây trở thành cờ vua và đi về phía Đông trở thành cờ tướng. Người Trung Quốc cũng đã thừa nhận điều này.
Cờ tướng cổ đại không có quân Pháo. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất là quân Pháo được bổ sung từ thời nhà Đường (sau năm 618), là quân cờ ra đời muộn nhất trong bàn cờ tướng, bởi cho tới thời đó, con người mới tìm ra vũ khí pháo để sử dụng trong chiến tranh.
Tuy nhiên, người Trung Hoa đã cải tiến bàn cờ Saturanga như sau:
Họ không dùng "ô", không dùng hai màu để phân biệt ô, mà họ chuyển sang dùng "đường" để đặt quân và đi quân. Chỉ với động tác này, họ đã tăng thêm số điểm đi quân từ 64 của Saturanga lên 81.
Đã là hai quốc gia đối kháng thì phải có biên giới rõ ràng, từ đó, họ đặt ra "hà", tức là sông. Khi "hà" xuất hiện trên bàn cờ, 18 điểm đặt quân nữa được tăng thêm. Như vậy, bàn cờ tướng bây giờ đã là 90 điểm so với 64, đó là một sự mở rộng đáng kể. Tuy nhiên, diện tích chung của bàn cờ hầu như không tăng mấy (chỉ tăng thêm 8 ô) so với số điểm tăng lên tới 1 phần 3.
Đã là quốc gia thì phải có cung cấm (宮) và không thể đi khắp bàn cờ như kiểu trò chơi Saturanga được. Thế là "Cửu cung" đã được tạo ra. Điều này thể hiện tư duy phương Đông hết sức rõ ràng.
Bàn cờ Saturanga có hình dáng quân cờ là những hình khối, nhưng cờ Tướng thì quân nào trông cũng giống quân nào, chỉ có mỗi tên là khác nhau, lại được viết bằng chữ Hán. Đây có thể là lý do khiến cờ tướng không được phổ biến bằng cờ vua, chỉ cần liếc qua là có thể nhận ra đâu là Vua, đâu là Hoàng hậu, kỵ sỹ, v.v. Tuy nhiên, đối với người Trung Hoa thì việc thuộc mặt cờ này là không có vấn đề gì khó khăn. Có lẽ việc cải tiến này cũng một phần là do điều kiện kinh tế bấy giờ chưa sản xuất được bộ cờ có hình khối phức tạp như cờ vua. Cờ tướng không phải là một trò chơi sang trọng, muốn tạo ra một bàn cờ tướng cực kỳ đơn giản, chỉ cần lấy que vạch xuống nền đất cũng xong, còn cờ vua thì mất công hơn nhiều khi phải tạo ra các ô đen/trắng xen kẽ nhau.
Gần đây ngày càng có nhiều ý kiến đề nghị cải cách hình dáng các quân cờ tướng và trên thực tế người ta đã đưa những phác thảo của những bộ quân mới bằng hình tượng thay cho chữ viết, nhất là khi cờ tướng được chơi ở những nước không sử dụng tiếng Trung Quốc.
Với sự thay đổi bố cục bàn cờ, người Trung Hoa đã phải có những điều chỉnh để lấy lại sự cân bằng cho bàn cờ. Đó chính là những ngoại lệ mà người chơi phải tự nhớ
Bàn cờ tướng thật sự là một trận địa sinh động, có tầng có lớp và thật hoàn hảo: đủ các binh chủng trên chiến trường, công có, thủ có, các quân được chia thành ba lớp xen kẽ hài hoà. Lại còn có cả sông, cung cấm. Hình tượng quốc gia hoàn chỉnh, có vua tôi, có 5 binh chủng, có quan ở nhà, quân ra trận v.v..., vừa có ý nghĩa, vừa mang sắc thái phương Đông rõ nét, vì vậy người Trung Hoa đặt tên cho cờ này là Tượng kỳ (象棋) với ý nghĩa là cờ voi vì có quân voi trên bàn cờ .
Cũng có một số tài liệu lý giải rằng, vì Trung Hoa không có voi, khi tiếp nhận Saturanga thấy trong các quan có quân voi lạ nên người Trung Hoa bèn gọi là "tượng kỳ" để kỷ niệm một loại cờ lạ có con voi. Như thế có người suy ra "tượng kỳ" có nghĩa là cờ voi.
Ở Việt Nam thì từ xưa tới nay vẫn gọi là cờ tướng chứ không ai gọi là cờ tượng cả. Tướng cầm đầu thì phải gọi là cờ tướng. Đó cũng là nét hay của ngôn ngữ Việt, dễ gần gũi, dễ hiểu. Khi cờ vua du nhập vào Trung Quốc, họ gọi nó bằng cái tên rất dài là "Quốc tế tượng kỳ" (cờ voi thế giới) và cho đến nay họ vẫn gọi như vậy, trong khi người Việt chỉ gọi một tên ngắn gọn lại là cờ vua.
Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương có bài thơ vinh cuộc cờ người:
“Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Ðốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thủy không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Ðể đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Ðem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà. “
***
-Chiếu tướng!
-Chiếu hả? bỏ tay ra nào, ông đi rồi đấy nhé!
-À khoan, không chiếu nữa.
-Không biết, đưa quân xe đây cho tôi.
-Đã bảo không đi nước ấy nữa mà lại!
-Hạ tịch bất hồi, ông cãi gì nữa!
-Ừ a …thôi! ông cho tôi xin!
-Không được.
-Cho tôi xin mà. Tôi nhỡ mà.
-Không được là không được, ông chơi cái kiểu gì vậy!
-Cho tôi xin lần này nữa thôi, này, ông làm điếu thuốc
-Hối lộ hả? lần sau không hoãn đâu nhé.
Những lời thoại như vậy thường nghe thấy ở bất cứ một cuộc cờ nào, ở bất cứ một vỉa hè, góc phố, vườn hoa nào. Ngày xưa, thời mình còn tý ti ít gặp những ván cờ tụ tập vài ba người hơn bây giờ, ngày đó dường như người ít hơn, sắp đối mặt với một cuộc chiến nhưng quang cảnh thanh bình hơn, nghèo hơn nhưng con người mang giá trị nhân văn hơn, không có ngưòi thất nghiệp, không có người ăn xin, không có người rỗi rãi và cũng như rất ít hoặc không có người nhận lương hưu, có phải chăng vì vậy mà hiếm thấy một ván cờ vung vinh ngoài hè phố, góc vườn hoa như bây giờ.
Rất nhiều người ham chơi cờ vì thực ra nó là một môn thể thao bổ ích, bản thân môn cờ tướng chẳng có lỗi gì. Có tuổi rồi, lúc rỗi rãi rủ bạn tâm giao bày ra cuộc cờ, thêm chút mỹ tửu, lại lựa chỗ phong cảnh trời nước hữu tình, đất trời giao hoà, khí hậu trong mát, hiu hiu tý gió nồm Nam mát rượi mà đối ẩm. Nhẹ cái ngón tay phàm trần mà đẩy quân cờ, được mất không tính đến, rồi cùng cười khà khà thì đấy chính là kỳ tiên mà cũng là tiên tửu vậy.
Cũng chẳng phải trận cờ nào cũng đạt được cái trình phiêu diêu ấy. Khi con người còn mang nặng nợ trần ai, coi trọng sự thắng thua thì chưa đánh đã mất nhân tình rồi. Thật ra thì mấy ai có được cái phong thái thung dung, coi tranh đấu là vật ngoại thân mà bước vào cuộc chơi như nó là “cuộc chơi” vậy. Con người còn nhiều đam mê, ham hố, tự cao tự đại. Cái tôi cao ngất ngưởng, nóitheo kiểu dân dã là kém miếng khó chịu. Đem cái điều đáng buồn ấy mà áp dụng vào đời thường thì gây nên loạn. Áp dụng vào gia đình thì thành độc đoán. Áp dụng vào cờ quạt thì còn đâu là thú tiêu khiển nữa, chẳng qua là chơi lấy được đấy thôi!
Tết Âm lịch đến rồi, nhậu nhẹt chắc không tránh được. Rỗi rãi không có việc làm thì bày cờ mà chơi. Thấm được cái đạo của nó thì chơi cờ cũng là một điều khoái, tuy nhiên chơi cờ cũng nên biết đôi chút về lịch sử của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment