Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể về "bóng hồng" trong đời Nhạc sỹ Văn Cao

 “Văn Cao là trời cho. Đỗ Nhuận là đời cho. Nguyễn Xuân Khoát là người cho. Lưu Hữu Phước là thời cho”. Đó là những dòng đúc kết vô cùng ấn tượng của nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha trong lời tựa của quyển tiểu thuyết chân dung: “Văn Cao – người đi dọc biển”.
Chỉ thế thôi cũng đủ thấy ông trân trọng “người anh – người thầy” của mình đến thế nào. Ông nói, một người nghệ sĩ, muốn viết hay phải đọc nhiều, đi nhiều, hiểu nhiều và đặc biệt là… yêu nhiều. Và Văn Cao không phải là ngoại lệ.”
“Bóng hồng” thầm lặng sống chết cùng Văn Cao
Tiếp tôi trong một căn phòng “tràn ngập nghệ thuật” với hàng chục bức tranh và cũng chừng đó bằng khen, giấy chứng nhận, nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha chậm rãi kể về những kỉ niệm của ông với nhạc sĩ “Tiến quân ca”.
Vẻ mặt trầm tư, Nguyễn Thụy Kha từ từ châm điếu thuốc, hồi tưởng lại từng mốc thời gian của cố nhạc sĩ Văn Cao. Ông nói về Văn Cao, chậm mà chắc, như đang liệt kê lại những sự kiện trong cuộc đời mình vậy.
Lật giở từng trang sách cuộc đời Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khẳng định, sự thành công của Văn Cao không thể thiếu bóng dáng của người vợ, bà Nghiêm Thúy Băng. Nhắc đến người phụ nữ của Văn Cao, Nguyễn Thụy Kha luôn dùng cụm từ “bà Văn Cao”.
Cố nhạc sĩ Văn Cao
Ông kể, nhạc sĩ Văn Cao quen bà vào năm 1942, khi ông làm việc trong tờ báo Vịt Đực do ông Nghiêm Xuân Hiến, bố của bà làm chủ bút. Bà Văn Cao xuất thân từ một gia đình tư sản. Cô tiểu thư Hà thành khuê các, xinh đẹp và kiêu kì đã “đổ gục” trước chàng nghệ sĩ nghèo tài giỏi.
Dù chưa gặp nhau một lần nhưng trong tâm trí bà Văn Cao đã có hình ảnh chàng nhạc sĩ tài hoa. Bà biết tiếng Văn Cao đã lâu bởi rất yêu thích bài “Buồn tàn thu”, sáng tác đầu tay của ông. Hai người gặp nhau ở tòa soạn rồi không hiểu từ lúc nào, tình cảm cứ thế tiến triển.



Rồi bất chợt, gia đình bà lâm cảnh nguy khốn khi bố bà bị Nhật sát hại. Văn Cao vẫn lặng lẽ bên bà trong những ngày khó khăn đó. Mãn hạn để tang cha cũng là lúc hai ông bà phải đi sơ tán ở Ba Thá, Hà Đông. Cũng tại đây, vào năm 1947, cô tiểu thư Nghiêm Thúy Băng chính thức thành bà Văn Cao.
Trở thành bà Văn Cao đồng nghĩa với việc chấp nhận cuộc sống gian khó, khổ cực. Bà đi theo ông trên mọi nẻo đường kháng chiến: Lào Cai, Khu 3, nơi nào có Văn Cao là có bà. Từ bỏ cuộc sống nhung lụa, giàu sang, cô tiểu thư Thúy Băng theo chồng lên Việt Bắc, gia nhập vào đời sống kháng chiến.
Đó là những năm gian khổ, Thúy Băng, trút bỏ những bộ quần áo đẹp, mặc vào những bộ quần áo nâu nhuộm lá chàm ở Việt Bắc. Bà chấp nhận những khó khăn, vất vả bởi bà có một tình yêu lớn hơn, tình yêu với người đàn ông của đời bà.
9 năm kháng chiến trường kì, tình cảm vợ chồng càng thêm khăng khít, bền chặt. Tuy nhiên, những ngày trở về Hà Nội lại là những ngày khó khăn nhất. Gia đình nghệ sĩ với 5 người con (3 trai, 2 gái) về sống trong căn gác hai của ngôi nhà số 108 Yết Kiêu (Hà Nội).
Mọi gánh nặng gia đình một tay bà Văn Cao quán xuyến. Hết 8 tiếng làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng, bà trở về nhà nuôi con, chăm chồng. Hầu như chẳng bao giờ bà để ông Văn Cao mó tay vào việc nhà mà để cho ông toàn tâm toàn ý với nghệ thuật.
Thời kì đổi mới, Văn Cao lại được thỏa sức viết và vẽ. Ông bắt đầu những chuyến đi dọc 3 miền Tổ Quốc: Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Sài Gòn, Cần Thơ... Còn bà Văn Cao thì vẫn thế, lẳng lặng sau ông.

Cố nhạc sĩ Văn Cao bên người vợ hiền Nghiêm Thúy Băng
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha trầm ngâm nhận xét: “Chưa thấy ai yêu chồng như bà Văn Cao, bà không chỉ coi ông là chồng mà còn là thần tượng. Bà yêu ông, nhiều khi yêu quá”. Chẳng thế mà trong một lần trả lời phỏng vấn, bà Văn Cao vẫn một lòng hướng về chồng mình:
“Khi ông ấy mất tôi đã 65 tuổi... tôi cũng cô đơn lắm, dù con cái thương mẹ, chăm sóc mẹ nhiều nhưng tôi vẫn có nỗi cô đơn của riêng mình... Nhưng phải nhìn cuộc sống trong trẻo, phải nhìn thấy ánh sáng khi mặt trời mọc, phải nhìn thấy hoàng hôn khi mặt trời lặn chứ.
Tự bằng lòng với mình mới yêu đời. Trong một cuộc đời rất dài, ai mà luôn tròn vành rõ chữ được. Mình đừng nghĩ màu xám, màu đen ấy phủ hết cả bầu trời, hôm nay nó tối, vì nó là mùa đông, ngày mai trời hửng sáng lên lại ra mùa hè, có lúc rét có lúc ấm... Ông ấy nhà tôi nghĩ vậy và tôi cũng nghĩ vậy đấy”.
Bà dường như đánh đổi và giành cả cuộc đời cho hai chữ Văn Cao. Còn người nghệ sĩ tài hoa dành tặng vợ một bài thơ có tựa đề “Khuôn mặt em” với hai câu kết: “Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng/ Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng”.
Những “bóng hồng lấp ló”
Nguyễn Thụy Kha kể, hồi còn trẻ, trước khi biết bà Văn Cao, ông đã “phải lòng” một thiếu nữ người Hải Phòng. Trong những năm đầu thập kỷ 40, Văn Cao chơi rất thân với Kim Tiêu. Trong một lần Kim Tiêu đưa Hoàng Oanh đến buổi tập những sáng tác đầu tay của Văn Cao, hai người phải lòng nhau từ ánh mắt đầu tiên.
Sau khi Hoàng Oanh biết Văn Cao chính là tác giả của những ca khúc lãng mạn nổi tiếng thì lòng ngưỡng mộ của nàng dành cho Văn Cao càng tăng lên. Và để từ chỗ yêu giọng hát của Kim Tiêu, Hoàng Oanh thầm kín dành tình cảm cho người sáng tác.
Có lẽ ai cũng biết tình cảm người kia dành cho mình, chỉ có điều “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Nhưng, éo le một nỗi Hoàng Oanh đang là người yêu của bạn Văn Cao. Văn Cao biết rằng mình không cách gì có thể cùng lúc có cả tình bạn lẫn tình yêu trong cảnh éo le này.
Hoàng Oanh đến thăm Văn Cao một lần duy nhất, khi đó Văn Cao còn đang ở Bến Ngự, Hải Phòng. Lần đến thăm đầu tiên cũng là lần cuối cùng đó đã được ông ghi nhớ, mà ngày nay, thỉnh thoảng ta vẫn nghe nhắc đến.
Đó chí là những câu ca mở đầu cho bài Bến Xuân (nhạc: Văn Cao, lời: Văn Cao – Phạm Duy (Sau này thì bài Bến xuân chỉ còn được biết đến với tựa Đàn chim Việt - nhạc và lời Văn Cao, lời hát đã thay đổi thành một ca khúc kháng chiến).
Văn Cao đã viết bài này dành riêng cho Hoàng Oanh: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Oanh đến tôi một lần...”. Câu hát "Em đến tôi một lần" sao mà hay và đi vào lòng người đến thế. Hình bóng của Hoàng Oanh đi vào từng nốt nhạc lời ca trong bài hát Bến Xuân.
Mối tình của Văn Cao và Hoàng Oanh không thành cũng một phần bởi Văn Cao luôn nghĩ tới người bạn của mình. Sau này, chính Kim Tiêu lại là người đầu tiên giúp Văn Cao thể hiện Bến Xuân. Nhưng Kim Tiêu lại không thể đến được với Hoàng Oanh.
Hoàng Oanh sau này lại kết hôn với Hoàng Quý, nhạc sĩ cỡ đàn anh Văn Cao. Tuy nhiên người nhạc sĩ này cũng chỉ sống với Hoàng Oanh ít lâu rồi qua đời. Người góa phụ trẻ Hoàng Oanh “nửa đường đứt gánh” không ai biết sau này ra sao, chỉ biết bà có gặp lại Văn Cao một lần.
Năm 1946, Văn Cao vào Quảng Ngãi theo lời mời của Hà Đăng Ấn đi bảo vệ chuyến tàu chở vũ khí và tiền mới. Cũng trong chuyến đi này, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam diễn ra, chính trong những ngày lịch sử đó, “Tiến quân ca” được Hồ Chủ tịch chính thức chọn làm Quốc ca Việt Nam.
Chàng trai 23 tuổi chưa biết điều đó, Văn Cao còn đang mải mê với từng chặng ga tàu. Ông chỉ bừng tỉnh cho đến khi vào đến Quảng Ngãi và gặp được nữ tướng Nguyễn Thị Định. Bà chính là người nhận bàn giao tiền và vũ khí. Hơn ông 3 tuổi, bà trẻ trung, xinh đẹp và có phong thái nghiêm nghị.
Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi những để lại trong ông nhiều xao xuyến. Thời điểm này, ông cũng đã hứa hôn với cô tiểu thư Hà Nội nên sự rung động xen lẫn cảm phục ông luôn chôn chặt trong lòng.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể, vào những năm kháng chiến, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm cùng thi viết trường ca. Hoàng Cầm có tác phẩm “Tiếng hát quan họ”, còn Văn Cao viết “Những người trên cửa biển”. Tuy nhiên, ông chỉ viết được một chương thì “tắc tị”.
Rồi bất chợt, ông gặp một người phụ nữ Hải Phòng, chính bà đã giúp ông hoàn thành bản trường ca ba chương. Bà xuất hiện một lần trong nhạc Văn Cao rồi “biến mất”, nhưng chỉ biết rằng, không có bà thì sẽ không có những dòng thơ đầy nhức nhối và đau đớn mang tên “Những người trên cửa biển”.

Bài viết của tác giả Xuân Thanh đăng trên PNTD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment