Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Văn hóa thơ - Lan man...hoang mang...huênh hoang!

Thêm cái từ huênh hoang vào cho nó ...sát  thủ đầu mưng mủ, chứ tiêu đề chả dính dáng gì đến huênh hoang, chưa kể viết từ huênh hoang suýt nữa thì sai chính tả !!!
  Vốn là lan man nghĩ ngợi về thơ, mình thích thơ nên hay quan tâm đến đề tài này. Nhưng thực ra cũng chẳng biết thơ là cái gì. Rất nhiều khái niệm về thơ khác nhau, nhiều nhà Văn nhà Thơ đã tìm cách định nghĩa THƠ là gì, xem ra mỗi ông mỗi phách, đâu có giống nhau, nên trên văn đàn, người ta hay tranh cãi về điều này, không ai chịu ai, theo mình, thơ là một hình thức thể hiện tình cảm của con người bằng từ ngữ dưới dạng truyền khẩu, hoặc viết tay để thỏa mãn ý thích của  mình, trước tiên là để thỏa mãn cái nhu cầu tự thể hiện của một cá nhân, sau đó chia sẻ với cộng đồng. Cho nên cần gì phải rạch ròi, định nghĩa ra thơ là gì cho mệt, chỉ cần xem xét xem nó được thể hiện trước nay thế nào mà thôi.
  Không biết thơ có thể hiện trình độ văn hóa của người viết hay không? Nếu nói có thì giải thích thế nào về những áng văn thơ bất hủ cố kính tổ tiên còn để lại cho chúng ta? Nói theo tiêu chí hiện đại, các cụ ngày xưa học Nho( mà không phải ai cũng có thể học đâu) Trình độ hiểu biết khoa học kỹ thuật khéo chỉ ngang lớp hai lớp ba bây giờ. Chủ yếu các cụ học chữ Nho, đạo Khổng, tích sử thuộc lòng như cháo chảy, chẳng biết phân tử, nguyên tử là gì. Vậy mà các cụ làm ra những bài thơ tuyệt cú mèo. Người sáng tác Chuyện Kiều, cụ Nguyễn Du đảm bảo không biết "Kinh tế học chính trị" "Duy vật biện chứng" ! hoặc cụ Chiểu với "Lục vân Tiên" chẳng hiểu khái niệm "Vũ trụ zãn nở" hay " Big bang" là cái quái gì. Bà Hồ Xuân Hương chẳng cần đòi Nam nữ bình quyền mà vẫn chê: "Học thì dốt ngồi nhe răng chó, thấy gái đi qua ngển cổ cò" được như thường, hehehe!!! Nói đâu xa, đi đâu trên đất nước này mà không thấy mấy ông mấy bà dân cày chính hiệu, cuốc đất toát mồ hôi dái mà vẫn hăng say đối đáp hò vè- toàn bằng thơ lục bát cả đấy, mà sáng tác tại chỗ nha! Thời mình, mấy ông bộ đội hay chữ, thi hứng cứ chực chờ tuôn ra ào ào, vậy mà khi đối đáp hò vè với các chị em Thanh hóa cứ như ngậm hột thị, làm sao mà ứng đối kịp?  không đối kịp thì lập tức bị " Ơhò! Mồm anh như thể mồm bò, mồm ăn thì có, mồm hò thì không " ngay! Đắng nghét! hehe.
Như vậy là vẫn có một quan niệm không đồng tình với ý kiến cho rằng phải có trình độ văn hóa cao mới có thể làm thơ, mà thơ là một nhu cầu, một sở thích của người dân lao động, không phải là đặc quyền của một tầng lớp, giai cấp nào, nó tồn tại trông dân gian bất chấp những ràng buộc, nói vậy để tức cười cho mấy ông "Nghị gật văn hóa cao", đòi làm luật để xử lý "thơ ca trái phép". Không đâu như ở Việt nam, lại đòi có "luật nhà văn". Thế giới này văn minh thêm bởi người Việt đi đầu trong phong trào đưa văn thơ vào chịu sự quản chế của pháp luật! hơhơ!
  Ở mặt thứ hai đặt ra là vậy làm THƠ có cần văn hóa không? Vì sao mà phải đặt ra câu hỏi đó chứ? Là tại vì Người Việt bây giờ thành nhà thơ hết cả rồi, vậy mà có ông vẫn đăng đàn hò hét, rằng thơ ca xuống cấp trầm trọng. Luôn mồm đòi tìm một hướng đi mới cho thơ ca, nhưng nói thật là thơ bây giờ phổ cập đến từng con virus bám trên tế bào của mỗi cá nhân rồi. Nói thế hơi phóng đại nhưng đúng là người Việt bây giờ nhà nhà làm thơ, người người làm thơ. Đất nước cho đến khu tỉnh, xuống đến quận huyện phường xã, mặt trận tổ quốc rồi đến Đảng Đoàn Đội, đến lượt tổ hưu, chi bộ, hội cựu chiến binh, hội cờ, hội phỏm. 98,98% các cụ hưu trí lột xác thành nhà thơ, in ấn bây giờ dễ dàng, chỉ cần có tiền in lấy dăm ngàn cuốn để lại cho con cháu biết cái tài kinh bang tế thế một thời! Xin lỗi các cụ không biết làm thơ nha, nhưng có đúng là các cụ thường phải dỏng tai nghe các cụ khác đọc cái mà các cụ khác ấy gọi là thơ không ạ? Thế nhưng còn chưa bằng cái cách người ta thể hiện "THƠ" trên các trang thông tin điện tử đâu, tức là các Web site, hay các Blog mà các nhà mạng đang cho phát triển miễn phí ấy, chịu khó tìm kiếm, ta bắt gặp đủ loại, đủ hình thức thể hiện. Có nhiều trang nghiêm túc, thể hiện sự đầu tư trí tuệ rất ấn tượng, nhưng cũng có nhiều trang để lại cho ta cảm nghĩ chán ngán, chẳng khác gì một cái chợ, chen lẫn những tác phẩm thơ hay đã được công nhận, hoặc những tìm tòi thơ của cá nhân thể hiện được sự xuất thần, những cảm nhận nghiêm túc và có đầu tư trí tuệ thì ta bắt gặp những sự khoe mẽ tầm thường, hay sự hời hợt trong tác phẩm mà người viết tưởng rằng mình xuất chúng. Những điều đó xuất phát từ những nhận thức sai về thơ ca, sự phóng túng trong suy nghĩ, hay sự hiểu biết về kỹ năng làm thơ hạn hẹp, và đâu đó còn có những ảo vọng, tự huyễn hoặc mình, chính những điều đó đã làm cho người viết thơ, người sáng tác thơ mất đi sự trong sáng, mất đi tâm hồn thánh thiện để đến với một Nàng thơ đích thực. Những điều  đó lại nói với ta rằng, làm thơ cũng phải cần Văn hóa vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment