*
Đôi khi tôi suy ngẫm đôi chút về sự bình yên. Thuở thanh xuân nay đây mai đó, chúng ta sống trong một thời đại sôi động và dấn thân với một niềm tin vì lý tưởng. Có đôi lúc trong một khoảng lặng, ta tìm thấy sự bình yên nhỏ nhoi rồi số phận lại cuốn ta đi, lại lao vào cuộc đời với trăm vạn những suy tư, những nhọc nhằn bon chen và tranh đấu. Tranh đấu với chính bản thân mình và tranh đấu với ngoại cảnh, như con đại bàng trong bão dông, cố gắng để vượt qua khoảng không gian đầy cạm bẫy, cố vươn tới một tầm cao mới có sự bình yên vĩnh cửu.
Ở một đỉnh cao nào đó mà thượng đế ban cho tuổi tác của chúng ta, có phải đột nhiên ta muốn tìm kiếm lại sự bình yên? Nhưng thế nào là bình yên cho đúng nghĩa thì tôi vẫn cho rằng, rất có thể mỗi người tìm kiếm một sự bình yên khác nhau, do cách nghĩ và quan niệm mà người có bản tính sôi nổi, năng động sẽ không tìm kiếm một sự bình yên thụ động. Nhưng có người thể chất mềm yếu, hoặc giả thấm nhuần triết lý Phật giáo, thủ tiêu đấu tranh thì có thể hướng đến sự bình yên hướng nội. Có người tìm sự bình yên trong hoạt động nhân đạo hoặc môi trường, nhưng cũng có người lấy kinh kệ, giáo lý .. v.v làm cách mà mình theo đuổi sự bình yên.
Có một câu chuyện xưa, xin kể lại để mọi người cùng suy ngẫm
Một vị hoàng đế, khi tìm kiếm cách giải thích về một quan niệm về sự Bình yên đúng đắn, ông ta bèn treo một giải thưởng lớn cho họa sĩ nào trong vương quốc của ông vẽ được một bức tranh đẹp, và chuẩn nhất mô tả về "sự bình yên".
Rất nhiều họa sĩ đã cố gắng dùng tài năng và trí tuệ để thực hiện theo ý hoàng đế.
Ngài ngắm tất cả các bức tranh được mang đến ,nhưng cuối cùng chỉ chọn ra được hai bức tranh và suy nghĩ để chọn lấy một
Bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ phản chiếu đậm nét những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả quần thần cùng hoàng đế ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật toàn hảo .
Bức tranh còn lại kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá như trong một sa mạc hoang vu. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.
Nhưng khi nhà vua nhìn sâu vào bức tranh, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ cho những con chim con. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình.
Bình yên thật sự.
"Ta đồng ý chọn bức tranh này !" Hoàng đế nói. "Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa là ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp người ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong tâm hồn mình. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên.
Vậy theo bạn, bạn sẽ chọn sự bình yên nào?
Còn tôi thì tôi chọn hai bức tranh này vì mình đã là phó thường dân. Đâu phải là Hoàng đế mà triết lý cao siêu. Xem mấy chú mèo này cũng đủ bình yên!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment