Trang

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Ký ức công viên

Dừa soi bóng trên hồ Bảy mẫu
*

  Tôi, bạn, hay ai đó. Mỗi người chúng ta trong cuộc đời mình cho đến nay hẳn là có ít nhất một cuộc tình. Có khi vài ba hay hàng trăm cuộc tình lớn nhỏ tùy thuộc vào số đào hoa của từng người. Cũng có thể có ai đó chưa từng có một mảnh tình vắt vai, dù thế nào thì những kỷ niệm gắn bó với những công viên Hà nội đều luôn ẩn hiện trong tận đáy lòng mình. Để có một dịp nào đó, khi bỗng dưng nhìn về quá khứ, những công viên Hà nội xưa lại làm cõi lòng ta xao xuyến, day dứt, nhớ nhung, như nhớ về một người tình trăm năm trẻ mãi không già vậy.
   Tôi không có tham vọng liệt kê về những vườn hoa- công viên kể cả cũ và mới của Hà nội. Bởi vì làm điều đó khác gì một hướng dẫn du lịch. Bạn hay tôi, những người đã một thời sống trong lòng Hà nội xưa chắc là có thật nhiều những kỷ niệm, hay những tình yêu đầu đời gắn với một địa danh nào đó. Và thường thì vườn hoa- công viên là nơi lý tưởng cho những hẹn hò. Cuộc tình đẹp hẳn sẽ làm ta nhớ mãi. Để vào một lúc nào đó, khi đã dừng bước phiêu du, ta nhìn lại kỷ niệm xa xưa mà thương, mà nhớ, mà tự hào hay đơn giản là day dứt, tiếc nuối một thời lãng mạn đã đi vào dĩ vãng, không thể tìm lại được nữa.
 Thời trai trẻ ấy, khi đã biết rung cảm trước vẻ đẹp của một người con gái. Có thể bạn sẽ tỏ tình với nàng bên một bờ sông thanh vắng, có ánh trăng hạ tuần lấp lánh bên rặng tre hiền hòa. Hay cũng có thể bạn đang nhìn sâu vào đôi mắt nàng để tìm một niềm khát vọng yêu đương trong một không gian thoang thoảng mùi thơm rơm mới, để khi hai con tim hòa hợp, cái đống rơm cho bò ăn trở thành chốn bồng lai cho giấc mộng thiên thu. Cũng có khi, dãy ghế cứng giảng đường Đại học cũng là nơi lý tường cho một cuộc tình vội vã. Cũng có thể là tiếng yêu được thì thào cất lên giữa một đồi bạch đàn hiu hiu gió. Và biết đâu giữa cuộc chiến ác liệt, tình yêu vẫn vô tư diễn ra trên nền đất đỏ hố bom, hay trong những hang hốc âm u giữa chiến trường khét lẹt mùi thuốc súng.
Dù ở đâu thì bạn cũng nên công nhận với tôi rằng, một đôi lứa yêu nhau trong bối cảnh một công viên cổ của Hà nội thì thật lãng mạn. Có phải vì thế mà tiếng yêu, dù là đầu đời hay là lần thốt ra với bạn gái thứ một ngàn cũng đều rất có trọng lượng. Tình yêu dễ đến với nhau hơn trong một khung cảnh nên thơ, và kỷ niệm đẹp thì tồn tại lâu dài. Nó xúi bẩy con người ta giữ gìn kỷ niệm, mà vì thế con người chung thủy hơn, vấn đề này tăng dần với tình yêu lần thứ bao nhiêu đó !!!
  Tôi cam đoan rằng có hai công viên có thể đã để lại nhiều ấn tượng nhất. Trước tiên đó là công viên Thống nhất, công viên có cái tên gắn với khát vọng giải phóng của dân tộc. Nó được tạo dựng bởi công sức lao động của hàng vạn công nhân viên chức, thanh niên, học sinh và đông đảo nhân dân thủ đô. Nó còn được gọi là công viên Bảy mẫu, phía bên kia đường LD là công viên Ba mẫu. Thời gian gần đây được cải tạo lại trở thành nơi vui chơi khá đẹp thay cho cái ao tù ngày xưa. Hồ Hale bên cạnh cũng đã được làm lại thành một hệ thống hồ- vườn hoa đẹp.
   Vài năm trước, người ta đổi tên Thống nhất thành công viên Lê nin, và nay thì đổi lại tên cũ Thống nhất, cái tên đã đi vào tâm tưởng người dân HN và cả nước.
Rất thành thật để nói rằng, công viên Thống nhất là nơi đối với tôi có thật nhiều kỷ niệm. Bạn không thể tưởng tưởng tượng được rằng, chính vì khung cảnh hữu tình, không gian nên thơ của cái hồ này đã xúi dục bao nhiêu chàng trai thốt nên lời yêu với bạn tình, dù anh ta có tà lưa hay không thì với khung cảnh ấy, mọi lời nói đều đáng tin cả.
   Công viên Bách thảo cổ kính hơn. Như một khu rừng già giữa lòng HN, núi Nùng nên thơ. Có những hàng cây cổ thụ mang những cái tên lạ lẫm với một thằng trai thành phố, nơi đó, xa xưa kia tôi đã đếm những bước chân bé nhỏ qua từng vạt cỏ để đến với tình thương của mẹ. Nhìn mẹ con con khỉ già quấn quýt bên nhau trong chiếc lồng to tướng mà cảm thương cho thân phận mình.  Tôi cũng biết có một cô nàng, ngay giữa thanh thiên bạch nhật đã tin sái cổ rằng thằng cha đang nỉ non tán tỉnh mình rằng anh ta sẽ yêu nàng mãi mãi, có núi Nùng làm chứng! thế mà rồi thằng cha quất ngựa đuổi gió ra đến tận Trường sa mà không một lần ngoái đầu nhìn lại!
…”Để được ngắm nhìn những con thú thật sinh động, tận mắt chứng kiến cuộc sống hoang dã, mọi người thường rủ nhau qua vườn thú Thủ Lệ. Công viên này được xây dựng trên một địa hình khá đẹp rộng khoảng 29 ha, hồ nước mênh mông có gờ đất chạy dài bao bọc như bầy rồng, rắn đuổi nhau; núi Bò, bên cạnh có đền Voi Phục dưới bóng si rậm rạp. Công viên Thủ Lệ là vườn thú được chia làm nhiều khu: Khu bò sát nuôi rắn, kỳ đà, cá sấu. Khu này nằm trên dải đất có hồ nước, tạo nên những hang hốc thích hợp với đời sống từng loài. Khu chim chóc có công, trĩ, uyên ương, hạc, cò, sếu, các loài chim hót như họa mi, khướu. Khu này chạy dài trên bên lối vào đền Voi Phục. Khu thú dữ gồm hổ, báo, sư tử, gấu với một hệ thống chuồng giống kiểu hang động, xen vào đó là các chuồng hươu, nai, khỉ, chồn, cầy, vượn và voi. Vào đây, ta như lạc vào thế giới của các loài thú trong truyện cổ tích. Trong công viên rợp bóng cây xanh và mặt hồ tĩnh lặng, rất nhiều con đường dạo lát gạch ven hồ, có đảo, có những cây cầu nối các bờ. Hè đến, những rặng phượng vĩ, bằng lăng nở hoa rực rỡ in xuống mặt hồ thấp thoáng cánh vịt trắng tạo cảnh sắc nên thơ…” 
 Với công viên này, chắc bạn nào sống khu vực phía Tây thành phố sẽ có rất nhiều kỉ niệm, nhưng thuở nhỏ nó không có mấy ấn tượng với tôi, ngoại trừ cái đền Voi phục, gắn với sự tích hoàng tử Linh Lang, lung linh trong huyền thoại chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
Tại trung tâm thủ đô, cạnh hồ Gươm kì ảo hội tụ nét hào hoa thanh lịch, có một vườn hoa mang tên Lý Thái Tổ - người sáng lập Thăng Long ngàn năm văn hiến. Nơi được chọn để đặt tượng đài Vua Lý Thái Tổ, tái hiện cảnh Vua Lý Thái Tổ đọc “Chiếu dời đô” từ Hoa Lư (Ninh Bình) tiến thẳng về Đại La. Thời Pháp nó mang tên Ponbe. Trong ký ức chúng ta, nó là vườn hoa Chí Linh sau đó là Inđi ra Găng đi và bây giờ là Lý thái tổ.
Còn đấy một góc nước Nga trên đường Điện Biên Phủ - công viên Lê-nin (vườn hoa Chi Lăng, trước đó nữa là vườn hoa Canh nông), nơi đặt tượng vị lãnh tụ cách mạng thế giới V.I Lê nin thay cho tượng bà đầm xòe( phiên bản cuả tượng Nữ thần Tự do) từ thời Pháp. Công viên có nhiều cây cổ thụ, có lối đi rộng, có khu vui chơi… Đặc biệt vào buổi tối các bạn trẻ yêu thích nhảy hiphop thường tụ tập biểu diễn khả năng hay học điệu nhảy mới, một sân chơi mới cho giới teen thủ đô.
Còn nhiều lắm những vườn hoa nhỏ ven đường, như những khoảng xanh làm dịu không khí oi bức như: công viên Tuổi trẻ (Võ Thị Sáu), vườn hoa Thanh Niên (trên đường Thanh Niên), vườn hoa Tây Hồ (cuối phố Quan Thánh), vườn hoa Vạn Xuân (đầu phố Quan Thánh), vườn hoa Tao Đàn (phố Lê Thánh Tông), vườn hoa Mê Linh (phố Thợ Nhuộm), vườn hoa Con Cóc (vườn hoa Diên Hồng), … Dù ở công viên, hay vườn hoa nhỏ, mỗi cây cỏ vẫn vươn rộng tán che chở ta khỏi cái nắng gay gắt, thanh lọc khí, là lá phổi xanh của thành phố.
Nếu để ý thì bạn có thể thấy gần đây có thêm mấy vườn hoa nho nhỏ mới, sản phẩm của sự tranh giành đất đai mà có, đó là vườn hoa nhỏ nhà thờ, nơi một thời ầm ỹ đòi đất của nhà thờ thiên chúa HN, và một vườn hoa nho nhỏ nằm giữa hai đường Phan chu Trinh và Lê thánh tông, nó cũng có sự ra đời đặc biệt y như vườn hoa Nhà thờ vậy. Thật độc đáo, không ở đâu trên thế giới này có công viên được ra đời oái oăm như vậy.
Hà nội mới, nhiều bức xúc mới, nhưng với hy vọng bài viết nhỏ ôn lại ký ức xa xưa, bạn bè ở xa cũng như gần thêm yêu thành phố, nhớ đến nó nhiều hơn, chỉ vì nó quá đẹp trong ký ức chúng ta, dù ít dù nhiều hy vọng các bạn sẽ vui hơn trong những ngày xa rời Hà nội.

Cầu công viên Thủ lệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment