Trang

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Một đoạn hồi ức xa xưa

   Bắt đầu từ đây, cửa rừng trông như chiếc mõm tham lam của loài quỷ dữ nuốt chửng những binh đoàn. Chúng tôi, bộ binh, pháo binh, công binh, dân công vv.. Tổng hơp các đơn vị hợp thành tham gia chiến dịch Z cùng đổ về con đường độc đạo xuyên qua những cánh rừng âm u, chạy theo triền dốc của các khe suối rồi leo lên các mỏm núi. Đường bình độ trên bản đồ thể hiện các cao độ chóng mặt,  ngàn rưởi, ngàn tám rồi ngàn chín (mét). Chúng tôi tề tựu về khu vực hang đá có cái tên tự đặt nghe rất kì cục, hang Loa kèn. Ở đó dưới tán rừng nguyên sinh rậm rạp, bộ đội các đơn vị tạm nghỉ rồi tiếp tục theo nhiệm vụ mà toả về các địa điểm tập kết chuẩn bị đánh Long chẹng, nơi đặt đại bản doanh của Tướng phỉ Vàng pao.
 Con suối cạn rộng như một con sông lớn giờ này đã cạn nước, chỉ còn trơ lại những tảng đá lớn nhỏ chen chặt những bụi trúc đào. Những vũng nước còn sót lại lấp lánh phản chiếu bầu trời xa tít tắp, nơi có những áng mây mà vào những lúc thanh bình, có lẽ phải mất hàng giờ để ngắm nhìn mà thả hồn vào cõi mộng mơ. Một nhánh của nó chui sâu vào hang đá, một nhánh khác từ lòng núi, nước chảy ra tràn trề như không bao giờ cạn. Hang đá tạo thành nhiều tầng và lố nhố trên đó những cánh võng, những máy móc và trăm thứ bà dằn khác của bộ chỉ huy mặt trận, chao ơi! Phong cảnh thật đẹp nếu như không có quả đạn trái phá đang đè trĩu nặng trên vai, chúng tôi còn phải băng rừng khá xa nữa để đến Sa pan, nơi dự kiến sẽ đặt trận địa pháo, công binh đang làm đường kéo pháo vào còn chúng tôi chui rừng để mang đạn vào trước với những đôi giày rách bươm và ướt sũng nước, những đôi vai bầm tím vì sức nặng của sắt thép và chất nổ.
Con đường mòn nhỏ cứ lớn dần, rộng dần ra bởi những bước chân người, xen kẽ vào đó là những bước chân trần bám chặt vào đất núi của các đoàn dân công xứ Nghệ, những dấu chân mảnh mai con gái hằn vào con đường cùng vết giầy lính tạo thành những bức hoạ theo trường phái không tưởng, ấy là do tôi tưởng tượng ra khi cố xốc lại quả đạn đang chực tuột khỏi đôi vai còm nhom của mình. Mặt méo xẹo, chân đang cố gìm để khỏi trượt ra ngoài bờ vực sâu hoắm phía dưới.
Nếu đuổi kịp một đoàn dân công hoặc gặp một đoàn dân công đi ngược, đó là lúc tụi lính khát gái mặt mũi bắt đầu phớn phở. Chẳng thằng nào bảo thằng nào, dáng đi đang thiểu não bỗng phưỡn lên trông như đi duyệt binh ở quảng trường Ba đình vậy. Từ thằng lớn cho đến thằng chưa kịp” nứt mắt” đều phấn khởi, mắt la mày lém, cười nói huyên thuyên, nhận đồng hương búa xua mặc dù em nói giọng Nghệ còn anh giọng khu ba ngọt như mía lùi.
Dưới chân đỉnh ngàn chín, thung lũng xanh mướt trộn lẫn với đá tai mèo, đó là nơi tạm dừng chân nghỉ ngơi của nhiều đơn vị. Quăng quả đạn xuống đất, tôi thở phào nhẹ nhõm vì vừa trút được gánh nặng, đang thở thì một ông tướng bộ binh lò dò đi đến, ngồi xổm xuống rồi hỏi ông pháo binh à, nhìn quả đạn biết ngay mà. Ừ, tôi đáp. Quê đâu vậy, cha này tò mò nhỉ, tôi nghĩ nhưng cũng trả lời, tôi Hà Nội, cha này tròn mắt, phét! Dân Hà Nội quay hết, có thằng đếch nào vào trong này đâu, tức quá tôi bảo, ông mù à, thiếu đ.. gì, có phải thằng nào cũng thế đâu, tôi đây này, cậu ậm ừ, là tớ thấy chỗ tớ nhiều thằng chuồn lắm, thôi xin lỗi nhé, mà này, ông ở pháo binh mới ở Bắc vào, có thuốc lào không cho tớ xin điếu. Hoá ra thằng cha này kiếm cớ xin thuốc lào, phải tội không biết cách ngoại giao, bố thằng tồ, tôi mắng thầm rồi bảo, làm gì có, mới là mới thế nào? Ông vào được bao lâu rồi mà bảo tôi mới. Chả là thằng nào cũng ra điều ta đây lính cựu, để còn “dạy dỗ “đàn em, bố mày cười hề hề rồi bảo: ông còn thì bỏ ra đây, cho tôi kéo chung một hơi rồi tôi cho xem cái này hay lắm. Nghe nó nói bùi tai nên tôi vê một sái cho vào cái điếu làm bằng cái ống nứa bé tẹo vẫn dắt sau đít đưa cho hắn, chú chàng bật lửa dí vào kéo một hơi đến nỗi khi nhìn vào chẳng còn cái tàn thuốc nào, mắt thì lim dim ngửa cái mặt tái dại lên trời mà thở một cách khoái trá. Chờ cho hắn phê xong tôi hỏi: Có gì hay đưa đây xem nào. Cậu chàng ranh mãnh, lấm lét nhìn quanh rồi thì thào: xem rồi cho tôi điếu nữa nhé! Chưa biết cái gì mà đã đòi thêm nữa, đúng là thằng tham, thì cứ đưa đây xem đã rồi tính, cu cậu cẩn thận móc túi lôi ra một cái gói bọc cẩn thận mấy lần ni lon, rút ra một cái ảnh rồi cười cười đưa cho tôi xem, trông cái bộ mặt nhăn nhở như Mã Giám Sinh. Tôi nhìn vào rồi há hốc mồm, mặt nghệt như ngỗng ỉa, trong ảnh là một cô gái phương Tây cởi truồng( bây giờ gọi là ảnh khoả thân ấy, ảnh mầu chắc cũng chẳng thèm xem) ảnh đen trắng, đang đứng dạng háng, hai cái vú to tướng vểnh ra hai bên như sừng trâu, ở phía dưới trông cũng giống như khu rừng rậm nhiệt đới mà từ đó chúng nó vừa chui ra vậy, tôi đã bao giờ thấy cái của nợ này đâu, mấy lần lên chốt giặc thấy có nhiều sách vở tạp chí hoạ báo mà tuyệt không thấy cái ảnh khoả thân nào, hoá ra các bố mày lục lọi lấy hết rồi còn gì, đây cũng là kinh nghiệm cho mấy ông chính trị viên, muốn kiểm soát tư tưởng hành vi bộ đội thì phải khám túi xem chúng nó dấu cái gì, nguy hiểm lắm, băng hoại đạo đức lắm, lại còn đòi đổi thuốc lào nữa chứ!!!
  Chẳng thấy cái gì nên tôi mới ngờ nghệch hỏi nó, thế bên đó họ cũng kiểm duyệt à, sao cái chỗ ấy trông ghê thế! Cu chàng cười phá lên bảo, thế ông tưởng nó thế nào, giống hoa loa kèn chắc! hê hê hê. Bố thằng đểu, tôi chửi thầm nhưng cũng chẳng dám cãi, biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, mình không biết gì thành ra cứ cười trừ rồi trả lại cho nó, cần câu thuốc của nó đấy, ai nỡ lấy! Cũng thò tay vào túi vê cho nó điếu nữa, mình còn kiếm được chứ bọn này còn lâu, bộ binh mà, sống chết biết lúc nào, nhỡ nay mai nó dính đạn, mình lại ân hận vì có mỗi điếu thuốc lào mà cũng tiếc không cho nó !
 Cánh đồng Sa pan, nơi chúng tôi sẽ đặt trận địa đặt pháo  bắn vào Long chẹng, đó chỉ là một vùng đất chật hẹp, hay nói đúng hơn là một cái thung lũng bé tẹo nằm lọt thỏm giữa những đỉnh núi cao ngất, một bãi đá tai mèo nhấp nhô với những bãi trống nho nhỏ mọc đầy rau tầu bay và cần dại. Xung quanh thung lũng là những ngọn núi đá lởm chởm đầy hang hốc và cây cối rậm rạp. Nói chính xác thì thung lũng là một cái túi hứng bom không hơn không kém. Địa thế cực kì bất lợi nhưng giữa vùng đất hiểm trở này, làm gì có quyền lựa chọn cho một trận địa an toàn.
Ngay trong đêm, chúng tôi đưa đạn dược vào vị trí rồi quay ra hậu cứ, con đường mã hồi tuy có nhẹ nhàng hơn nhưng đường hành quân trong đêm tối, giữa rừng già, men theo những vực thẳm cũng đầy rẫy những hiểm nguy, vài ba thằng mới có một chiếc đèn pin đã bị che bớt ánh sáng, chỉ còn lại một tia nhỏ chỉ bằng hạt đỗ, nói đến gian khổ, hiểm nguy có vẻ trừu tượng, xa xôi lắm mà thực ra nó lẩn quất cách mình chỉ nửa bước chân. Thường ngày gặp anh em bộ binh, họ kể chuyện áp tải tù binh người Mẹo, lơ là một chút là chúng hai tay ôm đầu, chân co vào ngực rồi lăn tròn xuống vực, biến mất tăm. Sợ bị kỉ luật vì để xổng tù binh, mấy chú chàng nghĩ tốt nhất là cho nó một phát, đẩy xuống vực ,về báo cáo nó chống đối phải bắn tự vệ, ai mà di kiểm tra xem có đúng hay không? Vậy thì phải khen bọn Mẹo này cái, dũng cảm quá, mình hành quân nhìn cái vực sâu hoắm thì ba hồn bảy vía đi cả, nhìn còn chả dám nói gì ôm đầu mà nhảy!
Trong khi đại bộ phận đơn vị đi vác đạn thì một bộ phận nhỏ khác do một anh đại đội phó chỉ huy vào khu vực cửa rừng Căng xẻng thiết lập hậu cứ, anh này có” máu đồng bào” (từ lính dùng để gọi anh nào có máu dê). Tìm đâu chả tìm lại nhè ngay vào một khu đóng quân của một đơn vị dân công Nghệ an để ở chung cho nó đoàn kết. Pháo binh ở với dân công, như cá gặp nước như rồng gặp mây, he he, quan cũng khoái mà lính cũng khoái, chỉ khổ mấy thằng cu li chúng tôi vác đạn cả đêm, trèo non lội suối, nhịn đói nhin khát. Khi về đến nơi mệt nhoài, chẳng cần phân biệt hầm hố của ai, dân công hay bộ đội cứ thấy có chỗ ngủ là lăn kềnh ra làm một giấc. Tôi và ông Khăm keo đang ngủ chợt giật mình, thấy có người kéo chân, mắt nhắm mắt mở tưởng các em dân công đi tải gạo về đòi chỗ ngủ, thường là họ gần sang mới về cơ mà, sao hôm nay về sớm thế. Đang lăm le rủ rê cho bọn anh nằm ké tý thì nghe tiếng quát ỏm tỏi, dậy, dậy ra chỗ khác mà nằm. Một bàn tay thô bạo nắm cái bàn chân sưng vù của mình mà kéo như trâu kéo gỗ, tức quá, chả cần biết là ai, cứ co chân đạp cho một phát. Thấy hắn lồm cồm bò dậy lại lao vào kéo chân mình tiếp. Trong cơn mê ngủ, nhìn thoáng thoáng như là tay c fó, tự hỏi làm sao mà hắn cương quyết thế nhỉ, không biết thương anh em gì cả. Tôi bèn chân tay khua loạn lên, vừa khua vừa hét, cán bộ đánh chiến sỹ. Ông Khăm keo ơi đánh chết cha thằng này đi, hoá ra chắc mình nằm phải cái hầm có đối tượng mà hắn đang cưa cẩm. Cãi nhau loạn xạ hết cả buồn ngủ, lúc đó đoàn dân công cũng vừa về. Vì giữ uy tín bộ đội nên chúng tôi tự động giải tán, hi hi. Đi tìm chỗ khác ngủ vậy, đánh một giấc chả biết trời đất gì đến tận chiều tối,khi dậy để ý nhìn chẳng thấy ông cfó quý báu đâu cả, hỏi anh em họ bảo biến rồi. Hoá ra chiều tối đó, anh chàng máu gái này rủ rê một em dân công ra đồi tâm sự, mấy chú lính biết tỏng bèn tổ chức một đội tuần tra đi bắt thám báo. Sợ lộ anh chàng co giò chạy, vượt núi băng rừng, leo đèo lội suối đến tận gần trưa hôm sau mới vác bộ mặt bị gai cào về đến đơn vị. Anh em được một mẻ cười toé nước mắt. Ông Kham keo bạn tôi sau này cứ xuýt xoa làm sao được gặp lại ông đồng đội này, thế rồi hai ba năm trước cũng tổ chức được một chuyến đi lên Phú thọ, Tuyên quang. Gặp lại anh này đang đội mũ kê pi đời cũ chỉ huy mấy ông cựu chiến binh địa phương, oách lắm, anh em đơn vị cũ lâu ngày gặp nhau, kể chuyện ngày xưa như thế như thế, cười như chuyên gia Liên xô.
  Quên chưa kể, trận đó quân ta với quân lực chừng một quân đoàn, có sự phối thuộc hỏa lực của gần hai trung đoàn Pháo binh, nói nghiêm chỉnh là không thắng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment