***
Wine is more than a drink.It's a culture.
Người nước ngoài nói về rượu như vậy, còn ở ta thì sao?
Uống rượu là việc phổ biến trong dân gian, nhất là với bạn Trỗi thì nâng lên đặt xuống vài ly khi gặp nhau là chuyện thường. Xuân về Tết đến, anh em lâu ngày gặp nhau, nhỡ có việc "tửu nhập, ngôn xuất" mà có tý ảnh hưởng đến phong độ chắc cũng không ai nỡ chê trách. Qua mấy ngày Tết, tôi có làm hơn bình thường chút đỉnh, nào bạn bè, nào anh em, nào khách khứa đủ kiểu, không có chén rượu thì nhạt, thành ra lúc nào cũng trong trạng thái ngất ngư, nằm vắt tay lên trán nghĩ việc ẩm tửu của các cụ ngày xưa thấy tiền nhân thật là tinh tế, trong việc uống rượu, các cụ phân định thật rạch ròi, có câu thơ thế này:
Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh sổ trản trà
Mỗi nhật y như thử
Lương y bất đáo gia.
(Nửa đêm ba chén rượu, sáng sớm một tuần trà, mỗi ngày mỗi được thế, lương y không phải đến nhà)
Thế mà sau này có nhiều dị bản như:
Bình minh nhất trản trà
Bán dạ tam bôi tửu
thất nhật dâm nhất độ
lương y bất đáo gia.
Tức là thêm vào cái khoản bảy ngày một lần làm cái việc con người cần làm, nhưng riêng khoản trà tửu thì vẫn phải để nguyên, mới thấy Rượu cũng quan trọng thật.
Uống rượu cũng có nhiều kiểu, buồn cái sự đời, một mình ngồi với ly rượu mà gật gù thì gọi là độc ẩm, có bạn ngồi cùng ba hoa chích choè thì gọi là đối ẩm. Việc này các cụ nói cũng hay:
Tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu.
Ngôn bất đồng tâm bán cú đa.
(uống rượu với bạn tri kỉ thì ngàn chén còn ít, nói chuyện với người không hiểu mình thì nửa câu cũng là nhiều)
Hay quá, bạn hiền gặp nhau,sau bao ngày xa cách, tay bắt mặt mừng, trải chiếu đối ẩm, kể chuyện thuở hàn vi, chỉ trời vạch đất mà cười ha hả thì đúng là ngàn chén còn ít, mà gặp kẻ đối thoại không hợp cạ, không tỏ được nỗi lòng vì biết bụng dạ người ta ra sao, còn giữ kẽ mà không dám nói, lúc đó nửa câu đúng là quá nhiều chứ sao.
Ngẫm nghĩ cái sự uống cũng lắm chuyện. Người xưa coi việc uống rượu say lăn quay ra ngủ là Phật tửu, bởi vì lành quá, các bà khoái nhất những ông này nhưng thật ra cũng không phải là hay, say mèm ngủ dúi ngủ dụi, cái khoá quần còn chưa chắc đã biết kéo lên, thỉnh thoảng cho ché ăn chò nữa thì cũng chán.
Uống rươụ, vào buồng được với vợ đươc gọi là nhân tửu. Một cách gọi rất đời, rất con người. Sinh hoạt vợ chồng là chuyện không thể thiếu. Chỗ đáng lưu ý trong lời khuyên của cha ông là uống rượu mà giữ được tỉnh táo để biết vào buồng chứ không phải muốn cà khịa với vợ bất kì nơi nào dù đó là nhà của mình. Người xưa tế nhị thật.
Uống rượu vào, nói năng ba hoa, khoác lác, một tấc lên trời, la lối chửi đổng, khua tay múa chân, phanh trần ngực áo, ai khuyên bảo thì gây gổ. Loại này gọi là cuồng tửu.
Uống rượu mà đánh vợ, chửi con, ai can ngăn thì đánh chửi cả người đó, có khi gây cả án mạng. Uống rượu loại này đưa con người về hàng thú tính, mất hết tính người. Xét về góc độ văn hoá, hai loại uống rượu này là phản văn hoá, gọi là cuồng tửu, cẩu tửu là phải lắm.
Vậy thế nào là tiên tửu. Tiên tửu là khi say khi tỉnh đều biết mình biết người, vào ra hợp lý, không dùng rượu mà gửi lời khích bác, không dùng rượu mà đầu độc, làm điều ác, không dùng rượu mà chửi đời, chửi người. Loại này, biết dùng rượu để hoá giải oán thù, giả say mà hàn gắn tình thân, tăng cường đoàn kết, làm cho xung quanh ai nấy đều quý mến. Chén rượu khi đó trở thành chén tâm giao.
Thánh tửu thì uống rượu vào làm thơ, viết văn...thật tao nhã:
"Bầu dốc giang sơn say chấp rượu
túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ "
"Vườn hồng năm trước nâng li rượu
Nhắm với hoa thơm hưởng thú nhàn"
Hoa cúc mùa thu (Huyện Thanh Quan)
"Khi sống đầy vơi xin hãy cạn
một mai ai tưới rượu xuống mồ"
Uống rượu với bạn (Nguyễn Du)
Uống rượu mà nghĩ đến việc lớn, đến vận nước là hiền tửu, cách gọi gợi đến người có chí lớn :
"Đợi sóng dậy xem vừng nhật mọc
Suốt đêm nằm lắng ngọn triều lên
Đầy vơi hiền thánh ba chum rượu
Mờ tỏ thần tiên một ngọn đèn "
Tuyệt cú ( Phan bội Châu)
Vậy đấy, các loại ẩm tửu đâu có phải tầm thường, nó có tên có tuổi đàng hoàng và mỗi người, tuỳ theo nhân cách của mình mà có một loại ẩm tửu khác nhau, uống vào là việc dễ, biết trân trọng cái sự uống xem ra không dễ chút nào, ngay cả cách người ta chạm cốc cũng đâu có phải giản đơn, mỗi nơi chế biến một loại "cạch" khác nhau nhưng chẳng qua là học đòi đấy thôi, mấy ai biết được việc chạm cốc cũng là một việc có ý nghĩa, người xưa cho rằng khi chạm cốc, rượu tràn sang ly của nhau, nếu ly kia có thuốc độc thì rủi ro chia đôi, một cách giải thích khác là chạm cốc cho có đủ cảm nhận của các giác quan, xúc giác tay cầm ly, khứu giác mũi ngửi được hơi rượu, vị giác đã nếm được, mắt đã được nhìn còn lại là "choang" cái cho đã cái lỗ nhĩ.Vậy mới sinh ra việc chạm cốc, phú quý sinh lễ nghĩa là vậy đấy chứ đâu!
Tết nhất, mượn rượu nói chuyện dăm ba câu rông dài với bạn bè, lải nhải tý mong được thông cảm. Mong rằng bạn Trỗi toàn phần thánh tửu, tiên tửu, thằng tôi tự cho mình là thằng Cùn tửu, làm hai chén phải ngó trước ngó sau, thích "thiên bôi tửu" với bạn bè cho thoả nguyện mà sợ tăng xông đành ôm hận mà cười hể hể vậy!!!
Hay đấy
Trả lờiXóaBài viết hay!
Trả lờiXóa