Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Nhà văn Trung quốc Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn học năm nay

Tôi biết về Mạc Ngôn từ nhiều năm trước qua Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận và nhất là tiểu thuyết "Ma chiến hữu" do tác phẩm này đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung năm 1979. Cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi ở VN  và sẽ còn nhiều ý kiến xung quanh nó. Điều người ta thấy lạ là một nhà văn TQ có thể thoải mái viết về cuộc chiến biên giới theo quan điểm riêng của mình, nhưng ở VN lại là điều cấm kỵ


 Bạn đọc có thể đọc "Ma chiến hữu " ở ĐÂY
*
Nhà văn Mạc Ngôn.
Mạc Ngôn (莫言; bính âm: Mò Yán) (nghĩa là không nói) tên thật là Quản Mô Nghiệp (管谟业), sinh tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Ông đã phải nghỉ học tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hoá và phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, chăn dê ngoài đồng, luôn bị đói khát và cô đơn. Ông nhập ngũ năm 1976. Đến năm 1984, ông trúng truyển vào khoa văn thuộc học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Tháng 10 năm 1987 ông chuyển ngành, sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Năm 1981 ông bắt đầu công bố tác phẩm và đến nay, ông đã cho in 10 truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút..., tổng cộng trên 200 tác phẩm. Hiện nay, ông là sáng tác viên bậc 1 của Cục chính trị - Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Vào ngày 13 tháng 11 năm 2001, Hội nhà văn Hà Nội đã tổ chức Hội thảo về tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc "Báu vật của đời" của ông.

Các tác phẩm của Mạc Ngôn:
Báu vật của đời, nguyên tác : Phong nhũ phì đồn (丰乳肥臀), (1995)
Cao lương đỏ, nguyên tác : Hồng cao lương gia tộc (红高粱家族), (1998)
Đàn hương hình (檀香刑).
Cây tỏi nổi giận (Bài ca củ tỏi Thiên Đường)
Củ cải đỏ trong suốt.
Rừng xanh lá đỏ (Rừng vẹt)
Tửu quốc (Rượu chảy như suối)
Châu chấu đỏ.
Màng chán tổ tiên.
Ma chiến hữu, nguyên tác: Chiến hữu trùng phùng (战友重逢), (2004), một tác phẩm đề cập đến lính Trung Quốc chết trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979

Bài viết dưới đây được đăng trên Vnexpess, hai tác giả bài viết nhầm tuổi, Mạc Ngôn sinh năm 1955 : 57 tuổi.

Ủy ban Nobel Văn học ca ngợi Mạc Ngôn (Mo Yan) là tác giả "kết hợp được chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với truyện kể dân gian, lịch sử và cuộc sống đương đại" trong các trang văn của mình.
Đây được coi là sự vinh danh xứng đáng với nhà văn 67 tuổi, tác giả của hàng loạt tiểu thuyết đồ sộ, chứa đựng tư tưởng lớn và có tầm ảnh hưởng rộng rãi đến Trung Quốc và cả thế giới như: Báu vật của đời, Cao lương đỏ, Đàn hương hình, Củ tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ... Sáng tác của Mạc Ngôn không chỉ được dịch và xuất bản nhiều thứ tiếng mà còn được chuyển thể thành các bộ phim gây tiếng vang trên thế giới.
Trước khi giải thưởng được công bố, Mạc Ngôn cũng được dự đoán là một trong những ứng viên sáng giá, cạnh các tác giả châu Á khác như Haruki Murakami (Nhật Bản), Ko Un (Hàn Quốc). Trong khi tác giả Rừng xanh lá đỏ khá bình tĩnh chờ kết quả, người dân quê hương ông tỏ ra phấn khích, kỳ vọng. Phần lớn người dân Trung Quốc đặt niềm tin vào "báu vật Mạc Ngôn". Nhưng cũng không ít người tỏ ra hoài nghi, tiêu biểu là nhà văn thế hệ 8X Trương Nhất Nhất. Nhất Nhất thậm chí còn mạnh miệng tuyên bố trên Weibo rằng: “Tôi cho rằng ‘Mạc Ngôn đoạt giải Nobel’ chỉ là một hình thức tu từ. Nếu Mạc Ngôn giành Nobel Văn học năm nay, tôi sẽ cởi quần áo chạy quanh Tương Giang hoặc Trường Thành”. Sau khi giải thưởng công bố, Trương Nhất Nhất chưa đưa ra bình luận gì.
Mạc Ngôn (sinh ngày 17/2/1955) là bút danh của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Quản Mạc Nghiệp (Guan Moye). Ông được đánh giá là “một trong những nhà văn nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả nhà văn Trung Quốc”. Ông cũng được so sánh với những văn hào như Franz Kafka hay Joseph Heller. Mạc Ngôn sinh tại thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trong một gia đình nông dân. Thời kỳ Cách mạng văn hóa, ông làm việc trong một nhà máy sản xuất dầu. Mạc Ngôn tham gia quân đội ở tuổi 20 và bắt đầu viết khi ở trong quân ngũ vào năm 1981. Ba năm sau đó, Mạc Ngôn trở thành giảng viên Khoa Văn học của Học viện Văn hóa Quân đội. Bút danh của Mạc Ngôn trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “không nói” được ông lấy khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Ông chọn bút hiệu này để nhắc nhở bản thân mình kiệm lời.
 Cảnh phim Cao lương đỏ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Mạc Ngôn.

Các tác phẩm của Mạc Ngôn thường chứa đựng những bình luận xã hội, được cho là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ quan điểm chính trị của Lỗ Tấn và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Gabriel Garcia Marquez. Những câu chuyện thường có bối cảnh gần quê hương ông, thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Mạc Ngôn là tác giả khá gần gũi với độc giả Việt Nam. Phần lớn các tác phẩm của ông đều đã được dịch ra tiếng Việt. Hồi tháng 11/2011, Hội Nhà văn Hà Nội vừa tổ chức hội thảo về cuốn "Báu vật của đời" của ông.
Sau Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn là nhà văn gốc Trung Quốc thứ hai giành giải Nobel Văn học. Khi đoạt giải vào năm 2000, Cao Hành Kiện mang quốc tịch Pháp. Giải thưởng cho tác giả Trung Quốc năm nay cũng góp phần xóa tan thành kiến về một Ủy ban Nobel quá thiên vị châu Âu. Trong một thập kỷ qua, có đến 8 tác giả châu Âu được Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh. Năm ngoái, giải thuộc về nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer.
Mạc Ngôn sẽ nhận được một giấy chứng nhận, một huy chương và khoản tiền thưởng được đánh giá là lớn nhất trong số các giải thưởng trên thế giới. Các năm trước, chủ nhân Nobel nhận được 10 triệu kronor (30,8 tỷ đồng). Nhưng năm nay, do khủng hoảng kinh tế, giải thưởng bị giảm xuống còn 8 triệu kronor (gần 25 tỷ đồng). Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 12, tại Thụy Điển với sự tham gia của Hoàng gia nước này.
Hà Linh - Hoàng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment