Trang

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Vỡ tan giấc mộng 'MiG-23 made in China'

Từng định sao chép MiG-23 và F-111 để tạo ra thiết kế riêng mang tên Q-6 nhưng do năng lực công nghiệp quốc phòng Trung Quốc hạn chế, dự án đã thất bại hoàn toàn.
Yêu cầu bức thiết
Năm 1974, Hải quân Trung Quốc từng dự định triển khai 115 máy bay để thực hiện 401 phi vụ hỗ trợ chiến đấu. Nhưng thực tế không có bất kỳ máy bay nào đảm đương được nhiệm vụ. Không quân Trung Quốc và Không quân Hải quân Trung Quốc không có khả năng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đánh biển.
Nguyên nhân được xác định do Trung Quốc thiếu hệ thống điện tử hiện đại và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cuộc chiến tranh trên không hiện đại. Trung Quốc tự nhận ra rằng các chiến đấu cơ trong kho vũ khí của họ không đủ khả tham gia nhiệm vụ hỗ trợ trận đánh trên biển:

- Các máy bay tiêm kích đánh chặn J-5 (sao chép MiG-17), J-6 (sao chép MiG-19), J-7 (sao chép MiG-21) và J-8 thiếu khả năng cường kích mặt đất, bán kính tác chiến ngắn.
- Máy bay cường kích mặt đất Q-5 có bán kính tác chiến ngắn, tải trọng vũ khí nhỏ.
- Máy bay ném bom H-5 (sao chép Il-28) và H-6 (sao chép Tu-16) có tốc độ thấp, thiếu tính năng tự phòng vệ.
Trước tình hình trên, Trung Quốc quyết định phát triển máy bay mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đánh biển cho Hải quân Trung Quốc.
Những năm 1970, loại cường kích duy nhất có mặt trong Không quân Trung Quốc là Q-5 nhưng chúng có bán kích chiến đấu ngắn, hệ thống điện tử lạc hậu.
Sau năm 1974, Không quân và Không quân Hải quân Trung Quốc đệ trình yêu cầu về cường kích cơ mới lên Bộ số 3 (Cơ quan Trung ương Trung Quốc giám sát công nghiệp hàng không).

Sau khi nghiên cứu chi tiết, dựa theo năng lực hiện có của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, Bộ số 3 nhận thấy không thể phát triển song song 2 kiểu máy bay trong cùng thời gian. Thay vào đó, Bộ số 3 quyết định chỉ phát triển một máy bay nhưng có nhiều biến thể đáp ứng yêu cầu cho Hải quân và Không quân Trung Quốc.

Năm 1976, đại diện các nhà máy chế tạo máy bay của Trung Quốc đã tụ họp ở Bắc Kinh để thảo luận về dự án mới. Theo đó, Nhà máy chế tạo máy bay Thẩm Quyến đưa ra bản thiết kế JH-8 – biến thể J-8II. Nhà máy chế tạo máy bay Nanchang đưa ra thiết kế Q-6 và Nhà máy Tây An đưa ra JH-7.
Cả 2 mẫu thiết kế JH-8 và JH-7 đều không khả thi, cuối cùng Trung Quốc lựa chọn mẫu Q-6 làm ứng cử viên cho chương trình phát triển máy bay cường kích mới trang bị cho Không quân và Không quân Hải quân Trung Quốc.
Vẫn "đi theo" Liên Xô
Nếu như các chiến đấu cơ chủ lực của Trung Quốc J-6, J-7 đều là thiết kế sao chép công nghệ máy bay Liên Xô thì Q-6 không phải là ngoại lệ.
Trước khi chính thức bắt đầu chương trình, Trung Quốc đã thu mua thành công 2 chiếc tiêm kích đánh chặn cánh cụp cánh xòe MiG-23BN và MiG-23MS từ Ai Cập.


Tiêm kích đánh chặn cánh cụp cánh xòe MiG-23.(*)
Dựa trên kết quả nghiên cứu MiG-23, Trung Quốc quyết định đi theo hướng phát triên máy bay cường kích với kiểu cánh cụp cánh xòe. Nhà thiết kế chính dự án cường kích Q-5 Lục Hiếu Bành (Lu Xiaopeng) được chỉ định đảm nhận dự án Q-6.
Kế hoạch ban đầu thiết kế Q-6 dựa trên MiG-23BN – biến thể cường kích mặt đất của MiG-23. Nhưng Quân đội Trung Quốc lại yêu cầu mẫu cường kích phải có khả năng không chiến, tự phòng vệ. Nếu như vậy, yêu cầu mẫu máy bay không chiến cần phải có radar (biến thể cường kích không cần radar), Nanchang quyết định thiết kế Q-6 dựa theo MiG-23MS.
Ba nhân tố dẫn tới “cái chết” của Q-6
Một trong những bộ phận quan trọng cho chiến đấu cơ mới là động cơ, các nhà khoa học Trung Quốc trong quá trình nghiên cứu chỉ ra rằng động cơ phản lực không đáp ứng yêu cầu cung cấp lực đẩy cần thiết hoạt động không chiến, vì thế họ quyết định phát triển động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy.
Động cơ mới mang tên WS-6 bắt đầu phát triển năm 1964. Sau 17 năm nghiên cứu, tới tháng 10/1980 thì tham số động cơ cơ bản đã đáp ứng yêu cầu. Mặc dù đã được nhận giấy phép sản xuất năm 1981, nhưng dự án này vẫn tiếp tục nghiên cứu. Lý do được nêu ra là, lực đẩy động cơ WS-6 mới chỉ đạt 71 kN chưa đủ sức mạnh cần cho Q-6 trong không chiến.
Năm 1983, biến thể WS-6G xuất hiện, cung cấp lực đẩy khoảng 138 kN, nhưng do hạn chế ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thời điểm đó, nên động cơ này không đáng tin cậy về mọi mặt, thậm chí tuổi thọ của động cơ chỉ khoảng 50 giờ. Đây là nhân tố thứ nhất dẫn tới sự chết yểu cuả dự án Q-6.
Về hệ thống điện tử trang bị cho Q-6, việc Trung Quốc lựa chọn MiG-23MS là mẫu thiết kế phát triển Q-6 là muốn tận dụng loại radar RP-22 Sapfir-21. Nhưng loại radar này thiếu tính năng hỗ trợ không chiến ngoài tầm nhìn, điều đó tiếp tục cản trở dự án Q-6.
Hình họa mô tả kiểu dáng Nanchang Q-6.

Theo một số nguồn tin, Trung Quốc có thể đã nhận được xác máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe F-111 mà quân dân miền bắc Việt Nam bắn hạ trong cuộc chiến tranh phá hoại mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam.
Trong quá trình “mổ xẻ”, các nhà thiết kế Nanchang đã phát hiện ra những ưu điểm về loại radar trang bị trên F-111. Vì thế, họ chế tạo loại radar tương tự loại sử dụng trên F-111 gồm radar quét mặt đất AN/APQ-13 (tích hợp dễ dàng chế độ không đối không) và radar bám bề mặt địa hình AN/APQ-10 (dùng trong tiến công độ cao thấp). Chúng sẽ được đặt trong mũi Q-6 tương tự cách đặt ở F-111 (radar AN/APQ-10 đặt dưới radar AN/APQ-13).
Tuy nhiên, ý tưởng đề ra là rất khả thi nhưng năng lực công nghiệp sản xuất vi mạch điện tử thời điểm đó của Trung Quốc còn hạn chế nhiều. Trung Quốc chưa thể đủ khả năng sản xuất mạch điện tử thể rắn.
Họ tìm kiếm các vật liệu thay thế, cuối cùng Trung Quốc chế tạo được hệ thống radar nhưng khối lượng và kích thước tăng lên. Điều đó ảnh hưởng tới thiết bị điện tử khác: radar cảnh báo sớm, đo xa laze, thiết bị liên lạc và hệ thống hạ cánh.
Vấn đề cuối cùng là vật liệu chế tạo thân máy bay, trình độ Trung Quốc chưa thể sản xuất được vật liệu composite cần thiết cho khung máy bay. Trong giai đoạn phát triển, Trung Quốc sửa đổi thiết kế MiG-23, họ cho rằng cửa hút khí mở ở hai bên máy bay không hiệu quả trong không chiến thay vào đó là dùng cửa hút đặt dưới bụng máy bay (như kiểu F-16 hay J-10) sau này.
Năm 1989, chương trình phát triển Q-6 chính thức hủy bỏ. Giới tướng lĩnh Trung Quốc cho rằng cường kích cánh cụp cánh xòe Q-6 không thích hợp cho cuộc chiến tranh hiện đại, kiểu cánh như vậy sẽ mở rộng tiết diện phản xạ radar nhiều lần và do đó làm cho nó không thể sống sót trên chiến trường.
Thực tế, Trung Quốc bắt buộc hủy bỏ dự án Q-6 do năng lực công nghiệp quốc phòng không đủ sức để phát triển các động cơ, thiết bị điện tử hiện đại. Nanchang đã sản xuất 3 nguyên mẫu và đều dùng để nghiên cứu thử nghiệm nhưng không có chiếc nào cất cánh.
 MiG-23 là tiêm kích cánh cụp cánh xòe do cục thiết kế Mikoyan - Gurevich phát triển. MiG-23 đại diện cho lớp máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 của Liên Xô. Kể từ khi bắt đầu sản xuất vào năm 1970, đã có khoảng 5.000 chiếc MiG-23 ra lò. Ngày nay, chúng phục vụ hạn chế ở một số quốc gia trên thế giới với vai trò tiêm kích, cường kích. 
MiG-23 trang bị một động cơ tuốc bin phản lực cho phép đạt vận tốc gấp hơn 2 lần vận tốc âm thanh, bán kính chiến đấu khoảng 500-600km. MiG-23 mang các tên lửa đối không tầm ngắn, tầm trung trên 6 giá treo.
THEO ĐẤT VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment