Trang

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Một ngày Hà Nội lạnh



Hà nội lạnh, từng đợt gió mùa từ phương Bắc tràn về lùa qua những ngóc ngách của phố phường chật chội. Cái lạnh tái tê đang đều đặn theo mùa hàng năm đem lại bản sắc riêng cho khí hậu miền Bắc. Chợt nhớ về câu chuyện hôm nào trở lại thăm quê ngoại và lại hình dung về một vùng quê yên bình. Quê tôi đó, dòng sông trong xanh, con người hiền hậu. Quê tôi đó, đồng ruộng mênh mang, xóm làng yên ả, nghèo đói ở đâu chứ quê tôi nhà nhà mái ngói, ngõ ngõ bê tông, khuôn mặt trẻ ửng hồng, gương mặt già tươi rói, tiếng lợn kêu chó sủa ít lắm. Cũng như các làng quê khác trên đất nước Việt nam này, cái cảm giác vắng vẻ là có thật, ít lắm những nam thanh, càng ít lắm những nữ tú. Họ đi cả, họ ra thành phố tìm đời sống mới, để lại một làng quê buồn như tiếng kẽo kẹt võng đưa một trưa hè oi ả vậy.

Vẻ bề ngoài đó làm những con tim hoài niệm rung cảm. Vậy mà có ai ngờ, miền đất này đã có một thời nổi sóng, cái vẻ bình yên đang che dấu trong lòng những biến động dữ dội mà vì nó, không biết bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình oan ức và ly tán, và bây giờ, người ta lấy "lịch sử" để khỏa lấp, để che dấu. Rồi gọi đó là số phận. Dòng Nguyễn Tấn bên ngoại tôi ở vùng quê này có lẽ không nhiều, nghe kể ông ngoại tôi ở chi dưới, ông là người có học. Bà ngoại tôi có vẻ là con cháu danh gia vọng tộc, có dính dáng gì đó với một cụ Khâm sai đại thần có tiếng của triều Nguyễn, vì thế mà được thừa hưởng vài mẫu ruộng được ban phát, thưởng công từ các vị vua chúa triều đình Huế. Nhà cửa cũng vậy, dọc ngang mấy tòa nhà ngói cây mít, bước chân con trẻ của tôi lon ton chưa bao giờ chạy hết một chiều sân gạch mênh mang. Nơi có một đêm loang loáng người, loang loáng đèn đuốc trong ký ức, người ta đào lên từ cái sân đó cơ man là đồ sứ. Họ cho đó là các cụ ngày xưa bóc lột của dân để chè chén, tiệc tùng, bây giờ đào lên, chia lại cho dân. Đội cải cách chia cho mỗi nhà vài chiếc bát- đồ cổ- tôi chắc vậy. Người quê chẳng biết giá trị, đem dùng rồi đập hết cả.
Ông ngoại tôi mua được chức Hội đồng xã, thường gọi là ông Hội D. Cải cách ruộng đất được quy thành phần địa chủ, đưa đi cải tạo rồi gia đình chẳng bao giờ thấy mặt nữa. Những ông cậu, bà dì tư tán khắp trong Nam ngoài Bắc, một ông cậu đi học về được mấy ông du kích bắn chết vì nghi chỉ điểm cho mật thám Phulangsa. Nghi ông khác nhưng bắn ông này vì nhầm! Nghe tin em chết, mấy ông anh bà chị theo Cách mạng trên chiến khu vội vác đá cuội đè vào cõi lòng thương tiếc mà giơ nắm tay hô khẩu hiệu một lòng theo cách mạng. Hề hề! có tôi ở đấy chắc cũng giơ thêm cả hai chân!!! Hai bà dì nữa vội chạy theo chồng vào Nam. Mẹ tôi theo người yêu cũ về Hà nội. Một người cậu theo Quân đội được phong quân hàm trung úy đợt đầu tiên, phục vụ trong Hải quân vài năm rồi được cho về vườn, mang theo một ông em vừa thi đỗ đại học nhưng không được đi vì con địa chủ! Hai anh em về Hải phòng lập Hợp tác xã làm dép nhựa sống qua ngày. Vậy là một gia đình tan đàn xẻ nghé, tứ tán khắp đất nước.
Một ngày đẹp trời sáu mươi năm sau. Ông cựu trung úy Hải quân Quân đội nhân dân Việt nam đang ở tuổi tám mươi lò dò đến thăm bà chị đang nằm liệt trên giường(là mẹ tôi đấy) và thông báo một tin- không biết là vui hay buồn- Các cơ quan chức năng tỉnh QB thông báo cho gia đình làm đơn xin giải quyết chế độ người có công cho ông Hội đồng D, người ta đã có cơ sở để khẳng định ông là người có công, được tổ chức giao nhiệm vụ lọt vào tổ chức của địch để phục vụ cho lợi ích của cách mạng. Nghe nói lập được khá nhiều thành tích.

“Thôi chị nhỉ! Biết thế là đủ” Ông cười khà khà rồi nói.
 Khi sự thật được công khai, một gia đình lớn bên ngoại tôi đã gần như tan nát.....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment