Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 16 pháo binh khi nhận lệnh tham gia chiến dịch Giải phóng Cánh đồng chum, XiêngKhoảng, Lào có hai mống nhập ngũ tại Hà nội là tôi và anh. Cùng một trung đội nên ngay khi bổ sung về, chúng tôi đã có thể quen biết nhau như từ thuở nào rồi vậy. Thạch nhỏ người, nói năng cũng nhỏ nhẹ. Khi chúng tôi nhập ngũ thì anh đã có quá trình công tác vài năm rồi. Là giáo viên nên trông anh lúc nào cũng chững chạc, ăn nói đúng mực chứ không bỗ bã như mấy thằng lính trẻ bọn tôi. Khi mấy thằng quỷ sứ chửi bậy, trêu chọc anh chỉ mỉm cười hiền lành. Tôi thường bảo anh là dân Hà nội mà hiền quá, dễ bị bắt nạt, anh bảo ai mà thèm bắt nạt tao rồi nhẹ nhàng cười. Đúng là dân Hà nội mà không quậy phá, không đánh bài “chuồn”, không chịu khó mò mẫm đi tán gái như anh thì hiếm thật. Có lẽ do anh hiền quá, có những lúc ngồi nói chuyện, anh thường kể về bà mẹ già với một tình cảm yêu thương thật đặc biệt. Nghe anh kể, mình cảm thấy như trên đời này chỉ có mẹ anh mới là một bà mẹ đích thực vậy, tấm lòng người con thương quý mẹ như anh thật đáng nể. Anh bảo nhà tao ngay gần gầm cầu Long biên, nhà tôi cũ cũng ở dưới bãi Phúc xá, hồi đó đi học đi chơi ngày nào chẳng đi qua nhà anh, thế mà hai thằng chẳng biết nhau, tiếc thật! Lại hẹn khi nào hết chiến tranh, thể nào chúng mày cũng phải về nhà tao chơi nhé. Nghe Thạch kể không biết làm sao mình lại hình dung một ngôi nhà hai tầng, nhà anh ở tầng hai, gần nhà có một cây si đã từ rất lâu đời. Hóa ra bây giờ về chơi thấy sai toét.
Sức vóc không được to khỏe nhưng Thạch lại được bầu làm bí thư chi đoàn của đại đội. Bí thư chi đoàn hồi trước là to và quan trọng lắm chứ không lơ tơ mơ như bây giờ đâu. Bấy giờ cả đại đội chỉ còn có hai người chưa phải là đoàn viên, là mình và ông tướng Cải, hai thằng đánh nhau chí chết, là chiến đấu với địch ấy. Có bận bị thương máu tuôn như…đứt tay. Máu me chảy đầy người mới được ông Chính trị viên chỉ đạo bí thư Thạch kết nạp hai thằng cuối cùng vào Đoàn. Khiếp! chầy cả vẩy mới được mang danh hiệu Đoàn viên, mỗi tội chưa được đeo huy hiệu Đoàn lần nào!
Cuối năm 1970, địch tăng cường đánh phá ác liệt lắm, nó chuẩn bị cho đợt tiến công lấn chiếm mới mà, cứ nhè mùa mưa, giao thông, tiếp vận của ta gặp khó khăn là chúng dùng trực thăng ào ạt đổ quân lấn chiếm vùng giải phóng Cánh đồng chum. Lần này, bộ binh đã rút chủ lực về nước, chỉ còn lèo tèo vài đơn vị. Riêng Pháo binh vẫn ở lại, hậu cứ tận ngoài bản Thang. Khi địch tấn công, toàn bộ vùng Tây nam Cánh đồng chum nhanh chóng bị chiếm. Mặt trận vội vàng mở chiến dịch Z để phản công. Cứ cái đà đổ quân lấn chiếm như vậy thì chẳng mấy chốc nó phi ra tận Mường xén, từ đó đổ quân xuống chiếm Nghệ an ngon ơ. Thế là mặc dù trời còn mưa, đường xá lầy lội. Mặt trận vẫn quyết định đánh. Đại đội 5 được lệnh dùng một trung đội hành quân vào khu vực bản Khổng, từ đây có thể khống chế địch đang nống lấn mạnh ra khu vực chiến lược bản Na. Phối thuộc với bộ binh sư 316 chặn đứng đà tiến quân của địch. Dễ hiểu là không quân Mỹ tích cực đánh phá để ngăn chặn không cho đơn vị chiếm lính trận địa.Thực ra từ sau chiến dịch Giải phóng Cánh đồng chum 69-70, đơn vị cũng đã bị sứt mẻ khá nhiều. Nay cũng chỉ còn một hai khẩu là còn có thể ngọ nguậy chứ như khẩu đội tôi đã bị cháy mất cả xe và pháo trên đường hành quân ở đèo Bưởi đèo Phỉ rồi( đây là tên hai con đèo nối tiếp nhau vô cùng hiểm trở để leo từ bản Ban lên độ cao một ngàn mét của trung tâm Đồng chum) Khẩu đội đành nhận tạm một khẩu đại liên 12,7 chờ miền Bắc bổ sung xe pháo sau. Anh Thạch là khẩu đội phó, thao tác kính ngắm( số 1) của Khẩu đội trưởng Phạm công Nghiã, tay này dũng cảm, đánh nhau hăng lắm. Lần này khẩu đội này lại được đưa lên tuyến đầu. Thạch bị ốm đã mấy hôm, lần xuất kích này có nguy cơ phải nằm lại hậu cứ. Đúng là hôm xe pháo nổ máy thì anh không thể trở dậy được, đại đội bèn cử tôi sang thay anh. Người có trình độ văn hóa nhất định, được đào tạo, tập huấn thì mới làm pháo thủ số 1 được chứ không phải ai cũng làm được. Lơ tơ mơ lấy sai phần tử là đạn đi tìm chim ngay nên số 1 là rất quan trọng, mỗi khẩu đội chỉ có một số 1 thôi, may tôi chỉ là pháo thủ thường nhưng đã được học ở đơn vị khác nên cử đi thay anh thì cũng ngọ nguậy được, không đến nỗi ngờ nghệch!
Hôm đó hành quân suốt đêm, máy bay C130 của địch bắn đại liên 20 ly suốt dọc con đường, bắn dai như bò đái, thế mà cuối cùng chúng tôi vẫn đến được khu vực trận địa. Hôm sau đào hầm, thiết bị pháo xong chưa kịp đánh thì bị địch phát hiện, đánh phá ác liệt. Khẩu đội bị thiệt hại nặng, bom địch ném trúng trận địa, một ông pháo thủ, hai ông lái xe, một ông Chính viên phó chung nhau một quả bom chết chỉ còn mấy cân thịt- chuyện này mình đã kể trong một bài trước. Hú hồn! mình thoát được trận đó nhờ phúc đức ông cha phù hộ, tổ tiên bảo đừng rúc vào cái hầm ấy, thế là chuồn sang hầm khác nên thoát!Vậy mà vẫn có lệnh chiến đấu tiếp, dùng một xe xích khác kéo pháo lên ( khẩu pháo may không bị sao) tiến sâu vào thêm vài km nữa, thiết lập trận địa, lúc này cả đại đội cùng hành quân vào, và chiến dịch Z cũng chính thức bắt đầu. Anh Thạch đã khỏi ốm và trở lại khẩu đội của mình, tôi được trả về khẩu đội cũ của Khẩu đội trưởng Trọng méo, cha này vốn dĩ trước là quân phòng không, thế là nhận lại khẩu 12,7 để bảo vệ trận địa của đơn vị, cũng chỉ cách khẩu đội ông Nghĩa có hai trăm mét.Trận chiến đấu diễn ra như một bi kịch đau đớn mà đơn vị phải chịu đựng- Chuyện đã được tôi kể lại trong chuyện ngắn kể về anh Cải đã đăng trên blog này. Nhưng thực sự lúc này, khi đang viết về anh Thạch, người cũng đã hy sinh trong trận đánh thì tôi thực sự xúc động. Chiến đấu là mất mát, chiến đấu là hy sinh, có những cái chết cũng bình thường, cũng có cái chết không đáng có, cũng có cái chết hào hùng hay được báo chí tôn xưng, nhưng những hình ảnh hy sinh của đồng đội tôi lúc đó đã để lại trong lòng người chứng kiến những xúc động mãnh liệt không thể nói lên được bằng lời. Sự hy sinh của các anh không phải trên tư thế làm kẻ địch bàng hoàng như ở đâu đó thường ngợi ca mà sự hy sinh của các anh thật như nó vốn có. Sự Hy sinh vốn là khủng khiếp, nhất là đối vói những người còn sống mà vẫn phải tiếp tục cuộc chiến. Cái chết của họ làm chúng tôi bàng hoàng nhưng lại càng hun đúc thêm ý chí kiên cường của chúng tôi. Ý nghĩa cao đẹp của sự hy sinh đâu có cao xa gì! Nó chính là điều mà các anh muốn để lại cho chúng tôi: Đừng nản lòng, hãy chiến đấu để đất nước thanh bình, hãy chiến đấu để sự hy sinh của họ không thành vô ích!
Đã bốn mươi năm trôi qua, cái chết của Thạch và đồng đội đã đi vào bất tử. Chỉ còn lại những đồng đội của anh đang sống, đang trăn trở, đang tiếc thương và một đất nước đã hòa bình nhưng chưa một ngày thực sự thanh thản. Cầu chúc cho linh hồn người chiến sỹ bình dị đó được an lành ở cõi giới mới. Cầu mong cho anh được siêu thoát nơi chốn vĩnh hằng. Gia đình và đồng đội, bạn bè chưa lúc nào nguôi nỗi niềm thương nhớ anh. Xin Vĩnh biệt.
Vài bức ảnh trong ngày giỗ, tưởng niệm bốn mươi năm ngày anh Thạch hy sinh, được gia đình anh tổ chức trọng thể tại nhà riêng, có mời nhiều đồng đội cũ cùng đơn vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment