Trang

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Cảm tác nhân chuyến thăm Tây thiên cổ tự





*
Sớm mai - tâm sáng, tới Tây thiên
Mây che ngang núi, nắng chưa lên.
Sương giăng giăng trắng, mờ thung vắng
Sườn dốc thông reo, ấy cõi thiền!


 

*
Chập chùng núi biếc, chập chùng mây
Đường lên cõi Phật, gió chừng say.
Dòng thác hư không, ru hư ảo
Chập chờn cổ tự giữa xanh cây.




*
Tâm linh hiển thánh giữa đất thiêng
Ngưng tụ ngàn năm, khí rồng tiên
Thâm u đất tổ che huyền tích
Phổ độ chúng nhân-Bát nhã tuyền


*
Quốc mẫu độ nhân, nhân hữu duyên.
Lòng trong như nước trì Hồng liên.
Chính quả ắt nên công nghiệp lớn.

Tu thân, tích đức ấy là tiên .

6-2012


"... Danh thắng Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 65 km về phía Tây Bắc. Với diện tích khoảng 148ha, quần thể di tích Tây Thiên nằm trong một vùng đa dạng sinh học với gần 500 loài thực vật và 300 loài động vật. Tây Thiên cũng là nơi hiếm hoi ở khu vực phía Bắc nơi du khách có thể trải nghiệm cả 4 mùa trong một ngày. Đặc biệt, những nét riêng của Tây Thiên như Thác Bạc đổ nước trắng xóa, đầm Sen ngát hương hoa nở bốn mùa, ao Dứa, núi Rùng Rình, khe Giải Oan với nhiều hòn đá hình dáng kỳ lạ… luôn đủ sức hút níu chân bất kì du khách nào.
Theo nhiều tư liệu, thì Tây Thiên được coi là chốn tổ Phật giáo Việt Nam. Nhiều đình chùa đã được xây dựng từ rất sớm, khoảng 2300 năm TCN. Tại chùa “Tây Thiên cổ tự” hiện còn lưu giữ ba ngôi mộ cổ ghi danh hiệu các thiền sư: Giác Linh Ngã Thiền Sư, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền sư. Tên gọi Tây Thiên (đại để là đi đến từ phía tây) cũng được đặt để ghi nhớ lần đầu tiên các nhà tu hành Ấn Độ đến Việt Nam truyền đạo. Các di tích ngày nay như suối Giải Oan, suối Trường Sinh, chùa Đồng Cổ,… đều từng là nơi các cao tăng tu tập, hành trì và viên tịch. Năm 2004, Thiền Viện Trúc Lâm được xây dựng trên nền chùa cổ Thiên Ân, mỗi năm đón hàng nghìn Phật tử và du khách tới đây.
Cùng với tín ngưỡng thờ Phật, Tây Thiên còn là chốn để du khách “về với Mẫu”. Tương truyền rằng vua Hùng Vương thứ 7 khi tới Tây Thiên thỉnh Phật đã gặp gỡ và kết duyên cùng thiếu nữ Lăng Thị Tiêu. Từ đó, Hùng Vương cùng hoàng phi đã dần mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Với công lao đó, Hoàng phi được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà chính là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ). Hàng năm, cứ vào ngày 15/2 Âm lịch, hàng ngàn du khách không ngại vượt đường xa, vượt núi trèo đèo lên đền để mong được hưởng sự may mắn, chở che của Quốc Mẫu"
"... Bước vào khu di tích du khách bắt gặp cây đa chín cội ngả bóng mát xuống Hữu Huyền Cung (nhân dân vẫn quen gọi là đền Thõng). Phía sau là dòng suối Giải Oan (còn gọi là Bát Nhã Tuyền). Ngược lên phía trên là Thác Bạc - dòng nước thơm của núi rừng Tây Thiên, với độ cao hơn 40m nước đổ xuống trắng xoá như giát bạc, chảy ra hợp lưu với suối vàng ở Hồ Sen rồi chảy ra khe Giải Oan. Ngược lên Đầm Sen,   Ao Dứa, núi Rùng Rình, nơi đây còn lưu giữ một hệ động thực vật rất có giá trị. Từ đây ngược lên khoảng 3 cây số nữa sẽ tới chùa Đồng Cổ, đúc toàn bằng đồng tốt. Trong chùa thờ hai tượng Phật, cho tới nay niên đại và lai lịch về hai pho tượng này vẫn là một bí ẩn mà các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm ra lời giải.
Rừng Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi. Hệ động vật Tây Thiên cũng khá phong phú, có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm như rùa vàng, gà lôi trắng, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, cá cóc Tam Đảo… Sự đa dạng sinh học cùng với hệ thống các đình chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ khiến Tây Thiên có sức hấp dẫn lớn với khách du lịch và các nhà nghiên cứu.
Lê Quý Đôn trong "Kiến văn tiểu lục" đã nói về Tây Thiên: "…bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày, từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ ( trì Hồng Liên), hoa nở bốn mùa".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment