*
Qua Tết. Xuân như gái mười lăm, bẽn lẽn thập thò bên chái nhà liếc nhìn zai lực điền. Cữ này còn chút se lạnh làm ký ức trỗi dậy, nhớ về một thời muốn quên chẳng được.
Gần nửa thế kỷ rồi, cứ đến Tết lại nhớ, đúng dịp này đây, chiến dịch 139 giải phóng Cánh đồng chum Xiengkhuang đã đi dần vào hồi kết, gần như toàn bộ địa bàn chiến lược này được giải phóng. Chỉ còn căn cứ Buomlong của lực lượng đặc biệt Vàng pao vẫn - nói theo cách của ta - ngạo nghễ nằm án ngữ giữa vùng giải phóng, như một cái gai nhọn găm giữa mắt Bộ tổng tư lệnh vậy. Và xin nói trước, chỉ sau năm 1975, khi không còn tiếp vận, căn cứ này mới thất thủ. Chúng ta nghe nói về những Knak - Tây nguyên, Tân sơn nhất 1968 thua trận với vài trăm liệt sỹ, ở Buomlong còn đắng hơn. Ba trăm hy sinh một trận, địch dùng xe xúc hất xuống vực thẳm là thường.
Chúng tôi nhận lệnh hành quân đánh Buom long lần thứ nhất, C5 vừa bị tổn thất nặng nề, có bốn khẩu lựu pháo 122ly cháy trụi mất ba khi vượt đèo Bưởi, nhận thêm một khẩu bổ sung thành hai, tiếng là đại đội nhưng thực chiến chỉ có hai khẩu với mấy chiếc xe xích ATZ cải tiến từ máy cày. Đêm hành quân vào trận cũng hào hùng lắm, trong trí tưởng của mình, trong tôi vẫn còn hằn sâu hình ảnh những đoàn Hồng quân Liên xô với chiến xa ầm ầm tiến về phương Tây. Chiếc xe xích cà khổ thỉnh thoảng lại nhảy dựng lên, mông đít đập mạnh xuống hòm đạn đau điếng vẫn ngỡ mình sắp phất cờ đỏ trên nhà Quốc hội Đức vậy, hic !
Đường lạ, dốc cao đèo sâu, đám cơ giới nặng nề ì ạch trườn qua con ngầm, những dốc đứng trơn tuột, thường là chúng tôi trắng đêm chặt cây bắc cầu cho xe pháo vượt qua chẳng biết bao nhiêu là khe suối, bao nhiêu là dốc đứng đường quanh, sức lính đổ ra chẳng thể nào tính đủ để đưa được pháo cơ giới vào trận.
Trước mắt chúng tôi là những dãy núi cao điệp trùng, nơi trên đỉnh là những căn cứ tiền tiêu của địch, địa thế không cho phép thiết lập trận địa như thông thường, đây là lần đầu tiên trận địa trực tiếp đối diện với mục tiêu, chúng tôi có thể quan sát thấy đạn nổ, nhưng đó cũng chính là điểm yếu, địch trên chốt có thể thấy rõ vị trí trận địa, chỉ điểm cho máy bay đánh phá.
Trắng đêm đào công sự pháo, làm giàn chống bom bi, ngụy trang rồi chuẩn bị đạn dược, trăm thứ việc vắt cạn sức lính. Đôi lúc dừng tay nghỉ ngơi làm điếu thuốc lào tán phét với mấy lính bộ binh hành quân ngang qua. Lính 312, 316 trẻ măng, quân phục màu xanh Tô châu còn thơm mùi vải mới. Họ sẽ đi tiếp về phía những chốt địch kia, trên đỉnh núi với nhiều lượt hàng rào dây thép, với vách ta luy chống đặc công, với những hầm ngầm và bom mìn nhiều như lá rừng mang dòng chữ made in USA.
Khi mặt trời khuất núi thì trận đánh bắt đầu, pháo binh sẽ bắn chuẩn bị, cố gắng nhiều nhất có thể để tiêu diệt mục tiêu lộ trên mặt đất. Chúng tôi nổ sung, đạn bắn khá chụm, từ trận địa, sau khi giật cò chúng tôi có thể quan sát thấy đạn nổ hất tung những chòi canh, hầm hố cá nhân của địch.
Bộ đội ta tấn công nhiều lần, ánh chớp nhì nhằng trên đỉnh núi. Có vẻ sượng rồi, chúng tôi thức trắng đêm chờ gọi bắn dù biết khi bộ binh tiệm cận mục tiêu thì rất khó, không khéo nện vào đầu quân ta như chơi.
Sáng sớm, từng tốp bộ binh rút qua trận địa, đắng lòng nhìn quân số thường vơi đi quá nửa. Chúng tôi thì lo lắng ngụy trang lại trận địa, sức ép từ đầu nòng thổi tung cây lá, chắc chắn chúng tôi sẽ là mục tiêu oanh kích của máy bay địch. Trời vừa hửng sáng, hai chiếc T28 đã không cần đạn khói chỉ thị mục tiêu, cứ thế thay nhau bổ nhào ném bom vào trận địa. Nó đánh trúng thì chết, cả người lẫn pháo, mà nó ném trượt, cây rừng đổ xuống ngổn ngang, hai khẩu pháo to tướng lại được phủ kín thành một thứ ngụy trang khá tốt.
Hết T28 lại đến F4 thay nhau quần nát trận địa, đến tối chúng tôi lại vẫn nổ sung. Lần này địch tung ra một loại bom, gọi là bom vướng nổ, nhỏ như quả bom bi nhưng khi bom thả xuống tung ra nhiều sợi dây, người hay động vật, thâm chí mưa rơi nặng hạt, gió lay cành lá là đủ tác động vào sợi dây gây nổ. Trận địa dày đặc nhưng loại bom như vậy, mọi hoạt động chiến đấu, sinh hoạt ngưng lại cả chờ phá bom.
Bắt đầu đói, đã ba ngày trong vòng vây của các loại bom đào, bom phạt và nhất là bom vướng. Đạn hết, gạo hết, chúng tôi vàng mắt chờ xe tiếp tế từ hậu cứ mang gạo, đạn bổ sung. Bộ đội huy động mọi thứ có thể kích nổ bom một cách an toàn để thông đường. Qủa nào nhìn thấy thì dùng súng bắn, quả nào rơi vào đồi cỏ tranh thì đốt cháy dây. Qua máy VTĐ chúng tôi nhận được tin mất mát đầu tiên, chiếc xe xích chở gạo đạn bổ sung chạy qua bãi bom vướng, hai chiến sỹ mới điều về đơn vị chưa có kinh nghiệm bị bom hy sinh. Thi hài họ được đem lên xe chạy tiếp vào trận địa, quăng quật cùng đạn và gạo trên con đường rừng mấp mô.
Có đạn, đơn vị lại tiếp tục chiến đấu, đến chiều tối mới nấu được bữa cơm đầu tiên trong ngày, bữa cơm diễn ra vội vàng trong đêm tối nhập nhoạng. Khẩu đội lầm lũi ăn, lầm lũi xới, lầm lũi nhai trong ánh đèn pháo sáng địch nhấp nháy phía xa.
Cảm giác có điều gì là lạ, dù là đói mình vẫn đủ nhận thức để nhận ra có điều bất thường trong bát cơm đang cầm trên tay, nó có màu sẫm, càng sẫm hơn trong màn đêm, và khi ánh pháo sáng lóe lên, bát cơm hiện nguyên hình màu đỏ sẫm, vâng ! và nó còn có một mùi tanh đặc trưng. Tôi bảo thằng Chí toét ( nó là thằng được phân công lấy gạo trên xe xích và nấu cơm) : “ sao cơm có mầu đỏ vậy mày, gạo gì vậy? “ Nó gạt phắt đi: “Sao tao biết, đói bỏ mẹ, thôi cứ ăn đi”
Không thể ăn tiếp bát cơm, tôi bỏ bát đi vào góc hầm kiểm tra bao gạo, rõ ràng gạo trong bao vẫn trắng bình thường, phía ngoài bao có vài vết đen thẫm, thò tay sục xuống, tôi nhấc lên một tảng gạo dính bết vào nhau. Sực lên mùi tanh của máu, mùi bao tải, mùi của gạo. Một cuộn sóng dâng lên từ dưới rốn, bao nhiêu cơm trong làm bụng trào ra cả.
Anh em chất vấn, thằng Chí toét khai nhận nó bốc gạo cho vào nồi nấu luôn mà không vo, ra suối vo gạo sợ bom vướng, nó lấy nước uống dự trữ trong hầm pháo để nấu, nó không biết rằng máu của hai người lính vừa hy sinh đặt nằm lẫn với gạo đã chảy ra thấm ướt những bao gạo quý giá.
Khẩu đội đã vô tình ăn thứ cơm GẠO ĐỎ đó, máu đồng đội chỉ vì một sự lười biếng mà cũng vô tình nằm trong bụng chiến sỹ, không tin lắm nhưng có thể những giọt máu đó đã tiếp sức cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, vượt qua được sự ác liệt tàn bạo của trận đánh đó – và chắc cả những năm sau đó nữa.
Do có nhiều khó khăn và tổn thất, chiến dịch kết thúc, bộ đội các đơn vị được lệnh lui quân, mùa mưa đang đến gần, rút nhanh không thì mưa ướt đường trơn, chỉ có nước bỏ pháo chạy lấy người.
Những năm sau, chúng tôi đều trở lại đánh Buom long và đều rút lui không kèn không trống. Những đêm trực chiến, lính buồn bã nghêu ngao bản cover bài : ‘ Ngọn đèn đứng gác”
“ Trên đường ta đi đánh giặc
từ Co luông qua Phou Nốc Kôc
ở đâu cũng gặp, những chặng đường mòn pháo kích vu vơ
ơi những con đường không bao giờ hết dốc….
….Như Ngàn Chín với Bản Na năm nào cũng húc
Quân ta ra, quân giặc chiếm lại, mùa khô húc, mùa mưa lại chốt
Mùa khô húc, mùa mưa lại gùi, xa quê hương đã bao năm rồi…..”
Mỗi năm vào trận, bộ phận chính sách đều trở lại đào những ngôi mộ chôn vội các chiến sỹ đã hy sinh đưa về an táng gần hậu cứ, thi hài quấn trong tăng võng nilon lâu tan lắm, vải quân phục vẫn còn. Dưới chân hai chiến sỹ nọ vẫn còn quấn dính những đoạn dây bom vướng, loại dây rất bền chắc làm từ sợi tổng hợp, màu xanh và rất đẹp. Nghe nói bản quyền thiết kế của người Nhật, họ bán phát minh cho người Mỹ đem xài ở chiến trường Đông dương, và họ gạ bán thiết bị- áo giáp phá nổ cho quân đội ta, đắt quá chắc không mua. Sau này khi đã quen với loại bom này, chúng tôi thường dùng súng CKC bắn như một loại bia, chỉ cần nằm thấp và che chắn tí ti là coi như một trò chơi mới. Loại trò chơi chết người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment