Bài đăng lại từ:
Tại diễn đàn an ninh khu vực cấp cao mang tên Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã bác bỏ các chỉ trích cho rằng nước ông đang hành động một cách gây hấn ở Biển Đông. Ông khẳng định, Trung Quốc theo đuổi “sự phát triển hòa bình”.
Tại diễn đàn an ninh khu vực cấp cao mang tên Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã bác bỏ các chỉ trích cho rằng nước ông đang hành động một cách gây hấn ở Biển Đông. Ông khẳng định, Trung Quốc theo đuổi “sự phát triển hòa bình”.
“Bạn nói rằng các hành động của chúng tôi không phù hợp với lời nói của chúng tôi. Tôi dứt khoát không nhất trí”, ông Lương nói. Phát biểu sau những ngày Việt Nam và Philippines cáo buộc Trung Quốc hành xử gây hấn ở Biển Đông, ông Lương phủ nhận việc Trung Quốc là mối đe dọa an ninh ở vùng biển chiến lược quan trọng và giàu tài nguyên năng lượng này. Ông đã không ngại ngần tuyên bố “tự do hàng hải chưa từng bị cản trở”.
Trong bài phát biểu sáng 5/6 tại diễn đàn an ninh cấp cao Shangri-La, ông Lương nhấn mạnh "chỉ bằng cách ủng hộ dân chủ trong quan hệ quốc tế và tôn trọng lợi ích cốt lõi cũng như những mối quan tâm lớn của nhau” mới có thể khiến khu vực châu Á – Thái Bình Dương “thực sự tìm thấy hòa bình lâu dài, ổn định và hòa hợp”.
Tuy nhiên, xâu chuỗi hàng loạt vụ việc xảy ra từ tháng 3 tới nay trong vấn đề chủ quyền Biển Đông, người ta đã không còn ngạc nhiên hay thắc mắc chuyện Trung Quốc nói vậy mà không phải vậy.
Vẻn vẹn trong vòng một tuần, Philippines đã chuyển lời phản đối tới đại sứ quán Trung Quốc ở Manila về các hoạt động ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông.
Một tuần hai lần Philippines phản đối
Ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) trong tuyên bố đăng trên trang web của họ rằng; “Các hành động của tàu Trung Quốc đã cản trở hoạt động đánh bắt cá bình thường và hợp pháp của ngư dân Philippines trong khu vực và làm suy yếu hòa bình, ổn định của khu vực”. Trước đó, chính phủ Phillippines đã nhận được báo cáo về vụ một tàu Trung Quốc bị cáo buộc nổ súng vào ngư dân Philippines.
Ngày 31/5, Manila đã triệu tập đại diện đại sứ quán Trung Quốc để phản đối việc phát hiện ra tàu hải giám, tàu hải quân Trung Quốc khi các tàu này tháo dỡ vật liệu xây dựng, dựng một số cột trụ và thả phao ở gần Iroquois Bank. Iroquois Bank nằm ở phía tây nam Reed Bank. Theo DFA, thì đây là khu vực nằm “trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines”.
Theo Thời báo Manila, trong vòng chưa đầy 4 tháng qua, Manila đã có các văn bản ghi nhận 7 sự cố liên quan tới việc tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải tranh chấp và tấn công các tàu của Philippines.
Mâu thuẫn là, vụ việc tàu Trung Quốc tháo dỡ vật liệu, dựng cột trụ và thả phao ở khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông lại xảy ra đúng vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt ở thăm Manila. Trong cuộc gặp ấy, ông Aquino đã cảnh báo ông Lương rằng, những cáo buộc xâm nhập và đụng độ ở các hòn đảo tranh chấp tại khu vực Biển Đông có thể dẫn tới nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực; rằng quan điểm của Philippines là các quốc gia nên tập trung vào sự thịnh vượng của khu vực để tháo gỡ căng thẳng.
Quan chức Trung Quốc trong cuộc gặp đã nhất trí với quan điểm trên và khẳng định, họ sẽ chuyển tải thông điệp tới “lãnh đạo nhà nước”.
Tại cuộc tiếp xúc trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và người đồng cấp Trung Quốc còn cam kết tránh “các hành động đơn phương có thể gây báo động và tập trung vào một giải pháp hòa bình” cho tranh chấp ở Biển Đông.
Tuyên bố thì như thế. Nhưng hành động và ứng xử ngay sau đó của Trung Quốc, đến mức trong một tuần Philippines phải hai lần lên tiếng phản đối nước này đã cho thấy cái sự "nói một đằng, làm một nẻo" của Trung Quốc.
“Chiến thuật tàu hải giám”
Chiều 3/6, bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã có cuộc tiếp xúc song phương. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hai nước đang có những căng thẳng do việc 3 tàu hải giám của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Lương Quang Liệt cho biết, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao. “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận vấn đề này ở các diễn đàn đa phương và phản đối các hành động đơn phương. Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và thực thi đầy đủ DOC”, ông Lương nói. Ông khẳng định: “Chúng tôi xin nói rõ là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa diễn ra”.
Trở lại vụ việc tàu hải giám Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hôm 27/5, quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận sáng 26/5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 của PVN đã bị 3 tàu hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Đúng như lời ông Lương khẳng định là quân đội Trung Quốc không hề can dự vào sự việc. Song cần nhớ rằng, tàu Bình Minh 02 đã bị các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Hải giám - một trong năm tổ chức thực thi pháp luật biển của Trung Quốc - đang được gia tăng không ngừng cả quy mô lẫn kích cỡ. Và theo phân tích của Strategy Pages, một trang tin chuyên về quân sự của Mỹ thì, Trung Quốc đang thiên về xu hướng sử dụng các tàu phi quân sự hoặc bán quân sự (kiểu như tàu hải giám) để quấy nhiễu các tàu nước ngoài hoạt động ở các vùng đặc quyền kinh tế hoặc các vùng biển tranh chấp; rằng, cách tiếp cận này ít có khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang và tạo sự dễ dàng khi Trung Quốc muốn tuyên bố họ là nạn nhân.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông đã khiến Mỹ phải lên tiếng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm 4/6 đã cảnh báo rằng, có những “quan ngại ngày càng gia tăng” về hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác tại châu Á.
Tại Đối thoại Shangri-La, ông Gates nói: “Tôi e là nếu không có quy tắc và phương pháp tiếp cận thống nhất để giải quyết những vấn đề này thì còn sẽ có đụng độ”.
Một lần nữa, “câu thần chú” Trung Quốc tiếp tục cam kết theo đuổi con đường “phát triển hòa bình” bao gồm việc đảm bảo rằng sự gia tăng kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc sẽ không đặt ra mối đe dọa nào với các nước khác, và rằng Bắc Kinh sẽ không tìm kiếm vai trò bá quyền, sẽ lại cần thời gian và hành động thực tế minh chứng!
- Thái An
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt phát biểu tại diễn đàn an ninh khu vực cấp cao mang tên Đối thoại Shangri-La ở Singapore Ảnh: AP |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment