Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

"Thác đao điền" và Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu

Mấy hôm Tết đi thăm bạn bè. Có dịp thăm lại phố xưa của một thời cắp sách tới trường, với những buổi lang thang về qua một con phố khá khiêm tốn. Hà nội có nhiều con phố nhỏ, con phố này vừa nhỏ lại vừa ngắn, nhưng lại nằm ở một vị trí khá trang trọng ngay giữa thủ đô, cũng xứng với sự nghiệp của người mà nó mang tên: Phố Lê Phụng Hiểu.



Vốn ưa thích lịch sử, tôi bèn tìm cách tra cứu, tìm hiểu về danh nhân này, và từ đó biết đến một sự tích về một loại ruộng gọi là “ Thác đao điền” tức là” ruộng ném dao”.
“Việt sử giai thoại” có kể rằng, Lê Phụng Hiểu làm đến chức Vũ vệ tướng quân dưới thời Lý Thái tổ. Năm Mậu Thìn (1028), vua Lý Thái Tổ mất, tam vương là Đông Chinh, Dực Thánh, Vũ Đức mưu giết Thái tử Phật Mã để giành ngôi. Lê Phụng Hiểu cùng các tướng như Dương Bình, Quách Thịnh và Lý Huyền Sư có công lớn trong việc dẹp loạn. Chính Lê Phụng Hiểu là người đã chém Vũ Đức Vương chết ngay trong cung thành, phá được âm mưu đảo chính, tránh cho vương triều Lý thoát khỏi cảnh nồi da xáo thịt, anh em tranh dành chém giết lẫn nhau.
Sau khi phò tá Lý Thái Tông lên ngôi, Lê Phụng Hiểu được phong chức đô thống thượng tướng quân, tước hầu. Trong sự nghiệp của mình ông còn lập được nhiều công lớn, góp phần củng cố sự bền vững của vương triều Lý. Nếu như ngày nay, chắc ông đã được vinh dự nhận Huân chương Sao Vàng. Nhưng ngày đó chưa có lệ đặt huân chương, mà công lao của quần thần thì không thể không xét thưởng, bởi vậy Lý Thái tông bèn phán cho Lê phụng Hiểu được quyền tùy chọn cách nhận thưởng. Xét thấy quyền lực, bạc vàng đều là phù du, ông liền nói với vua:
- Thần không muốn thưởng tước, cũng không dám tham lam công khố, chỉ xin cho về ở núi Băng Sơn, ném dao lớn đi xa, dao rơi đến chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp. Vua nghe theo. Phụng Hiểu lên núi, ném dao xa đến hơn mười dặm, rơi xuống thôn Đa Mi. Vua lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném dao ấy.
Tục truyền rằng Phụng Hiểu vốn sức khỏe hơn người. Đứng trên núi Băng sơn, con dao trong tay ông ném ra có thể bay qua cả kinh thành Thăng long, nếu ông ném hết sức thì đất đai nhà vua sẽ là của ông cả. Tuy nhiên là Phụng Hiểu chỉ dừng lại ở mức đó, ông biết rằng nếu tham lam, ném dao quá đà, việc lộn cổ xuống núi mà chết là việc không thể không diễn ra. Mà lúc đó thì nằm trong quan tài, ôm hàng trăm ngàn mẫu đất phỏng được ích gì?
Vì thức thời mà cơ nghiệp dòng họ nhà ông ngày càng phát triển, con cháu đầy đàn và còn truyền đến nhiều đời sau, thậm chí có người còn rất nổi tiếng, sang cả châu Âu sáng tạo nên cả một chủ nghĩa. Điều này thì không chắc lắm, có thể người ta thấy tên ông Lê văn Ninh cùng họ Lê với Phụng Hiểu mà gán cho ông chăng? Hề hề!!!
Cho nên tiên sinh Lý Khắc Thuần mới có lời bàn thế này: “Có tài mà đem tài một lòng giúp vua, ấy là đấng lương đống của nước nhà. Vua biết thành tâm trọng dụng người tài, ấy là đấng minh quân. Lê Phụng Hiểu và hai vua đầu triều Lý gặp nhau ở chỗ cùng lòng vì xã tắc. Vua nhân chuyện ném dao mà đặt lệ thưởng công “thác đao điền “(ruộng ném dao) cho cả một triều đại, bảo văn thần võ tướng sao không một lòng vì vua mà cống hiến được? Thế mới biết chỉ có người tài mới dùng được người tài, người khoáng đạt mới dùng được người có chí lớn vậy. “
Còn hậu sinh Tt thì bàn thêm rằng: Có công thời được thưởng, điều đó xưa nay đã có tiền lệ. Biết đến đủ thì là thức thời, để công đức lại cho con cháu, mà tham quá, một mình chưa đủ lại kéo bè cánh “ lợi ích nhóm”, khi ngã lộn cổ thì có mang túi tham vào quan tài được chăng? Mới biết người xưa thức thời hơn người thời nay là thế.
Nếu mải mê đuổi bắt tham vọng, bạn dễ bỏ lỡ hạnh phúc lớn lao. Không đúng sao? Vậy thì hãy nghe câu chuyện dưới đây:
Ngày xưa, một ông vua trong một cơn hứng chí mới bảo kỵ sĩ của mình rằng , nếu anh ta phi ngựa xa được chừng nào, nhà vua sẽ tặng cho anh ta phần đất đai đó. Sợ vua nuốt lời, kỵ sĩ vội vàng nhảy lên lưng ngựa và phi nhanh như tên bắn. Anh ta muốn có phần đất đai rộng lớn. Anh ta phi như điên , luôn tay thúc roi giục ngựa chạy nhanh. Đói khát, mệt mỏi, anh ta vẫn không dừng lại nghỉ ngơi. Anh ta muốn được càng nhiều đất đai càng tốt.
Khi chinh phục được một vùng đất rộng bao la thì cũng là lúc kỵ sĩ kiệt sức, ngã gục xuống. Trong phút giây cuối cùng trước khi nhắm mắt, trong đầu anh ta cứ mang mang câu hỏi: "Hà cớ gì mà mình lại phải cố gắng đến kiệt sức như thế này để lúc này xuôi tay nhắm mắt, mình cũng chỉ cần một rẻo đất nhỏ để nằm xuống?". ( Đại tá trở lên thì được cấp miễn phí bốn mét vuông, dân thường chỉ cần hai mét, mà phải bỏ tiền ra mua. Còn ông kỵ sỹ ơi, ông to hơn nên phải chừng năm mét vuông cơ đấy)
Câu chuyện kỵ sĩ cũng giống như hành trình trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta tự khoác lên cho mình áp lực làm việc, cố gắng kiếm thật nhiều tiền của, quyền lực và sự ngưỡng mộ.
Chúng ta thờ ơ với sức khỏe của chính mình. Rượu chè bê tha, bỏ bê những khoảng thời gian hiếm hoi ở bên cạnh gia đình yêu quý, không biết đến vẻ đẹp của cuộc sống hàng ngày xung quanh ta, quên đi những sở thích mà ta hằng đam mê.
Để đến một ngày, khi nhìn lại, nhận ra rằng chúng ta thật sự đâu có cần nhiều đến thế. Nhưng chúng ta cũng không thể nào quay lại để nhặt lấy những điều quý giá đã bỏ lỡ trong đời.
Tt tổng hợp các câu chuyện để đọc, vừa đọc vừa gật gù, thấy nó hay hay thì đăng lên đây để anh em đọc chơi cho vui, vốn tính triết lý chỉ để dành cho lớp trẻ, biết mà chiêm nghiệm. Mấy lão “ngồi mâm trên” như tụi mình tốt hơn cả là Khà khà, làm vài ly nhỏ mà phán “Biết rồi! khổ lắm! nói mãi” hè hè!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment