Phần hai
Con hổ chột
Ấn tượng về lần gặp gỡ với người đàn bà cô đơn ngày nào in dấu thật sâu đậm trong kí ức đến nỗi tôi dự định bất cứ khi nào đó có dịp, phải quay trở lại thăm chị như đã hẹn. Lần lữa mãi rồi thời cơ cũng đến. Đất nước đã vắng bóng thù. Tôi chuyển ngành về công tác trong một cơ quan dược phẩm. Lần này tôi được phân công đi tìm hiểu một số cơ sở sản xuất dược liệu. Rất may mắn là nơi sắp đến cũng chính là vùng đất năm xưa đã cùng tôi một thời gian gắn bó. Tôi xin thêm vài ba ngày phép rồi hồ hởi sắp xếp khăn gói lên đường. Trên chuyến xe cà khổ trực chỉ miền tây hôm đó khá ngột ngạt. Nắng như đổ lửa cùng với gió lào khô khốc thổi rát rạt qua mấy cái cửa sổ xe đang mở toang hoác. Nắng, gió và hơi người hút hết phần hơi nước ít ỏi còn lại trong không khí. Những cú xóc nảy lửa và tiếng động cơ ầm ì, đều đều làm hành khách mệt nhoài rồi dần lả đi vì mệt và nóng. Tôi để ý thấy người khách ngồi cùng dãy ghế nhưng ở phía bên kia có vẻ như không mấy bận tâm đến ngoại cảnh. Anh vẫn ngồi im lặng với vẻ trầm tư trên khuôn mặt rắn rỏi. Khác với phần lớn hành khách là người bản địa. Anh có dáng dấp của một cán bộ ban ngành nào đó cấp tỉnh đang về địa phương công tác. Ấy là tôi đoán mò vậy. Một cú xóc làm chiếc cặp da trên tay anh tuột xuống, nó rơi ngay gần chân mình nên tôi cúi nhặt trả anh. Người đàn ông cầm lại chiếc cặp rồi nở một nụ cười thiện cảm như tỏ vẻ cám ơn rồi nói:
-Đường xá ghê quá! Chắc phải vài năm nữa mới cải thiện được anh ạ.
-Vâng, thế này còn khá hơn hồi chiến tranh nhiều. Tôi nhận xét rồi hỏi:
- Anh về tận đâu vậy ?
- Tôi lên Bãi Vạc, Xiềng Khọ .
Đó cũng chính là địa danh tôi đang định đến ,khu vực đó nằm gần một bãi vàng nên tôi mỉm cười hỏi đùa anh:
-Chắc là định đi tìm vận may chăng?
-Vận may gì đâu anh. Tôi đang đi tảo mộ, hay có thể nói là một chuyến hành hương cũng được. Thế còn anh ? Người đàn ông hỏi lại tôi.
- À, tôi đi tìm người quen, cũng ở vùng bản Lác, chúng ta sẽ đi cùng đường đấy!
- Thế sao? May quá nhỉ, vậy chúng ta cùng đi cho vui .
Người đàn ông vui vẻ nói, trông anh có vẻ dễ gần và khá thân thiện, khác với vẻ lặng lẽ lúc trước. Tôi đoán là anh đang có nhiều tâm sự nên tò mò gợi chuỵên:
-Lúc nãy,thấy anh có vẻ trầm tư, chắc là vùng đất đó để lại trong anh nhiều kỉ niệm ?
-Anh nói đúng, thật sự là tôi có quá nhiều kỉ niệm ở xóm nhỏ ấy. Những hồi ức hạnh phúc và đau buồn luôn canh cánh, day dứt trong lòng ….
Và trên chặng đường dài còn lại. Thanh (tên người đàn ông ) bắt đầu nhỏ nhẹ kể cho tôi nghe câu chuyện của anh.
***
Xóm khai hoang nằm khiêm tốn trong một thung lũng nhỏ. Bao bọc xung quanh là những ngọn núi mà từ đó còn tầng tầng, lớp lớp những ngọn núi khác cứ cao dần lên mãi về phía tây. Dân trong xóm từ một vùng quê đồng bằng lên xây dựng vùng kinh tế mới. Cuộc sống nơi rừng thiêng nước độc thiếu thốn trăm bề khiến nhiều người bỏ cuộc , họ lại bồng bế dắt díu nhau về xuôi. Chỉ còn lại vài gia đình kiên định ở lại. Chịu thương chịu khó khai khẩn đất đai ,tạo dựng cơ ngơi. Cuộc sống dần dần từng bước ổn định .
Thơm và Thắm theo cha mẹ lên vùng kinh tế mới đã được vài năm. Họ là những phần tử trung kiên nhất còn bám trụ được ở miền quê mới. Sống giữa vùng sơn cước. Cả hai chị em cứ tự nhiên lớn lên như hai bông hoa dại giữa rừng đại ngàn. Đơn giản, hồn nhiên và rực rỡ. Trời phú cho họ vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Với làn da trắng hồng của hoa ban. Mái tóc đen dài của suối nguồn vô tận. Tâm hồn trong trắng, tính cách mạnh mẽ, hoang dã như vùng đất đã cưu mang và nuôi nấng họ lớn lên. Thơm vẫn còn mang một chút hơi hướng của dân vùng xuôi. Nàng thùy mị nết na và đảm đang, quán xuyến việc nhà. Thắm thì hoang dại hơn, không đằm thắm chút nào như tên nàng mà ngược lại, có phần bướng bỉnh và bồng bột, tinh nghịch. Tuy khác biệt tính cách nhưng cả hai lại rất thân nhau. Đến cả đi tắm cũng phải có chị có em. Cứ rả rích, khúc khích suốt ngày trăm thứ chuyện con gái không đầu không cuối khiến nhiều khi cha mẹ phải giơ roi dọa mới lè lưỡi lắc đầu ù té chạy đi làm nốt công việc.
Thời gian dần trôi. Dân xóm Mới sống trong bình lặng cho đến một ngày kia, tin tức về Bãi Vạc có vàng đã phá tan không khí thanh bình vốn có. Đẩy dân cư quanh vùng vào một vòng quay khắc nghiệt. Dân anh chị tứ xứ kéo về tìm cách đổi đời. Tệ nạn xã hội từ đó phát sinh ,cờ bạc,rượi chè hút xách, đĩ điếm nghiện ngập thôi thì đủ thứ làm mất trật tự, trị an một cách nghiêm trọng.
Thanh được công an huyện biệt phái về Bãi Vạc nắm tình hình giúp lãnh đạo địa phương có kế hoạch trấn áp tội phạm. Anh về ở nhà ông trưởng xóm trong vai một cán bộ địa chất. Nó có thể cho phép anh đi lại khắp nơi mà không bị kẻ xấu nghi ngờ. Mỗi lần vào bãi Vạc. Thanh thường phải đi qua nhà Thơm. Anh thường ghé vào thăm và trở thành người thân của gia đình lúc nào không biết. Dần dần theo thời gian,tình yêu đã đến với họ một cách tự nhiên như việc nó phải vậy.
Mạch chuyện của anh bạn đến đây thì chững lại. Dường như trong anh đang có một điều gì đó thật đau đớn đang diễn ra mà lúc này chỉ có anh mới hiểu. Tôi tôn trọng sự riêng tư của anh nên cũng không muốn gặng hỏi.
Xe đã đến bến cuối cùng, chúng tôi xuống xe. Từ đây, còn cuốc bộ chừng ba tiếng đồng hồ nữa mới vào đến Bãi Vạc. Bây giờ là giữa trưa ,nếu đi nhanh chắc chúng tôi có thể thoải mái thực hiện dự định của mình. Để phá tan không khí yên lặng,tôi đùa :
-Thế nào, liệu anh còn sức để đi bộ không đấy!
-À, đi được, tôi còn khỏe hơn anh ấy chứ.
Thế là chúng tôi xách hành lý bắt đầu cuộc hành trình.
Anh lại tiếp tục câu chuyện của mình. Đó là một bi kịch thực sự mà khi nghe anh kể xong tôi mới thấm thía được nỗi đau đớn của người đàn ông này.
Vì có lớp tập huấn nghiệp vụ nên tôi tạm rời Bãi Vạc một thời gian. Thanh kể, thật không ngờ buổi chia tay đêm đó lại là lần cuối cùng tôi được gặp nàng. Như có một linh cảm gì đó không lành. Thơm nhìn tôi như muốn giữ lại trong tâm trí nàng hình bóng người đàn ông mà nàng yêu dấu. Nàng nói những câu mà sau này,tôi mới biết là nàng đã có những dự cảm mất mát. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là một cuộc chia tay bình thường. Chắc chắn rồi tôi sẽ trở lại và chính vì điều đó đã làm tôi ân hận ,day dứt bấy lâu nay. Sau khi tôi ra đi,trong xóm người ta rủ nhau đi đãi thuê cho các chủ lò vàng. Tiền công khá hơn làm ruộng nên các cô gái trong xóm hăm hở tiến vào bãi. Hai chị em Thơm và Thắm cũng không ngoại lệ. Đi đãi thuê vừa vui vừa có tiền. Tai họa trút xuống đầu họ vào một ngày xấu trời.Sau khi xong việc ,trên đường về nhà Thơm chợt nhớ để quên chiếc khăn quàng cổ ,nàng bảo Thắm cứ về trước,nàng chạy ù đi lấy rồi sẽ về ngay. (còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment