Trang

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Về thăm quê ngoại



Có một khúc ca cứ ngân nga trong lòng tôi trên đường về thăm lại quê ngoại sau hơn năm chục năm xa cách. Vâng! quê tôi, làng quê nhỏ bình dị nép mình bên dòng Kiến giang hiền hòa gắn với một thời tuổi thơ êm đềm mà cũng không kém phần dữ dội của đứa con xa xứ này. 
Nửa thế kỷ vật đổi sao dời, ôi cái làng quê ngày xưa của tôi! Lần trở về này lại trong một điều kiện đặc biệt khi trận lũ lịch sử vừa qua đi để lại cho miền Trung những đau thương tiếp nối. Kết hợp với bạn bè làm một chuyến đi từ thiện, vừa tỏ tấm lòng đồng cảm với quê hương, vừa trở về nơi một thời đã quá xa trong kí ức. Làm gì mấy chục năm một đi không trở lại hở thằng tôi? Thật khó trả lời, lúc này đây, trong tôi đang dấy lên những nỗi niềm không giải thích được. Có ai không yêu quý làng quê nơi mẹ sinh ra ta? có ai không tràn đầy kỷ niệm với dòng sông bến nước gắn với một thời tuổi thơ hoang dại? Cũng như mọi người, trong lòng tôi không khi nào nguôi nỗi niềm thương nhớ vùng quê này, âu đó cũng là việc bình thường. Tuy nhiên đâu đó tận sâu thẳm lòng mình, con tim tôi vẫn trăn trở một điều khác biệt. Và phải chăng, chính vì nó mà quê hương dù là thân yêu đến vậy vẫn làm cho một đứa con xa xứ như tôi không ít ngập ngừng khi tìm đường trở lại. Đây vẫn là dòng sông, kia vẫn là bến nước, nơi tuổi thơ một thuở lang thang, ngụp lặn dưới dòng Kiến giang đầu tóc đỏ quạch. 

Đó vẫn là bến sông xưa đau đáu mắt nhìn ngóng mẹ tan chợ. Cái chợ Hôm bé tý ấy vẫn còn đó như một chứng tích cho nỗi oan của người mẹ thân yêu. Cánh đồng kia đang ngập tràn nước lũ cũng không thể xóa nhòa dấu bước chân con trẻ một thời chăn trâu mót lúa. Có những nơi rất muốn trở về nhưng cũng có nơi gặp lại làm con tim ta đau nhói. Một mảnh đất hiền hòa đang vang vang tiếng trẻ bi bô bỗng nhòa đi trong mắt tôi để trở về là một bãi đất chứa những đám đông hò hét. Những tiếng hô "đả đảo..." những cánh tay cầm đuốc sáng rực lên xuống theo nhịp hướng về đám địa chủ đang co rúm lại vì sợ hãi. Mẹ và tôi cũng trong đám đó, mặc dù bà là cán bộ phụ nữ tỉnh, và bố tôi đang là cán bộ quân đội chiến đấu đâu đó trong chiến khu. Một hoàn cảnh éo le khó giải thích mà mẹ con tôi bất đắc dĩ trở thành nạn nhân bị đấu tố cùng gia đình bà ngoại. Trước mắt tôi, hình ảnh người đàn ông làm công việc chủng đậu hiện ra với câu nói :" Thằng ni con địa chủ hỉ?" kèm theo đó là nhát rạch đau nhói lên cánh tay bé nhỏ đen đủi mà vết sẹo sáu mươi năm sau vẫn toang hoác như minh chứng cho một sự hờn căm giai cấp không khoan nhượng. Ông ta ở đâu sau những ngôi nhà đã ngói hóa kia? dù còn hay mất thì hẳn là ông ta cũng sẽ không bao giờ biết rằng tôi sẵn sàng tha thứ cho hành động cực đoan đó, bởi một lẽ đơn giản và buồn cười rằng rất có thể, tôi với ông ta thực ra là cùng một chiến tuyến, một chiến tuyến mà tôi không có quyền lựa chọn.


Ngôi nhà này, tôi đang đứng cùng cô em con bà dì và bạn tôi, chúng tôi đang đứng trên mảnh đất của ông bà tôi, một địa chủ làng mà cơ ngơi được dựng nên bằng chính bàn tay và khối óc của mình, tất cả chỉ còn có vậy, vài ba chục mét vuông như một sự ban ơn của chế độ mới với vài người con trong nhà đã tham gia kháng chiến. Sợ bạn buồn nên tôi không kể. Dòng sông xinh đẹp phía trên kia chính là nơi mẹ tôi nhảy xuống tự vẫn trong nỗi thất vọng vì bị mất con. Ngồi như con chuột trên chiếc poocpaga xe đạp mà người ta bắt tôi đi để trả lại cho người cha bộ đội. Tôi ngoái lại nhìn mẹ đang chấp chới trong làn nước, hai cánh tay bà khua khoắng như muốn kéo tôi lại trong vô vọng. Hình ảnh đó in dấu thật sâu đậm trong kí ức con trẻ của tôi đến nỗi gần sáu chục năm sau vẫn như đang hiển hiện trước mặt. Nếu như không có đôi chút hài hước trong câu chuyện thì thật khó nói điều gì sẽ xảy ra, số là mẹ tôi là dân sông nước, bà bơi rất giỏi nên không bị chìm, nếu bà chọn cách khác thì có lẽ tôi đã là kẻ mồ côi mẹ từ lâu! 
Vĩ thanh, ba năm trước gia đình chúng tôi nhận được một tấm bằng " Người có công - Lão thành cách mạng " cho ông địa chủ đã chết trong lao tù của đồng đội, tấm bằng không thể kéo được một gia đình đông đúc tứ tán khắp thế giới trở về sau những vụ đấu tố khủng khiếp hồi đó.
Lần trở về thật nhiều cảm xúc, và như một lời biết ơn bạn bè đã có nhã ý tổ chức chuyến đi, xin tặng những người thân thiết bài viết này với tất cả tấm lòng và tình cảm thân thương nhất.

Bến sông quê tôi

Nơi mẹ sinh ra tôi
Xóm nghèo ven một dòng sông nhỏ
Tuổi thơ trôi êm đềm
cùng dòng nước hiền hòa qua những bến sông.

Ơi bến sông quê tôi!
bến sông quê tôi những chiều mùa hạ.
Bến sông quê có bụi tre già
xõa rễ xuống dòng sông.
Có lũ bé con cởi truồng tồng ngồng
lội xuống bến sông thỏa sức vẫy vùng.
thuyền ai về bến, những cô dì đầy suy tư

Mẹ tôi mệt nhừ vừa rời phiên chợ
Ôm lấy đầu con hít mùi khét nắng
mắt mẹ xa xăm.
Mẹ mơ có ngày đổi đời, mẹ đưa tôi lên đường
Mẹ cũng rời bến sông!
Ơi con sông quê tôi  bến sông quê tôi
Ai đi xa mà không có một lần nhớ về dòng sông quê mình.
Mẹ ơi! mẹ ơi!
Con mơ có ngày đưa mẹ trở về
thăm lại quê mình,
Thăm lại bà con. Thăm lại cánh đồng
ngô vàng chắc hạt
lúa vàng sai bông.
Thăm lại bến sông thăm lại dòng sông.
Có con đò cắm sào
đứng đợi người đi
sao mãi chưa trở về
với con đò
 với câu hò khoan nhặt hò khoan!
"...Ta lý khoan ta hò khoan.."




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment