Trang

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

CA KHÚC KHÔNG CÓ CHIẾN TUYẾN



*
Trời thu Hà nội sáng nay đẹp lắm, sực nhớ mấy câu thơ bác Lành
"..Tháng Tám mùa thu xanh thẳm
Mây nhởn nhơ bay
Hôm nay ngày đẹp lắm!
Mây của ta, trời thẳm của ta
Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà! ..."

Cũng biết là còn lâu mới phấn đấu đến thời Việt nam dân chủ cộng hòa nhưng cảm cái thơ 'Mây nhởn nhơ bay" mà tạm quên đi cái thời bác ý Bắn :
Ðại bác ta sau rèm tre nghểnh cổ
Trông xuống khoanh đồi đỏ
Ngon như một đĩa thịt bò tươi
Dưới kia chúng nó đang cười
Cười đi nhé, chúng bay ơi, rồi chết!

Để trong một sớm an bình này, ngồi nghe lại mấy bài nhạc...vàng và ngẫm nghĩ. Không hiểu sao giai điệu bài Gĩa từ vũ khí của Nhật Ngân cứ vướng vất mãi:
"...Trả súng đạn này
khi sạch nợ sông núi rồi
Anh trở về quê, trở về quê
Tìm tuổi thơ mất năm nao..
Vui cùng ruộng nương,cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau.
Với con đê có chiếc cầu tre..
Đã bao năm vắng chân anh
Nên trở thành hoang phế rong rêu..
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa..
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về..
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em..
Với miếng cau với miếng trầu..
Ta làm lại từ đầu.."

Những suy nghĩ vụn cứ lẳng lặng trở về theo từng lời ca.
Điều mà Nhật Ngân nói trong Gĩa từ vũ khí cũng chính là tiếng lòng, là ước ao không chỉ của riêng ai, dù bạn cầm súng AK 47 hay AR 15 cũng vậy thôi. Những tâm hồn lính non trẻ, đi vào cuộc chiến với mục đích lý tưởng khác nhau, khi đối mặt với bom đạn mất mát hàng giờ hàng ngày. Những viên đạn, những quả trái phá sản xuất từ nước ngoài phá hủy đất nước Việt, con người và tâm hồn Việt thì dù đứng ở chiến tuyến nào, niềm mong mỏi chấm dứt chiến tranh, người lính trở về với gia đình, dựng lai ngôi nhà, phung dưỡng cha mẹ, xây dựng hạnh phúc với người yêu dấu vẫn trăn trở và nhức nhối như nhau.
Nghĩ cứ thấy buồn cười. Nhật Ngân là sỹ quan Tâm lý chiến của quân đội mền Nam, khi viết bài hát này không biết là anh hướng đến đối tượng nào, nhiệm vụ của NN là tác động lên tâm lý nhớ nhà để phản chiến của bộ đội miền Bắc, thế nhưng có vẻ như lính Bắc vẫn hát mà chẳng bị tác động bao nhiêu mà có lẽ các bạn lính Nam thời đó khi ủ rũ trong những chiến hào ngập nước, lòng hướng về quê nhà có người thân đang ở gần gần đâu đó, tai nghe miệng nhấp nháy hát theo ca từ:
" Anh trở về quê, trở về quê....
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa..
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về..
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em..
Với miếng cau với miếng trầu.. "

Thì chỉ muốn quẳng hết đi để về với người thân, với cô em đang chờ dưới nhành cây trứng cá, hic! có vẻ như tác dụng ngược nhỉ anh Nhật Ngân.
Có lẽ, một bộ phận không nhỏ lính Bắc thời đó vẫn dấm dúi nghe nhạc vàng Mặc cho những cấm đoán và thậm chí là tù tội, những ca khúc mang nội dung tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa được viết và thể hiện dưới những hình thức khác với âm nhạc miền Bắc vẫn âm thầm được một bộ phận thanh niên nghe, chép lại và hát ở những nơi riêng tư. Chủ quan của tôi vẫn cho rằng đơn giản là họ chỉ thích những giai điệu mềm mại, ca từ trữ tình và nhân văn mà thôi, nếu nói rằng bị tác động bởi dòng nhạc đó mà phản chiến, hay có hành vi tình yêu, tình dục lệch lạc, văn hóa suy đồi theo cách nghĩ của các nhà tư tưởng cộng sản thì chưa đúng. Nực cười là những bài hát đó vẫn có sức sống và đàng hoàng bước chân lên đủ các loại sân khấu ngày nay.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment