Trang

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Một chút, về "Bóng chữ" của Lê Đạt


*
  Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, Sinh năm 1929, tại Trấn Yên, Yên Bái, mất tháng 4 năm 2008 tại Hà nội.
Tác phẩm Lê Đạt:
Bài thơ trên ghế đá (chung với Vĩnh Mai, 1958)
36 bài thơ tình (chung với Dương tường, 1990)
thơ Lê Đạt - Sao Mai (chung với Sao Mai, 1991)
Bóng chữ (1994)
Hèn đại nhân (1994)
ngó lời (1997)
truyện cổ viết lại, nxb trẻ, 2006
Mi là người bình thường, nxb phụ nữ, 2008
Đối thoại với đời và thơ, nxb trẻ, 2008
U 75 từ tình, nxb phụ nữ, 2008
Đường chữ, nxb Hội nhà Văn, 2009


Bóng chữ - Lê Đạt

Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu

   Lê Đạt : “…Tôi đã nỗ lực rất nhiều để trở thành một kẻ rồ chữ. Tôi xin được phép nhắc lại một lần nữa. Người làm thơ hoạt động ở những vùng biên ngôn ngữ rất giống một người điên.Cái khác biệt giữa họ nằm ở chỗ người điên thì vượt biên đi thẳng tới cõi vô thức hoàn toàn của đêm tối mù mịt và ở lại đó, còn người làm thơ thì loạng choạng bước một vài bước sang cõi vô thức thì ngừng lại và biết đằng sau quay, trở về với cõi ngày của ý thức sau khi đã lượm dăm mảng đêm của vô thức để mở rộng địa giới của chơi chữ. Làm thơ không chỉ đòi hỏi sự buông lỏng mà còn một cảnh giới thượng thừa
  Lê Đạt là một trong những trụ cột của nhóm Nhân văn- Giai phẩm. Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm là phong trào được cho là có xu hướng chính trị, đòi tự do dân chủ của một số văn nghệ sĩ và trí thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi xướng đầu năm1955 và bị chính thức dập tắt vào tháng 6 năm 1958.
Số phận của Lê Đạt, cũng như các thành viên cốt cán của phong trào này là ngục tù và cải tạo lao động, các hình thức kỷ luật dành cho họ khá nặng nề. Khai trừ Đảng, tịch thu các xuất bản phẩm. Hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm bị đưa đi học tập cải tạo về tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Một số bị treo bút một thời gian dài: Lê Đạt, Trần Dần, số khác không tiếp tục con đường sự nghiệp văn chương, thậm chí có người bị giam giữ trong một thời gian dài và tiếp tục bị giám sát trong nhiều năm sau khi mãn tù như trường hợp Nguyễn Hữu Đang. Tháng 8 năm 1958, Lê Đạt chính thức bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn và đình chỉ xuất bản trong thời hạn 3 năm. Thực tế hình phạt 3 năm đã kéo dài 30 năm, cho đến năm 1988, khi ông được phục hồi tư cách hội viên Hội Nhà văn và quyền xuất bản. Năm 2007, cùng với ba nhà thơ khác của Phòng trào Nhân văn-Giai phẩm là Trần Dần, Phùng Quán và Hoàng Cầm, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Người ta nói ông đã gói gém cả cuộc đời thơ của mình vào mấy cái tên “phu chữ”, “bóng chữ”, và “đường chữ" . Lao động văn chương, qua lời Lê Đạt, quả là một công việc nặng nhọc như người nông dân cày bừa trên cánh đồng, một nắng hai sương để có vụ mùa trĩu hạt. Chữ nghĩa cũng như con người đi ngoài nắng, đổ mồ hôi để có chiếc bóng nhạt nhòa, hư ảo và có lẽ cũng vô thường nữa. Quan niệm của Lê Đạt, chữ nghĩa cũng như con đường dài, ngắn, bằng phẳng, gập gềnh, lên cao, xuống thấp, đi đến tận cùng con đường đó để có một tác phẩm văn, thơ hoàn hảo thật không dễ dàng. Người làm văn học phải hết sức nỗ lực là vì thế.
 Lê Đạt làm nhiều thơ, văn. Tập thơ Bóng chữ được ông xuất bản năm1993, khi Hội Nhà văn chủ trương xuất bản cho những nhà thơ vừa được “phục hồi” mỗi người một tập thơ. Hoàng Cầm cho in tập 'Về Kinh Bắc', tập thơ trước đó đã đưa ông vào vòng tù tội. Phùng Quán cho in 'Thơ Phùng Quán'. Trần Dần, tập 'Cổng tỉnh', một tiểu thuyết thơ và Lê Đạt cho in tập 'Bóng chữ'.
 Cả tập thơ được ông viết trong khoảng 30 năm (1964 - 1994) và gây khá nhiều tranh cãi ồn ào trên các diễn đàn Văn học, và theo như ông nói thì rất ít người hiểu được thơ ông, và mình nghĩ chắc thế nên sẽ còn những tranh luận dài dài về cái gọi là thơ "Tạo sinh" của ông. 'Bóng chữ' được Lê Đạt đặt tên theo bài thơ ngắn đã dẫn ở trên. Văn Đàn đã có rất nhiều bài viết bình luận, phê bình bài thơ này, có thể nói những lời hay ý đẹp, ngóc ngách tâm tư, mặt trước mặt sau của tác phẩm đã được lột tả đầy đủ, tưởng chẳng còn gì để nói.
 Riêng tôi, khi đọc bài thơ, hai câu đầu đã đi vào tâm thức như một dấu ấn sâu đậm, không có gì cao siêu cả, chẳng qua hai câu đó đã nói hộ lòng tôi rất nhiều điều. Ở đây không có Bóng chữ nữa, mà nó là một hiện thực, một hiện thức đau xót mà khi đọc thơ Lê Đạt con tim mình bỗng nhói đau, và tiếc nuối.
"...Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ..."
Gặp gỡ và chia xa, cũng bình thường trong cuộc đời này, anh bạn tôi rất tâm đắc với câu thơ của Yến Lan..."Rồi năm tháng cách xa /Thành công chen thất bại/Có nỗi buồn khỏe ra /Có niềm vui chạnh mãi..." Gặp gỡ thường đem lại niềm vui, nhưng quả thật cũng có những niềm vui gặp gỡ làm lòng ta không yên, đó là khi ta gặp một người bạn, buổi đầu giáp mặt không để lại mấy ấn tượng, nhưng khi đã xa cách ta mới nhận ra là dường như đã đánh mất một điều gì thật quý báu, niềm vui đó chạnh mãi là vì vậy chăng?
 Trở lại với câu thơ của Lê Đạt, 'thời thơ thiếu' nhỏ đọc lên có một âm hưởng lạ, tưởng là 'thơ' trong tuổi thơ, 'thiếu' trong thiếu nhi thì cũng là cái tuổi ô mai, khăng đáo thôi, nhưng sự ngây thơ, trong trắng, chân thành, tình cảm vằng vặc như trăng sao trên trời, không bợn chút tục lụy trần ai mới thực hiển hiện trong ba chữ đồng từ ấy. Lê Đạt diễn đạt bằng thơ sự nuối tiếc rằng khi đã xa nhau, anh mới nhận ra rằng đã không nhận ra ngay vốn quý tiềm ẩn trong "em" ấy. Có thể vì thế ông đã mất "em" một thời gian để nỗi đau đủ vò xé con tim ông, góp phần cày cuốc vào con chữ để có:"...Chia xa rồi anh mới thấy em/Như một thời thơ thiếu nhỏ..."
Tuy nhiên, Lê Đạt, với những câu thơ tiếp theo, đủ để ta cảm nhận được rằng dù vậy, ông vẫn có được hạnh phúc với người ông yêu, tôi không có đủ nghị lưc để phân tích câu thơ sau của ông, bởi nó siêu nhiên quá, em của ông đã trở về, và như mọi cuộc tình, sự yêu đi đến cực điểm bằng cách nó phải có, nhưng ông tả người yêu đẹp quá, gọn gàng quá, cái mà người ta tả đầy vị phồn thực được ông nói trong có mấy chữ: ".. trắng đầy cong khung nhớ" Trắng, đầy, cong là đủ rồi, còn cần gì hơn nữa đây? cái đóa hoa đời mọi kẻ đàn ông đều mê mệt ấy!!! có gì hơn để "..Mưa mấy mùa, mây mấy độ thu." Ôi cái ý nhị trong chuyện mây mưa, mấy ai nói ra mà khỏi vòng tục lụy chứ!!! 
  Cám ơn Lê Đạt, đọc lại thơ của tiền bối để thấu hiểu và cũng để tìm sự an ủi. Thi nhân tài ba đến thế còn đôi khi hối hận vì không thấy vẻ đẹp của hoa, huống gì ta, một kẻ võ biền, tiếc nuối vì không biết níu giữ tình yêu âu cũng là sự thường, một sự thường không dễ chịu chút nào

Bài hát từ nguồn NCT

Nỗi Đau Muộn Màng-(Ngô Thụy Miên)
Mưa rơi là nước mắt tình đã phai rồi
Mây trôi là nỗi nhớ tiếc thương mà thôi
Hạnh Phúc sao mắt môi em còn chơi vơi
Sao trái tim anh còn chưa nguôi
Những xót xa một thời

Mong manh đời như lá vàng úa trên cành
Long lanh giọt lệ ấm khóc cho tình xanh
Còn đấy bao tháng năm âm thầm em mang
Bao vấn vương cho đời thênh thang
Những nỗi đau muộn màng

Anh nhớ có mùa thu mây giăng lối
Cơn mưa buồn tóc rối ướt bờ môi
Em đã trao anh nụ hôn đầu vòng tay ấm vui
Anh hát cho em bài tình ca khôn nguôi!

Lang thang tìm đâu thấy người đã đi rồi
Mênh mang đường phố vắng bước chân lẻ loi
Người hỡi em có nghe lá vàng rơi rơi
Em có hay khi mùa thu tới
Ta mất nhau một đời.
                             Trình bày: Nguyễn Đình Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật ký TQtrung hoan nghênh những lời góp chân thành, bạn cần dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, các lời góp ND đều bị Google cho là spam và tự động bị xóa. Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment