Trang

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Tiếu lâm

Thượng tá  công an  hồi hưu C sau một chầu cầy tơ rượu sâu chít bèn nhẩn nha kể: Tao có bận sang Đức tập huấn nghiệp vụ, ngày nghỉ mò ra bãi biển chơi, gặp một chú bé được bố mẹ đưa đi "tắm tiên". Đến bãi tắm, thấy một chị có bộ ngực đồ sộ,  nó mới hỏi: - Sao của chị kia to vậy?". Bà mẹ xấu hổ: - Con đừng nhìn, những người như vậy là những người rất đần. Chú bé lại chỉ vào "của quí" một ông hỏi: - Sao của chú kia to vậy? Bà mẹ đỏ mặt: - Những người đó rất ngu, con đừng nhìn. Một lúc sau không thấy chồng đâu, bà mẹ bảo chú bé đi tìm. Chú đi một hồi rồi trở về nói với mẹ: - Con thấy bố đang nói chuyện với một cô rất đần, càng nói thì trông bố càng ngu!!
***
Giám đốc DM dẫn em S và trợ lý Hđi Vũng Tầu đổi gió
 Sau khi tắm biển xong cả ba lên bờ tắm nắng. Cho trợ lý Hờ mờ ngồi chầu rìa, DM hốt cát đổ lên hai đùi em S mỗi bên một con số 5 và hỏi:
- Đố em đây là số mấy
Em S: số 55
Không phải: -Đó là 505
Em S cũng hốt cát đổ lên hai đùi DM mỗi bên một số năm và hỏi:
- Còn đây số mấy?
DM  trả lời: 515
Em S: Làm gì được thế,  chỉ 5,5 thôi.
!!!!
***
Tiến sỹ, Bác sỹ T được mời thỉnh giảng tại Đại học Y. Đang giảng bài về " Giải  phẫu  người "  cho SV năm 1. Nhìn xuống cuối lớp thấy 2 nữ sinh viên đang nói chuyện riêng, thầy T bực lắm nhưng nhẹ nhàng nói:
Thầy: Này hai em giờ học sao lại nói chuyện riêng thế!
Rồi chỉ vào một cô hỏi: Em hãy nói cho cả lớp nghe - bộ phận nào trên thân thể con người khi trương nở thể tích của nó gấp 3 lần bình thường?
Sv: Thẹn đỏ mặt ấp úng... thưa thầy! thưa thầy...và im luôn.
Thầy T:
-Tôi xin nhắc lại để cả lớp nghe đó là phổi, khi hít không khí đầy, thể tích gấp 3 lần bình thường.
Thầy trừng mắt nhìn 2 cô SV rồi nói tiếp:
-Còn cái đó hả, nó sẽ gấp sáu lần bình thường nghe chưa? không chịu học hành mà suốt ngày ngồi nghĩ bậy!!!!!
***

He he! Bọ sưu tầm và bịa ra đó nha! không phải thật đâu!

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Về thăm quê ngoại



Có một khúc ca cứ ngân nga trong lòng tôi trên đường về thăm lại quê ngoại sau hơn năm chục năm xa cách. Vâng! quê tôi, làng quê nhỏ bình dị nép mình bên dòng Kiến giang hiền hòa gắn với một thời tuổi thơ êm đềm mà cũng không kém phần dữ dội của đứa con xa xứ này. 
Nửa thế kỷ vật đổi sao dời, ôi cái làng quê ngày xưa của tôi! Lần trở về này lại trong một điều kiện đặc biệt khi trận lũ lịch sử vừa qua đi để lại cho miền Trung những đau thương tiếp nối. Kết hợp với bạn bè làm một chuyến đi từ thiện, vừa tỏ tấm lòng đồng cảm với quê hương, vừa trở về nơi một thời đã quá xa trong kí ức. Làm gì mấy chục năm một đi không trở lại hở thằng tôi? Thật khó trả lời, lúc này đây, trong tôi đang dấy lên những nỗi niềm không giải thích được. Có ai không yêu quý làng quê nơi mẹ sinh ra ta? có ai không tràn đầy kỷ niệm với dòng sông bến nước gắn với một thời tuổi thơ hoang dại? Cũng như mọi người, trong lòng tôi không khi nào nguôi nỗi niềm thương nhớ vùng quê này, âu đó cũng là việc bình thường. Tuy nhiên đâu đó tận sâu thẳm lòng mình, con tim tôi vẫn trăn trở một điều khác biệt. Và phải chăng, chính vì nó mà quê hương dù là thân yêu đến vậy vẫn làm cho một đứa con xa xứ như tôi không ít ngập ngừng khi tìm đường trở lại. Đây vẫn là dòng sông, kia vẫn là bến nước, nơi tuổi thơ một thuở lang thang, ngụp lặn dưới dòng Kiến giang đầu tóc đỏ quạch. 

Đó vẫn là bến sông xưa đau đáu mắt nhìn ngóng mẹ tan chợ. Cái chợ Hôm bé tý ấy vẫn còn đó như một chứng tích cho nỗi oan của người mẹ thân yêu. Cánh đồng kia đang ngập tràn nước lũ cũng không thể xóa nhòa dấu bước chân con trẻ một thời chăn trâu mót lúa. Có những nơi rất muốn trở về nhưng cũng có nơi gặp lại làm con tim ta đau nhói. Một mảnh đất hiền hòa đang vang vang tiếng trẻ bi bô bỗng nhòa đi trong mắt tôi để trở về là một bãi đất chứa những đám đông hò hét. Những tiếng hô "đả đảo..." những cánh tay cầm đuốc sáng rực lên xuống theo nhịp hướng về đám địa chủ đang co rúm lại vì sợ hãi. Mẹ và tôi cũng trong đám đó, mặc dù bà là cán bộ phụ nữ tỉnh, và bố tôi đang là cán bộ quân đội chiến đấu đâu đó trong chiến khu. Một hoàn cảnh éo le khó giải thích mà mẹ con tôi bất đắc dĩ trở thành nạn nhân bị đấu tố cùng gia đình bà ngoại. Trước mắt tôi, hình ảnh người đàn ông làm công việc chủng đậu hiện ra với câu nói :" Thằng ni con địa chủ hỉ?" kèm theo đó là nhát rạch đau nhói lên cánh tay bé nhỏ đen đủi mà vết sẹo sáu mươi năm sau vẫn toang hoác như minh chứng cho một sự hờn căm giai cấp không khoan nhượng. Ông ta ở đâu sau những ngôi nhà đã ngói hóa kia? dù còn hay mất thì hẳn là ông ta cũng sẽ không bao giờ biết rằng tôi sẵn sàng tha thứ cho hành động cực đoan đó, bởi một lẽ đơn giản và buồn cười rằng rất có thể, tôi với ông ta thực ra là cùng một chiến tuyến, một chiến tuyến mà tôi không có quyền lựa chọn.


Ngôi nhà này, tôi đang đứng cùng cô em con bà dì và bạn tôi, chúng tôi đang đứng trên mảnh đất của ông bà tôi, một địa chủ làng mà cơ ngơi được dựng nên bằng chính bàn tay và khối óc của mình, tất cả chỉ còn có vậy, vài ba chục mét vuông như một sự ban ơn của chế độ mới với vài người con trong nhà đã tham gia kháng chiến. Sợ bạn buồn nên tôi không kể. Dòng sông xinh đẹp phía trên kia chính là nơi mẹ tôi nhảy xuống tự vẫn trong nỗi thất vọng vì bị mất con. Ngồi như con chuột trên chiếc poocpaga xe đạp mà người ta bắt tôi đi để trả lại cho người cha bộ đội. Tôi ngoái lại nhìn mẹ đang chấp chới trong làn nước, hai cánh tay bà khua khoắng như muốn kéo tôi lại trong vô vọng. Hình ảnh đó in dấu thật sâu đậm trong kí ức con trẻ của tôi đến nỗi gần sáu chục năm sau vẫn như đang hiển hiện trước mặt. Nếu như không có đôi chút hài hước trong câu chuyện thì thật khó nói điều gì sẽ xảy ra, số là mẹ tôi là dân sông nước, bà bơi rất giỏi nên không bị chìm, nếu bà chọn cách khác thì có lẽ tôi đã là kẻ mồ côi mẹ từ lâu! 
Vĩ thanh, ba năm trước gia đình chúng tôi nhận được một tấm bằng " Người có công - Lão thành cách mạng " cho ông địa chủ đã chết trong lao tù của đồng đội, tấm bằng không thể kéo được một gia đình đông đúc tứ tán khắp thế giới trở về sau những vụ đấu tố khủng khiếp hồi đó.
Lần trở về thật nhiều cảm xúc, và như một lời biết ơn bạn bè đã có nhã ý tổ chức chuyến đi, xin tặng những người thân thiết bài viết này với tất cả tấm lòng và tình cảm thân thương nhất.

Bến sông quê tôi

Nơi mẹ sinh ra tôi
Xóm nghèo ven một dòng sông nhỏ
Tuổi thơ trôi êm đềm
cùng dòng nước hiền hòa qua những bến sông.

Ơi bến sông quê tôi!
bến sông quê tôi những chiều mùa hạ.
Bến sông quê có bụi tre già
xõa rễ xuống dòng sông.
Có lũ bé con cởi truồng tồng ngồng
lội xuống bến sông thỏa sức vẫy vùng.
thuyền ai về bến, những cô dì đầy suy tư

Mẹ tôi mệt nhừ vừa rời phiên chợ
Ôm lấy đầu con hít mùi khét nắng
mắt mẹ xa xăm.
Mẹ mơ có ngày đổi đời, mẹ đưa tôi lên đường
Mẹ cũng rời bến sông!
Ơi con sông quê tôi  bến sông quê tôi
Ai đi xa mà không có một lần nhớ về dòng sông quê mình.
Mẹ ơi! mẹ ơi!
Con mơ có ngày đưa mẹ trở về
thăm lại quê mình,
Thăm lại bà con. Thăm lại cánh đồng
ngô vàng chắc hạt
lúa vàng sai bông.
Thăm lại bến sông thăm lại dòng sông.
Có con đò cắm sào
đứng đợi người đi
sao mãi chưa trở về
với con đò
 với câu hò khoan nhặt hò khoan!
"...Ta lý khoan ta hò khoan.."




Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Bạn của tôi

Những người bạn của tôi

Tóc đã bạc.
Da đã nhăn.
mắt cũng kém lắm rồi
Vậy mà chúng gặp nhau vẫn mày tao chí tớ
Chọc gẹo, vui đùa như thuở mới đôi mươi


Chúng tôi gặp nhau từ năm tháng xa xưa
Một lũ nhóc từ thành phố lên rừng lập trại
giản dị thôi mà vẫn còn nhớ mãi
Những tên xóm,
tên làng,
những con suối, gốc đa
Nhớ làm sao năm tháng ấy- xa nhà.
Khoác trên mình một niềm mong ước lớn
Bộ quân phục màu xanh rêu của mẹ của cha
một đời chiến chinh
để lại cho con
bước tiếp
chặng đường xa.
Những thằng bạn của tôi,
Những cô bạn của tôi
Con đường của ông
của cha
đã bước hết rồi
Đã về vườn với những thú vui bình dị
Hay còn bước đi, thất thểu nốt chặng đường
đều còn ngổn ngang trăm điều
suy nghĩ!
trằn trọc , âu lo
Về những điều to tát
lẫn những điều bé mọn
Ôi những tấm lòng kiên trung
Như sao Khuê chiếu tỏ
Mạnh mẽ đứng bên đời
Vượt hết những bão dông
Để lại là mình
những con người nhân ái, bao dung


Ôi lũ bạn của tôi
Cũng có thằng tính ngang, chọc ngoáy lung tung
Nhưng nó cũng đứng đắn như cột đèn ngoài phố
Có những thằng đạo mạo rõ dáng cấp “côi”
Nhưng cũng có lúc thấy gái như mèo thấy mỡ
cũng có thằng vẫn hăng hái múa kiếm khoa đao
mà cũng có thằng bỗng nhiên biến thành cố đạo!
Có thằng ngày xưa hiền lành ít nói mà bây giờ văng miểng tùm lum
Đù má đù cha thoải mái văng ra ồn ào như chợ
Cũng có thằng bỏ vợ
Cũng có thằng mất con
Có thằng là ông nọ bà kia
Bỗng có ngày thành thằng thất nghiệp mở quán bán bia
Có thằng cắt tóc vỉa hè, nắng mưa góc phố
Có thằng ngạo nghễ nhìn đời mà lắc túi nửa ngày không ra ba xu kẽm
Cũng có thằng thâm trầm ví von nhưng công nhận tài nghệ trên đời hiếm thấy
Có thằng chuyên ngủ ngáy
Lại có thằng ham bơi!
Có thằng thích vi vu trên trời
Lại có thằng chuyên lò dò đáy biển
Kể sao đây cho hết, những thằng bạn của tôi!
Dù làm sao thì thằng nào cũng tốt
Cứ gặp nhau là hào sảng, quên đời
Votka rót ra cứ uống đến mềm môi
Giọng hảo hán oang oang như muốn chọc trời khuấy nước.
Bạn dễ tìm nhưng thân thì khó được
Tình nghĩa dài lâu mấy chục năm đâu phải dễ tìm ra?
Vui lên đi! mấy anh bạn sắp già.
Nâng ly lên, mừng một ngày mới đến!
Chúng mày đừng tai biến
Chúng mày đừng ung thư
Đừng bị gút đừng Azaymer
đừng tiểu đường, đừng mỡ nhiều trong máu
Thế là khoẻ ,
sống lâu cùng con cháu.
Lời quê rông dài, toàn lời liến láu
Tặng bạn bè, đọc cho vui lúc bóng xế tàn canh.