Trang

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Ca khúc "Nghĩa tình đồng đội"

***
Đồng đội! họ bên nhau trước mũi súng quân thù, họ chia nhau mẩu thuốc hút dở, đau vết thương của bạn, nhảy cỡn lên với niềm vui của nhau, lo cho nhau cả đến cái quai dép bị đứt, những điều tầm thường và cả những điều to tát. Có đồng đội nằm lại giữa rừng và có đồng đội được trở về chốn phồn hoa đô hội.
Không bao giờ họ hết nghĩ về nhau
Tôi vô cùng cảm phục họ, những người lính đã trở về nhưng vẫn không quên đồng đội mình vẫn còn nằm lại đâu đó trên những cánh rừng đại ngàn hay trên những trảng cỏ ngập đất đỏ bazan, không quản ngại tuổi cao sức yếu vẫn hăng hái lên đường với hy vọng tìm lại hài cốt bạn mình đưa trở lại quê hương.
Điều tốt nhất tôi có thể làm được là ca ngợi họ, những đồng đội của tôi bằng những ca khúc mộc mạc mà tôi vẫn thường thầm hát trong lòng mình.(nháy chuột trái vào ảnh để xem bản to hơn)

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

Hữu Loan và bài thơ"Màu tím hoa sim"


  Chỉ riêng với bài thơ "Màu tím hoa sim", nhà thơ Hữu Loan đã xứng đáng có một vị trí hàng đầu trong nền thi ca Việt nam. Chưa có ai bầu chọn cho ông, và rồi có lẽ cũng sẽ chẳng có một cuộc bầu chọn như vậy, nhưng chắc chắn trong lòng người yêu thi ca sẽ còn nhớ mãi về ông, người đã viết lên những dòng thơ đi sâu vào tâm hồn người đọc. Không phải ngẫu nhiên mà có ít nhất hai thế hệ người Việt Nam đã đồng cảm với ông, phải chăng những mất mát ,đau thương của ông cũng là của chính họ. Bài thơ chỉ là cảm xúc đau đớn của ông khi mất người vợ trẻ yêu dấu nhưng nó đã nói lên được tiếng lòng của rất nhiều những con tim bị bóp nát bởi chiến tranh. Thực ra, chỉ có những đất nước bị chiến tranh tàn phá, những dân tộc bị đày đoạ, chém giết triền miên, những dân tộc mà từng có một thời trông ngóng hoà bình trong vô vọng thì mới có thể viết lên được những dòng thơ đau đớn, ngậm ngùi và thương cảm đến vậy. Nỗi đau của Hữu Loan không dừng lại ở những mất mát hữu hình, nỗi đau của ông còn tái diễn trong một hình thái khác, cũng có thể nói là ông cực đoan khi có phản ứng khá gay gắt trước cách xử sự của những người đã từng là đồng đội của ông. Thái độ đó của ông là có thể hiểu được, điều không thể hiểu được là cách mà người ta đã làm ngày đó và ngay cả bây giờ khi có ai đó vẫn cố tình "nhuộm màu cho những tác phẩm không màu"

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Kinh Đồng đội

***
Bản phổ nhạc bài thơ "Kinh đồng đôi" tôi viết để dành tặng các đồng đội của tôi, những liệt sỹ đã nằm lại trên các chiến trường, trong số họ, cũng có người đã được đưa về quê hương, nhưng cũng có người vẫn còn nằm lại mãi mãi ở những miền đất xa xôi. Bản nhạc này là những nén hương mà tôi muốn thắp lên để cầu mong cho linh hồn của họ, những đồng đội, những bạn bè thân yêu của tôi được siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Nhân ngày giải phóng đất nước 30-4, xin cầu chúc cho tất cả những đồng đội cũ của tôi được an bình, cầu chúc cho đất nước tôi mãi mãi được sống trong hạnh phúc, tự do, điều mà chúng tôi đã đem cả máu xương của mình để dành được trong các cuộc chiến chống ngoại xâm.
(click chuột trái vào ảnh để xem bản to hơn)



Bản xướng âm của ENCORE 4.5.3

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Chuyện Con Mèo nhà tôi.

***

Bà hàng xóm ngoài ngõ có con mèo, nó đẻ ra ba con trắng như tuyết,nuôi được một thời gian nghe chừng oải mới giải tán, mấy con đẹp nhất cho người nhà, còn con cuối cùng, nó có cái đuôi cong như cái lò xo, bà ta biết nhà tôi thích nuôi mèo nên gọi ra cho, ừ thì nuôi, con mèo đẹp, trắng từ đầu chí đuôi, mỗi cái tội đuôi xoăn, trông rất buồn cười.
Nhà tôi ai cũng yêu nó, mèo gì khôn hơn chó, thấy người về biết chạy ra đón, ăn ở ngủ nghỉ đúng nơi đúng chỗ, biết nịnh người còn hơn quan hoạn nịnh vua. Mỗi lần có điều gì bức xúc, vuốt ve nó một hồi cũng thanh thản trở lại,tôi mà hừ một cái là chạy cong đít, lúc sau đã thấy cọ cọ vào chân nịnh rồi.
Đêm tám tháng ba, mười hai giờ, đang ngủ chợt nghe tiếng con gái khóc, cứ tưởng nó không được bạn trai cho quà ngày quốc tế phụ nữ mà tủi thân chăng, ai dè không phải, nó khóc con mèo, tôi nhìn xuống chỗ con mèo hay nằm thấy nó trợn mắt nhe răng, mềm oặt như sợi bún, ba hồn bảy vía bay mất rồi. Khắp nhà nồng nặc mùi hôi thối, nó ăn phải bả độc, nhớ lúc chiều nó tha bên hàng xóm về một con cá mỡ màng lắm, đuổi bắt nó trả lại cho người ta nhưng nó cắp thật chặt rồi phóng tít mù tắp, nó không biết là cái chết đang chờ đợi nó, bởi vì nó là một con mèo, nó đâu ngờ đến cạm bẫy của con người.
Mấy hôm trước, bà xã nhà tôi đã cảnh báo con gái phải nhốt con mèo lại, nhà hàng xóm người ta kêu nó chạy rầm rầm, tranh đực tranh cái loạn xạ, không cho người ta ngủ, nghe đâu lại còn ăn bậy nôn oẹ đâu đó, cái giống mèo này nó hay ăn cỏ rưả ruột, cách chữa bệnh của nó đấy chứ! mèo là giống leo trèo, làm sao mà giữ được nó, vậy là số nó tới rồi.
Lạ cho con người, suốt ngày cầu cúng khấn vái, chùa này chùa kia khắp trong Nam ngoài Bắc, cứ chỗ nào có ông tượng là chắp tay vái lạy, đứng trước bàn thờ Phật chân quỳ tay chắp miệng xuýt xoa na mô a di đà phật, trong nhà thì nào có thiếu gì đèn hoa, nhang khói, nói chuyện với mọi người câu trước câu sau là nhân đức, nhân quả rồi nhân hậu, vậy mà đang tâm đánh bả chết cái con mèo .
Chuyện con mèo thì quá nhỏ, cái tâm của con người mới là đáng nói vậy, khi đời sống còn thiếu thốn, vật chất chưa đầy đủ, hàng xóm láng giềng đối xử với nhau như bát nước đầy, tình người chan hoà bạn bè thân mật. Vậy mà khi đời sống khá lên, vật chất đầy đủ thì cũng là lúc tình làng nghĩa xóm bắt đầu phai nhạt, đâu đó còn coi nhau như kẻ thù, anh em ruột còn chém nhau phọt óc thì caí mạng con mèo nào có ý nghĩa gì.
Chuyện lớn chuyện nhỏ cũng chẳng khác gì nhau, ngày nay mà cũng nghĩ ông láng giềng hiền lành nhân đức như ngày xưa ông ấy nuôi mình được vài năm , ông ấy đánh nhau với xẻ thù của mình bằng thân thể của mình, nghĩ rằng ông ấy cũng thờ một ông thánh như mình chắc không chơi đểu mình thì thật là sai lầm
Thằng hàng xóm nó giầu hơn mình, nó khoẻ hơn mình, nó to như con voi, con cái nó đông như kiến. Thằng nào to mồm đòi đánh nhau với nó thì thật là ngu, nhưng thủ sẵn vài đồ chơi ngon, sẵn sàng nghênh chiến thì nó cũng rét chứ. Cái mà nhà mình cần là đoàn kết, ai lãnh đạo mà chẳng được miễn là dân giàu nước mạnh,suốt ngày ngồi đòi dân chủ rồi đa đảng tạo thành cái chợ huyên thuyên nào giúp ích được gì cho đất nước. Anh nói anh giỏi mà tham nhũng tùm lum làm như dân ngu không biết gì thì cũng thật sai lầm.
Nó giết của nhà tôi một con mèo, không có gì đảm bảo là nó sẽ không giết tiếp con khác,phải nghĩ ra cách gì đối phó lại chứ nhỉ,chẳng nhẽ thôi không nuôi mèo nữa? vậy thì chuột sẽ hoành hành dữ dội cho mà xem.

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Du lịch vườn quốc gia Xuân sơn

Vườn quốc gia Xuân sơn thuộc địa phận huyện Thanh sơn, Phú Thọ, cách Hà Nội chừng một trăm hai mươi km, đây là một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia được tài trợ của vương quốc Đan mạch,nằm trên một khu vực rộng lớn giáp ranh ba tỉnh Phú thọ, Hoà bình, Sơn la. Nơi đây có những khu rừng nguyên sinh chưa bị tàn phá, nơi sinh sống của hai dân tộc, Mường, Dao. Các bạn quan tâm đến khu vườn này có thể xem giới thiệu chi tiết tại đây. Chúng tôi đã có một chuyến việt dã thú vị tại khu vực này, mời các bạn xem một số ảnh chụp được trong chuyến đi .








Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Ngụ ngôn "Dê ,Sói"

Rách việc, ngồi lẩn thẩn nhớ lại mấy cái chuyện ngụ ngôn đọc từ hồi còn bé tý, mà hồi đó có thích đọc ngụ ngôn đâu, cứ thấy chữ là đọc thôi, ấy vậy mà bây giờ đột nhiên nhớ lại, buồn cười nhất là cái chuyện gì có con sói với bầy dê con,vậy là mò ra nhà trẻ nghe cô giáo kể cho các cháu, thấy lũ trẻ con mắt tròn xoe mà nghe rất chăm chú, mình cũng dỏng tai lên mà nghe lại cho rõ ngọn ngành, cô giáo trẻ măng thỏ thẻ thế này:
Cô kể cho các con nghe chuyện "Dê con nhanh trí" nhé!
Trong ngôi nhà kia có dê mẹ và một chú Dê con. Một hôm trước khi ra đồng ăn cỏ Dê mẹ dặn con:
- Con ở nhà cho ngoan! Mẹ đi ra đồng ăn một ít cỏ tươi để có nhiều sữa ngọt cho con bú. Ai gọi cửa cũng đừng mở cửa nhé! Nếu không, thì con sói vào nó ăn thịt con đấy!
Dê con vâng lời mẹ và hỏi thêm:
- Thế mẹ về thì làm thế nào con biết mà mở cửa!
Dê mẹ khen con thông minh và dặn con:
- Lúc nào mẹ về mẹ gọi cửa thì mẹ sẽ nói: con chó sói hung ác, đuổi cổ nó đi, thế là con mở cửa cho mẹ.
Nhưng con sói hung ác nấp gần đó đã nghe Dê mẹ dặn dê con như thế rồi. Dê mẹ vừa đi khuất, con sói hung ác đã chạy lại gọi cửa "Cạch, cạch, cạch! Con chó sói hung ác, đuổi cổ nó đi "
Dê con ở trong nhà, nghe tiếng gõ cửa vội vàng chạy ra. Nghe đúng câu mẹ dặn, nó định mở cửa, nhưng sao nó thấy tiếng gọi lại ồm ồm chứ không phải tiếng mẹ. Dê con bèn nghĩ ra một kế và bảo:
- Mẹ đấy ư? Sao hôm nay tiếng mẹ lại ồm ồm thế?
Con chó sói sợ bị lộ nhưng nó vẫn khôn ngoan trả lời:
- Mẹ ra ngoài đồng bị cảm gió nên khản tiếng đấy.
Dê con vẫn còn ngại:
- Mọi lần mẹ về vẫn thò chân vào khe cửa cơ mà? Chân mẹ thon thon, con nhìn thấy là biết ngay.
Con Sói lại tìm cách chống chế:
- Mẹ giẫm phải gai, chân sưng vù lên, thò vào khe cửa không vừa nữa. Con mở cửa cho mẹ vào !
Dê con cúi sát xuống đất nhìn qua khe cửa, nó thấy cái chân lem luốc đen sì. Nó bảo chó sói :
- Thôi anh sói ơi! chính anh rồi! Anh cút đi kẻo mẹ tôi về húc cho anh vỡ bụng ra đấy! Chân anh đen sì thế kia kìa? Ai còn lạ gì nữa!
Bị lộ, con sói vội vàng bỏ đi. Nhưng nó vẫn nghĩ cách lừa dê con. Nó chạy ngay đến một cửa hàng bánh. Chờ lúc người làm bánh đi vắng, nó vội cho chân vào thùng bột, bột dính đến đầu gối. Xong xuôi, nó chạy vội về gọi dê con:
- Cạch, cạch, cạch! Con chó sói hung ác, đuổi cổ nó đi!
Dê con chạy vội ra ngó qua khe cửa, lần này nó thấy rõ ràng bốn chân trắng. Thôi đích là mẹ nó đã về? Nhưng cái mũi thính của nó lại ngửi thấy mùi gì hôi hôi chứ không phải thơm mùi sữa như mẹ nó. Dê con ngần ngại, khe khẽ bắc ghế trèo lên nghếch cổ nhìn qua khe tường ra ngoài. Nó thấy hai cái tai lem luốc và nhọn hoắt. Thôi đúng là tai chó sói rồi, Dê con gọi chó sói và bảo:
-Tai anh đen và nhọn, chẳng giống tai mẹ tôi đâu! Sừng mẹ tôi nhọn lắm !
Anh Sói hung ác ơi,cút ngay đi kẻo mẹ tôi về, mẹ tôi lại húc cho anh vỡ bụng đấy!
Con chó sói bị lộ vội vàng bỏ chạy. Nó cố hết sức tìm cách giấu đôi tai lem luốc và nhọn hoắt mà không được. Nó chưa dám trở lại thì dê mẹ đã về gõ cửa: "Cạch, cạch, cạch!Con chó sói hung ác, đuổi cổ nó đi!".
Dê con nghe đúng tiếng mẹ. Nó cúi nhìn qua khe cửa, đúng là chân mẹ .Nó trèo lên nhìn qua khe tường, đúng là tai mẹ. Nó mở ngay cửa cho mẹ nó vào. Nó kể chuyện con chó sói đến lừa cho dê mẹ nghe. Dê mẹ ôm con vào lòng, khen con giỏi và can đảm.
Dê mẹ cho con bú một bữa thơm và ngon lành. (Phỏng theo truyện Gờrim)

Ơ cái chuyện kể cho trẻ con nghe này hay nhỉ, con dê bé tý nó còn biết cảnh giác, biết nghe lời mẹ nên không bị con sói ăn thịt. Vậy mà vừa rồi, nghe đài nghe báo thấy mấy ông quan đầu tỉnh lấy đất của dân cho mấy anh Tầu khựa thuê, không phải một mà nhiều tỉnh, nhất là một số tỉnh giáp biên, Tây nguyên... toàn những nơi có vị trí xung yếu cả. Nó làm từ bao giờ có ai biết, cứ lẳng lặng mà làm thôi, nếu như vừa rồi không có các vị lão thành lên tiếng báo động, không có mấy vụ cháy rừng thiệt hại cực lớn , báo chí bắt đầu đưa ra thì dân đen làm sao biết được. Con dê con nó còn cảnh giác, không nghe lời phỉnh nịnh của thằng sói nên mới không bị ăn thịt, cái nhà bé tý của nó không bị thằng sói chiếm mất, chứ con người được đưa lên đến cấp nào ấy có phải ngu si gì đâu, chẳng qua đồng tiền che mất lương tâm rồi, nhắm mắt kí đại có biết âm mưu thâm độc đi liền phía sau cái lợi bằng cái móng tay ấy. Con sói thò được một chân vào rồi, đuôi lọt thì đầu xuôi, thôi không viết nữa, đi học lại tiếng Trung của đã, cho cả nhà đi học luôn, nay mai còn biết tiếng để khai lí lịch.
( Chủ yếu để cung cấp cho ông bà nội ngoại nào có cháu đang phải trông một câu chuyện, chuyện này dùng để dỗ chúng được lắm đấy, khỏi khóc liền)

Đầu xuân nói chuyện đói

   Xuân một chín sáu chín. Chỉ còn vài hôm nữa là Tết, chúng tôi nhận lệnh hành quân vào một trận đánh mới, đơn vị sẽ hành quân bộ, mang theo ba ngày gạo cùng cuốc xẻng, tụi lính chúng tôi lấy làm ngạc nhiên, đánh nhau kiểu gì lạ vậy? chuẩn bị xuất phát mới được phổ biến nhiệm vụ, luồn sâu vào vùng địch, đào công sự pháo, đêm tổng tấn công mới kéo pháo vào nổ súng, tạo thế bất ngờ. Lúc đó tôi mới hiểu thế nào là “ tiên hạ thủ vi cường”, nôm na là ra tay trước để dành thế áp đảo, cứ tưởng trong cái trò đánh đấm nhăng nhít trẻ con mới có cái kiểu đó, hoá ra trong bàn cờ quân sự lớn, người ta cũng hư hư thực thực, cũng không có chỗ cho cái gọi là “quân tử”. Để chiến thắng, lời giao hẹn ngừng bắn mấy ngày Tết chỉ để nghi binh  mà thôi.