Trang

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Nhớ những chiếc áo tứ thân

*
  Trong các loại trang phục dân tộc Kinh Việt nam.  Chiếc áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ có một vị trí không thể thay thế trong cách ăn mặc của Phụ nữ Việt nam thế kỉ trước.
Loại trang phục này ngày nay chỉ còn xuất hiện trên sân khấu. Thế hệ những người sinh ra vào khoảng những năm 1950, 1960 hẳn vẫn còn lưu lại trong ký ức hình ảnh những bà, những chị ở các vùng quê đồng bằng Bắc bộ mặc những bộ trang phục này. Chiếc áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen đã đi vào thơ ca như một truyền thống dân dã, mà nếu có thay đổi đi chút ít là có thể gây nên sóng gió từ phía ..bên kia!

"..Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân.
Nào đâu cái áo tứ thân,
cái khăn mỏ quạ
cái quần nái đen ?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa.
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh...

Bài thơ "Chân quê" của Thi nhân Nguyễn Bính mà tôi trích dẫn trên đây. Tạm bỏ qua ý tứ văn chương và giá trị văn học của tác phẩm mà chỉ nói đến sự miêu tả chân thật về hình tượng người con gái nông thôn mộc mạc, chân quê trong nếp áo tứ thân thì ta cũng có thể thấy được giá trị của loại trang phục này trong kí ức người Việt
Cho đến nay, vẫn chưa ai biết rõ được nguồn gốc chính xác của chiếc áo tứ thân. Nếu ngược dòng thời gian tìm về cội nguồn, hình ảnh chiếc áo dài tứ thân Việt với hai tà áo thướt tha trong gió đã được tìm thấy qua các hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách nay khoảng vài nghìn năm. Theo truyền thuyết kể lại, khi cưỡi voi xông trận đánh đuổi quân Hán. Hai Bà trưng đã mặc áo dài hai tà, giáp vàng, che lọng vàng. Rồi do tôn kính Hai bà, phụ nữ Việt tránh mặc áo hai tà mà thay bằng áo tứ thân. Một lý do khác xem chừng cũng có vẻ hợp lý là thời trước kỹ thuật cắt may còn đơn giản. Vải khổ nhỏ, nên người ta phải ghép bốn mảnh vải lại mới có thể tạo ra được một chiếc áo dài và gọi là áo dài tứ thân. Áo tứ thân gồm hai vạt trước rộng như nhau, thường buộc vào nhau. Khi mặc áo tứ thân phải thắt lưng bằng dải lụa màu, hay các “ruột tượng” (một cái bao hình ống dài có thể đựng tiền và vài thứ lặt vặt) rồi buộc rút hai đầu lại.Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài tứ thân cũng trôi nổi nhưng vẫn tồn tại và không  bị xóa bỏ. Chịu ảnh hưởng và thay đổi theo thời gian, trong khoảng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, để có dáng dấp trang trọng và mang vẻ quyền quý hơn, phụ nữ nơi thành thị đã biến tấu kiểu áo ngũ thân từ chiếc áo dài tứ thân nhằm thể hiện sự giàu sang cũng như địa vị xã hội của người phụ nữ. Đồng thời chiếc áo ngũ thân cũng là biểu hiện của ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Đi theo áo tứ thân phải có chiếc yếm, cái khăn mỏ quạ, chiếc nón quai thao, góp phần tạo nên bộ “quốc phục” của quý bà thời xưa theo các chị, các em đến những nơi đình đám.
Áo tứ thân được may rộng, màu sắc đơn giản, ít họa tiết trang trí. Hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài tứ thân ( còn gọi áo Tề Thôn, áo Xống Tràng, áo Giao Lãnh) cùng dải lụa màu với xà tích bạc thắt ngang lưng, phía trước mặc yếm lụa trắng ngà, tóc vấn đuôi gà, cổ đeo kiềng, chân mang đuôi guốc gỗ cong cong, đầu đội vành nón quai thao che nghiêng... trông rất hiền hậu, mộc mạc và duyên dáng. Hình ảnh này đã đi vào thơ ca và trở thành biểu tượng cao đẹp của người con gái Việt Nam thời xưa. Áo dài tứ thân được sử dụng khá nhiều ở nông thôn miền Bắc cho dến những năm đầu thập niên 1930.
     Áo tứ thân miền Bắc là chiếc áo dài đầu tiên của Việt Nam chỉ mặc vào dịp lễ Tết. Áo nâu với hai vạt trước buộc chéo thả xuống đi với quần lĩnh đen và thắt lưng lụa. Rồi áo tứ thân biến đổi thành áo mớ ba mớ bảy. Cổ áo cao khoảng 2cm, tay may bó khít cổ tay, chiều rộng ngực eo bằng nhau, điểm đặc biệt là ngoài hai vạt chính còn có vạt phụ (vạt con) dài sát gấu áo. Khuy áo được tết bằng vải, cài cúc cạnh sườn. Cổ áo lật chéo để lộ ba màu áo (hoặc bảy màu áo). Lớp ngoài cùng thường là lụa màu nâu hoặc the màu thâm, kế tiếp là màu mỡ gà, cánh sen, vàng chanh, hồ thủy... nhiều màu, hấp dẫn mà vẫn nền nã, kín đáo, hài hòa.
     Trang phục nữ Kinh Bắc là phải kể đến áo năm thân, may bằng the, lụa, yếm cổ viền, bao thắt lưng xanh, váy sồi rủ hình lưỡi trai, chân đi dép cong.... Tưởng như thế cũng là đủ, vậy mà còn một chi tiết nhỏ, nhưng rất quan trọng đến mức không thể thiếu, đó là "khăn vuông mỏ quạ".
Có người đã nói: Khăn mỏ quạ phải chít sao cho vừa, hợp với khuôn mặt, tạo cho khuôn mặt (khi chít khăn) như hình chiếc búp sen. Nếu chít cái Mỏ quá cao, trông nó điêu, nếu để cái Mỏ thấp quá, khuôn mặt trở lên đần, tối tăm....
Muốn chít khăn Mỏ quạ cho đẹp, trước tiên phải "biết quấn tóc trong một khăn vấn tóc, vòng tròn lại và đặt ngay ngắn lên đầu, hơi xệ và hình bầu dục về phía gáy, ghim lại". Nhưng quan trọng hơn là khăn vuông đem gấp sao cho khéo và cân đối (gấp chéo thành hình tam giác) bẻ hình mỏ quạ sao cho chính giữa đường ngôi trên đầu, bắt hai góc khăn về hai phía tai rồi thắt múi ở gáy.
Khăn vuông mỏ quạ không đơn thuần chỉ là công cụ trang phục trên đầu người thiếu nữ, mà hẳn là công việc nghệ thuật làm đẹp cần có ở người con gái Kinh Bắc còn lưu lại đến ngày nay qua loại hình nghệ thuật hát Quan họ.
Viết, đọc và nhớ lại những hình ảnh đã đi vào dĩ vãng.
(Bài viết có tham khảo tài liệu, photo trên Internet)

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Tưởng nhớ Đồng đội

 Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 16 pháo binh khi nhận lệnh tham gia chiến dịch Giải phóng Cánh đồng chum, XiêngKhoảng, Lào có hai mống nhập ngũ tại Hà nội là tôi và anh. Cùng một trung đội nên ngay khi bổ sung về, chúng tôi đã có thể quen biết nhau như từ thuở nào rồi vậy. Thạch nhỏ người, nói năng cũng nhỏ nhẹ. Khi chúng tôi nhập ngũ thì anh đã có quá trình công tác vài năm rồi. Là giáo viên nên trông anh lúc nào cũng chững chạc, ăn nói đúng mực chứ không bỗ bã như mấy thằng lính trẻ bọn tôi. Khi mấy thằng quỷ sứ chửi bậy, trêu chọc anh chỉ mỉm cười hiền lành. Tôi thường bảo anh là dân Hà nội mà hiền quá, dễ bị bắt nạt, anh bảo ai mà thèm bắt nạt tao rồi nhẹ nhàng cười. Đúng là dân Hà nội mà không quậy phá, không đánh bài “chuồn”, không chịu khó mò mẫm đi tán gái như anh thì hiếm thật. Có lẽ do anh hiền quá, có những lúc ngồi nói chuyện, anh thường kể về bà mẹ già với một tình cảm yêu thương thật đặc biệt. Nghe anh kể, mình cảm thấy như trên đời này chỉ có mẹ anh mới là một bà mẹ đích thực vậy, tấm lòng người con thương quý mẹ như anh thật đáng nể. Anh bảo nhà tao ngay gần gầm cầu Long biên, nhà tôi cũ cũng ở dưới bãi Phúc xá, hồi đó đi học đi chơi ngày nào chẳng đi qua nhà anh, thế mà hai thằng chẳng biết nhau, tiếc thật! Lại hẹn khi nào hết chiến tranh, thể nào chúng mày cũng phải về nhà tao chơi nhé. Nghe Thạch kể không biết làm sao mình lại hình dung một ngôi nhà hai tầng, nhà anh ở tầng hai, gần nhà có một cây si đã từ rất lâu đời. Hóa ra bây giờ về chơi thấy sai toét.

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Sự hy sinh.....(tiếp theo và hết)

 *** 
Lỗi của phi công chính và hoa tiêu chiếc 623 được chứng minh hoàn toàn. Chưa có lệnh của người chỉ huy hạ cánh, chỉ huy chiếc IL-76 đã bắt đầu vòng ngoặt thứ nhất. Ông tướng đã kéo một cách không cần thiết vòng ngoặt thứ ba với tốc độ hạ cánh 450km/h (giá mà những chiếc tiêm kích bay sau "không cuốn theo" nó), thay vì sử dụng tốc độ tiêu chuẩn của dòng máy bay IL này là 350km/h.
 Grebennikov thông báo về điểm ngoặt chuyển hướng sau 53 giây khi thực tế đã vượt qua nó phải đến 10km. Còn trạm điều hành mặt đất không thể kết nối tuyến hạ cánh-không có bất cứ một điểm để gắn kết nào-với địa hình núi rừng tại địa phương. Theo quy định đề ra với sân bay Cam Ranh, độ cao tối thiểu để bắt đầu vào hạ cánh từ đất liền là 1500m. Còn theo thiết bị hiện có trên máy bay IL-76 bay trước các máy bay Su-27 thì hạ xuống 600m.

Tượng đài SU 27 tại Cam Ranh
Đồng thời. người chỉ huy bay Arbouzov vẫn có thể đặt ông tướng còn đang bay mới gần tới Cam Ranh về đúng chỗ của mình, huống hồ ông tướng dù sao cũng không phải là chỉ huy của ông. Các chiếc đầu đàn tốp bên trái và bên phải có toàn quyền đòi hỏi lần hạ cánh thứ hai. Về nguyên tắc, bất kỳ người phi công nào đều có thể từ chối thi hành mệnh lệnh, ngay cả chiếc 606, nhưng đã không ai làm điều đó. Trong khi đó hoa tiêu chiếc IL-76 cứ nằng nặc theo ý mình và hành động như ma xui quỷ khiến.
Trường hợp này, chiếc 605 đã gặp may hơn tất cả-chỉ vì một trục trặc không đáng kể nó đã bị bỏ lại Sangana.
Sau thời gian dài điều tra, tòa án quân sự quân khu Moskva ngày 13 tháng 3 năm 1998 đã tuyên án thiếu tướng không quân Vladimir Grebennikov sáu năm tù giam, tuy nhiên ngay sau đó ông ta được ân xá. Phiên tòa đã xét hoàn cảnh của bị cáo có nhiều công lao và tặng thưởng của chính phủ và bản thân là phi công quân sự công huân của Nước Nga. Công bằng mà nói, trong thảm kịch này lỗi không phải chỉ do hành động độc đoán của Grebennikov. Như đã nhấn mạnh, trang bị kỹ thuật của sân bay Cam Ranh thời điểm lên kế hoạch và bay qua không phù hợp với yêu cầu của "Tiêu chuẩn sử dụng các sân bay quân sự" (НГВА-92). Tuy nhiên do chậm trễ, thông tin về vấn đề này từ Bộ chỉ huy không quân Hạm đội Thái Bình Dương đã không đến được với các phi công lúc đó đang ở Malaysia.
Sau khi tai nạn đã xảy ra rồi, tại tòa người ta đã sắp đặt, nhằm mục đích "biện hộ" cho sự bất lực của các nhân vật có trách nhiệm của bộ tham mưu không quân hạm đội, họ không đưa ra được những biện pháp kịp thời sửa chữa và thay thế các thiết bị kỹ thuật trên một sân bay đã từng được khai thác sử dụng từ năm 1969, vào tài liệu chính thức "Chỉ dẫn về quản lý, vận hành và khai thác bay tại khư vực sân bay Cam Ranh", về sau này tài liệu đó mới được bổ sung chỉnh sửa-siết chặt lại điều kiện khí tượng tối thiểu để khai thác bay. Từ tài liệu điều tra công bố tại phiên tòa, có thể thấy rằng việc chỉ dẫn không phù hợp cho người đứng đầu bộ phận quân quản sân bay Cam Ranh về áp dụng những thay đổi trên vào quy định vận hành khai thác chỉ được Bộ tham mưu Hạm đội Thái Bình Dương đưa ra ba ngày sau tai nạn, còn tại Bộ tham mưu không quân Hạm đội Hải quân Nga người ta chỉ biết đến quy định điều kiện khí tượng tối thiểu vào ngày 18 tháng 12. (hết)

  hình ảnh vụ tai  nạn  SU 27 trong buổi biểu diễn hàng không tại Ucraina.----->

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Sự hy sinh của nhóm phi công biểu diễn thuật lái cao cấp "Các tráng sỹ Nga"

Đỉnh núi Chúa, nơi các máy bay Nga gặp nạn
*** (Tiếp theo)
Có tiếng thét khẩu lệnh từ chiếc IL-76 dẫn đường: "Nâng cao gấp!"
Các hành khách đã nhìn thấy trên cửa ló sáng các bụi cây trên đỉnh núi-và khi đó chiếc đầu tiên của tốp bộ ba Su-27 vừa vặn chồm vào đỉnh núi.
604 còn gắng báo cho các chiếc sau: "Nhảy!..."-nhưng không kịp kết thúc khẩu lệnh. Hai chiếc 603 và 606 không kịp làm động tác cứu vãn tình thế.
Trong vòng ngoặt cuối cùng, mà sau đó cần phải có lệnh tản đội hình khỏi mạn chiếc IL-76, tốp bộ ba tiêm kích bên phải lúc này đang ở cao độ thấp nhất và trong tình thế nguy hiểm nhất. Bám theo chiếc chỉ huy và tuân thủ quy định bay nhóm nghiêm ngặt và giữ độ cao thấp hơn chiếc dẫn đường chỉ 2-3m, máy bay của Nikolai Gretsanov và Aleksandr Syrovyi đã đâm ngang sườn núi.
Đội bay trên Su-27UB có thể cố gắng nhảy dù. Nhưng trong trường hợp này chiếc máy bay không còn được điều khiển có thể va chạm với chiếc IL-76. Có khả năng để ngăn ngừa tai nạn của chiếc IL-76 với các hành khách trên boong, Boris Grigoriev và Aleksandr Syrovyi đã không sử dụng cơ hội thoát hiểm và đã hy sinh. Hai chiếc sau cũng không tránh được tai nạn.
601: Thoát nhanh, lên cao gấp!
602: Tôi bám theo anh, Sasa!
Các phi công có kinh nghiệm và "thuộc" nhau đã lâu, giật mạnh cần lái về mình và bay vút lên khỏi lớp mây mù.
Chiếc IL-76 may mắn trượt xuống một thung lũng nhỏ trong rặng núi, ở độ cao 32m so với mặt đất, trước khi vọt được lên cao. Các giám định viên khẳng định rằng sau khi có tín hiệu báo động, thậm chí cả khi chậm có phản ứng đúng cách trong khoảng 18-19 giây, vẫn còn đủ thời gian cho cả đội bay thoát lên độ cao an toàn. Các phi công tiêm kích thoát nạn đã kịp trấn tĩnh và chỉ hiểu được tổn thất vừa xảy ra khi đã ở trên độ cao 1500-2000m.
Chiếc dẫn đầu cặp bên trái gọi: "Số 4, số 4 đâu, số 3 đâu, số 6 đâu!". Không có trả lời. ChiếcIL-76 đã thực hiện hạ cánh chuyển tiếp trên sân bay Cam Ranh, hai chiếc Su-27 còn lại tiếp đất tại sân bay của thị xã Phan Rang-cách đó khoảng 70km về phía nam.
Máy bay Su-27 được trang bị hệ thống ghế nhảy dù ở độ cao thấp, cho phép các phi công thoát hiểm chỉ trong vài phần giây trước khi máy bay đâm xuống đất. Thậm chí khi tai nạn xảy ra trên biển thì phi công cũng có cơ hội được cứu sống. Việt Nam có một vùng biển ấm, và nếu điều đó xảy ra, ngay cả những người dân chài bị đắm thuyền không hề có phương tiện cứu hộ nào cũng vẫn cầm cự được ít nhất hai ngày đêm.
Ngay sau khi tai nạn xảy đến, các lực lượng vũ trang Việt Nam đã lùng sục sườn núi số 400 gần Cam Ranh, mà mọi người cho rằng cú va chạm đầu tiên của chiếc tiêm kích là ở đó, nhưng không tìm thấy gì. Sau đó có thông báo là đã tìm thấy mảnh vỡ của một trong ba máy bay Nga, nhưng ngay sau đó được giải thích rằng, những người dân địa phương tìm thấy mảnh xác máy bay bỏ lại từ thời chiến tranh Việt Nam.
Các mảnh xác Su-27 chỉ được tìm thấy ngày 16 tháng 12: từ trên trực thăng người ta đã phát hiện ra điểm máy bay rơi và dù treo trên cây. Sau đó đã cắt nghĩa được rằng, đó là do một trong những hệ thống ghế phóng đã hoạt động khi máy bay đâm vào đá núi, nhưng tiếc thay, không cứu nổi phi công.
Thường thì trong những tháng mùa đông ở phần cận xích đạo của Việt Nam-mùa này là mùa khô, tuy nhiên trên thực tế trời mưa suốt quá trình tìm kiếm cứu hộ, vì thế những người cứu hộ phải đốn cây mở đường trong rừng rậm nhiệt đới khá lâu để có thể đến được nơi có xác máy bay.
Thi thể của Nikolai Gretsanov và Viktor Kordioukov được tìm thấy vào ngày thứ mười một của cuộc tìm kiếm. Ba ngày trước đó đã tìm thấy một phần thi thể còn lại của thượng tá Boris Grigoriev và thiếu tá Aleksandr Syrovyi.
Tai nạn đã xảy ra ở núi Chúa, cách sân bay Cam Ranh 25km về phía tây nam. Kết quả điều tra đã buộc tội những người có lỗi trong sự hy sinh của các "tráng sỹ" là chỉ huy một trong những bộ phận quân sự đóng căn cứ tại sân bay "Tskalovskoie", thiếu tướng Grebennikov, hoa tiêu-thượng tá Kriazevskii và người chỉ huy bay từ mặt đất tại sân bay Cam Ranh-thượng tá Arbouzov.
(còn tiếp)



Màn biểu diễn của "Tráng sỹ Nga" và "Chim yên sa"
trong ngày 9 tháng 5 năm 2004 tại quảng trường Đỏ, Moskva

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Sự hy sinh của nhóm phi công biểu diễn thuật lái cao cấp "Các tráng sỹ Nga"

(Tiếp theo)
Grebennikov lấy hướng 280 độ-tới vòng ngoặt thứ tư, như ông đã dự tính. Thực chất, toàn đội đang ở đúng khu vực đỉnh núi, đỉnh núi khu vực này đang bị mây mù che phủ hoàn toàn. Vòng ngoặt thứ ba đã được thực hiện với độ lệch vài km. MĐ(mặt đất) không ở trong tình trạng có khả năng giúp đỡ các phi công, bởi vì màn hình máy định vị thô sơ của ông ta đầy nhiễu từ mây mù và "địa vật"-các vệt nhiễm sáng từ chính đỉnh núi đó.

Trong tình hình như vậy, MĐ cần phải phát một khẩu lệnh duy nhất tới các phi công-"Tất cả nâng độ cao gấp, không chậm trễ!", nhưng khẩu lệnh đó đã không được phát ra. Đơn giản là Arbouzov không có đủ tri thức và kinh nghiệm chỉ huy các chuyến bay trong những điều kiện phức tạp, nhất là lại chỉ có những khí tài bảo đảm thô sơ như thế.
Các máy bay đã tiến gần đến sườn núi ở độ cao 604m, cách sân bay là 25km. Nhưng như về sau các chuyên viên giám định đã đánh giá, chuỗi sai lầm chồng chất này không phải là không thể tránh được.
Khi thực hiện vòng ngoặt thứ tư, trong khoang lái IL-76 hệ thống tín hiệu phát cảnh báo về sự nguy hiểm khi đến gần địa vật. Đèn báo màu vàng nhấp nháy: "Nguy hiểm, mặt đất!", còi hiệu rít liên tục. Quy định về chỉ huy bay trong trường hợp này là phải cương quyết và nhanh chóng đưa máy bay về chế độ chiếm độ cao khẩn cấp, đưa chế độ làm việc của động cơ lên mức tối đa. Grebennikov có trách nhiệm báo cho tốp bám sát về mối nguy hiểm và các thao tác tiếp theo cần làm.
Bức tranh về những sự việc xảy ra trong khoang lái IL-76 được dựng lại vị tất đã đạt độ chính xác, bởi cuộc trao đổi giữa các thành viên phi hành đoàn không được ghi lại Tín hiệu cảnh báo liên tục phát trong 25 giây. Suốt thời gian này, Grebennikov không có hành động khả dĩ nào. Theo lời ông tướng, người đưa ông thoát ra khỏi trạng thái sốc này là phi công phụ bên tay phải, Soukhar. Chỉ từ lúc đó, viên chỉ huy mới chợt tỉnh, kéo gấp cần lái về phía mình, đưa máy bay vọt lên cao, đồng thời phát khẩu lệnh vào không trung: "Tản ra, nâng độ cao gấp lên.......năm trăm". Nhưng Grebennikov đã lỡ nhịp.
606: Chút xíu nữa tôi lạc rồi!
603: Số 4, hãy giữ vị trí dưới cánh IL-76, không sẽ lạc nhau.
Đến đỉnh núi định mệnh kia còn 350m-chỉ hơn hai phút bay.

Sự hy sinh của nhóm phi công biểu diễn thuật lái cao cấp "Các tráng sỹ Nga"

Su -27 của không quân  Nga
***
(Tiếp theo)
Tất cả sáu chiếc máy bay đều thực hiện vòng ngoặt trong mây, hạ thấp độ cao, trong khi đó vẫn giữ nguyên đội hình chặt chẽ. Sau nửa phút bay như vậy, chiếc tiêm kích đi đầu thú nhận: "Ở đây khó nhìn quá, hãy hạ xuống dưới mây đi!..."

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Sự hy sinh của nhóm phi công biểu diễn thuật lái cao cấp "Các tráng sỹ Nga"



Su-27 - là loại máy bay tiêm kích chiến đấu độc nhất vô nhị. Sự hân hoan cuồng nhiệt khi nó xuất hiện, có lẽ chỉ có thể so sánh với làn sóng chấn động thế giới xung quanh sự kiện máy bay ném bom chiến lược "B-2 Kẻ tàng hình" xuất hiện năm 1988. Trên Su-27, các phi công Nga chỉ trong năm đầu tiên khai thác đã lập được 15 kỷ lục thế giới về hàng không. Theo các chuyên gia, máy bay Su-27 có các đặc tính kỹ thuật thuật lái cao cấp rất độc đáo chưa hề có trên thế giới.Ngày 12 tháng 12 năm 1995, ba máy bay tiêm kích Su-27 của nhóm biểu diễn thuật lái cao cấp "Các tráng sỹ Nga" đã đâm vào núi gần căn cứ Cam Ranh. Bốn phi công đã hy sinh.

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Tiếu lâm

Thượng tá  công an  hồi hưu C sau một chầu cầy tơ rượu sâu chít bèn nhẩn nha kể: Tao có bận sang Đức tập huấn nghiệp vụ, ngày nghỉ mò ra bãi biển chơi, gặp một chú bé được bố mẹ đưa đi "tắm tiên". Đến bãi tắm, thấy một chị có bộ ngực đồ sộ,  nó mới hỏi: - Sao của chị kia to vậy?". Bà mẹ xấu hổ: - Con đừng nhìn, những người như vậy là những người rất đần. Chú bé lại chỉ vào "của quí" một ông hỏi: - Sao của chú kia to vậy? Bà mẹ đỏ mặt: - Những người đó rất ngu, con đừng nhìn. Một lúc sau không thấy chồng đâu, bà mẹ bảo chú bé đi tìm. Chú đi một hồi rồi trở về nói với mẹ: - Con thấy bố đang nói chuyện với một cô rất đần, càng nói thì trông bố càng ngu!!
***
Giám đốc DM dẫn em S và trợ lý Hđi Vũng Tầu đổi gió
 Sau khi tắm biển xong cả ba lên bờ tắm nắng. Cho trợ lý Hờ mờ ngồi chầu rìa, DM hốt cát đổ lên hai đùi em S mỗi bên một con số 5 và hỏi:
- Đố em đây là số mấy
Em S: số 55
Không phải: -Đó là 505
Em S cũng hốt cát đổ lên hai đùi DM mỗi bên một số năm và hỏi:
- Còn đây số mấy?
DM  trả lời: 515
Em S: Làm gì được thế,  chỉ 5,5 thôi.
!!!!
***
Tiến sỹ, Bác sỹ T được mời thỉnh giảng tại Đại học Y. Đang giảng bài về " Giải  phẫu  người "  cho SV năm 1. Nhìn xuống cuối lớp thấy 2 nữ sinh viên đang nói chuyện riêng, thầy T bực lắm nhưng nhẹ nhàng nói:
Thầy: Này hai em giờ học sao lại nói chuyện riêng thế!
Rồi chỉ vào một cô hỏi: Em hãy nói cho cả lớp nghe - bộ phận nào trên thân thể con người khi trương nở thể tích của nó gấp 3 lần bình thường?
Sv: Thẹn đỏ mặt ấp úng... thưa thầy! thưa thầy...và im luôn.
Thầy T:
-Tôi xin nhắc lại để cả lớp nghe đó là phổi, khi hít không khí đầy, thể tích gấp 3 lần bình thường.
Thầy trừng mắt nhìn 2 cô SV rồi nói tiếp:
-Còn cái đó hả, nó sẽ gấp sáu lần bình thường nghe chưa? không chịu học hành mà suốt ngày ngồi nghĩ bậy!!!!!
***

He he! Bọ sưu tầm và bịa ra đó nha! không phải thật đâu!

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Về thăm quê ngoại



Có một khúc ca cứ ngân nga trong lòng tôi trên đường về thăm lại quê ngoại sau hơn năm chục năm xa cách. Vâng! quê tôi, làng quê nhỏ bình dị nép mình bên dòng Kiến giang hiền hòa gắn với một thời tuổi thơ êm đềm mà cũng không kém phần dữ dội của đứa con xa xứ này. 
Nửa thế kỷ vật đổi sao dời, ôi cái làng quê ngày xưa của tôi! Lần trở về này lại trong một điều kiện đặc biệt khi trận lũ lịch sử vừa qua đi để lại cho miền Trung những đau thương tiếp nối. Kết hợp với bạn bè làm một chuyến đi từ thiện, vừa tỏ tấm lòng đồng cảm với quê hương, vừa trở về nơi một thời đã quá xa trong kí ức. Làm gì mấy chục năm một đi không trở lại hở thằng tôi? Thật khó trả lời, lúc này đây, trong tôi đang dấy lên những nỗi niềm không giải thích được. Có ai không yêu quý làng quê nơi mẹ sinh ra ta? có ai không tràn đầy kỷ niệm với dòng sông bến nước gắn với một thời tuổi thơ hoang dại? Cũng như mọi người, trong lòng tôi không khi nào nguôi nỗi niềm thương nhớ vùng quê này, âu đó cũng là việc bình thường. Tuy nhiên đâu đó tận sâu thẳm lòng mình, con tim tôi vẫn trăn trở một điều khác biệt. Và phải chăng, chính vì nó mà quê hương dù là thân yêu đến vậy vẫn làm cho một đứa con xa xứ như tôi không ít ngập ngừng khi tìm đường trở lại. Đây vẫn là dòng sông, kia vẫn là bến nước, nơi tuổi thơ một thuở lang thang, ngụp lặn dưới dòng Kiến giang đầu tóc đỏ quạch. 

Đó vẫn là bến sông xưa đau đáu mắt nhìn ngóng mẹ tan chợ. Cái chợ Hôm bé tý ấy vẫn còn đó như một chứng tích cho nỗi oan của người mẹ thân yêu. Cánh đồng kia đang ngập tràn nước lũ cũng không thể xóa nhòa dấu bước chân con trẻ một thời chăn trâu mót lúa. Có những nơi rất muốn trở về nhưng cũng có nơi gặp lại làm con tim ta đau nhói. Một mảnh đất hiền hòa đang vang vang tiếng trẻ bi bô bỗng nhòa đi trong mắt tôi để trở về là một bãi đất chứa những đám đông hò hét. Những tiếng hô "đả đảo..." những cánh tay cầm đuốc sáng rực lên xuống theo nhịp hướng về đám địa chủ đang co rúm lại vì sợ hãi. Mẹ và tôi cũng trong đám đó, mặc dù bà là cán bộ phụ nữ tỉnh, và bố tôi đang là cán bộ quân đội chiến đấu đâu đó trong chiến khu. Một hoàn cảnh éo le khó giải thích mà mẹ con tôi bất đắc dĩ trở thành nạn nhân bị đấu tố cùng gia đình bà ngoại. Trước mắt tôi, hình ảnh người đàn ông làm công việc chủng đậu hiện ra với câu nói :" Thằng ni con địa chủ hỉ?" kèm theo đó là nhát rạch đau nhói lên cánh tay bé nhỏ đen đủi mà vết sẹo sáu mươi năm sau vẫn toang hoác như minh chứng cho một sự hờn căm giai cấp không khoan nhượng. Ông ta ở đâu sau những ngôi nhà đã ngói hóa kia? dù còn hay mất thì hẳn là ông ta cũng sẽ không bao giờ biết rằng tôi sẵn sàng tha thứ cho hành động cực đoan đó, bởi một lẽ đơn giản và buồn cười rằng rất có thể, tôi với ông ta thực ra là cùng một chiến tuyến, một chiến tuyến mà tôi không có quyền lựa chọn.


Ngôi nhà này, tôi đang đứng cùng cô em con bà dì và bạn tôi, chúng tôi đang đứng trên mảnh đất của ông bà tôi, một địa chủ làng mà cơ ngơi được dựng nên bằng chính bàn tay và khối óc của mình, tất cả chỉ còn có vậy, vài ba chục mét vuông như một sự ban ơn của chế độ mới với vài người con trong nhà đã tham gia kháng chiến. Sợ bạn buồn nên tôi không kể. Dòng sông xinh đẹp phía trên kia chính là nơi mẹ tôi nhảy xuống tự vẫn trong nỗi thất vọng vì bị mất con. Ngồi như con chuột trên chiếc poocpaga xe đạp mà người ta bắt tôi đi để trả lại cho người cha bộ đội. Tôi ngoái lại nhìn mẹ đang chấp chới trong làn nước, hai cánh tay bà khua khoắng như muốn kéo tôi lại trong vô vọng. Hình ảnh đó in dấu thật sâu đậm trong kí ức con trẻ của tôi đến nỗi gần sáu chục năm sau vẫn như đang hiển hiện trước mặt. Nếu như không có đôi chút hài hước trong câu chuyện thì thật khó nói điều gì sẽ xảy ra, số là mẹ tôi là dân sông nước, bà bơi rất giỏi nên không bị chìm, nếu bà chọn cách khác thì có lẽ tôi đã là kẻ mồ côi mẹ từ lâu! 
Vĩ thanh, ba năm trước gia đình chúng tôi nhận được một tấm bằng " Người có công - Lão thành cách mạng " cho ông địa chủ đã chết trong lao tù của đồng đội, tấm bằng không thể kéo được một gia đình đông đúc tứ tán khắp thế giới trở về sau những vụ đấu tố khủng khiếp hồi đó.
Lần trở về thật nhiều cảm xúc, và như một lời biết ơn bạn bè đã có nhã ý tổ chức chuyến đi, xin tặng những người thân thiết bài viết này với tất cả tấm lòng và tình cảm thân thương nhất.

Bến sông quê tôi

Nơi mẹ sinh ra tôi
Xóm nghèo ven một dòng sông nhỏ
Tuổi thơ trôi êm đềm
cùng dòng nước hiền hòa qua những bến sông.

Ơi bến sông quê tôi!
bến sông quê tôi những chiều mùa hạ.
Bến sông quê có bụi tre già
xõa rễ xuống dòng sông.
Có lũ bé con cởi truồng tồng ngồng
lội xuống bến sông thỏa sức vẫy vùng.
thuyền ai về bến, những cô dì đầy suy tư

Mẹ tôi mệt nhừ vừa rời phiên chợ
Ôm lấy đầu con hít mùi khét nắng
mắt mẹ xa xăm.
Mẹ mơ có ngày đổi đời, mẹ đưa tôi lên đường
Mẹ cũng rời bến sông!
Ơi con sông quê tôi  bến sông quê tôi
Ai đi xa mà không có một lần nhớ về dòng sông quê mình.
Mẹ ơi! mẹ ơi!
Con mơ có ngày đưa mẹ trở về
thăm lại quê mình,
Thăm lại bà con. Thăm lại cánh đồng
ngô vàng chắc hạt
lúa vàng sai bông.
Thăm lại bến sông thăm lại dòng sông.
Có con đò cắm sào
đứng đợi người đi
sao mãi chưa trở về
với con đò
 với câu hò khoan nhặt hò khoan!
"...Ta lý khoan ta hò khoan.."




Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Bạn của tôi

Những người bạn của tôi

Tóc đã bạc.
Da đã nhăn.
mắt cũng kém lắm rồi
Vậy mà chúng gặp nhau vẫn mày tao chí tớ
Chọc gẹo, vui đùa như thuở mới đôi mươi


Chúng tôi gặp nhau từ năm tháng xa xưa
Một lũ nhóc từ thành phố lên rừng lập trại
giản dị thôi mà vẫn còn nhớ mãi
Những tên xóm,
tên làng,
những con suối, gốc đa
Nhớ làm sao năm tháng ấy- xa nhà.
Khoác trên mình một niềm mong ước lớn
Bộ quân phục màu xanh rêu của mẹ của cha
một đời chiến chinh
để lại cho con
bước tiếp
chặng đường xa.
Những thằng bạn của tôi,
Những cô bạn của tôi
Con đường của ông
của cha
đã bước hết rồi
Đã về vườn với những thú vui bình dị
Hay còn bước đi, thất thểu nốt chặng đường
đều còn ngổn ngang trăm điều
suy nghĩ!
trằn trọc , âu lo
Về những điều to tát
lẫn những điều bé mọn
Ôi những tấm lòng kiên trung
Như sao Khuê chiếu tỏ
Mạnh mẽ đứng bên đời
Vượt hết những bão dông
Để lại là mình
những con người nhân ái, bao dung


Ôi lũ bạn của tôi
Cũng có thằng tính ngang, chọc ngoáy lung tung
Nhưng nó cũng đứng đắn như cột đèn ngoài phố
Có những thằng đạo mạo rõ dáng cấp “côi”
Nhưng cũng có lúc thấy gái như mèo thấy mỡ
cũng có thằng vẫn hăng hái múa kiếm khoa đao
mà cũng có thằng bỗng nhiên biến thành cố đạo!
Có thằng ngày xưa hiền lành ít nói mà bây giờ văng miểng tùm lum
Đù má đù cha thoải mái văng ra ồn ào như chợ
Cũng có thằng bỏ vợ
Cũng có thằng mất con
Có thằng là ông nọ bà kia
Bỗng có ngày thành thằng thất nghiệp mở quán bán bia
Có thằng cắt tóc vỉa hè, nắng mưa góc phố
Có thằng ngạo nghễ nhìn đời mà lắc túi nửa ngày không ra ba xu kẽm
Cũng có thằng thâm trầm ví von nhưng công nhận tài nghệ trên đời hiếm thấy
Có thằng chuyên ngủ ngáy
Lại có thằng ham bơi!
Có thằng thích vi vu trên trời
Lại có thằng chuyên lò dò đáy biển
Kể sao đây cho hết, những thằng bạn của tôi!
Dù làm sao thì thằng nào cũng tốt
Cứ gặp nhau là hào sảng, quên đời
Votka rót ra cứ uống đến mềm môi
Giọng hảo hán oang oang như muốn chọc trời khuấy nước.
Bạn dễ tìm nhưng thân thì khó được
Tình nghĩa dài lâu mấy chục năm đâu phải dễ tìm ra?
Vui lên đi! mấy anh bạn sắp già.
Nâng ly lên, mừng một ngày mới đến!
Chúng mày đừng tai biến
Chúng mày đừng ung thư
Đừng bị gút đừng Azaymer
đừng tiểu đường, đừng mỡ nhiều trong máu
Thế là khoẻ ,
sống lâu cùng con cháu.
Lời quê rông dài, toàn lời liến láu
Tặng bạn bè, đọc cho vui lúc bóng xế tàn canh.

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Đi vãn cảnh chùa (Phóng sự ảnh)

Tượng Phật mới tại chùa Phật tích

Quan họ Đền Đô

Chùa Phật tích

Phong cảnh chùa Hồng ân -Phù khê Đình bảng

Mây trên  chùa

Tượng đá cổ chùa Phật tích

Tượng Phật mới.  Đạt kỷ lục Đông Nam Á(chùa Phật tích)

Phong cảnh chùa Hồng Ân

Tượng Phật nguyên khối chùa Hồng ân

Cảnh chùa  Hồng ân



Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Hoa sữa đang nở

"Em vẫn từng đợi anh
Như hoa từng đợi nắng
Như gió tìm rặng phi lao
Như trời cao mong mây trắng


Em vẫn từng đợi anh
Trên những chặng đường quen
Tiếng hát ai xao động
Thoáng mùi hoa êm đềm


Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó
Những bạn bè chung
Những con đường nhỏ


Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào anh lại quên em
Có lẽ nào anh lại quên em."
***
Chiều tối ra đường, con tim già cỗi đang trăn trở vì lễ hội "Ngàn năm Thăng long" bỗng loạn nhịp, một thứ mùi hương hoa hăng hắc đang len lỏi qua từng thùng sulo đựng rác mà lan toả ra từng ngóc ngách, xó phố. Bỗng chợt nhớ đến ca khúc một thời làm xao động biết bao con tim ông già bà trẻ, từ thôn quê đến thành thị, ca khúc "Hoa sữa" của nhạc sỹ Hồng Đăng.
Ông đèn đỏ này hẳn đã có một tuổi thơ đầy mộng mơ và chắc cũng không thiếu lãng mạn:
"...Em vẫn từng đợi anh
Trên những chặng đường quen
Tiếng hát ai xao động
Thoáng mùi hoa êm đềm.."
Và ông chắc cũng đẹp "chai", được một người đàn bà ngóng đợi thì hẳn là sướng lắm, không sướng sao được, người như tôi đây, ước cả đời có một người con gái khắc khỏai ngóng chờ mình thì sướng lắm, sướng đến độ coi tốt thành ra xấu, thơm thành ra thối và bạn thành ra thù ngay, cho nên từ một loài cây thối hoắc, vô danh, có khi còn gây bệnh dị ứng, qua cái sướng của ông nhạc sỹ biến ngay thành một loài cây lãng mạn, không có không được, loài cây có hương hoa làm biết bao con tim thổn thức!!! hix
Một bài hát hay, một ca khúc lãng mạn giống như làn gió mát đến đúng lúc giữa trưa hè. Cuộc sống vui hơn, tình người sâu đậm hơn, tình yêu đôi lứa được tôn vinh, những điều đó đáng được biểu dương chứ! Nhưng trò đời, cái gì đi quá lên đều bất cập, bạn thưởng thức một tô phở lúc đang đói, tô phở đó ngon lắm chứ! nhưng ép bạn ăn thêm đến bốn năm tô thì sao nhỉ? Chán phè.
Một bà vợ yêu, đến bà thứ hai, lại thêm bà nữa, ở tuổi xấp xỉ lục tuần thì có chán không? là con người thì có khi lại khác, lại phải xem bà ấy có nhòm ngó cái túi mới hơi dày dày của mình hay không mới nói được có "chán phè" hay không! hế hế
Nhưng với cái cây hoa sữa này thì buồn thực sự, nói thế không phải vì gét bỏ gì nó, nói là nói cái sự tình của người đời. Hoa sữa từ thời xa xưa được trồng trên một đoạn phố Nguyễn Du, bên bờ hồ Hale thơ mộng, nhiều người dân lân cận cảm thấy phiền lòng vì thứ mùi hăng hắc vì lòai cây có dầu này, lúc đầu nó có ít nên thực ra cũng có thể chịu đựng được, thậm chí đó cũng là một điều rất riêng với những ai đó nặng tình. Khi bài hát được phổ biến, người ta bèn lấy đó làm tiêu chuẩn của sự lãng mạn, có khi lại là hồn cốt Thăng long nữa, nói đến Hà nội là phải nói đến Hoa sữa, thế là lòai cây này được trồng tràn lan, Hà nội một trồng, Hà nội hai trồng, thành phố trồng, nông thôn trồng, biệt thự trồng rồi đến lều vịt cũng trồng, Hoa sữa được trồng đại trà khắp đất nước mà không thấy được sự lố bịch, học đòi của kẻ tầm thường.
Dân trí thấp, mà quan trí lại càng thấp hơn. Hoa sữa là việc nhỏ nhưng cách "đối nhân xử thế" dạng "Hoa sữa" mới làm chúng ta quan ngại.
Hoa sữa nở giữa những ngày kỷ niệm ngàn năm Thăng long, hy vọng mùi hương của nó bớt chút nồng nặc cho người Hà nội đích thực dễ thở hơn một chút. Hy vọng bé nhỏ cho những ngày mong chờ một sự đổi thay tích cực.
Dù có thế nào thì bài hát vẫn hay, mời các bạn nghe lại ca khúc "Hoa Sữa" của Hồng Đăng.Bài hát do ca sỹ Mỹ Linh trình bày.

"Người ngoài hành tinh đã vô hiệu hóa tên lửa hạt nhân"

(GD&TĐ) – Nghe giống như chuyện viễn tưởng nhưng nếu các quân nhân không lực Mỹ đã tin là có thì đây không còn là chuyện khoa học viễn tưởng.
Họ cho rằng kể từ năm 1948, người ngoài hành tinh đã lượn lờ trên những căn cứ có tên lửa hạt nhân của Mỹ và Anh và vô hiệu hóa chúng, thậm chí, có lần nó còn hạ cánh xuống một căn cứ của Anh.
Hơn nữa, họ cho biết chính phủ 2 nước đang bưng bít những hoạt động này.
Cựu cơ trưởng Robert Salas cùng với 6 người khác sẽ phá vỡ sự im lặng về vấn đề này. Ông nói: “Chúng tôi đang nói về những vật thể bay không xác định, đơn giản vậy thôi. Không lực Mỹ đang nói dối về những chuyện liên quan đến an ninh quốc gia của những vật thể bay không xác định tại các căn cứ hạt nhân và chúng tôi có thể chứng minh điều này” – ông nói.


He he! Đề tài này luôn là chuyện giật gân, có nhiều người không tin nhưng vẫn muốn xem, người tin thì khỏi phải nói, mê muội luôn. Nhưng đúng là nên có mấy ông "Thần" này mới được, cứu cánh của loài người hay là tai hoạ của loài người đây?
Xem tiếp trên trang Giáo dục&Thời đại

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Về một thành ngữ xưa

Tai nạn giao thông(ảnh minh hoạ, nguồn internet)
***
"Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại"
Câu thành ngữ xưa nói về một tật xấu, chỉ những người chỉ biết mình mà không biết người. Các cụ xưa đã biết phê phán sự vô cảm. Ngày nay có một thời, tình người đã đầy ắp, hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, chung sức vượt qua một thời hoạn nạn. Âý vậy mà khi đất nước thanh bình, đời sống có phần nâng cao mà một khi tính thị trường(nói nôm là tính chợ búa) phát triển thì đạo đức con người có vẻ xuống cấp trầm trọng.
"Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" chỉ là câu ví von cho bản chất ích kỷ của người đời. Cái câu "đèn nhà ai nhà ấy rạng" khả dĩ còn lương tâm hơn vì chỉ ở mức độ lo cho nhà mình sáng còn hàng xóm có tối một tý cũng không sao. Nhưng thấy nhà hàng xóm cháy mà đứng im, nếu có mâu thuẫn thì có khi còn vỗ tay sung sướng thì con người đó, xã hội đó hết thuốc chữa rồi. Có biết đâu vì sát vách, nhà nó cháy thì cháy lan cả sang nhà mình. Nhà mình khoá kín không có đường thoát, hàng xóm đứng ngoài nó lại cười hề hề!
Mấy hôm trước, khu tập thể Xí nghiệp dược phẩm trung ương hai xẩy cháy, khu này cũng lắm lính Trỗi từng trải qua tuổi thơ ở đây, k4 có Huy Tưởng, k7,8 có Chú Chính, Vũ v..v.
Bà mẹ tôi cũng sống ở đó với chú em. Tầng dưới đi làm không tắt điện để chập mạch cháy rụi cả nhà, cháy lan cả lên các tầng trên, bà già tôi suýt chết ngạt vì khói, may lần mò được ra cửa, đến hôm nay vẫn thở ra toàn mùi khói, điều hoà này kia là cháy sạch nhưng còn may là còn người, nhà tầng trên gọi thằng làm cháy lên bắt kiểm tra máy móc có ý bắt đền, thằng bé bước chân ra mái nhà lợp tôn thì bị điện rò rỉ giật tung người, chết không kịp ngáp, đi tong một cuộc đời chỉ vì bất cẩn. Khu đó nhiều ma, người ta bảo vậy, mà đúng là nhiều chuyện thật, do ma làm, ai không tin cứ đến đó mà xem, có thằng đang tự nhiên rơi toẹt từ nóc tầng bốn xuống mà không làm sao cả, nó vướng vào sợi dây phơi, ngã xuống rồi đứng dậy đi chơi như không! Cái nhà kia thì không may mắn như vậy, cháy tan nhà rồi lại chết cả người, mà trước khi chết còn phải nhìn nhà mình cháy tan hoang đã chứ! sợ.
Kể cho vui thôi, chứ điều tôi định nói là gần đây, đọc báo chính thống thấy đưa tin Năm anh em trên một chiếc xe Điên, đâm người rồi bỏ chạy, đâm tiếp mấy cú nữa mới bị bắt.(VTC News) "– Khoảng 23 giờ ngày 18/9, một chiếc xe hiệu Captiva Chevrolet dường như trong trạng thái “mất kiểm soát” đâm liên tiếp vào nhiều chiếc xe máy trên phố Lý Thường Kiệt và bỏ chạy. Cuộc tháo chạy bất thành khi chiếc xe đâm nát một xe máy trên phố Khâm Thiên. " Xem tin ở đây Tai nạn giao thông trong điều kiện hiện nay e cũng không có gì lạ lắm. Ra đường là gặp tai nạn, nhưng cái cách người ta đối mặt với tai nạn mới là điều đáng nói, nhân chứng kể lại rằng người lái xe đâm người nhưng không dừng lại, cố tình cho xe tiến đè chết nạn nhân- lại vẫn là quan niệm đâm người thì cho chết luôn, để ngắc ngoải nuôi tốn hơn đi tù.
Nạn nhân là một chú bé mới 17 tuổi, cả một cuộc đời rộng lớn đang đón chờ đột nhiên khép lại, gia đình chú đang lập một trang riêng trên Facebook mong mỏi công dân mạng lên tiếng đòi lại công bằng cho em.
Có thật là có quan niệm đó hay không ? và vì sao một mạng người trong thời buổi này rẻ mạt và mong manh làm vậy!
Chúng ta có thể không quan tâm, cháy nhà người ta không phải cháy nhà mình, một khi nhà mình cháy thì sao đây?
Một xã hội tân tiến không thể để xảy ra những điều như vậy, mỗi người một tay, chung sức đồng lòng thì cái xấu không thể tồn tại được. "Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" là một thành ngữ cần phải được xóa bỏ trong tâm thức người Việt.

(ảnh minh hoạ, nguồn internet)

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Rằm trung thu

Đêm nay là Rằm Trung thu, các cháu sẽ có một đêm vui vẻ, ông bà cha mẹ cũng sẽ nhân kỳ trăng tròn tháng tám mà có dịp ngắm hoa thưởng nguyệt, người ngèo cũng cố dăm ba cái bánh nướng bánh dẻo, vài thứ hoa quả đơn sơ bưởi chuối vườn nhà, nếu lo đến cái chức vị cỏn con thì còn phải lo đồ đi thăm xếp. Người có tý máu mặt ngoài việc lo tìm đầy đủ của ngon vật lạ cúng tế tổ tiên lại còn phải lo tiếp đón nhân viên đến thăm nhà, lo đến thăm sức khoẻ cấp trên không “bà chị” lườm nguýt. Ai cũng khổ, chỉ có trẻ con là sướng. Chả thế mà Lão Ngoan đồng cứ thích làm trẻ con mãi, râu tóc bạc phơ nhưng mãi chả chịu lớn.
Một ngàn năm nô dịch văn hoá cũng để lại nhiều hệ luỵ. Riêng cái Tết Trung thu này người Hán đưa vào nước ta và được các cụ Việt hoá thành nhiều nét độc đáo, nhiều phong tục mà nếu không để ý thì khó nhận thấy, ví như ở TQ người ta chỉ múa lân, múa sư tử vào dịp Tết nguyên đán, nhưng ở VN thì rằm trung thu mới có múa lân, múa sư tử .
Ngày rằm tháng Tám, nhân dân ta quan sát màu sắc của Trăng để tiên đoán mùa màng. Trăng vàng: được mùa tơ tằm. Trăng xanh lục: hạn hán, bão lụt, mất mùa. Trăng màu da cam: nước thịnh trị, thái bình. Người Trung Hoa không có phong tục này. Lại có chuyện thế này. Cuối đời Tây Hán bên Tầu, Vương Mãng cướp ngôi Vua. Lưu Tú nổi lên chống Vương Mãng. Lưu Tú bị vây hãm, quân tướng đói khát rã rời. Lưu Tú bày hương án cầu trời. Dường như lời khẩn cầu động tới Thiên Đình, quân lính đào được khoai môn bùi ngon, ăn qua cơn đói và tìm thấy cả những quả bưởi thơm ngọt Hix. Sau đó, viện binh đến cứu Lưu Tú . Ngày Lưu cầu trời là ngày rằm tháng Tám. Vương Mãng bị giết. Hai năm sau, Lưu Tú lên ngôi Vua lấy tên là Quang Vũ (nhà Hậu Hán hay Đông Hán) lấy ngày rằm tháng Tám kỷ niệm tạ trời đất, cúng khoai và bưởi, có cả các loại bánh "Trung thu " tiền thân của các loại bánh nướng bánh dẻo ngày nay đấy. Thỉnh thoảng gần đây trên đường phố Hà nội có thấy bán lọai bánh dẻo có mầu tim tím giống màu khoai môn, bánh Tầu đấy. Cho đúng với cái tích Lưu Vũ được trời cho khoai môn, người Việt ăn mà chẳng biết cái gốc nó thế nào, buồn thế!
Ở ta ngày rằm trung thu còn có tục Hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng. Tết Trung Thu của người Hoa không có phong tục này.
Tết trung thu còn có tục rước đèn, bày cỗ trông trăng, chơi đèn kéo quân, các tục này đều có sự tích của nó cả nhưng đều là tích Tầu, riêng có sự tích chú cuội thì nghe cái tên có vẻ như Việt trăm phần trăm bởi chú có cái quạt mo, cái quạt mo ấy giờ không biết giá trị được bao lăm, cứ lên Hàng Mã thì biết là đã đến thời Hán hoá trở lại rồi, có người Việt tâm đắc với con “tu huýt” cổ xưa để rồi thở dài ngao ngán. Chỉ mong trong sâu thẳm tâm tư những người Việt đích thực vẫn giữ và lưu truyền cho con cháu những giá trị tinh thần thuần chất mà vì thế qua bao đời bị đồng hoá vẫn tồn tại hiên ngang một tộc Việt huy hoàng bên bờ biển Đông.

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Bạn tôi ở Nghệ an

Gia đình Thúc Minh, anh hiện đang sống tại thành phố Vinh, Nghệ an, một gia đình nhỏ và hạnh phúc. Thúc Minh là cựu học sinh trường văn hoá quân đội Nguyễn văn Trỗi, anh đã từng tham gia quân đội, chiến đấu tại chiến trường Lào trong đội hình tỉnh đội Nghệ an, nhìn cuộc sống gia đình TM ít ai nghĩ rằng bố anh là ông Võ Thúc Đồng, UVTW,cựu bí thư tỉnh uỷ Nghệ an, một cuộc sống dản dị,thanh bạch nhưng đầy ắp những nụ cười, chúc cho cuộc sống của vợ chồng bạn luôn vui vẻ, lạc quan yêu đời, các cháu ngoan ngoãn, học hành giỏi, trở thành những công dân tốt và có ích cho cộng đồng.